Về những đổi mới thi pháp trong thơ Dương Kiều Minh

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ dương kiều minh (Trang 29 - 33)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2.Về những đổi mới thi pháp trong thơ Dương Kiều Minh

Vào những năm 1989-1995, trên thi đàn Việt Nam, không có nhà thơ trẻ nào sánh nổi Dương Kiều Minh về sự nổi tiếng. Dương Kiều Minh quả là một hiện tượng hiếm có...Càng khai phá, càng bứt phá càng thành tựu” [20]. Cùng

với Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Dương Kiều Minh là một trong ít các nhà thơ cùng thế hệ với mình có khát vọng cách tân thơ Việt thứ khát vọng thật “quí hóa”. Có thể thấy Dương Kiều Minh thuộc thế hệ những nhà thơ hậu chiến có tinh thần cách tân mạnh mẽ cho thơ ca đổi mới. Khát vọng ấy trở luôn thường trực trong ông và càng trở nên thôi thúc khi ông bước sang cái tuổi xế bóng và sự nguy kịch của bệnh tình. Dường như chỉ có cái chết mới chia cách ông với thơ và niềm say mê sáng tạo.

Sự đổi mới thi pháp trong thơ Dương Kiều Minh tập trung thể hiện trên các phương diện: Cái tôi trữ tình, nghệ thuật phối dựng không gian và thời gian, kết cấu, giọng điệu, hình ảnh, từ ngữ, bút pháp tạo hình.

Khi các nhà thơ cùng thời nỗ lực cách tân thơ với tinh thần hướng về phương Tây, thì Dương Kiều Minh luôn hướng về Phương Đông nguồn cội, không phải hồi nhớ, quá vãng về một thời vàng son đã tiêu tan mà để tạo nền cho những cuộc vong thân sáng tạo, chở nặng “những ưu tư đáng trân trọng của một cá thể hiện đại trước những bộn bề của cuộc sống thời đại ấy”[41]. Bên cạnh đó nhà thơ vẫn tiếp thu một số đặc điểm thi pháp phương Tây nhằm thể hiện những nỗ lực tìm tòi của nhà thơ với thi ca Việt Nam thời kì đổi mới, cũng là cách ông tạo nên dấu ấn cho thơ của mình. Vì vậy, “sự kết hợp độc đáo, nhuần nhị giữa tinh thần sáng tạo hiện đại và những thủ pháp thi ca cổ điển chính là nét độc sáng tạo nên phong vị cốt cách riêng của Dương Kiều Minh. Đến hiện đại từ truyền thống, Dương Kiều Minh là một gương mặt tiêu biểu của thơ Việt Nam thế hệ đổi mới” [41].

Dương Kiều Minh từng tâm sự: “Đối với cuộc kiếm tìm thì không bao giờ cũ, kể cả sự kiếm tìm cái cũ, thì cuộc kiếm tìm vẫn mới. Cuộc cách tân tìm tòi thơ ca luôn tựa “luồng gió lao rừng rực” tới về những miền bí ẩn của đời sống, của cuộc đời và của thiên nhiên trải ra vô tận trước sự chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm của con người” [26]. Suốt 52 năm sống trên trần gian, nhà thơ đã

sống thủy chung với thơ ca, có lúc trọn vẹn đến từng giây phút với thơ, “tràn đầy mê đắm và khoái cảm” để sáng tạo không ngừng. Những cách tân trong thơ của Dương Kiều Minh đã đặt dấu mốc đáng chú ý cho thơ ca Việt Nam thế hệ đổi mới - Thế hệ thơ đi ra từ khói lửa, chiến tranh đã sống với hơi thở thi ca thời đại mới. Tinh thần ấy thật đáng trân trọng.

Tiểu kết chương 1

Bản chất nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng là không ngừng đổi mới, sáng tạo và không lặp lại. Khi đất nước chuyển từ thời chiến sang thời bình, những thay đổi thay lớn lao về mặt chính trị kéo theo những sự thay đổi trong đời sống xã hội, văn hóa và thơ ca. Các nhà thơ nhận thức lại cuộc sống, nhận thức lại bản thân, nhận thức lại thơ. Các thế hệ nhà thơ đổi mới lần lượt trình làng những tác phẩm góp phần đổi mới thơ ca đồng thời thể hiện vẻ đẹp cuộc sống và con người thời hiện đại. Những đóng góp của thế hệ thơ sau đổi mới đã tạo nền tảng cho sự phát triển thơ ca Việt Nam đương đại và là minh chứng rõ ràng cho dòng chảy không ngừng của lộ trình cách tân thơ ca Việt.

Trong số những gương mặt nổi bật của thơ ca thế hệ đổi mới, không thể không nhắc đến nhà thơ Dương Kiều Minh. Chính tình yêu thơ ca đã khiến ông gắn bó với nó như máu thịt, niềm say thơ chảy trong huyết quản và ông dành trọn vẹn đời mình để thủy chung với thơ ca ấy. Cách mà Dương Kiều Minh đã cách tân thơ khá đặc biệt và không giống các nhà thơ cùng thế hệ. Ông trở về với phương Đông nguồn cội, đặt dấu ấn ngay trên nền thơ ca truyền thống nhưng vẫn phản chiếu được hơi thở mới mẻ của cuộc sống hiện đại.

Chương 2

THI PHÁP THƠ DƯƠNG KIỀU MINH

NHÌN TRÊN PHƯƠNG DIỆN HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI VÀ KHÔNG GIAN, THỜI GIAN

2.1. Hình tượng cái tôi trong thơ Dương Kiều Minh

C.Mac đã nói: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Theo đó, “cái tôi con người là tổng hòa của vô vàn quan hệ, nó luôn vận động biến đổi mà nghệ sĩ lại là người luôn khao khát kiếm tìm những giá trị tinh thần mới, vì thế hành trình đi tìm mình là một hành trình vô hạn, vô đích.” [3, tr.108]. Cái tôi là một khái niệm rộng, được hiểu theo nhiều góc độ: triết học, văn học, tâm lí học...

Trong tác phẩm trữ tình cái tôi trữ tình giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, thường xuất hiện dưới dạng nhân vật trữ tình. Cái tôi trữ tình là một phạm trù thẩm mỹ nhằm biểu thị tính chất độc đáo, cá biệt của con người cá nhân, đánh dấu sự phát hiện của con người về chính mình với tư cách là một cá thể. Đây là một khái niệm rộng, không chỉ thể hiện tính chất độc đáo của cá nhân nhà thơ mà còn bao gồm các bình diện xã hội, công dân, cộng đồng, lịch sử, văn hóa thẩm mỹ.

Cái tôi trữ tình có sự vận động qua các thời đại thơ ca. Trong thơ ca cổ điển Việt Nam (thơ ca trung đại), thiếu vắng hình tượng cái tôi cá nhân cá thể, như cách nói của Hoài Thanh “Xã hội Việt Nam xưa không có cá nhân chỉ có đoàn thể… cái bản sắc cá nhân chìm đắm trong gia đình trong quốc gia như giọt nước chìm trong biển cả”. Thơ ca cổ điển đề cao cái “vô ngã” và không đề cao “bản ngã”. Mọi sự biểu hiện của cái “bản ngã” đều không mấy dễ dàng và khó lòng tìm được sự tri âm. Mục đích và chức năng cơ bản của thơ trung đại là “tải đạo”, “tỏ chí”.

Đến thơ ca lãng mạn 1932-1945, cái tôi cá nhân được thể hiện hết mình, bung nở trên các nẻo đường sáng tác của các thi nhân Việt Nam. Thơ mới đã làm một cuộc cách mạng, thay đổi cả hệ thống thi pháp. Cuộc cách mạng trong Thơ mới gắn với quá trình giải phóng cái tôi cá nhân khỏi những ràng buộc của con người phận vị, “con người chức năng trong xã hội luân thường”(Trần Đình Hượu). Thơ mới là sản phẩm của “khát vọng thành thật”(Hoài Thanh), đưa cái tôi cá nhân vào trung tâm của thơ ca, cho phép biểu đạt mọi cung bậc của cảm xúc và suy tưởng. Cái tôi cá nhân, cá thể bùng nổ trong thơ làm đảo lộn mọi quan niệm. Quan niệm thẩm mĩ thay đổi, nội dung tư tưởng đổi khác và chúng hiện lên trong bộ cánh hình thức cũng mới mẻ vô cùng. Không còn là thơ để tải đạo, để nói chí, thơ ca bây giờ bám rễ vào cuộc đời trần thế với tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự đam mê, cô đơn, hoài nghi, chán nản…Và Thơ mới chính là hết mình tiếng lòng con người cá nhân thời đại thơ mới.

Sau thời đại Thơ mới, thơ cách mạng lại nhường chỗ cho tiếng nói lịch sử trước hoàn cảnh đất nước gồng mình với những cuộc chiến tranh vệ quốc một mất một còn.

Kết thúc chiến tranh, đất nước hòa bình, thơ ca chuyển mình từ thơ ca cách mạng sang thơ ca hậu chiến. Khát vọng sáng tạo lại được thắp cháy trong hành trình sáng tạo của thế hệ thơ sau 1975, nhất là thế hệ nhà thơ Đổi mới. Cái tôi trong thơ càng được khẳng định, không nhà thơ nào muốn “nghĩ theo”, “viết theo”. Hơn bao giờ hết họ muốn cất lên tiếng thơ của riêng mình. Nhà thơ Dương Kiều Minh là một trong những đại diện cho thơ ca thế hệ đổi mới. Với 7 tập thơ, cái tôi trữ tình trong thơ Dương Kiều Minh hiện lên đa dạng mà thống nhất.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ dương kiều minh (Trang 29 - 33)