7. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Nghĩa chuyển của từ với việc thể hiện tín hiệu thẩm mỹ Bác Hồ
Qua khảo sát hai tập thơ chúng tôi thấy rằng, tên gọi Bác Hồ xuất hiện khá nhiều với những tên khác nhau như: Bác Hồ (15 lần); Bác (27 lần); Người (24 lần); Hồ Chí Minh (7 lần); Cụ Hồ (6 lần); Cha (4 lần); Cụ (1 lần); Anh (1 lần). Điều này có thể cho thấy rằng hình tượng Bác Hồ là một hình tượng xuyên suốt trong cả hai tập thơ. Tố Hữu đã dành tất cả những lời ngợi
ca của mình cho người anh hùng kiệt xuất, người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và của Đảng.
Hình ảnh Hồ Chí Minh xuất hiện trở thành biểu tượng cho niềm tin chiến thắng, cho tinh thần chiến đấu ngoan cường của con người Việt Nam, trong ngọn lửa trường kỳ kháng chiến. Tố Hữu còn thể hiện ở phương diện vị tướng, một nhà chiến lược với một trí tuệ siêu trần. Ở đây, tác giả sử dụng hình ảnh ẩn dụ để nói về Bác, Người được ví như một “cây hải đăng mặt biển”, đó là con người không chỉ có đường lối cách mạng đúng đắn mà còn có một tấm lòng gan dạ, kiên trung, luôn đứng vững trong bão táp, phong ba, luôn là điểm sáng soi đường cho con thuyền cách mạng đi đến thành công :
Hoan hô Hồ Chí Minh Cây hải đăng mặt biển
Bão táp chẳng rung rinh Lửa trường kỳ kháng chiến
(Bài ca tháng 10- Việt Bắc)
Và hình ảnh Hồ Chí Minh luôn hiện hình trong mỗi bước đi, trong mỗi chiến công của toàn dân tộc.
Hồ Chí Minh
Người ở khắp nơi
Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ
(Sáng tháng năm - Việt Bắc)
Bên cạnh đó còn phải kể đến những hình ảnh ẩn dụ về mặt trời, khẳng định hình ảnh mặt trời chói sáng soi rọi làm bừng tỉnh tâm hồn nhà thơ “mặt trời chân lý chói qua tim”. Nếu ánh sáng mặt trời bình thường toả ánh sáng khắp nhân gian thì trong thơ Tố Hữu hình ảnh này là Đảng, là Bác Hồ toả nguồn sáng cho lý tưởng cách mạng, cho chân lý, cho lẽ phải trên đời.
Mà đế quốc là loài rơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
(Sáng tháng 5 – Việt Bắc)
Với ý nghĩa biểu tượng đó, Bác Hồ chính là một vì sao tinh túy với sức mạnh phi thường đưa con người thoát khỏi đêm dài đau thương, lạnh cóng. Qua "đêm đen" rồi ngôi sao sáng ấy bỗng hóa mặt trời chói lọi tỏa hơi ấm diệu kỳ. Câu thơ gợi cho ta một liên tưởng về quy luật của tự nhiên khi sao lặn thì trời sẽ sáng, một ngay mới tràn đầy ánh nắng lại bắt đầu. Cũng với tứ thơ ấy, Chế Lan Viên đã từng viết:
Bác đến giữa trời mây như xé
Sạch quang mây. Nhân dân vùng lên theo chủ soái mình
Ngôi sao sáng đưa ta qua đêm trường thế kỷ Đã thành mặt trời chói lọi bình minh
( Nếu thanh gươm ta chẳng hiểu Người - Chế Lan Viên)
Bác Hồ - vị lãnh tụ của nhân dân, rất gần gũi, giản dị, ở Người là biểu hiện tập trung nhất những đức tính cao quý của dân tộc.
Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh Ôi người Cha đôi mắt mẹ hiền sao!
Giọng của Người không phải sấm trên cao Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…
(Sáng tháng năm – Việt Bắc)
Cả khi nhà thơ nói đến trái tim của Bác thì cũng là để nói đến thế giới tình cảm của Người. Đó là một trái tim bao la dành cho muôn người.
Người là Cha, là Bác, là Bác, là Anh
(Sáng tháng năm- Việt Bắc)
Và đó cũng là trái tim trĩu nặng suy tư, một trái tim luôn luôn muốn ôm cả thế giới vào lòng.
Hỡi Người, tim những thương yêu
Cánh chim không mỏi sớm chiều vẫn bay
(Cánh chim không mỏi- Gió lộng)
Bác Hồ với "chiếc áo nâu giản dị" mang sắc thái của một ông cụ hiền lành chất phác, bao năm gắn bó với quê hương, với ruộng đồng. Chiếc áo của Bác, chiếc áo đơn sơ, sờn rách nhưng nó lại chính là biểu tượng cho một tâm hồn giản dị, trong sáng của người cha.
Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta Ta bỗng lớn ở bên Người một chút
(Sáng tháng năm -Việt Bắc)
Tên gọi Bác Hồ, xuất hiện 15 lần. Tên gọi Bác Hồ là sự cụ thể hóa nghĩa của từ Bác. Tuy nhiên, nhà thơ sử dụng ở những hoàn cảnh cụ thể khác nhau để khắc họa hình tượng Bác. Nếu Bác được dùng như một đại từ xưng hô khi Bác xuất hiện trong các cuộc giao tiếp, thì Bác Hồ lại được nhà thơ dùng để miêu tả một hình ảnh rất đỗi bình dị, thân thiết, một vĩ nhân lúc nào cũng quên bản thân mình lo cho tất cả.
Với tên gọi Hồ Chí Minh, Bác trở thành biểu tượng cho những điều tốt đẹp nhất, vẻ vang nhất, là niềm tự hào cho muôn đời, muôn người. Bác trở thành người nuôi dưỡng sức sống, sức chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân.
Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh
Trong sáng lòng anh xung kích
Vững tay người chiến sĩ nông thôn Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo...
(Sáng tháng năm- Việt Bắc)
Ở bài Việt Bắc, chính cái quan niệm con người bình thường đã gợi ý cho nhà thơ tìm đến các chi tiết bình thường của người lãnh tụ:
Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo…
Ở đây, Tố Hữu lại chú trọng đến việc miêu tả ngoại hình của Bác. Ông tập trung vào những nét phác họa về tóc/ mắt, má/ trán/chòm râu... để làm nổi bật lên trái tim tình người của Bác. Yếu tố được nhà thơ nhắc đến nhiều nhất chính là đôi mắt, mái tóc và chiếc áo. Tất cả chỉ là những vật bề ngoài bình thường và quen thuộc nhưng dưới bàn tay tài hoa của nhà thơ nó hiện lên như một thủ pháp nghệ thuật để nêu bật lên được hình ảnh "Bác Hồ, một tình yêu bao la cho quê hương, cho dân tộc".
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi.
(Sáng tháng năm- Việt Bắc)
Ví Bác với ngọn cờ đỏ nghĩa là Bác đã trở thành một biểu tượng tinh thần lớn lao có ý nghĩa định hướng chỉ đường cho cả dân tộc tiến lên con đường tươi sáng phía trước trong một niềm tin tất thắng.
Vinh quang Tổ quốc chúng ta Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà !
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại !
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Việt Bắc)
Đó là các từ chỉ hoạt động: dẫn đường, vạch đường đi, vững tay lái, nuôi chí bền...Thông qua tín hiệu này Bác hiện lên với tư cách là một con người tìm đường, mở lối, với một quyết tâm sắt đá đưa dân tộc ta đến con đường tươi sáng.
Bác ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng bước từng giờ. (Sáng tháng năm-Việt Bắc)
Hình ảnh Bác hiện lên một cách trực quan, giản dị mà gần gũi. Trong những bộn bề lo toan cho đất nước, lòng Bác vẫn lạc quan, ung dung tự tại. Nỗi nhớ của người Việt Bắc không nguôi về Bác với những hình ảnh thân thương, gần gũi và quen thuộc. Hình ảnh hoán dụ Việt Bắc – nói đến những con người ở Việt Bắc. Hình ảnh ẩn dụ “rừng núi” - Việt Bắc:
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường ...
Nhớ Người những sáng tinh sương Ung dung yên ngựa trên đường suối reo Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...
(Việt Bắc - Việt Bắc)
Ỏ khắp nơi nơi, không ở đâu khó khăn mà không có Bác. Người như một tiên ông, xuất hiện rất đúng lúc và kịp thời, động viên tinh thần chiến đấu của anh em đồng chí.
Đó là những cuộc sống của Bác và "cuộc sống nào cũng đẹp". Trong những vần thơ của Tố Hữu, nét nổi bật nhất của Bác, sức cảm hóa kỳ lạ của Bác chính là đức tình giản dị, tấm lòng hiền từ nhân hậu, phong cách thanh thản, ung dung. Người là một lãnh tụ hiền minh, một nhà hiền triết hơn là một vị tướng. Trong bài thơ Sáng tháng năm giới thiệu rất tự nhiên cảnh sắc đất trời và tâm trạng tác giả trong một lần gặp Bác. Lòng xao xuyến, mong đợi mà thanh thản, sáng trong. Ông đến thăm Bác Hồ và ngồi trước mặt người, ngắm nhìn và lắng nghe Bác nói, miêu tả Bác sinh hoạt bình thường. Ước mơ, suy tưởng gắn liền với những cảm giác và những cảm xúc cụ thể. Chính vì rất thật, rất sống cho nên những hình ảnh Bác trong Sáng tháng năm mới mẻ, đa dạng vừa có chiều sâu lại vừa bay bổng:
Bác ngồi đó lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng tấm lòng nước non (Sáng tháng năm- Việt Bắc)
Bác luôn xuất hiện trong các chi tiết bình thường nhất. Nhà thơ nhìn ngắm Bác bằng con mắt kính yêu, say mê pha chút tò mò như chưa bao giờ thấy Bác. Mỗi chi tiết đều mang cái nhìn chăm chú, thu hút toàn bộ tâm trí nhà thơ:
Bác Hồ, cha của chúng con
Hồn của muôn hồn
Cho con được ôm hôn má Bác Cho con hôn mái đầu tóc bạc Hôn chòm râu mát rượi hoà bình!
Với việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, Tố Hữu đã khắc họa được thật sâu sắc và cụ thể hình tượng Bác Hồ với tất cả mọi vẻ đẹp của Người- từ hình dáng đến trí tuệ và tâm hồn, đồng thời thể hiện được hết chiều sâu suy nghĩ của mình về Bác.
Bác Hồ trong bài thơ Việt Bắc chủ yếu là một con người đẹp trong khung cảnh núi rừng. Cái đẹp ở đây bao giờ cũng đậm đà màu sắc dân tộc. Người hòa vào đất nước lớn lao nhưng đồng thời cũng rất gần gũi, thân mật, ấm áp. Cũng trong bài thơ này, Tố Hữu nói đến cái cảm giác choáng ngợp khi đứng bên Bác. Điều này không phải là hoàn toàn vô căn cứ, bởi tiếp xúc với một người vĩ đại như Bác, người ta vẫn có một cảm giác gần gũi nhưng cũng không khỏi kinh ngạc, sửng sốt. "Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ...Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta...", "Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ/ Lắng từng câu, từng ý chưa thành"...
Trong quá trình khảo sát văn bản chúng tôi đã thống kê được những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ nói về Bác chủ yếu tập trung vào:
- Nhóm các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người xuất hiện trong các kết hợp như: Mái tóc Bác, bàn tay Bác, má Bác, chòm râu Bác, trán Bác, bóng Bác, chân Người...
- Những sự vật, hiện tượng liên quan đến cuộc sống sinh hoạt và hoạt động của Người: nhà sàn đơn sơ, áo nâu, túi vải... cho đến đường suối reo, đèo, rừng núi, dặm trường xa,…
Những ngay đầu của cuộc kháng chiến, khi chưa được gặp Bác Hồ, nhà thơ đã miêu tả đôi mắt Bác trong trí tưởng tượng của mình, một hình ảnh mang tính chất sử thi hơn là hình ảnh thân thiết của vị cha già kính yêu của dân tộc.
Mắt sáng quắc tay xanh lè mã tấu Vụt ào quyết hy sinh chiến đấu
(Hồ Chí Minh- Từ ấy)
Ở giai đoạn sau này, khi đã được tiếp xúc với Bác, nhà thơ đã cảm nhận được sự thân thiết và ông đã cho chúng ta được đắm mình trong đôi mắt hiền từ nhân hậu của Bác.
Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
(Việt Bắc- Việt Bắc)
Đó là đôi mắt chứa sức mạnh thần kỳ, làm hồi sinh sức sống của con người, làm bừng dậy niềm vui.
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già tươi mãi tuổi đôi mươi...
(Sáng tháng năm - Việt Bắc)
Ánh mắt Bác thật gần gũi thân thiết, như ánh mắt một người mẹ hiền hơn là một người lãnh tụ.
Bác Hồ đó là lòng ta yên tĩnh Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao
(Sáng tháng năm- Việt Bắc)
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và cũng là nơi biểu hiện ánh sáng của trí tuệ. Nếu tình thương lớn khiến ta thấy Bác là người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam thì trí tuệ lớn đưa Người trở thành vị tướng tài ba, lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và nhân loại.
Bên cạnh đó, hình ảnh râu tóc của Bác xuất hiện trong các kết hợp khác nhau cũng đem đến cho người đọc cảm nhận về một vẻ đẹp phúc hậu, hiền từ của Người như một tiên ông.
Cho con được ôm hôn má Bác Cho con hôn mái đầu tóc bạc
Hôn chòm râu mát rượi hòa bình
(Sáng tháng năm- Việt Bắc)
Hay trong một ngày trở về thắng lợi, màu cờ chiến thắng tung bay lẫn với màu tóc Bác.
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ
(Ta đi tới- Việt Bắc)
Nhờ các tín hiệu này, hình tượng Bác Hồ được thể hiện qua các tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Tố Hữu hiện lên hết sức bình thường, giản dị như muôn con người bình thường khác và vô cùng gần gũi nhưng cũng vô cùng vĩ đại.
Có những hình ảnh hoán dụ trong mối quan hệ với thời gian và không gian trong công việc và gắn với sinh hoạt đời thường của Bác:
Bác đi, muôn dặm đường xa
Hôm qua tuyết lạnh nay vừa nắng lên Bác về, tóc có bạc thêm?
Năm châu, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?
(Cánh chim không mỏi- Gió lộng)
Không gian trong thơ Tố Hữu đối với việc thể hiện tín hiệu thẩm mỹ: Đối với Bác, Tổ quốc là máu thịt của Người, còn đối với nhân dân Việt Nam Bác lại là linh hồn của Tổ quốc Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng khẳng định: "Bác chính là Tổ quốc". Vì thế khi nói đến Bác Hồ chúng ta không thể không đặt Người trong mối quan hệ với Tổ quốc.
Trong hai tập thơ Việt Bắc, Gió lộng của Tố Hữu, Tổ quốc Việt Nam trải dài trong một không gian khoáng đạt. Đó là không gian của núi rừng, vườn, làng, bản, sông, biển, đất nước, quê hương... và các địa danh như Việt Bắc, Pắc Pó, miền Nam ... và không gian quê nhà, không gian của những ngày đầu kháng chiến, không gian của núi rừng chiến khu Việt Bắc.
Địa danh Pắc Pó là nơi có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Đây là nơi Bác đặt dấu chân đầu tiên lên mảnh đất thân yêu của tổ quốc sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Ai đã đến, ai chưa đến đó Có hòn núi Mác, suối Lê- nin
Hãy về thăm quê ta Pắc Pó
Nơi Bác về, nguồn nước mới sinh
(Việt Bắc-Việt Bắc)
Hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh còn xuất hiện khá nhiều lần ở các vai xã hội khác nhau trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đó là Cha, là Anh, là Bác- nhà thơ, Bác- nhà hiền triết, là vị chủ tịch, vị lãnh tụ tối cao của Đảng, người có vai trò dẫn đường đưa lối cho cách mạng Việt Nam... Trên cơ sở đặc trưng này, hàng loạt các tín hiệu thẩm mỹ có ý nghĩa chỉ nguồn sáng, định hướng dẫn đường đã được Tố Hữu tạo ra theo thủ pháp tư duy ẩn dụ ý niệm và trở thành những chuyển nghĩa từ vựng đồng nghĩa lâm thời của tín hiệu Bác. Đó là các tín hiệu: ngọn cờ đỏ, mặt trời, ngôi sao, vầng trăng...
Tóm lại, việc sử dụng từ ngữ với nghĩa chuyển của nhà thơ Tố Hữuchỉ Bác Hồ trong Việt Bắc, gió lộng đã tạo nên được sự đa dạng trong thống nhất để xây dựng hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh.