CHƯƠNG 3: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM 3.1 Những bài học rút ra được từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu
3.2.1 Thực trạng nợ công ở Việt Nam
Hình 3.1: Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam giai đoạn 2004 – 2014
(tỉ USD)
Nguồn: www.tradingeconomics.com
Việt Nam chính thức mở cửa kinh tế từ năm 1986, qua 28 năm không ngừng hội nhập và phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Chỉ trong vòng 10 năm, GDP của Việt Nam đã tăng lên gấp 3,5 lần: từ 49,42 tỷ USD năm 2004 lên 171,39 tỷ USD năm 2014 (Hình 3.1). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ so với mặt bằng chung của thế giới; nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thô và công nghiệp nhẹ. Do đó trong hiện tại và tương lai gần, việc tăng vay nợ chính phủ nói riêng và nợ công nói chung là cần thiết vì để tiếp tục phát triển Việt Nam cần sự hỗ trợ lớn
về mặt tài chính (tức là vay nợ và viện trợ phát triển chính thức) từ các tổ chức đơn phương, đa phương trên toàn thế giới.
Theo The Economist Intelligence Unit, nợ công của Việt Nam năm 2001 mới là 11,5 tỷ USD, tương đương 36% GDP, bình quân mỗi người gánh số nợ công xấp xỉ 144 USD. Nhưng tính đến hết năm 2010, nợ công đã tăng lên 55,2 tỷ USD, tương đương 54,3% GDP và vào thời điểm đó, Việt Nam được xếp vào nhóm nước có mức nợ công trên trung bình. Như vậy, trong vòng 10 năm từ 2001 đến năm 2010, quy mô nợ công đã tăng gấp gần 5 lần với tốc độ tăng trưởng nợ trên 15% mỗi năm. Nếu tiếp tục với tốc độ này thì trong khoảng thời gian sắp tới, nợ công của Việt Nam sẽ vượt quá 100% GDP như hai nước thành viên EU khi lâm vào khủng hoảng nợ công là Hy Lạp (133,6%), Ireland (129,2%). Nợ công đạt trên 100% GDP là một con số đáng báo động đối với một nền kinh tế đang phát triển và quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thô và công nghiệp nhẹ như Việt Nam.
Ngoài ra, cũng theo The Economist, mức nợ công tính trên đầu người của Việt Nam năm 2010 là 580,91 USD. Nếu so sánh với 713,6 USD (Trung Quốc), 743 USD (Indonesia), 4.184 USD (Malaysia), 1.071 USD (Philippines), 2.064 USD (Thái Lan) thì đây là con số không cao. Tuy nhiên, nếu so mức nợ công bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2001 xấp xỉ 112 USD thì trong vòng 10 năm con số này đã tăng gấp 5 lần.
Nguồn: The Economist
Theo thông tin mới nhất được cập nhật vào sáng ngày 31/10/2014 nợ công của Việt Nam là hơn 85 tỷ USD; mỗi người dân đang gánh số nợ 937 USD theo đồng hồ nợ công toàn cầu của báo The Economist. Trong khi đó, bản tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội phổ biến trong phiên họp toàn thể ngày 30/10/2014 ghi nhận rằng, nợ công của Việt Nam đã vượt trần nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ xây dựng cơ bản. Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam bản tin trên mạng ngày 29/10/2014, tài liệu tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội phục vụ phiên họp toàn thể ngày 30/10 nêu rõ: “Nợ công đang trở thành vấn đề nguy hiểm, nếu không giải quyết tốt có thể đe dọa đến tài chính quốc gia và ổn định vĩ mô, chính trị”.
Tại phiên họp Quốc hội ngày 31/10/2014, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên dẫn các số liệu chính thức nhấn mạnh rằng nhà nước đã tiêu hết dư địa về nợ công cho 6 năm tới, tỷ lệ nợ công an toàn 65% là theo chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 mà đến năm 2015 đã là 64%. Nếu tình hình cứ tiếp tục như hiện nay mà Chính phủ không có giải pháp thích hợp, không tiến hành cải cách đúng mức, thì khả năng về việc Việt Nam vỡ nợ công là điều hoàn toàn có thể xảy ra.