1.8.1. Biến chứng sớm
1.8.1.1. Rò miệng nối mật ruột
Biểu hiện là dẫn lưu ra mật vàng với cung lượng thấp. Do sự xơ hóa và viêm nhiễm mạn tính thành đường mật ở thời điểm mổ nên miệng nối mũn, lành sẹo kém gây rò và hẹp miệng nối.
1.8.1.2. Chảy máu từ diện phẫu tích
Biểu hiện bằng chảy máu ra ống dẫn lưu hoặc dung tích hồng cầu giảm. Biến chứng này ít gặp, thường được phát hiện và xử trí ngay trong lúc phẫu
thuật. Nguyên nhân do cầm máu không cẩn thận khi phẫu tích nhất là ở bệnh nhân lớn tuổi có tăng sinh mạch máu, viêm dính thành nang nhiều [121].
1.8.1.3. Chảy máu tiêu hóa
Có thể xảy ra do loét hoặc từ miệng nối hỗng – hỗng tràng ở bệnh nhân được nối ống gan – hỗng tràng Roux-en-Y.
1.8.1.4. Viêm tụy cấp và rò tụy
Biến chứng này xảy ra do làm tổn thương ống hoặc mô tụykhi phẫu tích đoạn cuối OMC nằm trong nhu mô tụy [121].
1.8.1.5. Tắc ruột
Ở bệnh nhân nối ống gan – hỗng tràng Roux-en-Y, tắc ruột thường gặp hơn so với nối tá tràng do có nhiều thao tác ở khoang bụng dưới mạc treo đại tràng ngang [121]. Tắc tá tràng có thể gặp khi di động, đưa tá tràng lên rốn gan làm xoắn, nghẽn lưu thông [121]. Tắc ruột do dính hoặc lồng ruột chiếm 3 – 4,5% trong số các biến chứng [39], [138].
1.8.1.6. Tụ dịch ổ bụng
Tụ dịch dưới gan có thể do hút không kỹ, do dẫn lưu không hiệu quả.
1.8.1.7. Nhiễm trùng vết mổ
Chủ yếu gặp ở mổ mở, gần như không gặp biến chứng này trong PTNS.
1.8.2. Biến chứng muộn
1.8.2.1. Hẹp miệng nối
Hẹp miệng nối sau phẫu thuật nang OMC là biến chứng nguy hiểm nhất trong số các biến chứng sớm và muộn vì hẹp miệng nối có thể gây biến chứng thứ phát như viêm đường mật tái phát, sỏi mật. Những yếu tố nguy cơ làm hẹp miệng nối bao gồm loại nang, đặc biệt hay gặp ở nang loại IV-A [54], [121] và hẹp có khuynh hướng tăng lên tỉ lệ thuận với kích thước nang,
thời gian xuất hiện triệu chứng sớm [54]. Về mô học, mức độ thấm nhập tế bào viêm nặng do quá trình viêm nhiễm mạn tính lâu ngày được tìm thấy liên quan đến hẹp miệng nối [54] và lớp niêm thành nang còn lại bị tổn thương.
1.8.2.2. Viêm đường mật tái phát và sỏi mật
Biểu hiện bằng đau bụng, sốt, là biến chứng nặng nhất sau tái tạo đường mật và thường phải mổ lại sau nhiều năm [121]. Viêm đường mật tái phát dẫn đến hình thành sỏi trong gan đặc biệt ở nang OMC loại IV-A, và thỉnh thoảng gây ra xơ gan ứ mật, suy gan, ung thư đường mật [121].
1.8.2.3. Viêm tụy
Viêm tụy thỉnh thoảng được phát hiện nhiều năm sau phẫu thuật cắt nang ở bệnh nhân còn sót lại đoạn cuối OMC, nút đạm hoặc sỏi ở kênh chung dãn, KCMT bất thường phức tạp, và/hoặc tuyến tụy phân đôi [59], [121]. Viêm tụy khi có đau thượng vị từng đợt và amylase máu tăng >215 IU/L [56].
1.8.2.4. Ung thư đường mật
Kasai, 1970, lần đầu tiên mô tả sự kết hợp bất thường của nang OMC với bệnh lý ác tính. Đến 1987, Watanabe mới xác định 154 trường hợp ác tính tập hợp từ 881 ca nang OMC [24].
Tỉ lệ ung thư phát hiện được sau cắt nang chiếm 0,7 – 6% có lẽ do còn để lại vách nang hoặc do bệnh lý ác tính không có triệu chứng trước phẫu thuật không được phát hiện [19], [106]. Nguy cơ ác tính ở bệnh nhân có nang loại II và III là cực kỳ thấp [106]. Ung thư có thể gặp sau phẫu thuật cắt nang ở vị trí miệng nối, ở đường mật trong gan. Thường gặp ở những bệnh nhân có vàng da do viêm đường mật tắc nghẽn dai dẳng gây ra bởi hẹp đường mật. Ứ đọng mật ở đường mật dãn trong gan cũng là nguyên nhân gây ung thư đường mật [121]. Ung thư đường mật trong gan có thể gặp ở những nang OMC loại IV mà việc cắt đi hoàn toàn nang đường mật trong gan không dễ dàng.
Ung thư cũng có thể xuất phát ở đoạn cuối ống mật đoạn trong nhu mô tụy. Sự trào ngược dịch tụy có tác động nguy hiểm trên túi cùng và có thể gây ung thư. Do đó, cắt hết đoạn cuối ống mật nằm trong nhu mô tụy ở lần phẫu thuật đầu tiên sẽ làm giảm nguy cơ ung thư ở vị trí này [121].
1.8.2.5. Ung thư tụy
Ung thư tụy hiếm khi gặp sau phẫu thuật cắt nang OMC. Cơ chế có thể do mật trào ngược vào trong ống tụy qua KCMT bất thường. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa ung thư tụy và KCMT bất thường vẫn chưa rõ [121].
1.8.2.6. Suy gan
Bệnh nhân có thể tử vong do suy gan tiến triển vì xơ gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa do phẫu thuật cắt nang muộn. Điều trị hiệu quả có thể bằng ghép gan [121].