5. Bố cục của luận văn
3.1.1. Thuật ngữ hóa từ ngữ thông thường
Thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường là phương thức cổ nhất trong cấu tạo thuật ngữ. Hà Quang Năng cho rằng : Con đường thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường là con đường biến đổi và phát triển nghĩa của từ để tạo ra một nghĩa mới (nghĩa thuật ngữ). Thực chất, nghĩa thuật ngữ đó là một nghĩa phái sinh trên cơ sở nghĩa ban đầu của từ ngữ thông thường hoặc trên cơ sở một hay một vài nét nghĩa cơ bản trong cấu trúc biểu niệm của từ. [44, tr33]
Theo Hoàng Văn Hoành thì : thuật ngữ hóa từ thông thường thực chất là con đường dùng phép di chuyển ngữ nghĩa của từ để tạo thuật ngữ. Phép di chuyển này có thể không dẫn đến chuyển nghĩa hoặc sẽ dẫn đến chuyển nghĩa. Với trường hợp di chuyển không dẫn đến chuyển nghĩa, từ thông thường được thu hẹp về phạm vi hoạt động hay được chuyển di phạm vi ứng dụng từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác với những cách nhìn từ những góc độ khác nhau. Ví dụ : từ thông thường nước là chất lỏng còn thuật ngữ nước trong hóa học là hợp chất được kí hiệu là H2O; … Trường hợp di chuyển dẫn đến chuyển nghĩa : Cơ sở di chuyển từ nghĩa thường dùng, nghĩa gốc sang nghĩa thuật ngữ, nghĩa phái sinh là mối quan hệ tương đồng ( theo phép ẩn dụ hóa ), hay mối quan hệ tương cận ( theo phép hoán dụ hóa ) về những thuộc tính của sự vật, quá trình … được phản ánh trong khái niệm do từ ngữ biểu thị. [33]
Như vậy, thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường là quá trình biến đổi và phát triển nghĩa của từ thông thường để tạo ra một nghĩa phái sinh là nghĩa thuật ngữ. Nói cách khác, thuật ngữ được hình thành bằng con đường thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường là những thuật ngữ được hình thành theo phương thức chuyên biệt hoá về nghĩa của từ thông thường. Nhiều thuật ngữ được hình thành từ các từ ngữ đời sống hàng ngày sẽ khiến cho các thuật ngữ này gần gũi và dễ hiểu hơn. Đặc điểm này diễn ra ở cả thuật ngữ kinh tế thương mại tiếng Trung và tiếng Việt.
Chẳng hạn: an toàn, ảnh hưởng, áp dụng, ăn bẩn, ăn uống, bác bỏ, bài học, bãi bến, bán, bán lẻ, bán buôn,... các thuật ngữ này vốn là từ thông thường, được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội đã được thuật ngữ hóa bằng cách biến đổi theo kiểu mở rộng hay thu hẹp ý nghĩa để tạo thành thuật ngữ kinh tế thương mại.
Thậm chí, đôi khi còn có thuật ngữ kinh tế thương mại được cấu tạo bằng cách sử dụng cả từ có sắc thái khẩu ngữ trong ngôn ngữ đời sống hàng ngày hay các thành ngữ: bán chác; bán bóp cổ; bán ế; bán; ăn thật làm giả; ăn mau đánh chóng; ăn nên làm ra; an cư lạc nghiệp; ăn chắc mặc bền…
Ví dụ các thuật ngữ kinh tế thương mại được hình thành từ con đường thuật ngữ hóa từ ngữ thông thường trong tiếng Trung :
安排/安置 (sắp xếp), 白手 (trắng tay), 办公厅 (văn phòng), 办理 (giải quyết), 帮助 (giúp, giúp đỡ), 认证 (chứng nhận), 安全 (an toàn) …
Thuật ngữ hóa từ ngữ thông thường có ưu thế là những thuật ngữ được tạo ra sẽ gần gũi với đời sống hàng ngày vì chúng có chung một hình thức cấu tạo. Song khi từ ngữ thông thường được thuật ngữ hóa thành thuật ngữ kinh tế thương mại thì nội dung khái niệm của từ ngữ thông thường được mở rộng hoặc thu hẹp để phản ánh đúng được bản chất của sự vật, hiện tượng trong ngành thương mại.
Đồng thời khái niệm của từ ngữ thông thường là khái niệm "ngây thơ"(thuật ngữ của A.A. Potebnja), còn khái niệm của từ ngữ với tư cách thuật ngữ là khái niệm khoa học. Ý nghĩa thuật ngữ này được định nghĩa và được hiểu theo quy ước giữa các nhà khoa học hay các nhà chuyên môn. Viện sĩ X.Ju. Xtepanov coi đây là hiện tượng đồng âm thuật ngữ - giới hạn của quá trình thuật ngữ hoá từ thông thường [56, tr47].
Vì vậy, muốn phân biệt được từ ngữ thông thường và thuật ngữ kinh tế thương mại, chúng ta phải căn cứ vào nội dung biểu hiện và những đặc trưng
của sự vật, hiện tượng được phản ánh, chứ không phải chỉ căn cứ vào sự vật, hiện tượng được định danh [29, tr76].