Cấu tạo truyền thuyết địa danh Tây Ninh

Một phần của tài liệu truyện dân gian tây ninh (Trang 96)

Truyện kể địa danh có hai dạng, có dạng lấy chủ đề giải thích địa danh làm mục đích chính, có dạng thì chỉ xem việc giải thích địa danh như là một cái cớ [20, tr.419]. Truyện mang chủ đề giải thích địa danh: các tình tiết gắn với tên gọi địa danh ngay từ đầu và đều hướng vào mục đích đó. Truyện không mang chủ đề giải thích địa danh thì yếu tố giải thích địa danh chỉ được lắp ráp vào phần kết của truyện, còn toàn bộ phần thân truyện trình bày những vấn đề khác không liên quan hoặc rất ít liên quan đến địa danh.

3.2.2.1. Kiểu cốt truyện xem việc giải thích địa danh chỉ là cái cớ

Những truyện thuộc nhóm này, việc giải thích địa danh không phải là mục đích chính. Đối với dân gian, giải thích địa danh chỉ là một cách để họ khắc sâu hơn vấn đề được phản ánh thông qua cốt truyện. Giải thích địa danh chỉ là một mục đích “tạm” mà mục đích “bền vững” có thể là một bài học về luân lý, có thể là một nhân vật lịch sử đáng ghi danh, cũng có thể là một chiến công vẻ vang trong quá khứ của cha ông,…

Trong nhóm truyện này phân thành hai dạng công thức cốt truyện:

Thứ nhất, công thức cốt truyện về địa danh đã được định vị ngay từ đầu.

Ứng với công thức cốt truyện này có các truyện: Sự tích núi Bà Đen,

Suối Ông Hùng.

Truyện Suối Ông Hùng lý giải về tên gọi của một làng, xã. Tên gọi vẫn được lưu truyền đến ngày nay như một sự nhắc nhớ về một người có công quần tụ xóm làng. Ông không chủ trương kêu gọi, lãnh đạo nhân dân khai khẩn đất hoang giống như những bậc tiền hiền khác. Mục đích ban đầu của ông, một vị quan bất mãn triều đình là đi ẩn danh. Nhưng theo dấu chân ông, nhiều người cũng đến quần cư. Công tích của ông được người đời ghi mãi là diệt cọp, trừ khử thảo khấu, bảo vệ đời sống dân sinh. Ghi nhớ công ơn của ông, dân gian gọi vùng đất được ông khẩn hoang, bảo vệ là Suối Ông Hùng. Dân gian không nhất thiết phải nhớ tên họ đầy đủ của ông, chỉ một cái tên giản dị nhưng cũng dung chứa hằng bao nghĩa tình.

Riêng truyện Sự tích núi Bà Đen, đoạn kết nhân vật có sự phức tạp hơn. Nó theo trình tự diễn tiến là:

Định vị địa danh  Nguồn gốc, đặc điểm nhân vật  Hành trạng, công tích của nhân vật Đoạn kết của nhân vật và việc lý giải tên gọi địa danh.

Nhân vật tử tiết  Báo mộng  Hiển linh, âm phù  Được nhân dân thờ cúng (sắc phong).

Đoạn kết này, có sự trùng hợp ngẫu nhiên với đoạn kết của kiểu cốt truyện lịch sử. Qua đó càng khẳng định mối quan hệ nhập nhằng giữa truyền thuyết địa danh và truyền thuyết lịch sử ở Tây Ninh. Như đã nói, sự phân loại cũng chỉ là tương đối.

Ở đoạn kết này, có sự xuất hiện của các mô-típ nhân vật tử tiết, mô-típ điềm báo qua hình thức giấc mộng, mô-típ hiển linh, âm phù. Các mô-típ này cũng xuất hiện nhiều trong kiểu truyện của truyền thuyết lịch sử Tây Ninh. Trong truyện này, mô-típ nhân vật tử tiết có ý nghĩa khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt của người con gái, hoàn toàn khác với ý nghĩa của mô-típ này trong các truyền thuyết lịch sử Tây Ninh nhằm biểu hiện tấm lòng trung cang, nghĩa khí, tính chất anh hùng của các nhân vật lịch sử. Mô-típ điềm báo thường đi kèm với mô-típ hiển linh, âm phù. Có mô-típ hiển linh, âm phù tất yếu sẽ có mô-típ điềm báo trước đó. Hai mô-típ này đều giữ nguyên ý nghĩa của nó đó là thể hiện sự linh thiêng hóa những con người “không bình thường” để tạo thành một chỗ dựa niềm tin vững chắc cho cuộc sống con người. Đoạn kết của truyện còn có tác dụng cổ súy cho bài học đạo lý mà dân gian muốn chuyển tải, đó là bài học về tấm lòng trung trinh tiết liệt của người phụ nữ thời xưa.

Kiểu nhân vật ứng với kiểu cốt truyện này là những con người bình thường, nhưng có khí tiết. Riêng có nhân vật trong truyện Suối Ông Hùng là xuất thân từ tầng lớp quan lại, nhưng chán ngán cảnh quan trường nên mai danh ẩn tích.

Thứ hai, công thức cốt truyện về địa danh chưa được định vị. Công thức cốt truyện như sau:

Nhân vật hoặc sự kiện lịch sử có liên quan đến địa danh  Hành trạng, công tích nhân vật  Đoạn kết của nhân vật hoặc sự kiện lịch sử và việc lý giải tên gọi địa danh.

Ứng với công thức cốt truyện này có các truyện: Sự tích Dinh Ông, Bàu Cỏ Đỏ, Sự tích chùa Quan Huế, Am Mả Dộc. Tuy có cùng một công thức cốt truyện nhưng cảm hứng ở các truyện không giống nhau. Nếu như truyện

Sự tích Dinh Ông là cảm hứng ngợi ca pha lẫn niềm tiếc thương, thì truyện

Bàu Cỏ Đỏ là cảm hứng tự hào về chiến công, tôn vinh người anh hùng. Hai truyện hoàn toàn đi ngược nhau, một bên là sự thất trận, dẫn đến sự hi sinh của nhân vật; một bên là sự chiến thắng, chiến công của nhân vật. Từ cảm hứng khác nhau dẫn đến các lý giải địa danh cũng khác nhau. Một bên là giải thích về nơi thờ tự nhân vật Ông Chúa Tàu, một bên là giải thích về vùng đất ghi dấu chiến công – Bàu Cỏ Đỏ, một cách gọi vừa đánh dấu chiến thắng của ta, vừa phản ánh sự thất bại của quân giặc. Riêng truyện Sự tích chùa Quan Huế, được xây dựng từ cảm hứng ghi nhớ công ơn của người thành lập ngôi chùa. Dân gian không gọi theo tên ngôi chùa được đặt trên bảng tên, mà gọi theo tục danh do dân gian gán cho người sáng lập. Họ không biết tên họ chính xác của ông là gì, chỉ biết ông là một vị quan của triều đình Huế, vì chán ghét cảnh chém giết mà khoác áo nhà tu, tìm nơi thanh tịnh. So với các truyện khác thì Am Mả Dộc là truyện đi theo một cảm hứng khác. Nó không phải được xây dựng trên một cảm hứng ngợi ca, tôn vinh của dân gian xuất phát từ tấm lòng biết ơn, ngưỡng vọng đối với những con người lập nên công tích để lại cho đời, mà nó được xây dựng từ một cảm hứng bi thương. Địa danh không được đặt theo tên của nhân vật mà được đặt theo kết quả hành động của nhân vật. Nhân vật xuất thân là một thợ săn. Trong một lần ông đã bắn chết con dộc mẹ, chứng kiến cảnh thương tâm, ông bèn chôn con dộc và xây một cái am. Theo đó, người đời gọi là Am Mả Dộc. Tại sao nói truyện được xây dựng theo cảm hứng bi thương? Vì xuất phát từ cảm hứng bi thương mà mới có sự ra đời của Am Mả Dộc, và cũng chính vì bi thương mà người thợ săn chuyển sang nghề hốt thuốc. Truyện có nhằm giải thích địa danh chăng? Hay đó chỉ là một cái cớ về một bài học khuyến thiện đối với loài vật? Cảm hứng toát lên

trong truyện dường như không đóng chút bụi của thời gian. Nó quá gần gũi với con người của chúng ta ngày nay. Liệu rằng đây là truyện dân gian mới được hình thành của thời kỳ sau này?

Về bước truyện đoạn kết, cần lưu ý đoạn kết của truyện Sự tích Dinh Ông. Khác với các truyện còn lại, ở truyện này đoạn kết có sự trùng khớp so với đoạn kết của kiểu cốt truyện lịch sử đó là nhân vật hi sinh, sau đó nhân dân tưởng nhớ và lập miếu thờ.

Kiểu nhân vật gắn với công thức cốt truyện này là những người thuộc tầng lớp trên của xã hội. Người là một vị chúa tàu (tức thuyền trưởng bây giờ) được Chúa Nguyễn Ánh tin tưởng trên bước đường bôn tẩu, trốn tránh quân Tây Sơn, Ông hết lòng trung thành, đến chết vẫn bám trụ. Một vị là ông Đặng Văn Tòng, con ông Cả Trước (truyện Ông C), giữ chức Phó Lãnh Binh hết lòng chiến đấu bảo vệ bờ cõi, bảo vệ đời sống của người dân. Một vị là quan võ của triều đình, không phải ông từ chối nhiệm vụ, mà sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông mới tìm chốn ẩn danh, tu hành. Chỉ riêng truyện Am Mả Dộc, nhân vật là một con người bình thường nhưng có một tấm lòng biết hướng thiện đáng trân trọng.

Hình thức truyện thì kể về địa danh nhưng thực chất truyện lại kể về con người, lịch sử, qua đó ghi nhớ công lao khai hóa, công ơn của những con người này đối với lịch sử, địa danh của địa phương. Đôi khi, truyền thuyết địa danh cũng là một cách khẳng định chủ quyền qua địa danh trên bước đường mở cõi của ông cha ta. Điển hình là địa danh núi Bà Đen, mỗi tộc người ở Tây Ninh đều có một truyền thuyết về Bà. Một mặt nó thể hiện tín ngưỡng của các tộc người, một mặt nó như một sự nhìn nhận, khẳng định “chủ quyền” về quả núi của tộc người. Bởi vì nơi đó đang thờ vị thần của chính họ.

3.2.2.2. Kiểu cốt truyện lấy chủ đề giải thích địa danh làm mục đích chính.

Kiểu cốt truyện này có công thức cốt truyện sau:

Theo công thức cốt truyện này, có các truyện: Sự tích Bến Trường Đổi,

Giếng mạch, Mô súng.

Bước truyện thứ 1 ở các truyện không thuộc cùng một kiểu hoàn cảnh. Ở truyện Sự tích Bến Trường Đổi là sự tuyệt giao buôn bán của người Chàm đối với người Pháp, truyện Giếng mạch là sự thiếu nước ngọt trong thời kỳ còn khan hiếm, truyện Mô súng hoàn cảnh có sự nhập nhằng, vì trước đó đã hình thành mô súng nhưng tên gọi hoàn toàn khác, đó là một cái mả to chôn cả 500 đến 700 người bị liên lụy từ sự nổi dậy của Lê Văn Khôi. Đó là một sự kiện bi thương trong lịch sử.

Bước truyện thứ 2 là giải quyết hoàn cảnh. Do sự chi phối của bước truyện thứ 1 mà sự giải quyết hoàn cảnh sẽ diễn ra phù hợp với từng cốt truyện. Để giải quyết hoàn cảnh do người Chàm tạo ra, Pháp phải ra lệnh cho người Việt vào tận trong xóm ấp người Chàm buôn bán để hàng hóa được lưu thông. Sự giải quyết hoàn cảnh trong truyện Giếng mạch không do con người chi phối như ở truyện Sự tích Bến Trường Đổi mà là do một sự ngẫu nhiên, tình cờ. Không ai ngờ rắng, mạch nước ngọt quý báu lại do trẻ nít chăn trâu tìm thấy, người ta nghĩ đó là món quà trời ban, mang tính chất ban thưởng. Đó là lý do tại sao dân gian lại dựng miễu thờ Bà Đen – Lê Sơn Thánh Mẫu (theo cách gọi của người dân). Dân gian cho rằng không phải tự nhiên mà có mạch nước ngọt, đó phải là một món quà của thánh thần. Tại sao lại cho rằng mạch nước xuất phát từ núi Bà Đen? Chẳng phải núi Bà Đen được xem là biểu tượng linh thiêng của cư dân Tây Ninh sao? Ở cốt truyện Mô Súng, Pháp tận dụng mô đất cao để cho lính tập bắn súng, bất kể sự thật lịch sử đằng sau

mô đất cao ấy là gì?

Bước truyện thứ 3, dân gian sẽ định vị lại sự kiện, nơi chốn đề cập trước đó bằng một tên gọi, như là một cách thức để lưu dấu những sự kiện đáng nhớ trong quá khứ địa phương. Tại nơi người Chàm buôn bán, trao đổi với người Việt được dân gian gọi là Bến Trường Đổi, cách lý giải tên gọi địa danh dựa theo vị trí địa lý và hành động của con người, cụ thể đó là hành động đổi chác, bán mua của người Chàm và người Việt. Dân gian không đặt tên riêng cho giếng nước mà gọi bằng một cái tên nôm na, bình dị – giếng mạch. Mạch ở đây chỉ là mạch nước hay mang tính chất là một nguồn mạch của sự sống con người? Về tên gọi Mô súng, dù ngày nay không còn nữa, nhưng vẫn được người đời gọi tên, có thể đó là thói quen lưu truyền tên gọi. Cách lý giải địa danh này dựa vào hình thể của một địa điểm và hành động của con người ở đó.

Từ đó có thể thấy, cách gọi tên địa danh của dân gian rất là đa dạng. Họ có nhiều cách gọi tên mà chúng ta không thể ngờ tới. Có những địa danh có trước, sau dân gian mới sáng tạo nên truyện kể giải thích địa danh. Thường kiểu này chúng ta sẽ có những địa danh tự nhiên, được dân gian gửi gắm ý thức, tâm thức của mình vào. Và cũng có những truyện kể có trước, sau mới hình thành địa danh. Thường kiểu này chúng ta có những địa danh hình thành dưới sự tác động của hoặc có liên quan đến con người.

Trong hai dạng truyện thì dạng truyện kể lấy chủ đề giải thích địa danh làm mục đích chính lại tỏ ra mờ nhạt trong bộ phận truyền thuyết địa danh ở địa phương Tây Ninh.

Một phần của tài liệu truyện dân gian tây ninh (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)