2. Những yếu tố tác động đến hoạt động sinh kế hộ gia đình
2.1. Lịch sử phát triển làng nghề
Nghề sắt trước đây vốn chỉ có ở Đa Hội nay đã lan ra khắp xã Châu Khê. Trước kia, người Đa Hội thường tái chế sắt vụn, đúc cày bừa, cân đĩa, làm yên xe... “Người Đa Hội có thể làm tất cả các phụ tùng xe đạp, trừ săm lốp” (Nam, Đa Hội, sản xuất sắt). Tuy nhiên trong thời kỳ bao cấp, nghề này cũng chưa thực sự phát triển. Nghề đúc phôi (tái chế phế liệu thành phôi) ở Đa Hội mới bắt đầu phát đạt vào khoảng năm 1998, và phát triển mạnh vào năm 2003. Máy đúc ở đây thường được mua của Trung Quốc vì rẻ hơn máy Nhật. Sau khi mua máy, chuyên gia của Trung Quốc sang lắp máy, hướng dẫn kỹ thuật. Phôi có nhiều loại: phôi đúc (nấu phế liệu lên đúc ra), phôi cắt (sắt nguyên bản lớn cắt thành những thanh nhỏ). Nghề cán kéo thép (cán kéo phôi sắt thành các sản phẩm sắt thép xây dựng) cũng phát triển. Máy cán thép do người Đa Hội tự làm. Người Đa Hội rất giỏi trong việc học hỏi cách làm công nghệ, họ tự dựng máy cán kéo thép sau khi quan sát.
Nghề của Đa Hội có từ hàng trăm năm nay rồi. Người Đa Hội mở mắt ra đã biết cầm cái búa làm chốt cửa, bản lề. Thời xưa còn làm thủ công, các loại phụ tùng xe đạp người Đa Hội làm được hết chỉ trừ săm lốp thôi. Nhưng thời xưa khổ lắm, cứ phải giấu giấu diếm diếm. Từ khi mở cửa, làng nghề mới phát triển như ngày nay. Nhiều người còn mở rộng kinh doanh ở các tỉnh xa như Sài Gòn, thậm chí còn sang cả Lào và Cămpuchia để làm ăn nữa. Ở đây, chủ cũng lao động chẳng khác gì thợ, họ cũng làm việc chăm chỉ lắm. Từ thời bố mẹ tôi
thì chỉ làm thủ công thôi, toàn làm chốt cửa, bản lề, rồi đến chân chống xe đạp, nói chung là các bộ phận của xe đạp. Ngày xưa, tôi cũng khổ lắm. 10 tuổi (năm 1984) đã đi kéo bễ, bố thì rèn. Ngày ấy là mấy ông chú, cùng bố làm chung. Trước đây, Đa Hội chủ yếu chỉ có tái chế phế liệu, đúc phôi sắt thôi. Nghề cán kéo thép cũng mới chỉ bắt đầu mấy năm nay.
(Nam, Đa Hội, cán kéo thép)
Ở Mẫn Xá, trước đây người dân cũng canh tác lúa và dệt vải như những thôn khác ở xã Văn Môn. Đến năm 1960 của thế kỷ trước, nghề nghiệp và cuộc sống của người dân ở đây thay đổi khi 1 người đàn ông đến ở nhờ trong làng và dạy nghề đúc xoong nồi cho người dân. Sản phẩm thời đó chủ yếu là xoong nồi, mâm bằng đồng, bằng gang. Tuy vậy, lúc đó nghề này chưa nhiều, làng vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông. Làng nghề thực sự hoạt động tấp nập sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Phế liệu có nguồn gốc từ chiến tranh rất dồi dào là nguồn cung cấp nguyên liệu góp phần cho người dân Mẫn Xá thay đổi nghề nghiệp. Từ những người nông dân học nghề qua truyền miệng, cầm tay chỉ việc, họ chuyển sang nghề mới - tái chế phế liệu. Người dân của làng toả đi các tỉnh trong cả nước thu gom phế liệu là nhôm, gang, đồng, chì về cô lại và đúc thành các sản phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình như xoong, nồi, chảo, mâm, cối… Người Mẫn Xá khá lên nhờ đó. Tiếng tăm về nghề của làng Mẫn Xá cũng được lan đi khắp cả nước cùng với sản phẩm của mình. Người làng không dấu nghề nên lúc đầu vài hộ làm, sau đó thấy lợi nhuận cao nên nhiều người làm và hình thành làng nghề như bây giờ.
Làng nghề Dương Ổ phát triển trở lại đầu những năm Đổi mới nhờ nghề truyền thống làm giấy dó và nhu cầu làm giấy cuộn pháo. Khi có lệnh cấm pháo Dương Ổ chuyển sang tái chế các lọai giấy có nhu cầu thị trường cao như giấy bao bì, giấy vệ sinh, giấy ăn...
Nghề làm giấy này ở Dương Ổ có từ lâu lắm rồi. Ngày xưa là làm giấy điệp, giấy sớ cho các vua quan dùng, viết gia phả, giấy dó in tranh. Đến khoảng những năm 1970-1980 thì sản xuất giấy để làm pháo. Sau khi Nhà nước cấm pháo thì sản xuất giấy bị giảm hẳn. Đến năm 1996 chúng tôi chuyển sang làm giấy công nghiệp, tức là giấy vệ sinh, giấy viết, giấy bìa; chỉ còn một số nhà làm giấy truyền thống thủ công thôi.
Người làm giấy công nghiệp đầu tiên là ông Năng. Ông ấy đi Hà Nội buôn cái giấy Trúc Bạch. Sau khi chuyển sang cơ chế mở cửa, nhà máy giấy Trúc Bạch bị lỗi thời, do quản lý kém. Ông Năng đi học hỏi, đem cái nghề từ bên Hà Nội về. Sau khi ông ấy làm được, thì nhiều nhà khác học theo mà làm. Cái nghề giấy công nghiệp này có nhược điểm là máy móc, công nghệ của mình quá lạc hậu, thiết bị sắm sửa dần, nên nó cập kênh, không đồng bộ. Đầu tư một dây chuyền như mình mong muốn thì lớn tiền lắm, nhưng vốn của chúng tôi có hạn. Nếu xây dựng một cái dây chuyền mới, mà mới so với đất nước Việt Nam mình thôi chứ không phải với Tầu với Tây, thì tầm khoảng 1-2 tỷ. Thế mà mình làm cũng đủ ăn thôi, không tích lũy được ngần ấy tiền.
Kỹ thuật chúng tôi dùng là theo kinh nghiệm, theo gia truyền. Lao động thì cũng là lao động thời vụ ở đây thôi, chứ cũng không phải là công nhân chuyên nghiệp. Từ người quản lý cho đến công nhân cũng chủ yếu là theo kinh nghiệm thôi, không có ai là công nhân kỹ thuật qua trường lớp. Vốn chủ yếu là của cá nhân tự bỏ ra, thiếu thì vay ngân hàng, đủ thì thôi. Đầu ra là thị trường trôi nổi, có nghĩa là ai muốn mua thì tôi bán. Giá cả thì theo thị trường, nghĩa là mình có lãi một ít thì bán; làm 9 bán 10. (Nam, Dương Ổ,chủ doanh nghiệp tư nhân)
Khi được hỏi lý do các hộ gia đình hiện nay chọn nghề tái chế phế liệu để phát triển, đa số các hộ gia đình đều nói rằng chọn nghề này là do làm nghề truyền thống của làng: (75,8% hộ gia đình ở Dương Ổ cho rằng chọn nghề họ đang làm là do truyền thống của làng; 75,7% hộ gia đình ở Đa Hội chọn làm nghề theo truyền thống của làng; và 48.6% hộ gia đình ở Mẫn Xá cho rằng như
vậy). Số liệu khảo sát năm 2008 cho thấy 75% người được hỏi ở Mẫn Xá cho rằng gia đình chọn nghề này bởi làm theo người làng. Điều này chứng tỏ rằng lịch sử phát triển các làng nghề nơi đây đã tạo thành truyền thống làng nghề. Truyền thống phát triển của các làng nghề tái chế đã ảnh hưởng đến sự tiếp tục lựa chọn nghề của các hộ gia đình làm nghề tái chế phế liệu, trong điều kiện nhu cầu thị trường cao về các sản phẩm có liên quan đến nghề truyền thống.
Như vậy, có thể nói nghề làng (nghề truyền thống/nghề đang phát triển nhất) đã góp phần hình thành sinh kế chính của 3 làng nghề. Chiến lược sinh kế này nhằm phát triển sản xuất hay các dịch vụ cung ứng cho quá trình sản xuất, lưu thông sản phẩm làng nghề, là tận dụng các lợi thế so sánh mà nơi khác khó có được là sự lựa chọn hợp lý, tối đa hóa lợi ích/lợi thế của người dân làng nghề. Chính vì vậy, con cái một số gia đình sau khi được đào tạo chính qui, không đi làm nghề được đào tạo ở nơi khác, mà quay trở lại làng nghề làm việc với nghề của cha ông.
Làng nghề không làm thì làm gì. Mỗi đứa mỗi việc nhưng đều là nghề liên quan đến sắt. Thậm chí có đứa cũng đi học nghề này nghề khác rồi, nhưng rồi lại về làm nghề làng hết. Yêu nghề hay không thì cũng chẳng biết, nhưng nó là nghề của làng, người nơi khác họ còn đến đây làm việc kiếm tiền, thì dại gì mà mình lại bỏ làng đi chỗ lạ kiếm ăn cho vất vả. Nghề này kiếm tiền cũng được, lại vẫn ở gần nhà. Nghề của làng, cứ nhìn hàng ngày là mình biết làm thôi. Mình chẳng học hành gì, tự nghĩ và làm theo làng thôi. (Nữ, Đa Hội, sản xuất sắt)
Thực ra mình không đi làm cái này thì đi làm cái gì được. Chẳng lẽ làng mình có nghề, mà mình lại đi làm nghề khác vừa xa nhà, lại vừa lương ít. Học hết lớp 12 thì bây giờ họ quay về cũng làm như thế này thôi. Nhiều người đi học nghề sửa chữa điện tử sau lại quay về làng làm nghề này. (Nữ, Mẫn Xá, tái chế
nhôm)
Lịch sử nghề nghiệp đã tác động đến sự lựa chọn sinh kế của người dân làng nghề nơi đây. Nghề của làng đã được người dân tận dụng và phát triển để làm kế
sinh nhai vững chắc cho gia đình mình. Người dân vẫn đang tiếp tục chọn nghề của làng để đem lại nguồn thu nhập chính phát triển kinh tế gia đình. Họ tin rằng đó là nghề có thể nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình họ, và mang lại thu nhập cao. Điều đó đã được chứng minh bởi quá trình phát triển nghề của các thế hệ đi trước. Nghề tái chế không chỉ mang lại thu nhập cho người dân nơi đây mà còn tạo điều kiện có thêm thu nhập và việc làm cho người dân quanh vùng.