CHƯƠNG 3: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM 3.1 Những bài học rút ra được từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu
3.1.1 Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp
Nước ta hiện nay đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề về tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững: hệ số ICOR cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu lao động trong một số ngành kỹ năng cao, nhưng lại thừa lao động kỹ năng thấp, tăng trưởng dựa quá nhiều vào tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Trong chiến lược phát triển đất nước tới năm 2020, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm tăng trưởng nhanh, bền vững về cả môi trường và xã hội. Về cơ bản, các mục tiêu đặt ra cũng gần giống với các nước Đông Âu. Tuy không áp dụng một cách máy móc bài học của các nước chuyển đổi Đông Âu, nhưng những thành tựu, hạn chế trong hơn 20 năm chuyển đổi và hội nhập cũng như những cố gắng vượt qua khủng hoảng, đổi mới mô hình tăng trưởng của Ba Lan và Hung-ga-ri là những gợi mở tốt cho Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược phát triển tới năm 2020.
Qua kinh nghiệm liên kết thị trường ở EU cho thấy thị trường càng tự do thì luật pháp càng phải chặt chẽ. Những cơ chế và hệ thống thị trường được hình thành và hoàn thiện ở các nước EU bằng con đường tự nhiên và trong suốt hàng trăm năm, còn luật lệ hay những thành quả của cộng đồng cũng được hoàn thiện trong suốt nửa thế kỷ qua.
Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đáp ứng các yêu cầu hội nhập của Tổ chức Thương mại thế giới, hướng tới Cộng đồng ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA song phương với EU, FTA ASEAN - Trung Quốc. Việc hoàn thiện luật pháp, thể chế theo hướng quốc tế hóa của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập hiệu quả với khu vực và thế giới trong thời gian không dài trước mắt là một thách thức to lớn. Hơn nữa, không chỉ xây dựng luật pháp mà đòi hỏi luật pháp được vận hành, bảo đảm hiệu lực.