Truyền thuyết Tây Ninh gắn với địa danh, in đậm dấu tích địa phương

Một phần của tài liệu truyện dân gian tây ninh (Trang 71)

toàn.

3.1.2. Truyền thuyết Tây Ninh gắn với địa danh, in đậm dấu tích địa phương phương

Đối với người dân Việt Nam cái tên gọi rất quan trọng, họ “luôn luôn tự hào về cái tên của quê hương bản quán của mình, dù cái tên ấy có thể không văn hóa, chữ nghĩa”. Đối với họ, đó không chỉ đơn thuần là cái tên mà còn là truyền thống, là cội nguồn, là bề dày lịch sử của địa phương. Có thể nói, cái tên, địa danh như là một thứ để phân biệt với các địa phương khác, làm thành cái bản sắc địa phương. Nhiều địa danh còn lưu lại dấu tích của một nhân vật, một người anh hùng, một sự kiện “chấn động” nào đó diễn ra trong quá khứ ở địa phương. Vì thế, có thể nói không ít địa danh chỉ là cái cớ để truyền thuyết bám vào tạo nên một tổng hòa cảm giác về nhận thức, về niềm tin, về tình yêu đối với quá khứ, và trên hết đó là niềm tự hào thiêng liêng.

Vũ Ngọc Khánh đã nói về mục đích đặt tên địa danh của dân gian như sau: “Hoặc để kỷ niệm một thành quả lao động, để tỏ lòng biết ơn và sùng mộ một con người hay một chiến công, hoặc để lưu giữ trong ký ức ngàn đời về một sự kiện lịch sử, một hiện tượng xã hội. Có khi địa danh là nhằm giải thích một cách thơ ngây hoặc thông tục về một hiện tượng kỳ lạ của cảnh vật, của thiên nhiên” [41, tr.8]. Từ nhu cầu định danh sự vật, dân gian đã bồi đắp trí tưởng tượng của mình, phủ một lớp lạ hóa, huyền hoặc lên “lịch sử”, kết quả

là tạo nên một “sự thật quá khứ” đầy niềm tin và tự hào trong lòng mỗi người dân địa phương. Vùng đất được ghi dấu sự tồn tại qua các địa danh được lưu lại trong các mẩu truyện được truyền từ người này sang đời khác, từ người này sang người khác, tạo nên một ký ức tự hào, một ý thức quê hương, bản quán của dân gian.

“Truyện kể địa danh thực ra chính là truyện kể về những con người, những người đã gắn mình với tên sông tên núi hoặc đã làm nên non sông đất nước” [20, tr.420]. Mượn cớ giải thích địa danh để nói về công tích của một nhân vật nào đó trong lịch sử, về một cuộc đời đáng được lưu dấu với thời gian để người đời chiêm bái, noi gương và mục đích sau cùng là biến những con người ấy thành chỗ dựa tâm linh bền vững cho dân gian. Như vậy, về bản chất sự xuất hiện của truyền thuyết địa danh mà địa danh chỉ là cái cớ có hai mục đích song song. Thứ nhất là tôn vinh, ngợi ca những con người để lại dấu tích nơi xóm làng, địa phương. Thứ hai là tìm chỗ dựa tâm linh trong đời sống của những con người bình thường. Họ vừa thể hiện bản tính yếu đuối, vừa thể hiện sức mạnh của một kẻ quyền uy, qua việc níu kéo những gì kính ngưỡng, thiêng liêng lại gần với cuộc sống con người, bằng chứng là những vị nhân thần gắn với địa danh được thờ phụng đều có nguồn gốc từ những con người bình thường, từ trong dân gian mà đi vào cõi vô biên của quyền năng thần thánh.

Đó là lý do tại sao, mỗi một địa danh trong truyền thuyết địa danh thường gắn với một chiến công, một kỳ tích tạo dựng của tiền nhân. Nói như Hồ Quốc Hùng, “ký ức lịch sử cần được định vị dưới dạng vật thể”, chính xác là chủ thể “nhân dân muốn mượn vật thể làm điểm tựa cho niềm tin và nguồn nuôi dưỡng ký ức” của chính mình [33, tr.13]. Tự nhiên trong truyền thuyết địa danh không nằm trong quá trình sắp xếp tự thân nữa mà đã chịu sự qui định của lịch sử. Lịch sử đã làm một cuộc sắp xếp lại, định vị lại núi sông, đặt tên cho núi sông [2, tr.597]. Chính cảm hứng lịch sử đã khoác thêm những

ánh hào quang cho sông núi vô tri để cho non nước này gắn bó với sự tồn tại của một cộng đồng, là nơi chất chứa hồn thiêng dân tộc.

Điển hình như truyện Sự tích núi Bà Đen, ngọn núi trong lịch sử không biết tên gọi là gì chỉ biết có chùa Vân Sơn/ Linh Sơn ngự trị trên núi trước đó (Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí) nhưng trong ký ức của người dân thì ngọn núi này từ xưa đã mang tên gọi là Bà Đen qua các mẩu kể về huyền tích Bà Đen. Dân gian luôn có cách giải thích hợp lí cho sự chọn lựa và gán ghép của mình. Nếu cuộc đời trước đây của Bà Đen là Lý Thị Thiên Hương (bản chính) thì dân gian sẽ giải thích tên gọi theo vẻ bề ngoài của Bà đó là nước da ngâm đen. Nếu cuộc đời trước đây của Bà Đen là nàng Đênh (Khảo dị 1) thì dân gian sẽ giải thích theo tên gọi Bà Đênh rồi đọc trại ra thành Bà Đen. Thêm nữa còn có các bản kể khác trong hệ thống các bản kể về núi Bà Đen. Ở đó, dân gian không giải thích về nguồn gốc của vị Thánh Mẫu được thờ phụng trên đỉnh núi mà lại giải thích về nguồn gốc của chính ngọn núi sừng sững, uy nghiêm này (Khảo dị 2Khảo dị 3). Bàn về các bản này, ta lại thấy ở đó dấu vết của thần thoại khởi nguyên, ở sự sáng tạo của các thần và được thực hiện bởi một nguyên nhân là từ mô-típ khởi đầu thi tài – thách cưới. Ở đây, không phải là ngọn núi được tạo nên do các thần tạo tác vạn vật từ một cõi hỗn độn mà là từ mục đích mang tính chất tâm lý của con người – đó là cưới xin. Cho nên, có thể nói các bản kể này là những mẩu vụn còn sót lại trong ký ức của những người dân di cư từ một vùng văn hóa cổ sang một vùng văn hóa mới. Ở đó, nó vừa tồn đọng cái cũ nhưng không phải là cái cũ hoàn toàn mà đã có sự thu nạp thêm vào nó cái mới. Đó phải chăng là một nét đặc trưng của truyện dân gian vùng đất mới? Vừa có sự kế thừa từ “đất cũ” vừa có sự sáng tạo trên cơ sở thực tại đời sống. Chúng tôi tạm gọi những dị bản này là những truyền thuyết hóa thần thoại – “truyền thuyết thần thoại” (Hồ Quốc Hùng). Về Khảo dị 5 Truyền thuyết về núi Bà Đen và Bà Rá, bản kể này cũng giải thích về sự hình thành ngọn núi Bà Đen nhưng cũng không

giải thích vì sao lại gọi tên là Bà Đen chỉ giải thích về sự xuất hiện của ngọn núi. Xem xét thể loại của bản kể này, Từ Thị Thơ cho đó là truyền thuyết, nhưng theo chúng tôi nó chưa phải là “truyền thuyết thuần chủng” (Hồ Quốc Hùng). Bởi nó cũng do một vị Tổ khổng lồ tạo tác, do vậy nó mang hơi hướm của thần thoại thể hiện qua sự xuất hiện của mô-típ đắp núi, nhưng mặt khác nó lại được định vị là truyền thuyết ở việc ý thức xác định cương vực, lãnh thổ, bảo vệ bờ cõi, chống lại sự xâm chiếm của các tộc người khác. Đó là tâm thức khoanh vùng lãnh thổ, ý thức về cương vực lãnh thổ của dân gian được định hình qua núi sông. Xoay quanh hệ thống bản kể về núi Bà Đen, người viết đặt một câu hỏi, phải chăng ở giai đoạn đầu, còn thấm đẫm tâm thức thần thoại nên dân gian còn đi tìm về sự hình thành núi sông, sau này tâm thức truyền thuyết, gần gũi hơn với đời sống con người thực tại, dân gian lại đi tìm và sáng tạo nên những huyền tích giải thích về tên gọi ngọn núi với một cốt truyện hoàn toàn mới. Và dĩ nhiên qua các bản kể, người tiếp nhận sẽ thấy được đâu là bản kể ra đời trước và đâu là bản kể ra đời sau. Bởi nó có sự phân tầng rõ rệt, như đã nói ở trên, một số bản còn phảng phất không khí thần thoại, tất yếu đó sẽ là những bản ra đời sớm nhất. Chưa kể bản chính (theo Luận văn) Sự tích núi Bà Đen với cốt truyện nàng Lý Thị Thiên Hương lại có chút hơi hướm của truyện cổ tích. Nói như một số người, truyện phản ánh mâu thuẫn giữa bọn quan lại thống trị và người dân bị trị rõ rệt. Cô gái Lý Thị Thiên Hương bị chế độ phong kiến họ Nguyễn vùi dập đến mức phải tự tử. Đây là bản án tố cáo nạn cường quyền của quan lại họ Nguyễn vào những năm thế kỷ XVIII (?). Qua Lê Sĩ Triệt, người dân bị bắt buộc đi lính để phục vụ cho mưu đồ khôi phục chế độ phong kiến phản động của chúa Nguyễn (?). Nếu nói như vậy thì tính chất tự nguyện, vì nước của Lê Sĩ Triệt được thể hiện trong truyện sẽ được lý giải ra sao? Và sự hiển thánh, âm phù của Bà Đen dành cho Nguyễn Ánh trên bước đường tao loạn là trên cơ sở nào? Cũng như sắc phong của triều đình nhà Nguyễn dành cho Bà lại được nhân dân đón

nhận và xem đó là một sự thật không thể chối cãi thì phải giải thích ra sao? Chưa kể, những mẩu truyện linh thiêng đó lại góp phần tăng thêm lòng kính ngưỡng của dân gian dành cho Thánh Mẫu Bà Đen. Sự tích núi Bà Đen có phải chỉ đơn thuần là một sự nhào nặn sự tích, biến nạn nhân của chế độ phong kiến thành người ủng hộ chế độ? Xin thưa rằng không, vì mọi yếu tố không thuộc về dân gian sẽ bị “chết yểu” chứ không thể tồn tại đến ngày nay, xác định từ cái mốc của thời điểm chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu đến bây giờ đã là gần ba thế kỷ, chỉ số thời gian đủ quyết định vận mệnh của một bản kể có thuộc về dân gian hay không thuộc về dân gian.

Đó là xét từ quan điểm đối với lịch sử của nhân dân, còn đây là quan điểm của nhân dân về đời sống con người. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, với quan niệm “kẻ chết oan không nhắm mắt”, người ta cho rằng cô gái đáng thương nọ đã hiển thánh. Ta có thể tìm thấy thân phận qua số phận của người con gái, đó là thân phận bị áp bức. Người con gái không tái sinh như trong truyện cổ tích Tấm Cám, nhưng vẫn còn sống với cái tên mới – Bà Đen – giúp đỡ dân gian vượt qua khó khăn, bất hạnh.

Xét theo hai góc độ trên mà chúng tôi cho rằng truyền thuyết này có hơi hướm truyện cổ tích. Tuy nhiên, nó chưa đạt đến mức để xác nhận là cổ tích hóa truyền thuyết, vì yếu tố thuộc về cổ tích chỉ là cái bóng nhợt nhạt đằng sau cảm thức truyền thuyết, đó là cảm hứng ngợi ca và tôn vinh, được củng cố bằng một niềm tin to lớn của dân gian. Cũng không thể gọi là truyền thuyết hóa cổ tích, vì suy cho cùng nó không phải được phát triển từ những yếu tố của truyện cổ tích. Cho nên, về bản chất đây vẫn là một truyền thuyết địa danh chứ không như một số người, khẳng định bản kể Sự tích núi Bà Đen là một truyện cổ tích.

Nói về tên gọi của núi Bà Đen, người Khmer gọi là Phnom Chơn Bà Đênh. Có thể, do bản kể của người Khmer có cốt truyện Nàng Đênh có chi tiết còn sót lại khúc chân nên người Khmer gọi là Chơn Bà Đênh. Cư dân Việt

thì qua mỗi bước đường lịch sử thì gọi là Vân Sơn, Linh Sơn, Bà Đen, có sách lại nói là Bà Đen là do cách gọi trại tên Bà Đinh, không biết là dựa trên dữ liệu nào của dân gian? Cho nên về cơ bản người ta vẫn cho rằng, Bà Đen có “quốc tịch” không rõ ràng. Đó là trường hợp một địa danh lại có nhiều cách giải thích khác nhau. Có thể lý giải do tâm lý chung của con người là muốn định danh núi sông, và tâm lý ấy còn phải tùy thuộc vào độ dài thời gian, tâm thức tộc người. Từ đó hình thành nhiều cách giải thích khác nhau, tạo nên nhiều bản kể khác nhau về cùng một địa danh, một hiện tượng (núi) Bà Đen.

Giải thích vì sao xung quanh ngọn núi Bà Đen lại có nhiều khảo dị đến vậy, chúng tôi xin mượn lời của Nguyễn Minh San:

Trong tâm thức folklore của các thế hệ cư dân vùng đồng bằng Nam Bộ vốn quanh năm quen với miệt vườn, miệt sông bằng lặng thì ngọn núi cao này gợi lên trong họ những biểu tượng về Đấng-Tối-Cao, nơi các lực lượng siêu nhiên trú ngụ và điều khiển sự sống, cái chết của muôn loài cũng như những chuyện mưa, nắng, gió, bão. Ngọn núi Bà Đen đã là nơi chung đúc khí thiêng của Trời - Đất. Bởi vậy, tâm linh các thế hệ cư dân sinh sống ở Nam Bộ đã hướng về đây để xây nên một linh tượng muôn năm đã tỏa sáng qui tụ và dẫn dắt hồn người vào cõi Chân – Thiện – Mỹ [67].

Bên cạnh địa danh Núi Bà Đen, hệ thống truyền thuyết dân gian Tây Ninh còn lưu lại các địa danh khác như: Bàu Cỏ Đỏ, Mô súng, Giếng mạch, Suối Ông Hùng,… nhưng tất cả hiện nay đã không còn vết tích chỉ còn lại cái tên gọi là sống cùng với thời gian, lịch sử. Qua đó, càng khẳng định thêm tính bền vững của địa danh dân gian.

Có những địa danh như Suối Bà Tươi, Cầu Bà Mai, Bàu Sóc, Bàu Tròn, Bàu Vuông… nghe nôm na, đẫm chất dân gian nhưng đi tìm hiểu thì không ai biết vì sao gọi như vậy? Ông Đặng Bình Chí (Trảng Bàng, Tây Ninh) nói rằng đó là những địa danh, tên gọi của người Khmer trong quá khứ chứ không phải

của người Việt nên không biết gốc tích ra sao. Điều ấy hoàn toàn có cơ sở, vì trước đây người Khmer (Miên) sống lẫn với người Việt, đúng hơn là định cư ở đây trước người Việt.

Đó là lý do nguồn truyền thuyết địa danh ở Tây Ninh không nhiều mặc dù các địa danh, tên gọi dân gian xuất hiện khắp nơi qua từng xóm, từng làng.

3.1.3. Truyền thuyết Tây Ninh có mối liên quan mật thiết với tín ngưỡng dân gian và tôn giáo

Trong công trình Truyền thuyết Việt Nam, Trần Thị An đã khẳng định truyền thuyết chính là “chiếc cầu nối giữa niềm tin, cảm xúc của cộng đồng với tín ngưỡng, phong tục, tập quán” (dẫn theo Hồ Quốc Hùng, [33, tr.21]). Và nơi lưu giữ, nuôi dưỡng tín ngưỡng, phong tục, tập quán không đâu khác chính là các cơ sở tín ngưỡng đình, miếu, đền, chùa,… và những lễ hội dân gian. Võ Phúc Châu gọi đó là các “chứng tích văn hóa”. Phát triển lập luận về mối quan hệ giữa “chứng tích văn hóa” và truyền thuyết, Võ Phúc Châu cho rằng: “Sự hiện hữu của những chứng tích (này) trong đời sống vật chất, tinh thần người dân Nam Bộ hôm nay minh chứng cho sự tồn tại, sức sống mãnh liệt của hệ thống truyền thuyết dân gian. Truyền thuyết tồn tại không chỉ trong văn bản kể, mà cả trong những chứng tích văn hóa sống động. […] Truyền thuyết góp phần tạo dựng và lưu truyền, làm sống động, linh thiêng chứng tích văn hóa”[10, tr.204-205].

Nói một cách rõ ràng hơn, bộ phận truyện kể truyền thuyết góp một phần không nhỏ vào công cuộc kiến tạo không gian thiêng cho đình, miếu, đền, chùa,… chưa kể một số truyện (tình tiết truyện) trở thành yếu tố, bộ phận trong nghi lễ ở đền, miếu, đình, chùa. Ngược lại, đền, miếu, đình, chùa nuôi dưỡng sức sống cho truyền thuyết, gìn giữ cái thiêng cho truyền thuyết. Truyền thuyết đôi khi lại được hình thành trên chính cơ sở của hoạt động tín ngưỡng ở đền, miếu, đình, chùa,… Một loạt các truyện Chuyện ở đình Gia Lộc, Chuyện ở đình Thạnh Đức, Chuyện ở miếu Đại thần Huỳnh Công

Thắng,… là sự minh họa cho việc truyền thuyết hình thành dựa trên tín ngưỡng ở đền, miếu, đình, chùa.

Tóm lại, ở Tây Ninh, truyền thuyết có thể ra đời trước sự có mặt của đền, miếu, đình, chùa và cũng có thể ra đời sau sự có mặt của đền, miếu, đình, chùa. Giữa truyền thuyết và đình, miếu, đền, chùa có một sự liên kết bằng hai chữ niềm tin, nâng lên thành tín ngưỡng. Có thể minh họa mối quan hệ “ruột thịt” giữa ba đối tượng vừa kể trên qua sơ đồ sau:

Một phần của tài liệu truyện dân gian tây ninh (Trang 71)