3. Ảnh hưởng của hoạt động sinh kế hộ gia đình làng nghề đến môi trường sống của
3.1. Tình hình môi trường 3 làng nghề tái chế ở Bắc Ninh
Nghề sản xuất thép hình thành ở làng Đa Hội đã từ lâu. Nhờ sự phát triển của nghề này mà nhiều gia đình ở Đa Hội đã giàu lên nhanh và có nhiều vốn quay vòng sản xuất. Tuy nhiên, cùng với sự giàu lên nhanh chóng của làng nghề là sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. “Ở
Châu Khê môi trường thực sự ô nhiễm. Ô nhiễm chủ yếu là khói bụi, nguồn nước có ô nhiễm nhưng không thể nói là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu để lâu quá thì nó cũng có thể gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân”(Nam, cán bộ xã
Châu Khê)
Theo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh, mỗi ngày, các làng nghề của xã Châu Khê thải ra khoảng 40-50 tấn xỉ than, xỉ kim loại, 2.600 - 2.700 m3
nước, 255 - 260 tấn khí chủ yếu là CO2 và khoảng 6 tấn bụi. Môi trường đất chịu tác động của các chất độc hại từ các nguồn thải đổ bừa bãi và nước mưa bị nhiễm bẩn ngấm xuống. Dải đất canh tác phía sau các hộ sản xuất đều bị bỏ hoang do ô nhiễm. Nhà ở và xưởng sản xuất xen lẫn nhau. Trong làng hầu như không còn cây bóng mát. Ông trưởng thôn Đa Hội cho biết, do việc sản xuất nằm ngay trong khu dân cư nên ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.
Người dân phải hít các loại khói, bụi kim loại trong quá trình sản xuất. Trẻ con ở Đa Hội có vẻ cũng chậm lớn hơn so với các nơi khác.
Tình trạng phổ biến của các hộ, cơ sở sản xuất nghề ở nông thôn là sử dụng ngay diện tích ở làm nơi sản xuất. Khi quy mô sản xuất tăng lên hoặc sử dụng thiết bị, hóa chất đã làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, nhất là ở các làng nghề tái chế phế liệu và chế biến thực phẩm. Cho đến nay, phần lớn nước thải tại các làng nghề đều thải thẳng ra ngoài không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Nguy hiểm nhất là tại các làng nghề tái chế. Người dân ở đây đang phải sống trong môi trường hết sức ô nhiễm. Đối với các làng nghề tái chế giấy, ô nhiễm chủ yếu từ nước thải ở các công đoạn ngâm tẩm, nấu và nghiền nguyên liệu cũng như công đoạn xeo giấy. Tính riêng hai làng nghề Dương Ồ và làng Phúc Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) mỗi ngày thải vào nguồn nước mặt khoảng 1.450 - 3.000 kg COD và hơn 3.000kg bột giấy. Đối với môi trường không khí, ô nhiễm chủ yếu ở các làng nghề tái chế giấy là bụi, hơi kiềm, Cl2 do dùng nước Javen để tẩy trắng và hơi H2S. Tại một số vị trí sản xuất, hàm lượng Cl2 vượt tiêu chuẩn cho phép tới ba lần, hơi H2S tại các bãi rác, cống rãnh vượt tiêu chuẩn cho phép 1 - 3 lần.
Ô nhiễm không khí tại các làng nghề tái chế kim loại cũng rất nghiêm trọng. Bụi trong không khí phát sinh từ khâu phân loại, gia công sơ bộ, tẩy rỉ, nấu, cán, kéo. Đặc biệt là khu vực bên cạnh các lò đúc thép, hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép tới 10-15 lần. Tại các làng nghề này, bụi thường có chứa kim loại mà chủ yếu là ô-xít sắt (Fe203) nồng độ lên tới 0,5mg/m3 làm cho không khí có mùi tanh. Trong không khí tại các làng nghề này luôn phát hiện được hơi hóa chất độc hại như Cl2, HCN, HCl, H2SO4, SO2, CO2, NO2 tuy hàm lượng nhỏ nhưng có mặt thường xuyên trong không khí gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng. (Ô nhiễm làng nghề và những giải pháp khắc phục.
"Sự tăng trưởng kinh tế ở Văn Môn lại đi ngược với bảo vệ môi trường.
Những người trực tiếp ảnh hưởng do môi trường bị ô nhiễm bởi bụi khói, các khí độc hại từ việc nung đồng, nhôm phế liệu lại chính là người già, trẻ em và những người làm công ăn lương. Còn các ông chủ phần nhiều không sống tại làng nghề hoặc có thì cũng ở trong những ngôi nhà cao tầng, bịt kín có hệ thống thông hơi, điều hoà mắt lạnh, ra ngõ là có ngay ôtô đưa đón. Thật là buồn, những ngôi nhà thì to ra, cao lên, còn tuổi thọ con người ngày một ngắn đi. Tuổi thọ của các cụ già trong làng chủ yếu là tầm 70 tuổi, còn những người sống đến ngưỡng 80 tuổi đã là thọ lắm rồi" (Nam, Bí thư Đảng ủy xã Văn Môn)
Đa Hội có hơn 200 hộ sản xuất sắt với quy mô lớn và hàng nghìn hộ sản xuất quy mô nhỏ. Mỗi ngày làng nghề này thải ra môi trường 2-3 tấn gỉ sắt và khoảng 4000 m3
nước thải. Đặc biệt có 20 cơ sở sản xuất thép bằng công nghệ mạ kẽm, thải ra các loại a-xit, kẽm, các kim loại nặng không qua xử lý, đổ thẳng ra sông. Các làng nghề tái chế và sản xuất giấy ở xã Phú Lâm (Tiên Du) và xã Phong Khê (TP Bắc Ninh) sản xuất khoảng 20.000 -80.000 tấn sản phẩm mỗi năm và thải ra môi trường 1200- 4.800 m3
nước mỗi ngày. Nước thải chứa các hóa chất tẩy rửa như xút, thuốc tẩy, phèn kép, nhựa thông, phẩm màu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống ở địa phương và các xã lân cận. Các thông số về BOD, COD của nước thải tại cống làng đổ ra sông cao gấp 8-9 lần tiêu chuẩn Việt nam (TCVN-5942/95 loại B). Làng nghề Dương Ổ ở Phong Khê mỗi năm cũng nhập về hàng trăm ngàn tấn giấy phế liệu, biến địa phương thành một bãi chứa rác thải. Các chất thải hóa học, nước thải làm cho môi trường ô nhiễm nặng nề và xã Phong Khê có 300 mẫu Bắc bộ không được sử dụng canh tác hàng năm, tập trung ở 2 thôn phát triển nghề giấy là Dương Ổ và Đào Xá.
Môi trường suy thoái ảnh hưởng đến tất cả cộng đồng, nhưng người nghèo bị tác động nhiều hơn và khó chống đỡ hơn. Họ có ít cơ hội để chọn lựa. Những người dân có thu nhập thấp ở các địa phương khác thường đến các làng nghề tái
chế làm thuê. Họ chủ yếu nhận làm những công việc nặng nhọc. Đồng thời những người dân trong làng không có nhiều vốn cũng phải chấp nhận làm thuê cho những người có qui mô sản xuất lớn hơn để có nguồn thu nhập. "Cái nghề
này biết là có hại nhiều hơn, nhưng mà không thể không đi làm thuê được. Vì người ta biết là có bệnh, nhưng mà người ta không thể để chết đói được. Nếu không đi làm nghề này thì không có việc gì khác, bởi vì đất đai ở đây quá ít, mà đất nông nghiệp thì không có nhiều, mà đất nông nghiệp để trồng rau dưa thì không trồng được, bây giờ nói chung đều tập trung vào nghề này rồi” (Nữ, Mẫn
Xá). Năm 2008, biến động kinh tế ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề. Những người làm thuê tại 3 làng nghề tái chế đã phải đứng trước rủi ro mất việc làm, giảm nguồn thu nhập. Khi làm những công việc tái chế nặng nhọc, những lao động sản xuất trực tiếp cũng là những người hứng chịu nhiều những rủi ro tai nạn và tác động ô nhiễm hơn cả. “Những ông
chủ lớn thường không sống ở trong làng, họ mua nhà đẹp ở ngoài phố và chỉ để xưởng sản xuất trong làng để tiện làm ăn thôi” (Nữ, Văn Môn, buôn nhôm)
Với qui hoạch thành lập các khu/cụm công nghiệp ở các làng nghề có làm giảm mức độ ô nhiễm nhất định trong khu dân cư, nhưng các khu công nghiệp này và các nhà máy thường không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải cứng, nên việc lập các khu công nghiệp, về cơ bản chỉ là dịch chuyển sự ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác trong cùng xã mà thôi. “Khu công nghiệp tại làng nghề đã có,
tập trung được nhiều cơ sở sản xuất lớn làm ăn có hiệu quả. Tuy nhiên, về cơ bản hệ thống xử lý chất thải tại khu công nghiệp chưa được tốt, nước thải, chất thải vẫn được xả ra bừa bãi” (Nữ, Dương Ổ, tái chế giấy).
Hoạt động sản xuất không chỉ gây ra những tác động tiêu cực cho hoạt động sản xuất tại làng nghề mà còn ảnh hưởng tới những làng lân cận, ảnh hưởng tới dòng sông Cầu mà làng Dương Ổ thuộc vùng hạ lưu của con sông. Chất lượng nước sông Cầu đã bị suy giảm, nhiều nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp và các làng nghề, thuộc các tỉnh Thái
Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Sinh kế ở làng xã này đã ảnh hưởng đến sự sống ở làng xã khác.
Làng nghề ô nhiễm ảnh hưởng đến ruộng rất nhiều. Cấy lúa chỉ đạt độ khoảng 50% năng suất so với trước. Nếu như nơi khác người ta cấy được một tạ thì mình chỉ ăn 50 kg. Thế nên ruộng bỏ hoang rất nhiều, bỏ hoang hàng hơn chục hecta. Địa phương tôi có một số mẫu ruộng, cạnh khu công nghiệp mới mọc lên, bây giờ không cấy được. Tập thể và xã viên làm đơn đề nghị với xã để nói với khu công nghiệp đó bồi thường, nhưng vẫn chưa được bồi thường. Hậu quả mang lại là vài vụ này không cấy được, tức là cấy lúa lúa chết không lên được, bây giờ chỉ là cỏ dại mọc. (Nam, Dương Ổ)
Như vậy sinh kế không thể nhìn ở một phạm vi của một làng, 1 xã mà phải đặt nó trong các quan hệ khác. Làng nghề sản xuất tái chế đã ảnh hưởng tới làng nghề sản xuất nông nghiệp. Sinh kế của làng nghề sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, đời sống và sức khỏe của họ cũng có thể bị đe dọa trong khi họ không được hưởng bù đắp nào. Đây có thể là một hướng nghiên cứu, cần tiếp cận sâu hơn để làm rõ vấn đề này.
Với định hướng chiến lược sinh kế của mình, người dân các làng nghề đang phải trả giá nặng nề về suy thoái môi trường, cả về môi trường sống, lẫn suy thoái về tài nguyên. Người dân tại 3 làng nghề tái chế vẫn đang tiếp tục đi theo sự lựa chọn của mình đó là phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập. Ở một mức độ nhất định, người dân nơi đây đã chấp nhận sự ô nhiễm.
Môi tường ô nhiễm thì chắc chắn rồi, toàn khí thải. Chị xem suốt ngày ồn ào, bụi bậm. Chị mà đến vào lúc 10h tối (giờ thấp điểm, các lò đúc thi nhau hoạt động, nếu làm vào giờ trung điểm hoặc cao điểm thì sẽ bị lỗ) thì khói mù mịt. Chị với tôi ngồi trong phòng cũng không nhìn thấy nhau. Chị mà vào lò đúc thì chắc chị không chịu nổi một phút, mùi hoá chất nồng nặc. Phế liệu đưa vào đủ cả các tạp chất như nilong, cao su, bao tải... Bây giờ là mùa đông, chứ vào mùa
hè chị tưởng tượng trong cái nắng nóng 37 - 38 độ thì như thế nào. Nguồn nước thì mạt sắt rất nhiều. Chị uống nước đi, nước này thì chị cứ yên tâm, đây là nước của nhà máy chứ không phải nước ở đây đâu. (Nam, Đa Hội, Quản lí xưởng cán
kéo thép của gia đình)
Nếu không khí trong lành, nhưng mình không có tiền thì cũng không làm (được) gì. (Nam, Truởng thôn Mẫn Xá)