Triệu chứng lâm sàng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nội soi ruột nonbóng kép trong thăm dò ruột non (Trang 64)

Các triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là thiếu máu, đau bụng và đại tiện phân đen/phân máu.

Thiếu máu là triệu chứng phổ biến nhất, gặp ở 30 bệnh nhân và chiếm tỷ lệ 78,9% (30/38). Điều này là do trong nghiên cứu có một tỷ lệ lớn bệnh nhân vào viện vì XHTH CRNN (21/38 bệnh nhân). Số ít bệnh nhân được chẩn đoán u ruột non hoặc viêm ruột mạn tính có quá trình diễn biến bệnh dài ngày cũng gây thiếu máu trên lâm sàng.

Đau bụng là triệu chứng phổ biến thứ hai chiếm 57,9% (22/38 trường hợp). Phần lớn các trường hợp đau bụng âm ỉ liên tục, kéo dài. Có 2 trường hợp đau bụng từng cơn trong bệnh cảnh bán tắc ruột và tìm thấy nguyên nhân gây bán tắc ruột sau NSRN bóng kép: 1 trường hợp hẹp ruột non do tổn thương lao ruột cũ, 1 trường hợp bán tắc ruột do lồng ruột non.

Chúng tôi gặp 18 bệnh nhân đại tiện phân đen/phân máu, chiếm tỷ lệ 47,4% (18/38), trong đó có 1 trường hợp nhập viện vì chóng mặt, mệt xỉu nhưng qua khai thác bệnh sử và khám lâm sàng, chúng tôi phát hiện bệnh nhân có đại tiện phân đen. Không có trường hợp nào nôn máu, có lẽ do nôn máu là biểu hiện của XHTH cao, vị trí xuất huyết thường ở thực quản, dạ dày hoặc hành tá tràng. Những trường hợp XHTH trong nghiên cứu này đều đã nội soi dạ dày trước khi NSRN để loại trừ bệnh lý XHTH cao. Một điểm nữa là nghiên cứu của chúng tôi xác định 21 trường hợp nhập viện/ đi khám với lý do đại tiện phân máu/phân đen nhưng thời điểm nhập viện Bạch Mai có 4 bệnh nhân đã cầm chảy máu và đi ngoài phân vàng.Tuy nhiên bệnh nhân vẫn được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên để tìm nguyên nhân gây XHTH.

Rối loạn phân có 11/38 trường hợp chiếm tỷ lệ…%, trong đó chủ yếu gặp triệu chứng phân lỏng/nát (7/11 trường hợp), 4/11 trường hợp phân lúc lỏng/nát lúc táo bón xen kẽ, không có trường hợp nào táo bón.

Ban trên da gặp ở 2 trường hợp và cũng là triệu chứng gợi ý cho chẩn đoán. Một trường hợp ban ở mặt sau đó được chẩn đoán xác định lupus ban

đỏ hệ thống. Trường hợp còn lại ban dạng bốt xuất hiện từ bàn chân lên cẳng chân giúp chúng tôi chẩn đoán xác định bệnh lý viêm mao mạch dị ứng (Scholein- Henoch). Cả 2 trường hợp đều có triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy và gầy sút. Chỉ định NSRN ở trường hợp thứ nhất do tiêu chảy mạn tính và trường hợp thứ hai do siêu âm ổ bụng có hình ảnh dày lan tỏa các quai ruột non nghĩ đến viêm ruột. Kết quả NSRN của trường hợp thứ nhất không thấy tổn thương nhưng kết quả sinh thiết ruột non nhiều mẫu cho thấy viêm niêm mạc ruột non mạn tính, còn trường hợp thứ hai có nhiều tổn thương loét niêm mạc ruột non với bờ mềm mại, đáy phủ giả mạc, xung quanh là những vùng niêm mạc lành, không gây biến chứng hẹp ruột hay chảy máu nghĩ đến ổ loét không đặc hiệu. Cơ chế gây loét trên bệnh nhân này có thể giải thích như sau: tổn thương viêm tắc mao mạch do sự hình thành phức hợp kháng nguyên- kháng thể trong máu gây thiếu máu các tạng tại vị trí mao mạch bị viêm tắc đó. Trường hợp này có thể do viêm tắc mao mạch mạc treo ruột non gây thiếu máu cung cấp đến ruột non và dẫn đến tổn thương viêm loét ruột non như trên.

4.2. Một số đặc điểm chung về NSRN bóng kép

Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2014, chúng tôi đã tiến hành 67 thủ thuật NSRN bóng kép trên 38 bệnh nhân, trong đó có 37 thủ thuật qua đường miệng và 30 thủ thuật qua đường hậu môn.

4.2.1. Đường nội soi

Lựa chọn đường miệng, đường hậu môn hay phối hợp cả hai đường là quyết định của bác sỹ nội soi. Thông thường chúng tôi lựa chọn đường nội soi trong lần soi đầu của bệnh nhân dựa theo vị trí tổn thương được gợi ý khi thăm khám lâm sàng hoặc kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như CT, siêu âm, X quang. Trong trường hợp không xác định được vị trí

tổn thương thì đường miệng là đường tiếp cận trước tiên do khả năng đi sâu của ống soi trong ruột non hơn so với đường hậu môn.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn bệnh nhân phối hợp cả hai đường (29/38 bệnh nhân, 76,3%). Điều này được giải thích có thể do đường tiếp cận đầu tiên không xác định được tổn thương gây bệnh nên bệnh nhân sẽ được nội soi lần hai theo chiều ngược lại. Một lí do nữa soi phối hợp 2 đường làm tăng khả năng khảo sát hết toàn bộ chiều dài ruột non và tránh bỏ sót tổn thương.

Tìm hiểu 9 trường hợp chỉ soi 1 đường miệng hoặc đường hậu môn, chúng tôi thấy có những lí do sau: khi đã xác định được tổn thương gây bệnh ngay lần soi đầu tiên, bác sỹ có thể không soi tiếp lần hai theo đường ngược lại; hoặc bệnh nhân không chấp nhận soi lần 2 do lo sợ tác dụng không mong muốn của nội soi, không muốn uống Forrtrans làm sạch ruột do mùi vị khó chịu hay vì muốn nhanh chóng ra viện.

4.2.2. Thời gian nội soi

Thời gian nội soi trung bình của mỗi thủ thuật NSRN bóng kép là 57 +/- 33 phút. Thời gian nội soi trung bình cho mỗi thủ thuật đường miệng là 54 +/-29 phút, thời gian nội soi ngắn nhất là 18 phút, dài nhất là 120 phút. Thời gian nội soi trung bình cho mỗi thủ thuật đường hậu môn là 60 +/- 37 phút ( 9 – 150 phút), thời gian nội soi ngắn nhất là 9 phút, dài nhất là 150 phút. Không có sự khác biệt về thời gian nội soi giữa đường miệng và đường hậu môn (p > 0,05).

So sánh với một số nghiên cứu tương tự, thời gian nội soi trong nghiên cứu của chúng tôi ít hơn. Nghiên cứu của Kazuya A. có thời gian nội soi trung bình cho mỗi thủ thuật là 122 phút (74 – 199 phút), nghiên cứu của Heine GD thì thời gian nội soi kéo dài trung bình 90 +/- 42 phút (30 – 180 phút). Sự khác biệt về thời gian nội soi trong nghiên cứu của chúng tôi so với các nghiên cứu trên có thể do cách tính thời gian khác nhau của mỗi tác giả. Với

mỗi thủ thuật đường miệng, chúng tôi tính thời gian bắt đầu từ lúc ống soi bắt đầu từ miệng và kết thúc khi ống soi không thể đi sâu tiếp thêm nữa. Đối với các thủ thuật đường hậu môn, thời gian bắt đầu tính khi ống soi bắt đầu từ lỗ hậu môn và kết thúc khi tìm thấy điểm đánh dấu trong lần soi đường miệng trước đó hoặc không thể đi sâu vào ruột non hơn nữa.

Sự khác biệt về thời gian nội soi giữa đường miệng và đường hậu môn trong nghiên cứu của chúng tôi không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Trong quá trình làm nội soi, chúng tôi thấy rằng đường miệng là đường tiếp cận tới ruột non dễ dàng và nhanh chóng hơn với bác sỹ nội soi vì đoạn qua thực quản - dạ dày ngắn và thẳng. Tuy nhiên khả năng đi sâu vào đoạn xa ruột non bằng đường miệng cao hơn đường hậu môn nên chúng tôi luôn cố gắng đi sâu tối đa trong khả năng có thể với mục đích tiếp cận được toàn bộ chiều dài ruột non. Đường hậu môn được cho là tiếp cận tới ruột non khó và lâu hơn so với đường miệng do ống soi phải đi qua một đoạn đại tràng dài, gấp khúc. Tuy nhiên khi vào đến ruột non thông thường chúng tôi chỉ mất ít thời gian để tìm thấy điểm đánh dấu trong lần soi đường miệng. Thời gian nội soi đường hậu môn cũng kéo dài trong những trường hợp không tìm thấy điểm đánh dấu. Điều này giải thích lí do thời gian nội soi đường miêng và đường hậu môn không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu của chúng tôi.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nội soi ruột nonbóng kép trong thăm dò ruột non (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w