Về hình dạng chúng tôi phân loại các bướu thành 2 nhóm: nhóm có hình dạng là chiều cao > chiều rộng và ngược lại. Theo nhiều nghiên cứu trước, dấu hiệu chiều cao > chiều rộng rất đặc hiệu (độ đặc hiệu 93%) để phân biệt bướu lành tính và ác tính [21], [37].
Sự phát triển của ung thư giáp cũng giống như sự phát triển của ung thư vú, các bướu ác tính thường phát triển xuyên qua mặt phẳng của mô bình thường, trong khi các bướu lành tính thường phát triển song song với mặt phẳng của mô bình thường. Do vậy các bướu ác tính thường có hình dạng chiều cao > chiều rộng còn các bướu lành tính thường có hình ovan (có chiều rộng >chiều cao) [12], [37].
Nghiên cứu của chúng tôi hầu hết bướu lành tính có dạng chiều rộng ≥ chiều cao chiếm 99,14%, đặc điểm chiều cao > chiều rộng gặp ở nhóm ác tính là 21,4%, nhóm lành tính chỉ có 0,86%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p= 0,001. Kết quả của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu được công bố trước đó và các nghiên cứu gần đây như:
Nghiên cứu của Kwak và cs (2011) đặc điểm chiều cao > chiều rộng gặp với tần suất khá cao ở nhóm ác tính (51%) trong khi ở nhóm bướu lành tính chỉ chiếm 4%. Hầu hết bướu lành tính có hình dạng chiều rộng ≥ chiều cao (96%) [24].
Nghiên cứu của Moon và cs (2008) đặc điểm chiều cao > chiều rộng ở nhóm ác tính là 40%, ở nhóm lành tính chỉ chiếm 8,6%. Chiều rộng ≥ chiều cao ở nhóm lành tính là 90,6% còn ở nhóm ác tính là 57,8% [21].
Như vậy dấu hiệu chiều cao > chiều rộng là đặc điểm siêu âm gợi ý nhiều đến bướu ác tính.
A B
BN Nguyễn Thị N; MHS: 13071634 BN Nguyễn Văn T; MHS: 13042368
Hình 4.1. Hình dạng bướu giáp nhân
(A. Bướu có chiều rộng > chiều cao, B. Bướu có chiều cao>chiều rộng)