Mặt chủ quan của tội phạm

Một phần của tài liệu Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 57 - 60)

Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, là những biểu hiện tâm lý của người phạm tội. Tội phạm luôn là một thể thống nhất giữa những biểu hiện bên ngoài - mặt khách quan của tội phạm và mặt tâm lý bên trong - mặt chủ quan của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm các dấu hiệu lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội, trong đó lỗi là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của mọi tội phạm cụ thể. Nếu một người gây thiệt hại cho xã hội mà không có lỗi thì người đó không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra thể hiện dưới

54

hình thức cố ý hoặc vô ý. Người phạm tội bị coi là có lỗi vì người đó đã ý thức lựa chọn một xử sự trái với lợi ích của xã hội trong khi họ có đủ điều kiện để lựa chọn một xử sự khác phù hợp với lợi ích của xã hội.

Lỗi của người phạm tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em có thể là cố ý hoặc vô ý, tuỳ theo thái độ tâm lý của họ đối với hành vi và đối với hậu quả do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra. Đối với tội vi phạm quy định về lao động trẻ em, chủ thể bị truy cứu trách nhiệm khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

(i) Chủ thể có hành vi sử dụng trẻ em làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc sử dụng trẻ em tiếp xúc với các chất độc hại gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là trường hợp tội phạm này có cấu thành tội phạm vật chất. Đối với trường hợp này lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý. Người phạm tội trong trường hợp này có thể cố hoặc vô ý vi phạm các quy định cụ thể về sử dụng lao động trẻ em nhưng nếu chỉ có hành vi ấy thì đó chưa phải là phạm tội mà phải có hậu quả nghiêm trọng xảy ra mới coi là phạm tội. Đối với hậu quả nghiêm trọng đó thì người phạm tội vô ý, nghĩa là, người phạm tội đã thấy trước hành vi của mình có thể làm phát sinh hậu quả nhưng tin rằng hành vi của mình không gây ra hậu quả nguy hiểm đó hoặc tin là có thể ngăn chặn được hậu quả đó hoặc người phạm tội không thấy trước được hậu quả nguy hiểm do hành vi của mình gây ra mặc dù có thể thấy trước và buộc phải thấy trước hậu quả đó. Nếu người phạm tội cố ý đối với hậu quả đó, nghĩa là họ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nếu hậu quả nghiêm trọng là chết người (Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra là thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho người khác (Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999)

55

(ii) Chủ thể có hành vi sử dụng trẻ em làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc sử dụng trẻ em tiếp xúc với các chất độc hại đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Đối với trường hợp này không cần có hậu quả xảy ra thì người có hành vi đó cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp có cấu thành tội phạm hình thức. Đối với trường hợp này, lỗi của người phạm tội có thể là cố ý hoặc vô ý. Trong lần vi phạm đầu tiên, người vi phạm có thể cố ý hoặc vô ý, nghĩa là người vi phạm biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật lao động nhưng vẫn thực hiện hành vi này hoặc không biết nhưng có thể biết và cần phải biết đó là hành vi vi phạm pháp luật lao động. Tuy nhiên, vì đây là vi phạm lần đầu nên không coi là phạm tội và không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị truy cứu trách nhiệm hành chính. Trong thời hạn một năm kể từ khi chấp hành xong biện pháp cưỡng chế hành chính mà lại tiếp tục thực hiện hành vi này thì sẽ bị coi là phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu trong lần vi phạm thứ hai này người phạm tội biết hành vi của mình là hành vi phạm tội mà vẫn thực hiện hành vi đó thì lỗi của họ là lỗi cố ý. Nếu trong lần vi phạm thứ hai, người phạm tội không biết đó là hành vi phạm tội nhưng có cơ sở để cho rằng họ có thể biết và cần phải biết đó là hành vi phạm tội thì lỗi của họ là lỗi vô ý. Ví dụ: Sau khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em, Vũ N đã chấp hành xong biện pháp xử phạt đó và cho rằng đã bị phạt về hành vi đó rồi thì sẽ không bị xử lý nữa nên đã lại vi phạm. Trong trường hợp này, Vũ N không biết là mình phạm tội nhưng qua những tình tiết của sự việc cho thấy Vũ N có nghĩa vụ phải biết và có thể biết đó là hành vi phạm tội. Lỗi của Vũ N trong trường hợp này là lỗi vô ý.

Trong quy định của Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ nêu là “người nào sử dụng trẻ em…” mà không quy định là “người nào biết người khác là trẻ em mà vẫn sử dụng làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc

56

tiếp xúc với các chất độc hại…”. Như vậy, khi sử dụng trẻ em làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại không nhất thiết người phạm tội phải biết người mà mình sử dụng làm các công việc đó là trẻ em. Khi bị phát hiện, nếu xác định trong số những người mà chủ thể đang sử dụng để làm các công việc đó có trẻ em, thì chủ thể đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành chính nếu vi phạm lần đầu và chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm hành vi đó.

Động cơ phạm tội có thể rất đa dạng như: Vì vụ lợi; để trả thù; vì động cơ đê hèn… nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.

Mục đích phạm tội cũng không phải là dấu hiệu định tội này.

Một phần của tài liệu Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)