Trung Quốc có truyền thống hạn chế nhập khẩu thông qua sử dụng các biện pháp thuế quan và các loại thuế khác cao, quota hoặc các biện pháp phi thuế quan khác, và hạn chế trong thương quyền. Năm 2002, Trung Quốc đã giảm mức thuế quan đáng kể cho rất nhiều sản phẩm và một số hàng hóa liên quan đến quota nhập khẩu, mở rộng thương quyền cho các doanh nghiệp Trung Quốc, và tăng tính minh bạch cho các thủ tục cấp phép.
Trong năm 2003, trong khi Trung Quốc tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết và có những nỗ lực cải cách thì sự quan liêu trì trệ và sự bảo hộ các ngành công nghiệp nhạy cảm đã làm giảm những nỗ lực của năm trước. Năm 2004, Trung Quốc tiến bộ trong việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan ràng buộc bao gồm cả những vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc tiếp tục tham gia vào Hiệp định Công nghệ Thông tin và thực hiện đầy đủ các cam kết về thương quyền.
a) Thương quyền
Trước khi gia nhập WTO, Trung Quốc hạn chế số lượng và loại hình các thực thể với các quyền thương mại. Chỉ có những công ty trong nước và nước ngoài với thương quyền mới có thể nhập hàng hóa vào hoặc xuất hàng hóa đi. Sự hạn chế về mặt số lượng và loại hình với các quyền thương mại đã tác động một cách có hệ thống đến tính hiệu quả của hệ thống thương quyền Trung Quốc và tạo ra nạn buôn lậu và tham nhũng. Trong các điều khoản gia nhập WTO, Trung Quốc cam kết sẽ tự do hóa hơn nữa lĩnh vực thương quyền. Cụ thể là, Trung Quốc đã cam kết hủy bỏ hệ thống kiểm tra và cấp phép quyền thương mại tiến đến xây dựng hệ thống thương quyền tự động cho tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc, các công ty liên doanh, công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty tư nhân trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO, cùng thời điểm với thời gian dự kiến để hủy bỏ tất cả các hạn chế trong lĩnh vực phân phối.
b) Thuế quan
Trung Quốc cam kết thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu cho các hàng hóa công nghiệp để tiếp tục mở cửa thị trường rộng hơn nữa. Thuế nhập khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc theo đó sẽ giảm đến 8,5% từ mức 25% năm 1997.
Thuế cho các mặt hàng nông sản sẽ được giảm đến 17%. Một số dòng thuế sẽ cắt giảm nhiều hơn cho các mặt hàng có ưu tiên của Hoa Kỳ, trung bình sẽ giảm đến 14,5%.
Trung Quốc có thể áp dụng các mức thuế thấp hơn mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc trong trường hợp các hàng hóa áp thuế được chính phủ xác định là cần thiết cho sự phát triển của các ngành trọng điểm. Mức thuế dành cho quy chế đãi ngộ tối huệ quốc được áp dụng cho các hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ một nước thành viên WTO và các điều khoản quy chế tối huệ quốc được áp dụng cho nước này; và cho các hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có thiết lập hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc bao gồm các điều khoản đối xử đãi ngộ tối huệ quốc; và cho các hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ các vùng lãnh thổ trực thuộc Trung Quốc.
Trung Quốc tham gia hiệp định Công nghệ Thông tin và cam kết hủy bỏ các dòng thuế áp dụng cho 2/3 các sản phẩm như máy tính, bộ bán dẫn và các sản phẩm công nghệ thông tin khác thuộc hiệp định này vào tháng 1 năm 2003 và sẽ hủy bỏ tiếp các dòng thuế áp dụng cho các sản phẩm còn lại vào ngày 1 tháng 1 năm 2005. Các sản phẩm thuộc các lĩnh vực khác Trung Quốc đồng ý tiến hành cắt giảm thuế bao gồm: mỹ phẩm, rượu qua chưng cất, dụng cụ y tế, xe máy, các sản phẩm giấy, thiết bị khoa học và dệt may.
c) Định giá hải quan
Trung Quốc đồng ý thực hiện các nghĩa vụ của Hiệp định Định giá Hải quan ngay sau khi gia nhập WTO mà không cần có giai đoạn chuyển tiếp. Trung Quốc đồng ý không sử dụng giá tối thiểu hoặc giá tham chiếu như một phương pháp để xác định giá trị hải quan. Giá trị thuế phải nộp cho một hàng hóa nhập khẩu là giá CIF, bao gồm giá giao dịch thông thường của hàng hóa đó cộng thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, bảo hiểm và lợi nhuận của người bán. Hải quan Trung Quốc sử dụng phương pháp đánh giá trị giá hợp lý cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu. Giá trị hàng hóa nhập khẩu sẽ được đối chiếu với dữ liệu các hàng hóa nhập khẩu bao gồm giá thị trường quốc tế, giá thị trường trong và ngoài nước.
d) Quy tắc xuất xứ
Trung Quốc cam kết tuân thủ mọi quy định của Hiệp định Quy tắc xuất xứ của WTO và đồng thời khẳng định sẽ áp dụng quy chế xuất xứ một cách bình đẳng cho mọi mục đích và không sử dụng quy chế xuất xứ như một công cụ để theo đuổi các mục tiêu thương mại gián tiếp và trực tiếp.
e) Giấy phép nhập khẩu
Trung Quốc cam kết thực hiện hiệp định giấy phép nhập khẩu của WTO cho phép các quốc gia thành viên được sử dụng giấy phép nhập khẩu trong thương mại. Mục đích của Hiệp định này không phải là các quốc gia sử dụng giấy phép nhập khẩu như là một hình thức của hàng rào thương mại mà nhằm nâng cao tính minh bạch.
f) Các biện pháp phi thuế quan
Từ năm 1992 đến năm 2001, Trung Quốc đã tự nguyện loại bỏ các biện pháp phi thuế quan một cách thành công bao gồm quota nhập khẩu, giấy phép xuất nhập khẩu cho các hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc tiếp tục loại bỏ 221 dòng thuế áp dụng cho các sản phẩm điện tử và máy móc theo các biện pháp phi thuế quan từ ngày 1 tháng 1 năm 2002. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2004, Trung Quốc tiếp tục hủy bỏ 24 dòng thuế cho các hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến các biện pháp phi thuế quan. Như vậy, tính đến thời điểm năm 2004 chỉ còn 123 dòng thuế của các hàng hóa nhập khẩu là còn áp dụng quota, giấy phép xuất nhập khẩu bao gồm xe ôtô và các bộ phận chính, các thiết bị đĩa laser, hóa chất, các sản phẩm liên quan đến hóa chất ôzôn.
g) Cấm/Hạn chế định lượng nhập khẩu
Trung Quốc cấm nhập khẩu các mặt hàng sau đây: Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trừ vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; Các loại ma túy; Các loại hóa chất độc; Sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động.
h) Các quy định nhập khẩu khác
Thuế chống bán phá giá
Trung Quốc cam kết hiệu chỉnh các quy định về thuế chống bán phá giá cho phù hợp với hiệp định chống bán phá giá của WTO tại thời điểm gia nhập. Trung Quốc nổi lên là một trong những nước sử dụng các biện pháp chống bán phá giá với 58 biện pháp chống bán phá giá áp dụng cho 17 quốc gia và 35 biện pháp chống bán giá đang được điều tra.
Thuế đối kháng
Trung Quốc cam kết sửa đổi các quy định và quy trình về các biện pháp đối kháng cho phù hợp với Hiệp định Trợ cấp và Đối kháng của WTO
Tự vệ
Trung Quốc cam kết sửa đổi các quy định và quy trình về các biện pháp đối kháng cho phù hợp với Hiệp định Tự vệ của WTO.