Bối cảnh tham gia hợp tác APEC của cộng đồng doanh nghiệp khu vực

Một phần của tài liệu Tham gia hợp tác APEC của cộng đồng doanh nghiệp - thực trạng và giải pháp cho Việt Nam (Trang 40 - 43)

APEC ra đời với tư cách là một hình thức liên kết liên chính phủ đầu tiên ở châu Á- Thái Bình Dương nhằm thiết lập một cơ chế mà nhờ đó toàn khu vực phối hợp chính sách và hành động chung để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và bảo đảm sự phát triển bền vững. Một mặt, APEC ra đời nhằm tạo dựng một thế lực ở Châu Á – Thái Bình Dương cân bằng với chủ nghĩa khu vực đang phát triển mạnh mẽ ở châu Âu dưới hình thức Khối cộng đồng châu Âu – EC, cùng như ở Châu Mỹ dưới hình thức Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ - NAFTA. Mặt khác, APEC ra đời cũng chính từ nhu cầu khách quan của toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu khách quan về một hình thức liên kết chính phủ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong thời gian đầu thành lập, APEC đã tìm tòi, nghiên cứu các nguyên tắc, hướng đi cho mình, một mặt APEC theo đuổi chủ nghĩa khu vực mở với các nguyên tắc không ràng buộc, cùng có lợi và đồng thuận, mặt khác, APEC luôn thúc đẩy, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương GATT/ WTO và đi đầu trong các hoạt động thuận lợi hóa kinh doanh.

APEC bao gồm nhiều nền kinh tế thành viên với các trình độ phát triển, thể chế kinh tế chính trị và xã hội hết sức đa dạng, do vậy, khó có thể thực hiện các mục tiêu và chương trình như đã đề ra trong các liên kết khu vực và quốc tế khác với phương thức như một khu vực thương mại tự do, hay một khối thị trường chung, một cộng đồng kinh tế hay liên minh tiền tệ. Vì thế, tất yếu APEC phải có những phương thức riêng biệt để thực hiện những mục tiêu về tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng đã đề ra ban đầu. Trong quá trình tìm kiếm hướng đi cho riêng mình APEC nhận thức rõ vai trò thực sự của cộng đồng kinh doanh trong khu vực đối với tăng trưởng và phát triển bền vững hướng tới thịnh vượng chung của người dân trong khu vực – mục tiêu

39

mà APEC đã và đang theo đuổi từ ngày đầu thành lập. Cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực chính là những nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển kinh tế - thương mại và đầu tư trong khu vực, tạo công ăn việc làm, làm ra của cải vật chất và góp phần quan trọng vào sự phồn thịnh của các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, vị thế và tiếng nói của cộng đồng kinh doanh trong khu vực dường như chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng của họ, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp khu vực vào các diễn đàn, tổ chức, liên kết khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, APEC đã quyết định đề ra một phương hướng mới trong các hoạt động trọng tâm của mình, đó là tạo ra một cơ chế cho phép cộng đồng doanh nghiệp khu vực tham gia trực tiếp vào diễn đàn từ tháng 11/1993, qua đó, bày tỏ những quan điểm, tiếng nói, tâm tư, những khuyến nghị của mình với các chính phủ và bộ máy quản lý nhà nước các cấp. Đây là một bước tiến vượt bậc của APEC, đánh dấu sự phát triển mới về chất của diễn đàn trong bối cảnh tại các tổ chức và hình thức liên kết khu vực khác trên thế giới như Cộng đồng châu Âu EC, NAFTA, ASEAN, OECD, GATT, sự tham gia, vị thế và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp chưa được chú trọng đầy đủ và tương xứng với vai trò của nó trong nền kinh tế.

Như vậy, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực vào hợp tác APEC được thiết lập ngay từ những năm đầu thành lập do tác động tổng thể của những điều kiện khách quan và chủ quan, và đến nay cơ chế này đã được phát triển qua nhiều năm với những thay đổi, tiến bộ, đồng thời vẫn giữ được mục tiêu tôn chỉ đề ra, và thể hiện vai trò, vị thế, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Phải nói chìa khóa cho sự thành công của APEC là duy trì được mối quan hệ đối tác bền vững với cộng đồng doanh nghiệp. Kinh doanh luôn là động lực cho phát triển kinh tế trong khu vực và APEC cũng phải ghi nhận rằng tạo dựng một môi trường mà trong đó kinh doanh phát triển là yếu tố sống còn để đem lại việc làm và nâng cao mức sống. Do vậy, APEC đã đặt

40

mục tiêu làm cho môi trường kinh doanh trong khu vực trở nên dễ dàng hơn và giảm thiểu các chi phí kinh doanh trong khu vực. Thực hiện mục tiêu nói trên, doanh nghiệp là một trong những đối tượng hưởng lợi chính từ tiến trình hợp tác APEC và thực tế cộng đồng doanh nghiệp khu vực đã được hưởng rất nhiều lợi ích hữu hình và vô hình từ tiến trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại của APEC. APEC đã xây dựng chương trinh thuận lợi hóa thương mại với mục tiêu cắt giảm 5% chi phí giao dịch giai đoạn 1 từ năm 2001 – 2006, giai đoạn 2 cắt giảm tiếp 5% chi phí giao dịch từ 2006 – 2010. Một đánh giá định lượng về tiến độ của các nền kinh tế trong việc thực hiện TFAP năm 2004, dựa trên báo cáo của các thành viên, đã cho thấy hầu hết 60% các biện pháp dự kiến triển khai đã được triển khai và 25% các biện pháp đang được triển khai. Thông qua các chương trình thuận lợi hóa hải quan, hiện nay, thời gian xử lý hàng hóa tại cảng đã giảm từ 9,6 ngày xuống 5,3 ngày, đem lại lợi ích kinh tế ước tính là 1,5 tỷ USD. Thông qua các chương trình về hài hòa tiêu chuẩn, APEC đã xây dựng những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực như thiết bị viễn thông, thiết bị điện và điện tử, thực phẩm và đồ chơi. Những thỏa thuận này đã giúp giảm 15% chi phí dành cho thiết bị kiểm tra và chứng nhận. Bên cạnh đó, chương trình Thẻ đi lại của doanh nhân, là một bước tiến lớn tạo thuận lợi cho việc đi lại của các doanh nhân trong khu vực. Với thẻ đi lại này, các doanh nhân tiết kiệm thời gian và công sức do không còn cần phải xin thị thực nhập cảnh, đồng thời được hưởng lối đi đặc biệt dành cho APEC tại các cảng hàng không lớn của các nền kinh tế tham gia chương trình. APEC cũng đang xúc tiến các hoạt động phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ năng lực ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp APEC, cải thiện môi trường kinh doanh cho thương mại điện tử. Trong thời gian tới, APEC vẫn tiếp tục đặt doanh nghiệp làm trọng tâm trong chương trình nghị sự, chú trọng khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để thiết kế các chương trình hỗ trợ phục vụ sâu sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

41

Một phần của tài liệu Tham gia hợp tác APEC của cộng đồng doanh nghiệp - thực trạng và giải pháp cho Việt Nam (Trang 40 - 43)