Trước năm 1975, Phú Nhuận mang đặc thù vùng đất dân cư, không có cơ sở sản xuất lớn, chỉ có một số ít cơ sở tiểu thủ công nghiệp các ngành nghề mộc gia dụng, mỹ nghệ, dệt, gò hàn... với quy mô gia đình. Về thương mại, dịch vụ có chợ Phú Nhuận và các cửa hàng tạp hóa, ăn uống, may mặc... trên các trục đường Trương Minh Ký, Võ Di Nguy. Thời kỳ này, Phú Nhuận không có trường trung học công lập và mạng lưới bậc học mẫu giáo mầm non; không có tụ điểm phúc lợi công ích văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí.
Sau ngày giải phóng Thành phố, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, nhất là củng cố bộ máy hành chính nhà nước, đủ sức giải quyết nhiều vấn đề cực kỳ phức tạp về chính trị xã hội thời hậu chiến ngay tại địa phương, Đảng bộ và chính quyền Phú Nhuận sớm có chủ trương vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên lĩnh vực sản xuất tăng bình quân 10%/năm, tập trung vào các ngành hàng dệt may, mỹ nghệ, cơ khí, chế biến lương thực... Về thương mại, dịch vụ, Quận hình thành mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã với chức năng chủ yếu là phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu cho dân. Các cửa hàng chuyên doanh vật liệu xây dựng, chất đốt, thực phẩm, công nghệ phẩm... được thành lập từ quận tới phường, đáp ứng phần nào nhu cầu cuộc sống nhân dân.
Về sự nghiệp giáo dục, Quận tổ chức tiếp quản, nhanh chóng công lập hóa các trường tư thục, coi trọng việc xây dựng, sửa chữa trường lớp. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền Quận đã dành những ngôi nhà dạng vi la, biệt thự làm nơi nuôi dạy các cháu từ
26
6 tháng đến 5 tuổi. Phú Nhuận là một trong một số ít địa phương sớm hình thành mạng lưới nhà trẻ, mẫu giáo từ những năm 1975 - 1977.
Ngành Y tế với trên dưới 20 cán bộ tiếp quản bệnh viện Cơ đốc, nhà bảo sanh và một số cơ sở y tế nhỏ để hoạt động. Trong hai năm tiếp theo, 1976, 1977, ngành phải phát triển lên tới trên 250 cán bộ nhân viên y tế mới đáp ứng nổi yêu cầu nhiệm vụ.
Trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, lao động, thương binh xã hội, Quận sớm hình thành tổ chức và không ngừng củng cố bộ máy các cơ quan chuyên môn, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương đặt ra sau ngày giải phóng. Kỷ niệm lần thứ 33 Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9, 19/08/1998 Quận thành lập Nhà Văn hóa làm cơ sở phúc lợi công ích văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí cho người dân.
Thời kỳ 1980 - 1985, từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, Quận chỉ đạo xây dựng 07 xí nghiệp quốc doanh, hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp. Các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể này đã nhanh chóng lớn mạnh (chiếm 16,38% sản lượng chung) và chiếm ưu thế trên thương trường, quy tụ được nhiều cơ sở cá thể làm vệ tinh, tạo việc làm cho đông đảo lao động. Thành phần kinh tế cá thể cũng tăng trưởng khá (chiếm 44% sản lượng chung). Giá trị tổng sản lượng của Quận vào cuối năm 1985 gấp 3 lần năm 1980. Giai đoạn này, các ngành nghề da giày, vải sợi, may mặc, thêu đan, nhựa và nghề mỹ nghệ như sơn mài, mây tre lá, mành trúc phát triển mạnh nhờ ký được hợp đồng lớn và trao đổi kinh tế hai chiều với khối SEV (Liên xô và các nước Đông Âu cũ).
Năm 1986, mở đầu công cuộc đổi mới đất nước với đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của nhà nước, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền Quận một mặt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế; mặt khác phải tăng cường chức năng quản lý nhà nước về kinh tế xã hội. Bên cạnh duy trì, phát triển thành phần quốc doanh (14 đơn vị), Quận khuyến khích, tạo điều kiện hình thành trên 40 doanh nghiệp tư doanh, tạo sản lượng đáng kể, tăng thu ngân sách, giải quyết hàng ngàn lao động mỗi năm. Giá trị tổng sản
27
lượng những năm đầu thời kỳ 1991 - 1995 tăng bình quân 16%/năm, kim ngạch xuất khẩu 22%/năm, mức thu ngân sách tăng từ 15 - 20%/năm.
Từ năm 1987 trở đi, ngành thương mại cả quốc doanh lẫn dân doanh phát triển mạnh. Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu Quận hình thành được mối liên kết bền vững giữa sản xuất với kinh doanh xuất nhập khẩu bằng phương thức đầu tư vốn, giao nguyên liệu cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ, sơ chế nông sản và thu hồi thành phẩm để xuất khẩu. Giữa Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu và thương nghiệp quốc doanh cũng có mối liên hệ tốt thông qua ủy thác xuất khẩu nông sản và nhập các chủng loại hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Cũng trong năm, hoạt động dịch vụ khởi sắc dưới tác động của tư duy mới trong lãnh đạo, quản lý, là tiền đề để Đảng bộ chính quyền Quận quyết định chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương từ "Sản xuất, thương, mại, dịch vụ" sang "Dịch vụ, thương mại, sản xuất". Quận chỉ đạo, tổ chức hoán đổi nhà công sở mặt tiền đường Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu giao cho Công ty Vật tư - Dịch vụ - Du lịch khai thác. Từ đó nhiều khách sạn tiện nghi, hiện đại mọc lên đón khách từ sân bay vào trung tâm Thành phố.
Đầu năm 1992, Quận thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á với 80% vốn góp của các đơn vị kinh tế quốc doanh, đồng thời hình thành dịch vụ tín dụng đầu tư làm phong phú thêm đời sống kinh tế địa phương.
Việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị kinh tế quốc doanh lấy "năng suất, chất lượng, hiệu quả" làm đầu được đẩy mạnh bằng cách sáp nhập các đơn vị cùng chức năng, giải thể đơn vị thua lỗ, củng cố tổ chức bộ máy... để đủ sức đứng vững trên thương trường.
Giai đoạn 1996 -2000, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện còn nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan về năng lực quản lý, lao động có tay nghề, vốn đầu tư, mặt bằng sản xuất, kho bãi... Đảng bộ, chính quyền Quận đã có những chủ trương đúng đắn mang tính đột phá như tạo môi trường pháp lý thông thoáng, đồng thời trực tiếp gợi ý, chỉ đạo tăng cường liên kết hoạt động giữa các đơn vị kinh tế cả trong lẫn ngoài quốc doanh; thu hút đối tác đầu tư liên doanh, hợp doanh và 100% vốn nước ngoài vào những ngành mũi nhọn, thế mạnh kinh
28
tế của Quận; mở rộng quy mô kinh doanh một cách thích hợp. Các đơn vị kinh tế quốc doanh Công ty Nam Á, Công ty Vật tư - Dịch vụ - Du lịch, Công ty May 30/4... được củng cố kiện toàn, chuyển biến tốt, có lãi, tiến bộ nhanh trong quản lý điều hành sản xuất, trong liên kết kinh doanh, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, tổ chức tiếp thị, xây dựng được uy tín thương hiệu.
Giai đoạn 2001 - 2005, sau 5 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, trên địa bàn Phú Nhuận có 1700 doanh nghiệp và cơ sở cá thể, gồm 50 công ty cổ phần, 360 công ty TNHH, 90 doanh nghiệp tư nhân và 1200 cơ sở kinh doanh cá thể. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 11%/năm, (tăng 5% so với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2001 -2005). Trong đó giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 54% và tăng bình quân 11,9%. Doanh số thương mại, dịch vụ tăng bình quân 27,9%/năm (chỉ tiêu nghị quyết là trên 20%/năm). Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, tốc độ tăng bình quân 9,7%/năm.
Theo đúng định hướng cơ cấu kinh tế "Dịch vụ, thương mại, sản xuất", bước đầu Quận hình thành và định hình một số trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp ở các tuyến đường trọng yếu và khu dân cư mới phát triển; đồng thời chú trọng đầu tư cho công tác quy hoạch theo hướng phù hợp thực tế khách quan, yêu cầu phát triển bền vững, khả thi và có yếu tố khoa học dự báo. Quận xây dựng tốt các đề án quy hoạch phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại, sản xuất, các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm với tệ nạn xã hội và hoạt động quảng cáo ngoài trời giai đoạn 2001 - 2005, quy hoạch phát triển hệ thống chợ đến năm 2010 tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư kinh doanh mọi ngành nghề, mọi hoạt động mà pháp luật không cấm.
Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Quận đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc định hướng xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động, xác định giá trị tài sản, tỷ trọng vốn nhà nước... và nhân sự tham gia quan quản lý doanh nghiệp cổ phần. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định, phát huy tốt quyền, trách nhiệm cổ đông trong quản lý và mọi hoạt động khác. Cuối năm nay Quận hoàn tất công tác đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, duy
29
nhất chỉ còn một đơn vị công ích là Công ty Công ty Công trình đô thị Quận là doanh nghiệp nhà nước.
Triển khai chương trình mở rộng hẻm theo quy hoạch với phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Quận thực hiện đầy đủ quy trình, bảo đảm dân chủ, không làm xáo trộn nhiều tới đời sống dân cư. Tiếp theo công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc, cù lao phường 2 Rạch Miễu, công trình mở rộng hẻm làm cho diện mạo quận Phú Nhuận bừng sáng, đã có dáng vẻ một khu đô thị văn minh hiện đại của một nước phát triển.
Công tác xã hội hóa sự nghiệp giáo dục được nhân rộng và ngày càng có chất lượng chiều sâu. Các trường dân lập, tư thục phát triển tốt, nhất là ở bậc học mầm non. Sự quan tâm và tinh thần đóng góp của nhân dân đối với phát triển sự nghiệp giáo dục ngày càng cao. Nhiều quỹ học bổng được thành lập nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa đối với gia đình nghèo có con em hiếu học, học giỏi. Bình quân hàng năm các quỹ trao gần 2000 suất học bổng, tổng giá trị trên 100 triệu đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cảm thụ, hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của người dân, nhận thức đầy đủ nghị quyết 90/CP, nghị định 73/NĐ-CP về phương hướng, chủ trương và chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, trong phạm vi chức năng, thẩm quyền, Quận tính toán đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa, bố trí mặt bằng hợp lý cho các đơn vị sự nghiệp có chức năng tổ chức hoạt động văn hóa thể thao đủ điều kiện thu hút đông đảo đối tác đầu tư. Trung tâm Văn hóa Quận được đầu tư xây dựng mới, kinh phí 15 tỷ đồng, khởi công cuối năm 1999, khánh thành cuối năm 2000 với đầy đủ công năng, trang thiết bị hiện đại, thu hút nhiều tổ chức cá nhân tham gia hoạt động, khai thác mọi loại hình văn hóa nghệ thuật. Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên thuộc Quận đoàn cũng được đầu tư 1,76 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp và đổi thành Nhà Thiếu nhi.
So với nhiều quận huyện bạn, Phú Nhuận rất khó khăn về quỹ nhà đất, song cũng đã tích cực kiểm kê, khảo sát chọn địa điểm xây dựng nhà văn hóa cấp phường nhằm thực hiện quyết sách về văn hóa của nghị quyết Đại hội Đảng IX "Phấn đấu đến cuối năm 2005 80% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, 50% làng xóm, khu phố
30
đạt chuẩn văn hóa quốc gia, 78% phường xã có nhà văn hóa, bình quân mỗi người dân có 4 bản sách/năm". Đến nay đã có 14/15 phường chọn được địa điểm, đang lập dự toán, dự kiến khởi công và hoàn tất trong năm 2005.
Tính đến cuối tháng 09/2004, số diện chính sách Quận quản lý, chăm sóc là 2.272 trường hợp. Trong đó có 105 diện ưu đãi tiền khởi nghĩa; 724 thương binh; 42 bệnh binh; 34 quân nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 33 người phục vụ thương bệnh binh nặng; 518 gia đình liệt sỹ; 563 diện thờ cúng liệt sĩ; 213 diện có công với nước; 5 anh hùng LLVT; 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Việc chăm lo đời sống diện chính sách trên địa bàn quận Phú Nhuận thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng luôn là mối quan tâm hàng đầu cuả Đảng bộ, chính quyền. Với phương châm "Nhà nước, cộng đồng và bản thân đối tượng chính sách tự vươn lên", ngoài những chế độ chính sách theo qui định các diện chính sách có công được hưởng, Quận đẩy mạnh các hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa, kết nghĩa đỡ đầu, vận động sổ tiết kiệm, trợ cấp khó khăn đột xuất, vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa để trợ giúp thêm cho diện chính sách, nhằm giảm bớt nỗi khó khăn trong đời sống do các khoản trợ cấp và chế độ đối với gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với tình hình giá cả thực tế hiện nay.
Tổng kết 11 năm thực hiện chương trình Xóa đói giảm nghèo và việc làm, tính đến tháng 11/2003 Quận không còn hộ nghèo theo tiêu chí Thành phố giai đoạn 1992 - 2003 (thu nhập 3 triệu đồng/người/năm trở xuống). Hiện có 1171 hộ nghèo theo tiêu chí mới (thu nhập 4 triệu đồng/người/năm trở xuống), chiếm tỷ lệ 2,97%/tổng số hộ sẽ được bảo lưu, trợ vốn trong giai đoạn 2004 - 2005. Tổng vốn XĐGN của Quận hiện có 463 tỷ đồng. Để đạt được những thành tựu kể trên, trong 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Nhuận đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, thậm chí có lúc phải trả giá rất nghiệt ngã cho tính nóng vội, chủ quan, duy ý chí, cho những ấu trĩ, tả khuynh trên bước đường khắc phục đói nghèo, lạc hậu để vươn lên. Cùng với các thành tựu, những ký ức không vui đó sẽ là những bài học kinh nghiệm
31
quý giá, là một trong những nguồn nội lực giúp Phú Nhuận cùng Thành phố và cả nước sánh vai với các nước phát triển bước vào kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.