7. Cấu trúc của luận văn
2.3.2. Từ láy trong hai tập thơ
Trong số các từ đa tiết của tiếng Việt nói chung, của vốn từ trong Việt
Bắc và Gió lộng nói riêng, các từ láy là một bộ phận rất đáng được quan tâm
phân tích.
Về mặt số lượng, chúng tôi thấy trong hai văn bản thơ này, số liệu định lượng của các từ láy là như sau:
Tập thơ Số lượng từ láy Tỉ lệ %
Việt Bắc 92 5,3%
Gió lộng 116 6,3%
Từ láy là một bộ phận quan trọng trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, nó chứa đựng trong mình tính sinh động và gợi cảm cao. Tỷ lệ từ láy trong văn bản chiếm 5,3% và 6,3% là tỷ lệ không thấp. Có lẽ Tố Hữu sử dụng từ láy nhiều, một phần vì thể thơ lục bát cho phép và cũng có khi là yêu cầu, để diễn tả hết tâm tình, tình cảm lúc nào cũng chan chứa trong tim. Phần lớn từ láy trong tác phẩm của Tố Hữu là từ láy đôi: êm êm, thanh thanh,… Nói chung, khi đi vào thơ, từ láy đã được tổ chức lại theo các quy luật tạo nên cảm giác hoà thanh, có sự kích thích thẩm mỹ đối với thính giác người nghe, có thể gợi lên những liên tưởng thú vị. Ở tập thơ Gió lộng tác giả sử dụng từ láy nhiều hơn tập thơ Việt Bắc, điều đó cho thấy rằng mật độ từ láy, phần nào đó cũng phụ thuộc vào đề tài, nội dung tư tưởng mà tác giả lựa chọn, cho nên mỗi tập thơ khác nhau thì từ láy và tần số xuất hiện của chúng cũng khác nhau.
So sánh với tập Thơ thơ của Xuân Diệu, chúng tôi thấy số lượng từ láy trong thơ Tố Hữu ít hơn. Có thể lí giải rằng thể loại thơ chau chuốt, bóng bẩy với đề tài tình yêu, trữ tình như thơ Xuân Diệu, thì mật độ từ láy cao hơn thơ tự sự chính trị. [2, tr237]. Có thể nói trong nền thi ca Việt Nam thì Hồ Xuân Hương là người dùng nhiều từ láy trong các tác phẩm của bà. Tính chất ngâm
vịnh, yếu tố “phong hoa tuyết nguyệt” hình như là môi trường thuận lợi để cho loại từ này xuất hiện [2]:
Ví dụ: Cầu trắng phau phau đôi ván ghép Nước trong leo lẻo một dòng thông Cỏ gà lún phún leo quanh mép Cá diếc le te lách giữa dòng
Nói tóm lại, do có những khả năng rất lớn diễn tả những cái cá biệt, cái sinh động của hành động hay tính chất nên Tố Hữu đã sử dụng từ láy âm trong thơ của mình. Điều này thể hiện đặc trưng quan trọng trong thể loại thơ mang tính hình tượng và sắc thái tình cảm. Dùng từ láy trong thơ không những làm tăng thêm tính chất hình tượng của thơ mà còn tăng thêm hoặc giảm đi sắc thái tu từ biểu cảm trong thơ.