Quan hệ Việt - Trung kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đã không ngừng phát triển và ngày càng được củng cố toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên các mặt: chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội...Lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước, các Bộ, Ngành, Chủ tịch các tỉnh thành, các doanh nghiệp liên tục trao đổi, thăm viếng chính thức lẫn nhau, ký kết hàng loạt Hiệp định, Nghị định thư và nhiều văn kiện pháp lý trên mọi lĩnh vực tạo điều kiện cho quan hệ hai nước không ngừng phát triển. Trung Quốc đã điều chỉnh các chính sách theo hướng coi
trọng quan hệ với Việt Nam, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc vào đầu tư, hợp tác, buôn bán với Việt Nam và qua đó hướng xuống các nước ASEAN khác.
Hai bên đã thành lập Ủy ban điều phối hợp tác hai chính phủ do cấp Phó Thủ Tướng đứng đầu. Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại liên chính phủ cấp thứ trưởng đứng đầu (năm 2007 đã nâng lên cấp bộ trưởng) và nhiều cơ chế hợp tác khác đã đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới. Ngoài mối quan hệ song phương, hai nước cũng không ngừng tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương như ASEAN, APEC, WTO...
Hàng loạt các dự án hợp tác giữa hai nước, các tài trợ không hoàn lại, hay các khoản vay ưu đãi giữa hai chính phủ được triển khai như dự án cấp nước cho thành phố Hải Phòng, cải tạo kĩ thuật nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, cải tạo nhà máy phân đạm Bắc Giang, nâng cấp đường sắt Vinh - Hà Nội cùng rất nhiều dự án khác đã và đang được triển khai. Ngày 02/12/1992, Trung Quốc đã kí “Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật” cho Việt Nam vay không tính lãi 80 triệu NDT với thời hạn 5 năm (1993 – 1997) cho các dự án: Cải tạo nhà máy dệt 8/3, nhà máy phân đạm Bắc Giang, cung cấp thiết bị thủy điện nhỏ cho 5 tỉnh biên giới phía Bắc giải quyết nước uống cho người dân 5 tỉnh phía Bắc. Đây là mốc đánh dấu việc nối lại ODA của Trung Quốc dành cho Việt Nam. Từ đó đến năm 2006, Trung Quốc đã không ngừng tăng qui mô ưu đãi cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp nặng, khai thác khoáng sản, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất, cơ sở hạ tầng. Từ năm 1992 đến năm 1999, Trung Quốc đã kí kết nhiều hiệp ước viện trợ không hoàn lại và cho Việt Nam vay ưu đãi có giá trị lớn như: Dự án cải tạo kĩ thuật nhà máy gang thép Thái Nguyên và nhà máy phân đạm Hà Bắc (55,2 triệu USD gồm 36,8 triệu USD vay không lãi suất và 18,4 triệu USD viện trợ không hoàn lại); Dự án mở rộng các cơ sở sản xuất ở phía Bắc Việt Nam (cho vay ưu đãi 200 triệu NDT); Dự án đào tạo cán bộ Đảng, Chính phủ và cán bộ quản lý doanh nghiệp cấp cao của Việt Nam tại Trung Quốc (viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 20 triệu NDT). Trong giai đoạn 2000 – 2006, Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng tăng qui mô ODA dành cho Chính phủ Việt Nam. Ngày 25/9/2000, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phan Văn Khải, Trung Quốc đã cam kết với Việt Nam khoản tín dụng 300 triệu USD cho 4 dự án: Nhà máy điện Cao Ngạn (Thái Nguyên); Thủy Điện Rào Quán (Quảng Trị); Nhà máy liên hợp dệt Đà Nẵng và Nhà máy luyện đồng Sin Quyền – Lào Cai. Đến tháng 11/2001, Trung Quốc đã ký hiệp định cho Việt Nam vay ưu đãi 40,5 triệu USD và viện trợ không hoàn lại 30 triệu NDT để thực hiện dự án nhà máy luyện đồng Sin
Quyền – Lào Cai. Tháng 3/2002, nhân dịp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân thăm Việt Nam, Trung Quốc đã kí kết Hiệp định hợp tác kinh tế - kỹ thuật, hỗ trợ Việt Nam khoảng 100 triệu NDT. Năm 2003, hai nước đã kí kết thỏa thuận về hợp tác đầu tư Dự án cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt khu vực phía Bắc Việt Nam, trao đổi về khả năng hợp tác trong các dự án: Bôxít nhôm ở Đắc Nông, phát triển hệ thống đường sắt nhẹ tại Việt Nam. Năm 2005, Trung Quốc cho Việt Nam vay ưu đãi 550 triệu NDT để thực hiện Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh – Thành phố Hồ Chí Minh thuộc tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đặc biệt trong năm 2006, tổng số vốn ODA Trung Quốc cam kết dành cho Việt Nam lên đến 850 triệu USD trong đó có 225 triệu USD cho dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả giai đoạn 1, 550 triệu NDT (tương đương 68,8 triệu USD) cho dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt và bên lề Hội nghị lãnh đạo cấp cao ASEAN – Trung Quốc ở Philippin (12/2006), Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết sẵn sàng cung cấp vốn cho Việt Nam 500 triệu USD.
Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc đã tiến những bước quan trọng mà bằng chứng là kim ngạch buôn bán hai chiều và những dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 8 năm 1999 với 2 dự án có tổng vốn 15,35 triệu USD đầu tư xây dựng chợ Sắt (Hải Phòng) và kinh doanh nhà hàng ăn Trung Quốc (Hà Nội), nhưng đến năm 2012 số dự án đã lên đến 893 dự án với tổng số vốn đăng ký là 4.687,2 triệu USD. Năm 2005, Trung Quốc đã có 431 dự án với tổng vốn trên 841 triệu USD đầu tư tại 42 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đứng thứ 14 trong tổng số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung chủ yếu vào những địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và khai khoáng (chiếm trên 70% tổng dự án và xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư). Tiếp đến là dịch vụ, nông lâm-ngư-nghiệp và chế biến thuỷ sản, y tế-giáo dục. Nhìn chung các dự án đều có qui mô nhỏ, trung bình chỉ khoảng 2 triệu USD/ dự án.
Một dự án quan trọng và thành công nhất của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam là của Công ty liên doanh khai thác kinh doanh khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) tổng vốn đầu tư 26,5 triệu USD. Hai bên đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án lớn trị giá hàng trăm triệu USD bằng nguồn tín dụng ưu đãi chẳng hạn như dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên, dự án xây dựng đường sắt nhẹ Hà Nội - Hà Đông, xây
dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám ở Ninh Bình, khai thác bô xít Đắc Nông và đồng Sin Quyền, hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt khu vực phía bắc và một số dự án trong lĩnh vực hoá chất. Phía Việt Nam cũng rất quan tâm kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc tham gia vào các dự án đầu tư hoặc cung cấp thiệt bị đồng bộ cho Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc đều được quốc tế đánh giá là hai nước có nền kinh tế phát triển cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm qua, lại có một đường biên giới chung khá dài, và đã hình thành nhiều cặp chợ biên giới là những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng buôn bán giữa hai nước.
Đến cuối năm 2011, Trung Quốc có 833 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 4.338,4 triệu USD, đứng thứ 14 trong tổng số 96 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ví dụ: dự án Công ty TNHH Thông tin & Viễn Thông Di động S-telecom với tổng vốn đầu tư là 452,38 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực xây dựng khai thác dịch vụ mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động, dự án Công ty TNHH lốp xe Việt Luân với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lốp xe do Trung Quốc đầu tư. Trong khi đó Việt Nam mới có 10 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là 13 triệu USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ.
Bảng 3.4: Tình hình thu hút vốn FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2005 - 2012
Đơn vị: Triệu USD Theo từng năm Lũy kế các dự án còn hiệu lực Năm Số dự án Số vốn Số dự án Số vốn 2005 46 120,7 431 841,0 2006 77 401,3 508 1.242,3 2007 130 572,5 638 1.814,8 2008 73 373,5 711 2.188,3 2009 76 380,0 810 2.930,3 2010 105 685,0 770 3.680,2 2011 85 757,7 833 4.338,4 2012 76 371,2 893 4.687,2
Nguồn: Niên giám thống kê của Tổng cục thống kê