Công nghệ thấp, giá rẻ; Nguồn nhân lực tại chỗ, giá nhân công rẻ

Một phần của tài liệu Hoạt động sinh kế chính của hộ gia đình tại một số làng nghề tái chế ở Bắc Ninh (Trang 42 - 46)

2. Những yếu tố tác động đến hoạt động sinh kế hộ gia đình

2.4.Công nghệ thấp, giá rẻ; Nguồn nhân lực tại chỗ, giá nhân công rẻ

Công nghệ thấp, giá rẻ là một điều kiện giúp các hộ gia đình có thể phát triển sinh kế của gia đình mình mà không cần phải có nguồn vốn tài chính lớn đầu tư cho công việc này. Các cơ sở sản xuất làng nghề thường sử dụng công nghệ và qui mô sản xuất khác nhau. Với mô hình sản xuất quản lý kiểu gia đình, chiến lược sinh kế hộ thường sử dụng các công nghệ đơn giản, trình độ thấp, có thể tự sản xuất tại địa phương như máy cán thép ở Đa hội, lò đúc nhôm ở Mẫn Xá, hay một số dây chuyền công nghệ được thải hồi từ các nhà máy lớn hay nhập từ Trung quốc như dây chuyền xeo giấy ở Dương Ổ...

Máy do tôi tự dựng hết. Ở đây không ai mua máy của nhà nước vì tiền nó đến hàng tỉ. Máy móc ở đây toàn tự người Đa Hội dựng lấy. Ai có tiền thì dựng máy mới, không có thì mua lại của người khác trong làng. Người Đa Hội rất giỏi học làm công nghệ, công nghệ ở đây chủ yếu do người dân tự làm thôi. Có ngành nghề gì, người Đa Hội chỉ cần đến chơi 1 -2 giờ đến hôm sau là có thể ra một cái máy y hệt. Người Đa Hội chỉ cần nhìn thôi là có thể chế tạo được cái máy y hệt. (Nam, Đa Hội, Quản lí xưởng cán kéo thép của gia đình)

Trong mẫu khảo sát ở Dương Ổ, có 70% máy xeo giấy công nghiệp sản xuất tại Việt nam, 20% tại Trung quốc và 10% tự lắp ráp, với giá cả dao động từ 250 triệu đến 5 tỷ đồng, được lắp đặt từ 1993-2004. Với công nghệ thấp, giá nhân công rẻ, các hộ gia đình tính đến chiến lược cạnh tranh về giá. Thậm chí, đôi khi tại các làng nghề có hiện tượng cạnh tranh bằng hàng giả như ở Dương Ổ có 10 hộ mua băng vệ sinh Trung quốc, bóc ra, sấy và đóng gói mang mác Việt Nam.

Với công nghệ thấp, lao động không được đào tạo chính qui, an toàn lao động chưa được chú ý nên hệ quả là xảy ra khá nhiều tai nạn lao động. Tại Đa Hội, những năm nghề đúc phôi, cán kéo thép mới phát triển, nhiều vụ tai nạn xảy ra. Người lao động ở đây không có bảo hiểm lao động, khi làm không may dây sắt cuốn vào cổ, đâm vào đùi; mắc tay áo vào máy rồi bị cuốn vào máy cán kéo sắt, điện giật, cắt hơi vào kíp bom, máy đột rập bị rơi bánh đà vào người (máy cũ), nấu phế liệu có đạn... dẫn đến thương tật, tử vong. Khi tai nạn xảy ra, chủ và người làm công tự thương lượng mức đền bù, không ai kiện ai (Năm 2003 đã xảy ra trường hợp chết người trong quá trình lao động). Hiện nay, tất cả mọi người đều ý thức về việc tự bảo vệ mình, máy đúc có bọc, thợ đến làm đều tự mua bảo hiểm y tế cho mình. Ở Mẫn Xá chưa xảy ra tai nạn lao động gây chết người như ở Đa Hội nhưng lại phổ biến về số ca. Theo những người thợ ở đây, tai nạn lao động phổ biến nhất là bỏng (nhẹ thì bỏng tay, bỏng chân, nặng thì mù

mắt). Bảo hộ lao động cho người nấu phế liệu rất thô sơ chỉ là cái kính đi nắng bình thường. Vì không ký hợp đồng lao động, nên đa số người lao động không được hưởng chế độ gì từ chủ thuê. Khi xảy ra tai nạn lao động, một số người chủ chi tiền viện phí cho người bị nạn, phần đông người lao động chỉ nhận được ít tiền để chữa trị. Người lao động không có chế độ gì bảo hộ cho cuộc sống sau khi bị tai nạn lao động dẫn đến tàn tật.

Nguồn nhân lực tại chỗ, số lượng nhiều và có sức khỏe và sức trẻ là yếu tố quan trọng giúp các hộ gia đình tận dụng để phát triển và mở rộng hoạt động sinh kế của gia đình mình. Hầu như tại các làng nghề Việt Nam, chiến lược sinh kế hộ đều dựa trên cơ sở nguồn nhân lực tại chỗ và giá nhân công rẻ. Trong bối cảnh của quá trình quá độ dân số ở Việt nam, với đặc trưng dân số trẻ, phần lớn nguồn nhân lực ở nông thôn không được đào tạo, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất nông nghiệp hạn hẹp, thì chiến lược sinh kế như thế là phù hợp trong giai đoạn nhất định của quá trình CNH nông thôn. Vai trò giải quyết việc làm của các làng nghề là rất cao, thậm chí có ước tính số lao động chính thức và thời vụ lên tới 11 triệu người tại các làng nghề. (Báo Nhân dân ngày 18- 07-2008)

Ở các làng nghề được khảo sát, ngoài việc đảm bảo việc làm trong thôn, xã, số lao động thuê ngoài xã có thể lên tới 5.000 ở Dương Ổ, 5.000 - 7.000 người ở Đa hội... Đó là chưa tính sự phát triển sản xuất làng nghề đã thúc đẩy hệ thống dịch vụ tăng trưởng, tạo việc làm gián tiếp cho hàng ngàn người khác. Người Đa Hội có vốn thường đứng ra làm chủ, thuê thợ ở các địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Giang, Đông Anh, Sóc Sơn... đến làm. Thợ đi làm theo nhóm, mỗi nhóm có một đầu cánh, đầu cánh quản lí thợ, chủ chỉ quản lý các đầu cánh và thanh toán cho đầu cánh. Sau đó đầu cánh thanh toán cho thợ. Trung bình thu nhập của thợ đúc bình thường khoảng 1.000.000đ - 2.000.000đ/ tháng; còn thợ đúc kĩ thuật cao có thu nhập khoảng 3.000.000đ/tháng.

Thu nhập của lao động làng nghề khá cao, so với lao động nông nghiệp, 1-3 triệu ở Đa hội, trên 2 triệu đối với thợ đúc nhôm ở Mẫn Xá. Ở Dương Ổ, tiền công trong mẫu khảo sát dao động trong khoảng 800 ngàn đến 1,5 triêu đồng/tháng.

Nguồn nhân lực cung cấp cho các làng nghề khá dồi dào từ các địa phương khác, chỉ yêu cầu đào tạo qua công việc và tự học. Mặc dù điều kiện lao động của những người làm công việc tái chế tại 3 làng nghề khá nặng nhọc, độc hại như đúc nhôm, chì, cán thép, tiếp xúc với hóa chất như tái chế giấy...

Công nhân đa số là người ngoài xã. Những công nhân ấy trước khi vào nhà máy thì người ta cho một anh biết kèm dạy 2 anh không biết. Nó phải ghép ca. Thường là 2 anh em trong nhà. Người anh đến làm biết các thứ rồi thì lại giới thiệu cho em mình đến và dạy em mình nên thực ra nhà chủ cũng không phải dạy. Mỗi người mới vào làm và học việc thì ăn cơm các thứ ở đấy rồi người ta trả cho 400- 500 ngàn một tháng. Sau bắt đầu đến tháng thứ 2 thì tự túc, nhưng tay nghề giỏi rồi thì quản lý người ta sẽ cho vào làm việc và khoán sản phẩm. (Nữ, Dương Ổ, chủ tịch hội phụ nữ xã Phong Khê)

Bảng 2.2: Trình độ tay nghề và hình thức đào tạo của nhân công lao động trong làng nghề

Trình độ & hình thức đào tạo

Mẫn Xá Đa Hội Phong Khê

Nam Nữ Nam Nữ Nam Nữ

Kỹ sư 0,0 0,0 2,7 0,0 0,0 0,0

Trung cấp kỹ thuật nam

0,0 0,0 2,7 2,7 0,0 0,0

Công nhân qua lớp dạy nghề

0,0 0,0 2,7 0,0 0,0 0,0

Nhân công tự học nghề

91,4 88,6 97,3 86,5 84,8 69,7 Lao động giản đơn

ko cần học nghề

2,9 2,9 5,4 10,8 0,0 3,0

(Nguồn: Số liệu khảo sát định lượng: Nghiên cứu về làng nghề tái chế của Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển JETRO của Nhật, năm 2007-2008)

Bảng kết quả khảo sát 2.2 cho thấy: tại 3 làng nghề tái chế hầu như không có nhân công có trình độ kỹ sư hay trung cấp kỹ thuật (Chỉ có ở Đa Hội với 2.7% nam và 2.7% nữ). Hình thức nhân công tự học nghề là số nhân công chiếm tỷ lệ lớn nhất tại ba làng nghề tái chế này. Ngoài ra số lao động giản đơn không cần học nghề chiếm một tỷ lệ nhỏ tại ba làng nghề tái chế. Nguồn lao động ở các làng nghề với trình độ chuyên môn thấp, hầu như không được đào tạo chính qui, chấp nhận điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại. Điều đó tạo điều kiện cho các hộ gia đình làng nghề áp dụng chiến lược sinh kế dựa vào công nghệ thấp, giá rẻ để giảm chi phí đầu tư.

Một phần của tài liệu Hoạt động sinh kế chính của hộ gia đình tại một số làng nghề tái chế ở Bắc Ninh (Trang 42 - 46)