Vấn đề xóa bỏ độc quyền và xã hội hóa lĩnh vực truyền hình

Một phần của tài liệu Các mô hình xã hội hóa của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC giai đoạn 2009 - 2012 (Trang 37 - 40)

7. Kết cấu của luận văn

1.5.1. Vấn đề xóa bỏ độc quyền và xã hội hóa lĩnh vực truyền hình

Truyền hình là loại sản phẩm vật chất đặc biệt. Nó không chỉ là hàng hóa thông thường mà còn là một loại sản phẩm mang tính đại chúng, tính công cộng cao. Trước yêu cầu phát triển, cần phải có một quan điểm tích cực trong triển khai các hoạt động kinh doanh, tìm kiếm nguồn thu. Tuy nhiên, trước kinh doanh, các sản phẩm truyền hình phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh của công chúng. Việc xã hội hóa các hoạt động của truyền hình đã và sẽ là một khuynh hướng tất yếu trong thời gian tới. Chỉ có thể để cho công chúng ngày một tham gia nhiều hơn vào các công đoạn sản xuất của mình và hướng hoạt động sản xuất đến phục vụ và thoả mãn nhu cầu xem của công chúng, truyền hình mới có điều kiện thuận lợi để phát triển, giữ được ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay.

Việc XHH chương trình truyền hình cần mở rộng hình thức hợp tác: bất kể đơn vị nào, dù là tư nhân hay Nhà nước đều có thể đảm nhiệm trọn gói sản xuất một chương trình truyền hình; trước đây họ cộng tác với đài truyền hình thì nay họ là đối tác bình đẳng và có quyền độc lập rất cao trong việc tổ chức sản xuất chương trình. Bản chất XHH chương trình truyền hình không phải là vấn đề tài chính mà là vấn đề lao động, và bản chất vấn đề lao động là trí tuệ, chất xám. Vì vậy, đề cập đến XHH chương trình truyền hình ở ý nghĩa sâu xa nhất là tìm ra một cơ chế để huy động trí tuệ cả nước làm chương trình truyền hình.

Trước tiên phải nói đến hình thức hợp tác sản xuất chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1978, sau 8 năm ra đời và phát triển, Đài TH Việt Nam đã XHH với những cơ quan bên ngoài để sản xuất các chương trình về nội dung kế hoạch hóa gia đình, văn nghệ và khoa giáo. Sau đó Đài đã mở rộng hợp tác sản xuất chương trình. Ví dụ: Chuyên mục “Phụ nữ” phát sóng trên VTV được phối hợp thực hiện với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, “Lao động và Công đoàn” được thực hiện trên cơ sở phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Đây là sự phối hợp về ý tưởng hay một phần nội dung của chương trình.

Ngay sau đó thì hình thức phối hợp để sản xuất hoàn thiện cả chương trình đã được thực hiện trong đó có những chương trình vẫn được duy trì phối hợp thực hiện đến ngày hôm nay như chương trình Vì an ninh Tổ quốc, Quân đội Nhân dân…

Không chỉ dừng lại ở đó mà lúc này, hình thức liên kết sản xuất xuất hiện thêm một hình thức mới đó là các công ty liên doanh liên kết trực tiếp với Đài Truyền hình Việt Nam. Và cũng từ đây mô hình xã hội hóa toàn kênh đã ra đời trên hệ thống của truyền hình cáp là VCTV và SCTV.

Bước ngoặt cho việc phá vỡ thế độc quyền trên thị trường truyền hình phải nói đến đó là sự ra đời của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trực thuộc Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam (VTC), được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 2004. Truyền hình kỹ thuật số VTC phát chương trình kỹ thuật số DVB T, hệ PAL. Các kênh còn lại được thu trên đầu thu kỹ thuật số, truyền hình cáp, trong đó có một số kênh mã hóa irdeto đòi hỏi phải dùng thẻ giải mã. Đài THKTS VTC sản xuất 15 kênh truyền hình quảng bá theo tiêu chuẩn SD, 4 kênh truyền hình trả tiền theo tiêu chuẩn HD.

Lúc này cụm từ “nhà nhà làm truyền hình” được nhiều người dùng đến khi nói về sự phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam. Và sau đó là thời gian chạy đua của việc xã hội hóa truyền hình với các hình thức “mua kênh, bán sóng”.

Có thể lấy một ví dụ điển hình, Kênh Truyền hình InfoTV - Kênh thông tin Tài chính - Kinh tế ra đời vào năm 2007. Đây là kênh truyền hình chuyên biệt về kinh tế tài chính, chứng khoán đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tại thời điểm đó. Tính đến nay, đây vẫn là kênh thông tin tài chính kinh tế chuyên biệt đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, phát sóng trên toàn quốc thông qua hệ thống truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh DTH và trao đổi bản quyền với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền khác tại Việt Nam. Đây là kênh truyền hình được đầu tư lớn và cũng là một trong những kênh truyền hình có doanh thu từ quảng cáo, tài trợ lớn nhất trong hệ thống kênh truyền hình trả tiền của Truyền hình Việt Nam. Từ việc xác định tập khán giả là giới đầu tư, doanh nhân doanh nghiệp, người có thu nhập cao,

khách hàng tài trợ quảng cáo là các ngân hàng, tập đoàn tài chính đầy lợi thế, InfoTV tự tin sẽ phát triển thành một kênh truyền hình hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực kinh tế, tài chính và chứng khoán. InfoTV thu hút không chỉ giới kinh tế, tài chính Việt Nam mà còn từng bước khẳng định vị trí là một kênh thông tin quan trọng tới các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện tại, InfoTV sản xuất 150 phút tin tức hàng ngày và có 5 bản tin: Bản tin chứng khoán Info (17h30, 19h45 và phát lại 7h00 sáng hôm sau), Bản tin Kinh tế (18h30, phát lại 21h00), Bản tin Xuất nhập khẩu (16h30, phát lại 20h30), Bản tin thị trường 365 (12h00, phát lại 18h00), Bản tin trước giờ mở cửa 8h00 hàng ngày và sẽ tiếp tục ra mắt những chuyên mục mới nhằm mang đến cái nhìn toàn cảnh về kinh tế, tài chính, chứng khoán, thị trường trong và ngoài nước.

Hầu hết các đài truyền hình lớn ở nước ta như: VTV, VTC, HTV, BTV, ĐN…, chưa kể số lượng kênh trên truyền hình cáp: HTVC, SCTV, VCTV... đã được nhà nước khuyến khích, cho phép xã hội hóa. Đã có thời điểm việc đầu tư kinh doanh sóng truyền hình được xem vừa thức thời, khuếch trương thanh thế, vừa chứng tỏ “đẳng cấp” doanh nghiệp. Trên thực tế, với danh nghĩa xã hội hóa truyền hình, đã có rất nhiều kênh truyền hình do các đơn vị tư nhân thực hiện toàn bộ nội dung phát sóng. Một số mô hình xã hội hoá đã triển khai như: HTV1 với sự tham gia của Công ty Vân Thanh Long, HTV2 với Đất Việt, HTV3 với Trí Việt Media, YAN TV (SCTV) do Quỹ đầu tư IDG, VBC (VTC5) của Tập đoàn Tân Tạo, Today TV (VTC7) của Công ty cổ phần Quốc tế truyền thông IMC (với các cổ đông Habubank, Tân Hiệp Phát, bánh Kinh Đô…), Let’sViet (VTC9) do Lasta đầu tư xã hội hoá… Về bản chất, các đối tác xã hội hoá truyền hình đều là các doanh nghiệp tư nhân. Nhu cầu sở hữu tư nhân gắn liền với xu hướng xã hội hóa truyền hình. Đây chính là một hình thức huy động sự tham gia sản xuất và phát triển các kênh truyền hình ngày một hiệu quả và đa dạng hơn.

Nhưng cái sự phổ quát những phần cứng của công nghiệp truyền hình đặt ra vấn đề còn bức xúc hơn: làm thế nào để khán giả Việt Nam có thể nhận diện được ngần ấy kênh truyền hình đang bủa vây quanh họ. Mỗi kênh truyền hình được giả

định để phục vụ cho một nhóm người xem đặc thù nào đấy: người trẻ (VTV6), người Việt ở nước ngoài (VTV4) hay bà con dân tộc (VTV5)... hoặc một dạng hoạt động sống nào đấy như: Kênh Thông tin Kinh tế (InfoTV), Kênh Sức khoẻ (O2TV) hoặc Kênh Thể thao (VCTV3)... Về lý thuyết, khi thuyết minh cho sự ra đời của một kênh truyền hình là như thế nhưng thực tế thì sự khác biệt sẽ chỉ có được khi nội dung của các chương trình, tạm quy ước là phần mềm của công nghiệp truyền hình, có sắc thái riêng.

Một phần của tài liệu Các mô hình xã hội hóa của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC giai đoạn 2009 - 2012 (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)