Thực trạng của việc bồi dưỡng năng lực giải toán cho học sinh trung học cơ sở

Một phần của tài liệu Vận dụng một số quy luật triết học duy vật biện chứng vào dạy học toán 8 góp phần bồi dưỡng năng lực giải toán cho học sinh Trung học cơ sở (Trang 39 - 42)

trung học cơ sở

Qua trao đổi với đồng nghiệp trong và ngoài trường truong học cơ sở Kim Đồng, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy:

* Những điểm mạnh

Trong những năm gần đây việc đổi mới phương pháp dạy học trong môn Toán ở trường trung học cơ sở đã có một số chuyển biến tích cực. Trong mỗi tiết dạy, giáo viên đã quan tâm đến việc chuyển từ truyền thụ một chiều, học tập thụ động, chủ yếu là ghi nhớ kiến thức để đối phó với thi cử sang học tập tích cực, chủ động, chú trọng hình thành năng lực tự học dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn, tổ chức của giáo viên. Các hình thức tổ chức dạy học đã được đổi mới làm cho việc học tập của học sinh trở nên lý thú, gắn với thực tiễn, gắn với cuộc sống; kết hợp dạy học cá nhân với dạy học theo nhóm nhỏ, tăng cường sự tương tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa học sinh trong quy trình giáo dục.

Bên cạnh việc phát huy những ưu điểm của các phương pháp dạy học truyền thống. Các phương pháp dạy học tích cực đã được các các thầy cô giáo quan tâm và vận dụng vào giờ dạy của mình. Giáo viên đã chú ý đến việc đặt mình là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý, tổ chức, giúp cho người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo nhiều hình thức học tập như: tranh luận, thảo luận theo nhóm, ... . Người thầy có vai trò là trọng tài, cố vấn điều khiển tiến trình giờ dạy; là người nêu tình huống, kích thích hứng thú, suy nghĩ và phân xử các ý kiến đối lập của học sinh; từ đó hệ thống hoá các vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những tri thức cần nắm vững.

Sách giáo khoa biên soạn theo chương trình năm 2002 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát huy năng lực giải toán của học sinh. Nhiều nội dung kiến thức đã được trình bày theo hướng mở, nhiều bài tập có thể khai thác theo nhiều hướng giải quyết khác nhau, một số bài tập được soạn theo hướng nhằm giúp học biết phát hiện và sửa chữa sai lầm.

* Những điểm còn hạn chế, tồn tại

Trong những năm gần đây các cấp quản lý giáo dục đã nhiều lần tổ chức các đợt chuyên đề nhằm bồi dưỡng khả năng đổi mới phương pháp dạy học ở mỗi giáo viên, nhưng thật sự vẫn chưa chuyển biến được cơ bản, một điều dễ thấy nhất là giáo viên vẫn phải xác định việc dạy của mình là "trung tâm" trong mỗi tiết học của học sinh vì "không dám" tổ chức việc học của học sinh làm "trung tâm" .

- Một bộ phận giáo viên vẫn coi mục tiêu giờ dạy trên lớp là "dạy hết những gì trong sách giáo khoa viết", rập khuôn cứng nhắc những bước mà sách giáo khoa, sách giáo viên gợi ý hướng dẫn thực hiện; ỷ lại vào các trang thiết bị dạy học đã có của nhà trường... dẫn đến quá tải trong việc thực hiện giờ dạy trên lớp.

- Năng lực của giáo viên trong việc tiếp cận với chương trình, đổi mới phương pháp dạy học không đồng đều ở các trường và các địa phương. Phương pháp dạy học của giáo viên còn gượng ép, thiếu sự sáng tạo coi nặng hình thức, chủ yếu lên lớp là thầy dạy và chưa lấy người học làm trung tâm trong quá trình nhận thức.

- Phần lớn giáo viên chưa thường xuyên bồi dưỡng cho học sinh giải bài toán theo nhiều cách khác nhau, ít khi giáo viên tạo cơ hội cho học sinh tiếp xúc những bài toán có dạng phát hiện và sửa chữa sai lầm. Đặc biệt, hầu hết giáo viên chưa cho học sinh phát biểu bài toán mới dựa vào bài toán đã giải nào đó.

- Giáo viên chưa chú ý vận dụng các quy luật triết học duy vật biện chứng trong dạy học toán nhằm bồi dưỡng năng lực giải toán cho học sinh. Giáo viên chưa quan tâm đúng mức việc bồi dưỡng năng lực giải toán cho học sinh.

- Còn nhiều học sinh chưa quen với các hoạt động do phương pháp dạy học tích cực mang lại, chưa có năng lực làm việc theo nhóm, học sinh chưa tích cực tư duy hoạt động trí não tìm tòi phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, tiếp thu kiến thức một cách thụ động nên dễ quên, không vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào giải toán, năng lực tự học còn hạn chế. Học sinh chưa có thói quen tư duy tìm tòi, sáng tạo, khai thác các vấn đề mới từ những cái đã biết, đã học.

- Số học sinh giỏi toán phân bố không đồng đều ở các trường, ở các địa phương. Ngay cả trong cùng một trường thì số học sinh giỏi giữa các lớp cũng có sự khác nhau. Số học sinh giỏi toán phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của giáo viên.

Một phần của tài liệu Vận dụng một số quy luật triết học duy vật biện chứng vào dạy học toán 8 góp phần bồi dưỡng năng lực giải toán cho học sinh Trung học cơ sở (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w