6. Bố cục của đề tài
2.3.8. Kết quả đánh giá thực trạng đào tạo DLKS tại BRVT hiện nay
2.3.8.1. Các yếu tố được quan tâm cao của từng nhóm đối tượng.
1. Đối tượng người học
Theo Phương trình 2-2:
Sự hài lòng của Người học về dịch vụ đào tạo ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: Sự quan tâm (QT) của nhà trường, giáo viên và nhân viên; năng lực và tác phong của Giáo viên (GV); tổ chức hoạt động và năng lực nhân viên (NT); cơ sở vật chất (VC). Trong đó, yếu tố Giáo viên (GV) là yếu tố mà người học quan tâm cao nhất; sự Quan tâm (QT) cũng là yếu tố được quan tâm cao (xấp xỉ với yếu tố Giáo viên). Yếu tố Cơ sở vật chất ít được quan tâm nhất.
Đánh giá của người học có những khác biệt giữa các nghề khác nhau và giữa những người học ở năm khác nhau:
Người học nghề Lễ tân đánh giá thấp nhất về sự Quan tâm (QT).
Người học nghề Hướng dẫn đánh giá Giáo viên (GV) cao hơn nghề Quản trị Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn.
Người học các nghề đều đánh giá nhà trường (NT) như nhau.
Người học nghề Quản trị nhà hàng đánh giá cơ sở vật chất (VC) cao hơn Lễ tân và Quản trị DLNHKS.
Người học nghề Hướng dẫn hài lòng hơn so với nghề Lễ tân và Quản trị DLNHKS.
Người học năm 1 đánh giá các thành phần QT, GV, NT, HL cao hơn năm 2 và 3. Trong khi thành phần VC không có sự khác biệt.
2. Đối tượng người dạy
Theo Phương trình 2-4:
Sự hài lòng (ND) = 0,320(TCQL) + 0,234(QLDT) + 0,253(QT) + 0,275(NV)
Sự hài lòng của Người dạy về dịch vụ đào tạo ảnh hưởng bởi 4 yếu tố tổ chức quản lý (TCQL) chương trình môn học, kế hoạch giảng dạy, sử dụng phòng học và công việc của nhân viên; quản lý đào tạo (QLDT); sự quan tâm (QT) của nhà trường đối với giáo viên; năng lực và thái độ làm việc của nhân viên (NV). Trong đó yếu tố tổ chức quản lý (TCQL) được người dạy (giáo viên) quan tâm cao nhất.
3. Đối tượng doanh nghiệp
Theo Phương trình 2-6:
Sự hài lòng (DN) = 0,441(KN) + 0,329(TD) + 0,181(DC)
Sự hài lòng của doanh nghiệp đối với nhân viên là đầu ra của các trường ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: kỹ năng (bao gồm kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng mềm khác) của nhân viên (KN); thái độ (TD) trong công việc của nhân viên và sự đồng cảm (DC) của nhân viên với doanh nghiệp và với đồng nghiệp. Trong đó, kỹ năng của nhân viên là yếu tố ảnh hưởng cao nhất.
Tại các trưởng bộ phận khác nhau có sự đánh giá khác nhau:
Các Giám đốc đánh giá Kỹ năng của nhân viên thấp hơn các trưởng bộ phận Bếp và Buồng.
Các Giám đốc đánh giá Thái độ của nhân viên thấp hơn các trưởng bộ phận Bếp và Buồng.
Các trưởng bộ phận Bếp đánh giá sự Đồng cảm cao hơn Nhà hàng, Lễ tân và Giám đốc.
Các trưởng bộ phận Bếp hài lòng về nhân viên hơn Giám đốc.
2.3.8.2. Các nhân tố mạnh, yếu của đào tạo Du lịch – Khách sạn trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện tại.
1. Theo đánh giá của người học
Yếu tố Quan tâm bị đánh giá thấp nhất mà, theo Phương trình 3-2, đây là yếu tố có ảnh hưởng khá lớn tới sự hài lòng của người học. Điều này cho thấy người học mong đợi sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường và nhân viên nhà trường. Trong yếu tố này, hai biến “Nhân viên thực hiện nhanh chóng các yêu cầu của sinh viên” và biến “Nhà trường rất quan tâm đến điều kiện sống, học tập của bạn” bị đánh giá thấp nhất. Sự quan tâm của nhà trường mà đặc biệt là sự hỗ trợ, cảm thông của nhân viên nhà trường đối với sinh viên còn kém. Trong các ngành, nghề thì nghề Lễ tân đánh giá thấp nhất về sự quan tâm của giáo viên.
Yếu tố Giáo viên được đánh giá cao trong đó kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy của giáo viên được người học đánh giá cao nhất. Nghề hướng dẫn đánh giá giáo viên cao hơn.
Đánh giá chung của người học ở mức khá cao (Mean=3,8028). Các khác biệt trong đánh giá của các nhóm người học khác nhau dù không xác định rõ được nguyên nhân nhưng cũng là những gợi mở để các đối tượng liên quan xem xét, cải thiện.
2. Theo đánh giá của người dạy
Yếu tố Tổ chức quản lý bị đánh giá thấp nhất mà, theo Phương trình 3-4, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự hài lòng của Người dạy. Trong yếu tố này, hai biến “Việc sử dụng phòng học và trang thiết bị thuận tiện” và “Nội dung các chương trình môn học hợp lý” thấp nhất. Điều này cho thấy việc tổ chức quản lý phòng học và trang thiết bị còn gây khó khăn cho giáo viên. Giáo viên cũng đánh giá nội dung các môn học cũng chưa được hợp lý.
Yếu tố Quan tâm của nhà trường được giáo viên đánh giá cao.
Tự trung, sự hài lòng của Người dạy được đánh giá ở mức đồng ý (Mean=3,705)
3. Theo đánh giá của doanh nghiệp
Yếu tố Đồng cảm của nhân viên đối với doanh nghiệp bị đánh giá thấp nhất cho thấy doanh nghiệp mong đợi nhân viên không chỉ hoàn thành công việc mà còn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Phương trình 3-6, yếu tố này ảnh hưởng không lớn (thấp nhất) tới sự hài lòng của Doanh nghiệp.
Yếu tố Thái độ của nhân viên trong công việc được doanh nghiệp đánh gía cao trong đó sự trung thực của nhân viên được đánh giá cao nhất, kế tiếp là sự tuân thủ quy định của doanh nghiệp.
Mặc dù không phải là yếu tố được đánh giá cao nhất, nhưng Kỹ năng của nhân viên được đánh giá khá cao và đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự hài lòng của Doanh nghiệp. Trong đó kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc nhóm bị đánh rất thấp. Kỹ năng chuyên môn được đánh giá cao nhất.
Tựu trung, sự hài lòng của Doanh nghiệp ở mức gần “đồng ý” (Mean=3,7778). Sự khác biệt trong đánh giá cho thấy các giám đốc đơn vị yêu cầu cao hơn ở nhân viên và các trưởng bộ phận bếp hài lòng với nhân viên của mình hơn.
2.3.8.3. Chất lượng đào tạo du lịch khách sạn tại tỉnh BR-VT hiện tại.
Nhìn chung, chất lượng đào tạo Du lịch – Khách sạn hiện nay trên địa bàn tỉnh BR-VT ở mức trên trung bình. Lực lượng giáo viên có kiến thức, kỹ năng tốt; cơ sở vật chất nói chung được đánh gía cao. Đầu ra của các cơ sở đào tạo DL-KS trong tỉnh có kỹ năng chuyên môn, thái độ trong công việc tốt. Doanh nghiệp đánh giá cao sinh viên, học sinh đào tạo từ các trường trên địa bàn tỉnh. Trong đánh giá chung của ba nhóm khách hàng, người học hài lòng hơn so với doanh nghiệp và người dạy.
Cụ thể các mặt mạnh trong đào tạo DL-KS trên địa bàn tỉnh gồm: Kiến thức chuyên môn và kỹ năng giảng dạy của giáo viên tốt. Nhà trường quan tâm cao tới giáo viên.
Thái độ của người học khi làm việc tại doanh nghiệp tốt. Kỹ năng chuyên môn của người học khi ra trường tốt.
Tuy vậy, còn một số yếu kém cần cải thiện: yếu tố quan tâm của nhà trường, nhân viên nhà trường đối với người học; yếu tố tổ chức quản lý của nhà trường. Cụ thể là:
Sự quan tâm của nhà trường đối với sinh viên, học sinh chưa cao.
Người học năm 1 đánh giá sự quan tâm của nhà trường cao hơn các bạn năm 2, 3 cho thấy các trường hiện nay chú trọng nhiều vào việc thu hút đầu vào nhưng trong quá trình đào tạo giường như ít quan tâm hơn đến người học. Nhân viên nhà trường chưa tận tâm đối với sinh viên, học sinh.
Nhiều cán bộ, nhân viên trong các trường vẫn chưa xem đào tạo là một dịch vụ trong đó người học là khách hàng mà chỉ coi là đối tượng phục vụ và đối
tượng quản lý (Nguyễn Văn Khanh, 2008) do đó thái độ đối với người học chưa đúng mực.
Tổ chức quản lý quá trình dạy học còn chưa tốt, chưa tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên thực hiện công việc giảng dạy.
Cơ sở vật chất trong các trường học chuyên nghiệp và dạy nghề có nhiều chủng loại trang thiết bị đặc thù theo ngành nghề. Do đó, việc tổ chức quản lý cần có sự hỗ trợ từ các bộ phận chuyên môn là nơi nắm rõ nhu cầu sử dụng của giáo viên và các đặc thù trong quá trình sử dụng. Đồng thời với đó, trang thiết bị phải phù hợp với chương trình đào tạo từng ngành, nghề.
Kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của sinh viên, học sinh còn yếu.
Các dự án du lịch hiện tại đang triển khai trên địa bàn tỉnh và sắp đưa vào sử dụng đa số đều là các dự án cao cấp (Đăng Khoa, 2012) do đó kỹ năng ngoại ngữ là một kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với nhân viên. Chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam nói chung còn kém (Vĩnh Hà, 2011) do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy vậy, để có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp các trường cần chủ động cải thiện vấn đề này.
Kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên, học sinh còn yếu.
Đây cũng là một vấn đề yếu kém mang tính hệ thống của nền giáo dục Việt Nam tuy nhiên các trường vẫn có thể chủ động cải thiện kỹ năng này (Bodewig, 2012).
Giáo viên còn thiếu sự quan tâm, gần gũi sinh viên, học sinh.
Tương tự như đối với nhân viên, nhiều giáo viên vẫn chưa coi đào tạo là một dịch vụ nên còn thiếu quan tâm tới sinh viên, học sinh.
2.4. Tóm tắt chương
Chương này trình bày tổng quan về tình hình phát triển ngành du lịch tỉnh BR- VT và hiện trạng đào tạo Du lịch – Khách sạn trong tỉnh hiện nay.
Ngành Du lịch – Khách sạn trên địa bàn tỉnh BR-VT là một trong những gnành dịch vụ trọng yếu được quan tâm phát triển. Tuy đã có những phát triển mạnh trong những năm vừa qua nhưng vẫn còn nhiều yếu kém. Nhân lực ngành Du lịch – Khách sạn của tỉnh còn thiếu nhiều đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong khi đó hiện có nhiều dự án đầu tư Du lịch – Khách sạn trong tỉnh sắp đi vào hoạt động, yêu cầu một lượng lớn nhân lực Du lịch – Khách sạn chất lượng cao.
Trong tỉnh hiện chỉ có 02 cơ sở đào tạo Du lịch – Khách sạn, trong đó Trường Đại học BR-VT là một trường dân lập, mới thành lập và đào tạo ngành Du lịch Khách sạn. Trường có lực lượng giáo viên mỏng và ít giáo viên chuyên ngành; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo Du lịch – Khách sạn hầu như không có. Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu là trường đào tạo chuyên ngành có cơ sở vật chất tốt, lực lượng giáo viên chuyên ngành nói chung là mạnh, tuy nhiên với hệ cao đẳng, là hệ mới đào tạo từ năm 2009, vẫn còn yếu. Cả hai trường hiện nay đều chưa triển khai bất kỳ một hệ thống quản lý chất lượng quốc tế nào.
Chương này cũng đã thiết kế mẫu và thực hiện khảo sát thực tế. Kết quả khảo sát được xử lý trên phần mềm SPSS đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo DL-KS trên địa bàn tỉnh; mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố; các yếu tố mạnh, yếu; các khác biệt trong đánh giá giữa các nhóm khách hàng khác nhau.
Kết quả xử lý dữ liệu trong chương này làm cơ sở đưa ra các đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo DL-KS trên địa bàn tỉnh BR-VT trong chương 3.
CHƯƠNG 3:
CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO DL-KS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BR-VT
Dựa trên kết quả đánh giá thực trạng đào tạo DL-KS trong tỉnh của người học, người dạy và người sử dụng lao động trong chương 2, chương này đưa ra các đề xuất, các đề nghị đối với cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý địa phương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo DL-KS trong tỉnh.