2.3.1.1 Khủng hoảng hệ thống ngân hàng
Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu hiện nay nổ ra mà điển hình tại Hy Lạp là do giới ngân hàng và bảo hiểm mua những giấy nhận nợ của chính phủ để cung cấp nguồn tín dụng dồi dào cho hoạt động chi tiêu của nhà nước. Do nhà nước không có khả năng trả được khoản nợ này, nợ công bùng nổ. Hậu quả là các ngân hàng trong nước không thể thu hồi được khoản cho vay của mình và phải cắt giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ quốc gia có tỷ lệ nợ công cao bằng cách bán tháo trái phiếu. Khi sự cắt giảm này áp dụng đối với quốc gia nào thì lãi suất trái phiếu chính phủ quốc gia đó tăng lên để thu hút nguồn vốn. Như vậy, khủng hoảng nợ công làm cho khả năng hút vốn của chính phủ giảm, chi phí khoản vay tăng lên, lại gây áp lực lên lãi suất thị trường.
Khủng hoảng ngân hàng đã nổi lên như nguy cơ mới đối với sự liên kết của khu vực đồng Euro và Liên minh châu Âu (EU). Cộng hòa Síp, một trong những thành viên nhỏ nhất của EU đã thừa nhận có thể phải tìm kiếm một khoản cứu trợ cho các ngân hàng của họ, cùng với Tây Ban Nha, Síp đang sa vào khủng hoảng ngân hàng do nền kinh tế và các ngân hàng của họ phụ thuộc nặng nề vào Hy Lạp.
2.3.1.2 Sự tổn thương đồng Euro
Nếu như năm 2008, 1 Euro đổi được gần 1,6 USD do tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone cao cũng như tình hình tài chính Mỹ suy yếu thì đến năm 2009, 1 euro chỉ đổi được 1,5 USD và đến năm 2010, 1 euro chỉ đổi được 1,37 USD. Đây là hệ quả của khủng hoảng nợ công đang bùng nổ tại khu vực. Có hai luồng ý kiến về hậu quả của sự giảm giá đồng Euro. Trước hết, đồng Euro mất giá gây tâm lý hoang mang cho giới đầu tư nắm giữ đồng tiền này. Hiện tại, USD và Yên Nhật mới là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, có ý kiến nhận xét rằng, việc trải qua khủng hoảng nợ công như hiện nay là một thách thức lớn cho EU để làm tăng sức mạnh khu vực đồng Euro. Khi đồng Euro giảm giá, hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn, hàng nhập
khẩu đắt hơn. Do vậy, giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu giúp giảm thâm hụt cán cân thương mại và tăng việc làm cho lao động. Đồng thời, sự giảm giá của đồng Euro cũng giúp các mặt hàng ở Châu Âu rẻ hơn, thúc đẩy tiến trình hồi phục của nền kinh tế khu vực. Như vậy, đồng Euro giảm giá giúp các nước thoát khỏi nguy vơ nợ quá cao và tạo sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.
Hình 2.4: Biểu đồ tỷ giá giữa Euro so với USD từ tháng 2/2006 đến 2010
(USD/EURO)
Nguồn:Bloomberg
2.3.1.3 Thất nghiệp tăng cao
Một số nhà phân tích cho rằng, kinh tế châu Âu suy thoái càng làm tình hình thất nghiệp thêm trầm trọng. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đang đứng ở mức 10,9%, mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Trong đó, tính đến tháng 4/2012, khoảng 17,4 triệu lao động tại Eurozone ở trong tình trạng thất nghiệp, là tháng thứ 12 tỷ lệ này tăng liên tiếp.
Hình 2.5: Tỉ lệ thất nghiệp ở châu Âu tháng 8/2009 (%)
Nguồn: Eurostat
Một điểm đáng chú ý trong thống kê của Eurostat, là sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp giữa các thành viên Eurozone ngày càng lớn. Tại Áo hay Hà Lan, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 4,2% và 4,9%. Đức đứng hạng ba, với một tỷ lệ được coi là ổn định ở mức 5,7%. Trong khi tỷ lệ này tại Italy và Pháp lần lượt là 9,3% và 10%. Tồi tệ hơn là tình trạng thất nghiệp tại Ireland (14,7%), Bồ Đào Nha (15%), Hy Lạp (21%). Riêng Tây Ban Nha đang là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại Eurozone (23,6%), với hơn một nửa thanh niên trong độ tuổi từ 16-25 bị gạt ra ngoài thị trường lao động. Các nước châu Âu ven Địa Trung Hải đang đứng trước một bài toán nan giải là cắt giảm chi tiêu để giải quyết nợ công, trong khi 15-25% dân số trong tuổi lao động thất nghiệp. Đáng quan ngại hơn là số người không tìm được việc làm ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng thêm từ nay tới cuối năm.
Các nhà quan sát lo ngại rằng, tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ gây ra nhiều bất bình trong xã hội, ảnh hưởng tới chính trị và gây những phản ứng bất lợi cho các thị trường
tài chính. Hơn nữa, theo giới phân tích, nạn thất nghiệp gia tăng trên toàn bộ 17 nước thành viên Eurozone là bằng chứng cho thấy, các biện pháp khắc khổ với hy vọng giảm bớt nợ công và bội chi ngân sách không phải là "liều thuốc" thích hợp cho khu vực này, khi sức tiêu thụ của tư nhân đi xuống, khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư đẩy các hoạt động của khu vực sản xuất càng xuống thấp trong năm qua.