Ngày nay các tác giả đồng ý rằng phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn đầu tiên cho ung thư tuyến giáp, mặc dù mức độ lấy rộng của phẫu thuật thì có thay đổi và còn bàn cãi.
* Điều trị phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào loại mô bệnh học, vị trí u, kích thước u, số lượng u, tuổi và tình trạng di căn, cũng như nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao hay thấp (tuổi < 45 kích thước u < 1 cm): cắt thùy giáp có u, cắt u và tuyến giáp gần toàn bộ, cắt tuyến giáp toàn bộ phối hợp với nạo vét hạch cổ chọn lọc [9], [13], [15].
* Điều trị nội tiết
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (nhú, nang) đáp ứng tốt với điều trị hóc môn: TSH là một hóc môn của tuyến yên có tác dụng kích thích sự phát triển của
tế bào giáp lành và ác. Dùng hóc môn T4 hoặc T3 liều cao (200ug) để ức chế sự
tiết ra TSH của tuyến yên, do đó làm giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ và di căn xa. Đây là một phương pháp điều trị hỗ trợ với mục đích ngăn ngừa tái phát sau mổ, mang lại sự phục hồi tạm thời đôi khi là lâu dài đối với các di căn [9], [13].
* Xạ trị
Sử dụng đồng vị phóng xạ I131 với chỉ định: tiêu diệt phần mô giáp còn sót
lại sau mổ, bệnh nhân phẫu thuật không triệt căn hoặc tái phát tại chỗ, có di căn xa, không có dấu hiệu tái phát trên lâm sàng mà có thyroglobulin tăng sau mổ.
Xạ trị ngoài chỉ định cho các trường hợp phẫu thuật không lấy hết được tổ chức ung thư, có nguy cơ tái phát, ung thư thể không biệt hóa hoặc phối hợp
với I132 để tăng hiệu quả của iod phóng xạ. Liều tia thường dùng từ 50 - 60 Gy
* Hóa trị
Hóa chất ít được áp dụng trong ung thư tuyến giáp vì hiệu quả kém, nhất là loại biệt hóa. Thường được dùng phối hợp trong điều trị ung thư thể không biệt hóa với xạ trị ngoài. Loại hóa chất hay được sử dụng là Doxorubicin đơn thuần hoặc phối hợp với Cisplatin [9], [13], [14].