2. Những yếu tố tác động đến hoạt động sinh kế hộ gia đình
2.3. Nguồn nguyên liệu tái chế
Các làng nghề tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế thường dựa trên nhu cầu thị trường lớn như sắt thép xây dựng, kim loại mầu và kim loại đen cho sản phẩm cơ khí, giấy cho sản xuất và tiêu dùng... Ngay nhiều nhà máy lớn như luyện kim, cán thép cũng chú ý sử dụng nguồn phế liệu để giảm giá thành sản phẩm. Để nâng cao sức cạnh tranh, chiến lược sinh kế hộ gia đình làng nghề thường gắn liền với vùng nguyên liệu tại chỗ hay tận dụng nguồn nguyên liệu tái sinh. Tại nhiều làng nghề, nguồn nguyên liệu tái chế dường như dễ khai thác hơn, sẵn có hơn mua nguyên liệu chính phẩm hay nhập khẩu, cũng như giá cả thấp. Điều đó làm hạ chi phí đầu vào của sản xuất và tạo ra sức cạnh tranh bằng giá sản phẩm rẻ. Các làng nghề tái chế như Đa hội (sắt thép), Mẫn Xá (nhôm, đồng, chì), Dương Ổ (giấy) là những điển hình về việc các hộ gia đình phát triển sinh kế dựa trên nguồn nguyên liệu tái chế. Với hệ số sử dụng giấy phế liệu là 1,2 để tạo ra giấy thành phẩm, mỗi năm Phong khê thu mua 100.000-120.000 tấn giấy phế liệu. Mân xá có 300 hộ sản xuất nhôm, trung bình mỗi hộ (được khảo sát) sử dụng 20-35 tấn nhôm phế liệu (nhôm máy, nhôm bơ bia, nhôm dẻo, nhôm cứng...) các loại hàng tháng. Như thế có thể nhiều ngàn tấn nhôm được tái chế mỗi năm tại đây. Tại Đa Hội, hai phần ba số hộ trong mẫu khảo sát có thu mua phế liệu sắt thép, với mức tiêu thụ hàng tháng trung bình hộ 191 tấn/tháng. Nếu không tính hàng ngàn hộ sản xuất nhỏ, riêng 200 hộ sản xuất lớn có thể tiêu thụ trên 400.000 tấn sắt thép phế liệu.
Nhìn chung cả 3 làng nghề tái chế, phần lớn người được hỏi đều đánh giá nguồn nguyên liệu tái chế ổn định hay khá ổn định.
96 4 94.2 5.8 91 9 0 20 40 60 80 100
Đa Hội Mẫn Xá Dương Ổ
Ổn định Không ổn định
Biểu 2.1: Mức độ ổn định của nguồn nguyên liệu tái chế (%)
(Nguồn: Số liệu khảo sát định lượng: Nghiên cứu về làng nghề tái chế của Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển JETRO của Nhật, năm 2007-2008)
Nguồn nguyên liệu tái chế ổn định có thể giúp động sinh kế hộ gia đình làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Trên bình diện sinh thái, có 2 vấn đề được đặt ra. Trong chừng mực nào đó, chiến lược sinh kế hộ gia đình làng nghề dựa vào nguồn nguyên liệu tái chế góp phần làm giảm mức độ tiêu hao nguồn nguyên liệu tự nhiên không thể tái tạo. Đồng thời, trong thực tế, các chất thải của sản phẩm tái chế cũng là nguồn góp phần gây ô nhiễm môi trường sống của người dân 3 làng nghề. Như vậy, ngoài việc sản xuất phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, các hộ gia đình làng nghề tái chế còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tự nhiên, bên cạnh đó người dân cũng phải tính đến những tác động tiêu cực của hoạt động tái chế mang lại cho làng nghề.