Mặt chủ quan của tội phạm

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 29 - 30)

Cũng như các tội phạm khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là thể thống nhất của hai mặt khách quan và chủ quan. Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội. Nội dung hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm: lỗi của người phạm tội, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội. Trong các dấu hiệu của mặt chủ quan thì lỗi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này, còn động cơ và mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Lỗi đó có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc là lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội có thể mong muốn hậu quả thương tích hoặc hậu quả tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng cũng có thể không mong muốn mà thờ ơ bỏ mặc để cho hậu quả xảy ra.

Xét về mặt lý trí, người có hành vi phạm tội này dưới hình thức cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp đều nhận thức được hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là nguy hiểm cho xã hội đồng thời cũng nhận thức được rằng hậu quả nguy hại có thể xảy ra.

Xét về mặt ý chí, người có hành vi phạm tội này dưới hình thức cố ý trực tiếp mong muốn thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng như hậu quả nói trên xảy ra. Còn đối vối người có hành vi phạm tội này dưới hình thức cố ý gián tiếp không mong muốn hậu quả nguy hại xảy ra nhưng thờ ơ bỏ mặc hậu quả xảy ra thế nào cũng được.

Trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người hoặc chết nhiều người là những trường hợp hỗn hợp lỗi đuợc qui định ở khoản 3 và 4 Điều 104 BLHS. Đây là trường hợp, xét về mặt lý trí, người có hành vi phạm tội này dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp đều nhận thức được hành vi gây thương tích hoặc gây tổn

hại cho sức khỏe của người khác là nguy hiểm cho xã hội đồng thời cũng nhận thức được rằng hậu quả nguy hại có thể xảy ra. Xét về mặt ý chí, người có hành vi phạm tội này dưới hình thức hỗn hợp lỗi đã không muốn hậu quả chết người xảy ra (vô ý đối với hậu quả chết người).

Mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của mọi cấu thành tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt người phạm tội vì mục đích chống chính quyền nhân dân gây thương tích cho người khác, thì phải định tội là tội khủng bố được quy định tại Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999. Mặc dù, mục đích phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành nhưng nó có ý nghĩa định khung tăng nặng như: để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lí do công vụ, đồng thời nó còn xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, như: có hành động xảo quyệt hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm được quy điều tại Điều 48 BLHS.

Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, động cơ có thể làm tăng lên tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, như: tính chất côn đồ là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt được qui định ở Điều 104 BLHS hoặc phạm tội vì động cơ đê hèn; có tính chất côn đồ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được qui định ở Điều 48 BLHS.

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 29 - 30)