Cái tôi khao khát những giá trị tinh thần cao khiết

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ dương kiều minh (Trang 50 - 59)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Cái tôi khao khát những giá trị tinh thần cao khiết

Giản dị, thậm chí là xuề xòa trong lối sống, lối cư xử nhưng trong thơ ca Dương Kiều Minh luôn bộc lộ một cái tôi khao khát những giá trị tinh thần lý tưởng, cao khiết. Trong hành trình thơ của Dương Kiều Minh, từ Củi lửa đến

Tôi ngắm mãi những ngày thu tận có thể thấy nhà thơ ấy đã từ giã mẹ già ra đi theo tiếng gọi đổ hồi, hay nhịp đập bí ẩn trong giấc mơ của một đời sống khác với những giá trị tinh thần cao khiết, những giá trị nghệ thuật vĩnh hằng: Tự do, Thơ ca, cái Đẹp.

Trong thơ Dương Kiều Minh, những giá trị nghệ thuật vĩnh hằng được thể hiện thống qua nhiều biểu tượng: kèn trômpet - một loại kèn đồng có tiếng cao nhất trong các loại kèn, tiếng địch, Lý Bạch (trong các bài thơ của tập Củi lửa), Apôlông, Faust, Prômêtê, Đôn-ki-hô-tê, (trong các bài thơ của tập Dâng mẹ), Khuất Nguyên, Mozart, Giêsu Krixto (trong các bài thơ của tập Những thời đại

thanh xuân ...). Đó là những hình ảnh biểu tượng cho khát vọng nghệ thuật, đỉnh cao nghệ thuật, sứ mệnh nghệ thuật kiếm tìm đi tìm cái đẹp của thơ ca, sự tự do.

Tự do theo quan niệm của Dương Kiều Minh trước hết là sự tự do tinh thần. Trong bài Cổ tích I, nhà thơ viết:

Con khát tự do Tư do như nắng

Tự do cơn mưa cuốn chạy trên đồng

Với Dương Kiều Minh, tự do gắn liền với Thơ ca và Cái đẹp:

- Câu thơ viết lên nền trời Bài thơ viết lên nền vương quốc TỰ DO CÁI ĐẸP (Tháp Bút) - Há những gì sinh từ bóng tối Tụ trong ánh sáng trong ngần Tự do hát vang Tự do cao lớn (Dâng Lí Bạch)

Tự do đối với người nghệ sỹ là điều kiện thiết yếu của sáng tạo. Không có tự do không thể có sáng tạo nghệ thuật và nghệ thuật đích thực. Về điểm này, Dương Kiều Minh đã gặp gỡ Trần Dần - một thi sỹ từng can đảm đấu tranh cho lý tưởng tự do - nghệ thuật - cái đẹp qua những câu thơ :

Tôi khóc những chân trời không có người bay Lại khóc những người bay không có chân trời

(Thơ mi ni)

Sự bế tắc và khuôn khổ giết chết khả năng sáng tạo, khiến nghệ thuật đi vào ngõ cụt. Khao khát tự do và cái đẹp thực chất là khao khát sáng tạo nên

những giá trị bền vững cho thơ ca. Khát khao được cháy hết mình trong sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ Dương Kiều Minh thực sự tin vào sứ mệnh kì diệu và lớn lao của thơ ca. Với tác giả, thơ đích thực phải cất lên được tiếng nói tinh thần của thời đại và nhân sinh, “Ở đấy, câu thơ trồi lên khát vọng, những câu thơ như khinh khí cầu lớn vươn qua những vùng đất lạ, vươn qua đỉnh núi, dòng sông, bến bãi và dâu bể đời người…nhà thơ duổi dài mang ước vọng đớn đau không chỉ của con người(Những bức thư xưa cũ).

Dùng hình ảnh Biển làm biểu tượng, nhà thơ xem tự do trong sáng tạo thơ cũng như bơi trong biển lớn với những dòng nước xiết. Chắc chắn đó là cuộc bơi cô độc nhưng chỉ có lao qua những cột nước rền vang, cánh tay nước khổng lồ nhà thơ mới nới rộng khung trời chật hẹp của thơ ca: “Đồng hành một lộ trình với biển, nhà thơ mang niềm cô độc đớn đau của biển, khát vọng nới rộng những khung trời chật hẹp. Mênh mông rộng lớn thét gào, biển truyền đam mê cuồng nhiệt. Niềm đam mê cứu rỗi kiếp người” (Biển).

Với Dương Kiều Minh, thơ ca được quan niệm như là phương tiện đắc lực để cứu rỗi những lầm lỗi của con người: như người tình vượt vũng đêm sâu thẳm / cầm trái tim đến thế kỉ này. Sáng tạo thơ được ý thức như là sứ mệnh cao cả thiêng liêng hơn khi được mang ước vọng dựng xây thế giới/ dựng xây kiếp người, cứu rỗi loài người bằng tình yêu, bằng ngọn lửa yêu thương, máu ta, tình yêu ta (Giêsu Krixtơ).

Dương Kiều Minh đã viết những câu thơ sâu sắc, chứa đầy nhiệt huyết và trách nhiệm về sứ mệnh của người làm thơ. Làm thơ là mang vác trên vai sứ mệnh thiêng liêng:

Tôi ca ngợi nhà thơ - loài chim cường tráng Mang trên vai dòng thác

Mang trên vai bão tố

Nhà thơ - bài ca kiên cường chống chọi số phận

Những câu thơ ứng với lời tâm sự của Dương Kiều Minh: “Dường như công việc làm thơ luôn thuộc về một sự thôi thúc, một sự chỉ dẫn của một khả năng nào đó nằm ngoài bản thân mình; từ việc khởi hứng cho đến việc hoàn tất những bài thơ”.

Giá trị của nhà thơ không chỉ nằm ở sứ mệnh vĩ đại kia mà còn nằm ở sự dấn thân trong sáng tạo. Thơ ca là một cuộc thử nghiệm, dù cho khó khăn trắc trở đến mấy, nhà thơ sẵn sàng dấn thân:

Hiến thân ta – cuộc thử nghiệm này Ký thác đời ta – bản hòa âm này Bản hòa âm kẻ khốn cùng

Kẻ quỷ ám

Kẻ đêm đêm ngước lên bầu trời yên tĩnh Hú gọi yêu thương về với con người.

(Bày tỏ)

Thơ ca vì thế trở thành một giá trị phi thời gian, phi không gian mà sự sáng tạo chính là hạt nhân chưng kết giá trị ấy: “Ở đấy, câu thơ trồi lên khát vọng, những câu thơ những khinh khí cầu lớn vươn qua những vùng đất lạ, vươn qua đỉnh núi, dòng sông bến bãi…và dâu bể đời người”. Với ông “Sáng tạo nảy sinh trong âm thầm, tạ thân cây bền bỉ vận nước từ lòng đất, một sớm nào đó bất ngờ trổ hoa ngào ngạt”. Bởi thế cả đời ông thủy chung với sự sáng tạo thơ cao cả này.

Có thể thấy, cái tôi trữ tình từng xuất hiện thời Thơ mới nay lại xuất hiện như một đối tượng thẩm mỹ của thơ hiện đại với những cấp độ khác và mang tiếng vọng của cả thời quá khứ và thời đương đại. Cái tôi trữ tình trong thơ Dương Kiều Minh là một cái tôi đơn độc sầu muộn nhưng cũng là cái tôi khát

khao những giá trị tinh thần cao đẹp, lý tưởng. Đó cũng là cái tôi gắn bó với đời sống nhân sinh trong mọi vẻ đẹp nhọc nhằn lam lũ và thanh sạch của nó.

2.1.3. Cái tôi mạnh về trực giác, tâm linh

Người nghệ sỹ khác với người bình thường ở khả năng thiên bẩm trong quan sát, tái hiện và sáng tạo. Họ có thể thai nghén, cất giấu âm thầm để đến một lúc nào đó bừng lên trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng cũng có lúc sự sáng tạo nảy sinh nhờ một nhận thức bất chợt mà không cần hoạt động nào của lý trí về đối tượng. Đây chính là yếu tố trực giác trong sáng tạo nghệ thuật. Trực giác là sự nhận thức trực tiếp bằng cảm tính, bằng trực giác, không thông qua suy luận, tư duy của lý trí, tức sự nhận thức đó không phải bằng tư duy duy lý, lý tính.

Còn Tâm linh là khả năng cảm nhận, đoán định, biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra (linh tính). Tâm linh thể hiện ở những cái gì mang tính trừu tượng, thiêng liêng, thanh khiết và giá trị của nó bắt nguồn từ cái thiêng liêng; nó là nền tảng vững chắc, là hằng số vĩnh cửu của nhiều mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ của đời sống con người với thế lực siêu nhiên, huyền bí của tôn giáo.

Trực giác tâm linh là sự nhận thức trực tiếp bằng tâm linh, có tính chất cảm tính, trực giác, không qua tư duy tư biện, suy luận, suy lý của lý trí, của trí tuệ. Có thể nói trực cảm tâm linh là tính trội của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Không có tư duy trực giác tâm linh, khó lòng người nghệ sĩ thấy được cái thần, cái hồn của đối tượng sẽ phản ánh, cho dù người nghệ sĩ có thể chiêm nghiệm, nghiền ngẫm nhiều về đối tượng. Nó thuộc lĩnh vực của tiềm thức, của vô thức; chỉ cảm nhận bằng tính linh thiêng liêng chứ không thể dùng lý trí tư biện và ngôn ngữ lúc này cũng đành bất lực, không thể luận bàn.

Trong thơ Dương Kiều Minh, hình tượng cái tôi mạnh về trực giác và tâm linh. Biểu hiện đầu tiên chính là việc nhà thơ đã tạo nên một không gian kí ức tuổi thơ xưa cũ nhưng rất bình dị, đẹp đến nao lòng, đôi lúc ngập tràn hư ảo

khói sương, chập chờn nhạt nhòa trở về trong tâm hồn, đó là không gian cố hương, là quê nhà của thi sĩ. Những hoàng hôn loang lổ gò đồi, một sớm vắng ùa lên khói bếp, chiều dâng sương khói chập chồng, quả đồi cuối đông nhoài nằm sương khói, về đâu ngắt ngắt lời ru/lá vàng kiếp kiếp rơi mờ hoàng hôn…

Đó là những kỉ niệm nguyên sơ nhất Dương Kiều Minh mang theo suốt đời, nuôi dưỡng hồn thơ và trở thành niềm khắc khoải nhớ thương của kẻ tha hương.

Thứ hai, Dương Kiều Minh đã tạo dựng một không gian linh thiêng, chạm tới những giá trị vĩnh cửu với các nhân vật thần thoại: Prô-mê-tê, Faust, Chúa trời, Tôn Ngộ Không…Hình thức này bộc lộ một nhu cầu đối thoại trong thẳm sâu ý thức và cũng không ra ngoài nội dung bàn luận về những vấn đề muôn thuở của muôn đời: cái chết, cái hư vô của danh vị, hư ảo của cuộc đời, của nỗi buồn niềm đau. Bài thơ A-Pôn-lông và niềm cô tịch là một ví dụ. Apôlông - con trai của thần Dớt và tiên nữ Lêtô, là thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật, là Thần tiên tri, âm nhạc, chữa bệnh trong thần thoại Hy Lạp. Apôlông thường được thể hiện dưới hình dạng một chàng trai tóc vàng, đeo cung bạc và mang đàn lia. Cuộc đời vị thần này bao phủ bằng những chiến công chói lọi mà chúng ta không sao kể xiết được. Thần là hiện thân của khả năng xua đuổi và tránh né tai ương. Điều này có liên quan đến quyền năng của thần trong việc xua tan bóng tối bằng Mặt Trời buổi sáng và quyền năng về nhận thức của lý trí và khả năng dự báo giúp xua tan những hoài nghi và sự ngu dốt. Mượn hình tượng này trong thơ, Dương Kiều Minh muốn thể hiện khát khao cất lên bài ca về cuộc sống con người, đem nghệ thuật để thay đổi cuộc sống:

Đâu bước chân vô song mong mang vòng nguyệt quế Đâu tiếng đàn mê đắm muôn loài

Những âm thanh mịn màng tơ lụa.

Trạng thái đơn độc, phiền muộn dâng cao thành niềm cô tịch cao ngất.

Điều đáng nói là nhà thơ yêu mến niềm cô tịch ấy, chìm trong niềm cô tịch và chính nó lại nuôi dưỡng thi nhân ở cõi vĩnh hằng.

Khi cái tôi mạnh về trực giác tâm linh, nhà thơ nhận ra “thế giới tâm hồn của con người thật không đơn giản mà chứa đựng những quằn quại, giằng xé, giông bão, rối bời” [31, tr.115]. Những quằn quại giằng xé thể hiện rõ nhất qua một khoảnh khắc thời gian. Đó là khoảnh khắc đêm. Đêm” là là hình thức tối ưu tạo điều kiện cho con người phát hiện và trình bày thế giới tâm linh của chính mình. Trong thơ Dương Kiều Minh, không gian đêm đậm đặc từ tập thơ Ngày xuống núi:

- Xô đập dữ dội về đêm, khát vọng duy trị nhịp đập của biển.(Biển) - Tôi chợt nhớ núi đồi trong những đêm tĩnh lặng trong trẻo, ngôi sao xanh ánh sáng bị làn hơi ẩm tách ra nhiều sợi tinh khiết (Sực nhớ núi đồi)- Đêm trắng bên dòng sông suy tư về kiếp người, con đường ngang núi hiện dần buổi ánh sáng triêu dương…Những đêm núi đồi lùi vào kí ức, chúng hiện về như từng chương đoạn của câu chuyện cổ tích.

(Sực nhớ núi đồi) - Đêm tối chìm đêm tối

Người hề già ca vang bình minh.(Đài kỉ niệm) - Khuôn mặt ấy Nỗi buồn ấy

Được sinh ra trong bóng tối đen đặc

Được sinh ra trong trống rỗng hoảng sợ của con người

- Bóng đêm, hình tượng duy nhất còn lại giúp con người hồi cố về thời thơ ấu loài người - chúng ta bơi mãi trong thế giới mơ hồ của ảo giác.

(Chiều xuống rồi)

- Ngươi từ chối bóng đêm, bóng đêm-nơi duy nhất để ngươi nương náu, bóng đêm che chở ban phát cho ngươi. Bóng đêm cứu rỗi ngươi

Sự giằng xé trong tâm hồn nhà thơ chính vì những suy tư thắc thỏm lo âu về nhân thế về thân phận của con người trong thời đại nhà thơ đang sống. Sự giằng xé ấy khởi phát từ sự đối lập trong nhận thức giữa hai không gian: không gian trong trẻo yên bình ấm áp của kí ức với không gian đời tư hiện tại nhiều gánh nặng, nhiều bão giông muộn phiền, sầu não.

Khi cái tôi thơ ca mạnh về trực giác và tâm linh, nhà thơ sẽ dễ dàng đi sâu vào nhiều góc khuất của tâm hồn, những cảm xúc đa chiều, tinh tế về hiện thực. Theo đó, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ cũng được tổ chức theo những cách thức riêng, độc đáo.

2.2. Hình tượng thời gian, không gian trong thơ Dương Kiều Minh

Trong thi pháp học hiện đại, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là những phạm trù quan trọng, trở thành phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật và còn là phương tiện chiếm lĩnh đời sống, là mô hình nghệ thuật về cuộc sống. Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật góp phần thể hiện quan điểm nghệ thuật của mỗi nhà văn. Nhìn chung, không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có những đặc trưng nổi bật sau:

Thứ nhất, không gian và thời gian nghệ thuật mang tính quan niệm và được tổ chức theo quan niệm riêng của tác giả, hoàn toàn không giống với trật tự thời gian và không gian bên ngoài. Thời gian và không gian nghệ thuật không chỉ được đo bằng đại lượng vật lý mà sự trôi lâu hay mau, gần hay xa …được đo bằng tâm lý con người. Với thời gian nghệ thuật, “nhà văn có thể làm cho nó trôi

nhanh hay chậm, đều đặn, êm đềm hay biến động căng thẳng. Nhà văn lại có thể tạo ra những biến động thời gian, có khi rất xa nhau giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. Nhà văn có lúc dẫn dắt người đọc đi cùng chiều với thời gian tự nhiên, cũng có thể dẫn dắt họ đi ngược lại thời gian, từ hiện tại trở về quá khứ, chẳng hạn như những đoạn hồi tưởng…Chính điều đó làm cho văn học có thể chiếm lĩnh đời sống trên một tầm sâu rộng mà điêu khắc và hội họa khó có thể đạt tới” [28, tr.189].

Thứ hai, thời gian và không gian nghệ thuật được thể hiện đa dạng qua các tác phẩm khác nhau để chiếm lĩnh đời sống một cách phong phú: có thời gian, không gian quá khứ; thời gian, không gian hiện tại và thời gian, không gian tương lai. Ngoài không gian, thời gian thực thể có thể nhìn thấy cảm thấy, văn chương còn phản ánh một loại thời gian, không gian nghệ thuật khác không thể cảm nhận trực tiếp từ các giác quan mà cảm nhận gián tiếp qua cảm xúc và tư duy nghệ thuật bén nhạy của người đọc - Đấy là không gian tâm tưởng.

Thứ ba, thời gian và không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có chung một chất liệu xây dựng là ngôn từ. Ngôn từ với đặc trưng đặc biệt quan trọng là tính phi vật thể đã phát huy tối đa vai trò của thời gian và không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Nó có thể miêu tả hiện thực cuộc sống đa dạng mang tính tạo hình mà có thể đi sâu vào thế giới bên trong của hiện thực, mở ra chân trời tưởng tượng về thế giới tâm hồn phong phú, không cùng của con người: cả tâm hồn, tư tưởng lẫn tình cảm.

Trong thơ Dương Kiều Minh, không gian và thời gian nghệ thuật là hai hình tượng thi pháp rất điển hình. Cách mà Dương Kiều Minh đem thời gian và không gian nghệ thuật vào thơ phản chiếu cái nhìn đa diện về đời sống tâm hồn ông, về cuộc sống và con người đất nước thời hậu chiến, đặc biệt là thời đổi mới.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ dương kiều minh (Trang 50 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w