Phân loại người lao động chưa thành niên

Một phần của tài liệu Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 28 - 32)

Việc phân loại người lao động chưa thành niên có thể dựa trên các tiêu chí khác nhau.

Thứ nhất, nếu căn cứ vào độ tuổi tính theo năm có thể phân chia người lao động chưa thành niên thành ba nhóm tuổi: nhóm từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; nhóm từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi và nhóm dưới 13 tuổi.

Cơ sở của việc lựa chọn nhóm 15 tuổi đến dưới 18 tuổi dựa chủ yếu trên khía cạnh giáo dục. Ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia, đây là độ tuổi đã hoàn tất chương trình giáo dục bắt buộc, các em có thể tiếp tục học bậc cao hơn hoặc vì những lý do nhất định dẫn đến thôi học. Đối với những em thôi học, trong số đó, có nhiều em học ở cuối cấp phổ thông cơ sở đã được trường học ở cuối cấp phổ thông cơ sở đã được trường học tạo điều kiện cho học thêm một số nghề nhất định, các em có thể bắt đầu lao động gần như người trưởng thành và chỉ bị hạn chế làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay ảnh hưởng tới nhân cách và được áp dụng thời gian làm việc ngắn hơn. Việc giới hạn nhóm tuổi từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phù hợp với pháp luật lao động quốc tế, nhất là Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu được làm việc. Theo khoản 3 Điều 2 Công ước số 138 quy định: tuổi tối thiều được làm việc không dưới 15 và đã kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc.

Về nhóm từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi là nhóm tuổi đang trong quá trình phát triển về thể chất, tinh thần, đa phần vẫn còn đi học bắt buộc nên việc các em tham gia làm việc chỉ được phép với những công việc nhẹ nhàng, đơn giản, không ảnh hưởng đến việc học hành của các em. Bởi vì, ở nhóm tuổi này, hệ xương của các em ở vào giai đoạn phát dục và trưởng thành, sụn xương tương đối nhiều, thành phần nước và các vật chất hữu cơ trong tổ chức

25

xương nhiều, các muối vô cơ ít, các chất liên kết xương tương đối kém, xương có khả năng đàn hồi tốt song không chắc chắn, do độ cứng của xương nhỏ, độ dẻo cao nên dễ bị gẫy, biến dạng hoặc cong khi phải lao động quá mức. Bên cạnh đó, ở nhóm tuổi này mặc dù các em rất hăng hái, sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động phát triển trí tuệ, các hoạt động xã hội, tuy nhiên, khả năng duy trì tư duy tập trung còn hạn chế nên hay chóng chán với việc tham gia các hoạt động diễn ra trong thời gian dài, đòi hỏi sự tập trung. Điều này cho thấy nếu các em tham gia lao động thì chỉ thích hợp với các công việc đơn giản, nhẹ nhàng, thời gian ngắn [44]. Ngoài ra, ở nhóm tuổi này do bản thân các em còn hạn chế về trình độ và kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa có nhiều nên việc tham gia lao động của các em chỉ với một số công việc đơn giản, ít yêu cầu về kỹ năng, chuyên môn. Chính vì vậy, nhóm tuổi này nên bị hạn chế chỉ được làm những công việc do nhà nước quy định và kèm theo đó là việc phải áp dụng những điều kiện chặt chẽ.

Về nhóm dưới 13 tuổi là nhóm trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các em còn quá non nớt để có thể tham gia lao động nên nhóm này không được khuyến khích tham gia lao động. Tuy nhiên, do nhu cầu của một số ngành nghề đặc thù và tính chất công việc lại nhẹ nhàng, không phức tạp, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực, thể lực, việc đi học và với những điệu kiện riêng để bảo vệ các em khi tham gia làm việc thì các em có thể tham gia làm việc trong thời gian ngắn. Ví dụ đóng phim, đóng kịch, ca hát, quảng cáo trên truyền hình… Đây là những công việc thuộc về lĩnh vực nghệ thuật đã được nên trong Điều 8 Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu được làm việc quy định cho phép những người dưới 13 tuổi có thể tham gia.

Hiện nay, cách phân loại dựa trên cơ sở tuổi đi học thường được áp dụng trong pháp luật quốc tế và pháp luật ở nhiều quốc gia. Trước đây, các Công ước được ban hành trước Công ước số 138 như: Công ước số 5 về tuổi

26

tối thiểu (công nghiệp) (1919); Công ước số 7 về tuổi tối thiểu (trên biển) (1920); Công ước số 10 về tuổi tối thiểu (nông nghiệp) (1921); Công ước số 15 về tuổi tối thiểu (dưới hầm tàu và đốt lò) (1921)… thường dựa trên các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, hàng hải… để xác định độ tuổi tối thiểu được làm việc và mỗi Công ước điều chỉnh một lĩnh vực có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một độ tuổi tối thiểu riêng. Điều này tạo ra sự không thống nhất về độ tuổi tối thiểu được làm việc nên gây khó khăn cho việc áp dụng. Do vậy, việc phân loại độ tuổi dựa trên cơ sở độ tuổi đi học sẽ khắc phục được sự không thống nhất về độ tuổi tối thiểu đi làm việc. Cách phân loại dựa trên cơ sở độ tuổi đi học này dễ dàng áp dụng ở nhiều quốc gia, ở nhiều hoàn cảnh so với các cách phân loại khác. Chính vì vậy, ở khía cạnh pháp luật, cách phân loại dựa trên độ tuổi tính theo năm và độ tuổi đi học để phân chia thành các nhóm như từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi và dưới 13 tuổi thường được coi là cơ sở chủ yếu để hình thành nên những quy định riêng biệt áp dụng cho phù hợp với mỗi nhóm tuổi.

Thứ hai, nếu căn cứ vào giới tính, có thể phân thành lao động chưa thành niên nam, lao động chưa thành niên nữ. Do cấu trúc cơ thể của nam và nữ có nhiều điểm khác nhau nên cách phân loại này có vai trò quan trọng, nhằm có những biện pháp bảo vệ và sử dụng người lao động chưa thành niên cho phù hợp, chẳng hạn khi quy định về những công việc, những ngành nghề, nơi làm việc dễ xảy ra hiện tượng lạm dụng với người lao động chưa thành niên nữ, những công việc mang vác nặng, ngâm mình dưới nước…

Thứ ba, nếu căn cứ vào trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể phân loại thành: người lao động chưa thành niên đã qua đào tạo và người lao động chưa thành niên chưa qua đào tạo nghề. Người lao động chưa thành niên đã qua đào tạo là những người đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng hoặc chứng chỉ nghề hoặc có thể bao gồm những người tuy chưa qua trường

27

lớp đào tạo nào nhưng tự trưởng thành thông qua tự học hoặc kèm cặp tay nghề. Người lao động chưa thành niên chưa qua đào tạo nghề là những người ngoài nhóm người lao động chưa thành niên đã qua đào tạo. Mục đích của cách phân loại này nhằm có những chính sách cần thiết để hỗ trợ, đào tạo tay nghề cho người lao động chưa thành niên, nâng cao chất lượng nguồn lao động trong tương lai.

Thứ tư, nếu căn cứ vào điều kiện, môi trường lao động có thể phân chia thành người lao động chưa thành niên làm việc trong điều kiện, môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động chưa thành niên làm việc trong điều kiện, môi trường lao động bình thường. Người lao động chưa thành niên làm việc trong điều kiện, môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là làm việc tại nơi hoặc trong điều kiện tiến hành công việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất, tinh thần hoặc ảnh hưởng đến nhân cách, việc học hành của người lao động chưa thành niên. Ngược lại, điều kiện, môi trường lao động bình thường là nơi làm việc hoặc điều kiện tiến hành công việc đảm bảo phù hợp với sự phát triển thể chất, tinh thần, không ảnh hưởng đến nhân cách, việc học hành của người lao động chưa thành niên.

Cách phân loại trên cũng phù hợp với quy định tại điểm d Điều 3 Công ước số 182 và có ý nghĩa trong việc bảo vệ người lao động chưa thành niên thông qua việc ban hành những quy định cấm việc sử dụng họ làm việc trong điều kiện, môi trường lao động không phù hợp.

Ngoài ra, còn có các cách phân loại khác: như dựa vào quốc tịch có thể phân thành người lao động chưa thành niên có quốc tịch Việt Nam và người lao động chưa thành niên có quốc tịch nước ngoài (cách phân loại này hầu như không được sử dụng vì hiện nay theo quy định tại Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì điều kiện đối với

28

người lao động nước ngoài phải từ 18 tuổi); dựa trên căn cứ các ngành kinh tế nơi người lao động chưa thành niên tham gia lao động có thể phân chia thành: người lao động chưa thành niên làm việc ở khu vực nông-lâm-ngư nghiệp, ở khu vực công nghiệp, ở khu vực dịch vụ; dựa vào trình độ học vấn có thể chia người lao động chưa thành niên thành người lao động chưa thành niên đã học xong phổ thông cơ sở và chưa học xong phổ thông cơ sở… Như vậy, có nhiều cách để phân loại người lao động chưa thành niên, mỗi cách phân loại lại dựa trên những căn cứ khác nhau, để phục vụ những mục đích khác nhau.

Một phần của tài liệu Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 28 - 32)