Hoạt động DH là một hoạt động xã hội nhằm thực hiện mục đích giáo dục phát triển toàn diện nhân cách. Hoạt động này là hoạt động phối hợp tương tác và thống nhất biện chứng giữa hoạt động dạy và hoạt động học nhằm thực hiện mục tiêu của dạy học. Bản chất của hoạt động DH là hoạt động nhận thức tích cực, độc đáo của người học dưới sự tổ chức, hướng dẫn sư phạm của GV. Bản chất này được quy định bởi mối quan hệ tương tác, biện chứng giữa hoạt động dạy (của người dạy) và hoạt động học (của người học).
Khi viết về hoạt động dạy và học trong giáo dục mầm non, tác giả Nguyễn Ánh Tuyết đã có nhận định:
- Học là việc con người lĩnh hội những tri thức, những hành động và hành vi xác định do các tri thức đó chế ước trong những tình huống xác định, kết quả là phương thức hành vi, những hoạt động của con người được biến đổi một cách hợp lí và nhân cách được hình thành, phát triển. “Việc học ở con người là một quá trình phức tạp,
gồm nhiều mức độ” [49, tr. 383]. Nếu việc học thể hiện trong sự tiếp nhận những kích thích xác định bằng những phản ứng tương ứng thì được gọi là học ở mức độ phản xạ. Nếu việc học được thể hiện trong sự lĩnh hội những tri thức và những hành động xác định thì được gọi là học ở mức độ nhận thức. Những mức độ này được phân chia mang tính ước lệ.Thực tế trong quá trình học ở con người, các mức độ đó hòa quyện chặc chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau. Tuy nhiên, mỗi mức đều có những đặc điểm riêng và thể hiện một trình độ phát triển nhất định. Đứa trẻ càng nhỏ thì những mức thấp hơn chiếm ưu thế. Đứa trẻ càng lớn thì các mức cao giữ vai trò lớn hơn. Mặc khác, theo bà, có thể chia khái niệm học thành hai loại đối với chủ thể học: Học chủ định (còn được gọi là học tập) và học không chủ định. Khi chủ thể đặt ra mục tiêu chiếm lĩnh một tri thức nào đó thì khái niệm học được hiểu là học chủ định, còn khi chủ thể không có ý định chiếm lĩnh một tri thức nhất định nhưng khi tham gia một hoạt động nào đó lại lĩnh hội được những hiểu biết mới mẻ thì khái niệm học ở đây được gọi là không chủ định.
- Dạy bao giờ cũng gắn liền với học, chỉ đạo việc học. Mỗi một loại học có một cách dạy tương ứng. Nếu là học không chủ định thì có một cách dạy tự nhiên đó là dạy dỗ. Nếu học chủ định thì cách dạy cũng phải có chương trình bài bản chặc chẽ, tuân thủ một kế hoạch được ấn định từ trước. Cách dạy đó gọi là DH.
- Ở trường mầm non, nhất là ở Mẫu giáo, hai dạng học chủ định và học không chủ định thường đan xen vào nhau. Trẻ học mọi lúc mọi nơi theo các chủ đề, qua nhiều hình thức hoạt động khác nhau như hoạt động vui chơi, hoạt động khám phá, trong sinh hoạt hàng ngày…. Nhờ đó trẻ thu lượm được nhiều điều mới lạ, làm giàu vốn tri thức, kinh nghiệm của mình. Tuy vậy, chỉ bằng con đường học không chủ định một cách tự nhiên, vốn tri thức đó còn lộn xộn, tản mạn, thiếu chọn lọc, thiếu hệ thống. Do đó cần thiết phải bổ sung một dạng học có chủ định hơn đó là học tập. Tuy chỉ học tập với trẻ chỉ mới xuất hiện ở dạng sơ khai nhưng có thể giúp trẻ hệ thống hóa, chính xác hóa những tri thức đã thu lượm được trong nhiều hoạt động, bổ sung vào đó những gì cần thiết. Một hình thức của dạng học tập này đó là “tiết học”, đó là một khoảng thời gian ngắn khoảng vài chục phút, trong thời gian đó trẻ hoạt động về một lĩnh vực văn hóa nào đó với sự hướng dẫn trực tiếp của GVMN nhằm tiếp nhận một tri thức
hay môt kỹ năng nào đó cần thiết cho cuộc sống của trẻ. Hiện nay, hình thức “tiết học” vẫn được thực hiện cho trẻ ở các độ tuổi với tên gọi “Hoạt động có chủ đích”.
Với những phân tích trên, học tập ở trẻ mẫu giáo lớn vẫn là “Học mà chơi, chơi mà học”. Học theo nghĩa là chơi theo một trình tự hành động gần giống như học, bởi lẽ việc thiết kế “Học mà chơi” thể hiện ở nội dung học vừa nhẹ nhàng, vừa hấp dẫn trẻ, đối tượng của "tiết học” là những kiến thức rất cụ thể, trực quan sinh động. Các trình tự học tập diễn ra giống với tiết học, nhưng không nghiêm ngặt, căng thẳng như tiết học. Nhưng tiết học vẫn đủ các bước lên lớp như: tổ chức lớp, tiến hành tiết dạy (vào bài, nêu câu hỏi đặt vấn đề, giảng giải khái niệm), kết thúc tiết dạy bằng cách cho trẻ nhắc lại những khái niệm đã học (củng cố bài)... Những chức năng tâm lý diễn ra trong “tiết học” giống như tiết học ở lớp một, học sinh phải chú ý nghe cô hướng dẫn, giảng giải, phải sử dụng các hình thức nhớ, các thao tác tư duy diễn ra theo yêu cầu của tiết học. Ý thức được huy động đến mức tối đa để hiểu bài. Quan hệ bạn bè trong khi “Học mà chơi” cũng được thiết lập gần như quan hệ bạn bè ở lớp một, quan hệ cô và trẻ cũng tương tự như cô giáo và học sinh ở lớp một nghĩa là cô có thể đứng “giảng bài” nhưng cũng có thể ngồi cùng trẻ để giải thích, phân tích chứng minh. Ngôn ngữ của cô vừa mạch lạc, rõ ràng vừa diễn cảm, đặc biệt ở môn truyện, thơ... lại kèm cả tranh, ảnh....
Có thể nói, hoạt động DH cho trẻ 5-6 tuổi cũng có mục tiêu, chức năng và bản chất như hoạt động DH được thực hiện ở các cấp học khác. Tuy nhiên, do đặc điểm lứa tuồi, việc dạy và học ở trẻ mang những đặc trưng riêng mà theo tác giả Nguyễn Thị Hòa [15, tr. 207] thì “Học” ở trẻ mẫu giáo là một hoạt động đặc biệt. Học là hoạt động độc lập của trẻ nhằm lĩnh hội những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo và phương thức hành động diễn ra dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Mục tiêu DH cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non là nhằm giúp trẻ lĩnh hội được những tri thức sơ đẳng cần thiết, phát triển quá trình nhận thức, ngôn ngữ và một số kĩ năng hoạt động học tập cần thiết sau này, góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung của trẻ, giúp trẻ phát triển một cách hài hòa, hòa nhập dần vào cuộc sống và dễ dàng thích nghi với viêc học tập ở bậc tiểu học sau này. Nội dung DH cho trẻ mẫu giáo không phân chia theo các “bộ môn” riêng lẻ mà theo các chủ đề gần gũi với cuộc sống thực của trẻ. Những chủ đề
này có chứa đựng toàn bộ những tri thức sơ đẳng của đời sống văn hóa - xã hội và giới tự nhiên, tạo điều kiện cho hoạt động học tập của trẻ mẫu giáo hòa lẫn trong hoạt động tự nhiên đầy hứng thú, sinh động của trẻ em. PPDH cho trẻ mẫu giáo thường được sử dụng là phương pháp trực quan, thực hành, sử dụng trò chơi, làm thí nghiệm đơn giản, phương pháp dùng lời nói, tạo tình huống....nhằm kích thích hứng thú nhận thức cũng như thúc đẩy hoạt động nhận thức, ngôn ngữ ở trẻ.
Nhìn chung, ở trẻ mẫu giáo, việc học có chủ định đã xuất hiện, trẻ tập làm quen với các tiết học để lĩnh hội những tri thức đơn giản gần gũi đối với trẻ, nhưng việc học không chủ định của trẻ vẫn chiếm ưu thế vì vậy việc tổ chức hoạt động DH phải làm sao cho trẻ cảm thấy thoải mái trong học tập, xem việc học cũng như một trò chơi thú vị mà trẻ muốn tham gia. Và từ đó, trò chơi cần được xem như một phương tiện DH không thể thiếu đối với trẻ.