7. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Đặc điểm của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua
mua bán
Bên cạnh những đặc điểm chung như các trách nhiệm dân sự khác, trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán có những đặc điểm riêng. Các đặc điểm riêng này để phân biệt trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán với các loại trách nhiệm dân sự khác. Đặc điểm của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng có thể được phân tích như sau:
- Đặc điểm thứ 1: Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán là chế tài dân sự.
Trách nhiệm dân sự luôn thể hiện tính cưỡng chế của Nhà nước. Nhà nước quy định trách nhiệm nhằm buộc các bên tham gia giao dịch dân sự nếu vi phạm các cam kết sẽ phải gánh chịu các chế tài theo quy định của pháp luật. Tính cưỡng chế trong pháp luật dân sự được thể hiện thông qua việc cơ quan có thẩm quyền dựa trên cam kết và thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng, sẽ xem bên nào phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Quyết định mang tính chế tài của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ buộc
bên vi phạm chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho bên bị vi phạm.
Không giống với các chế tài pháp lý khác như chế tài hình sự, hành chính, đặc điểm của chế tài dân sự hoàn toàn mang tính chất tài sản thông qua việc bồi thường thiệt hại (vật chất, tinh thần...) cho chủ thể bị vi phạm. Nhà nước quy định tính chế tài cho trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng nhằm đảm bảo sự ổn định và lành mạnh trong các quan hệ hợp đồng mua bán, một trong những quy định quan trọng của pháp luật dân sự và ở trong bất kỳ giai đoạn nào. Việc đưa ra các biện pháp chế tài nhằm ổn định các quan hệ hợp đồng mua bán sẽ giúp nền kinh tế vận hành một cách có hiệu quả hơn, an toàn hơn với mọi chủ thể. Từ đó tạo được động lực để các chủ thể tham gia nhiều hơn, tích cực và yên tâm hơn vào các quan hệ hợp đồng mua bán.
- Đặc điểm thứ 2: áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm hợp đồng. Trách nhiệm pháp lý là áp dụng với các chủ thể vi phạm pháp luật thì một đặc điểm khác của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán là áp dụng đối với các chủ thể vi phạm các cam kết liên quan đến hợp đồng mua bán hay nói cách khác là vi phạm các quy định của pháp luật dân sự liên quan đến hợp đồng mua bán. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, các cam kết trong hợp đồng mua bán có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hợp đồng mua bán và cá nhân hoặc pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự là những chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định này. Chủ thể không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng mua bán bị coi là vi phạm các quy định của pháp luật dân sự và phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
Nếu một chủ thể không bị coi là vi phạm pháp luật dân sự nói chung và hợp đồng mua bán nói riêng thì đương nhiên họ sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Việc xác định một hợp đồng mua bán có bị vi phạm hay không là một việc làm quan trọng và cần thiết để xác định một chủ thể có vi phạm pháp luật dân sự hay không và có bị áp dụng chế tài dân sự hay không. Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm của chủ thể vi phạm pháp luật, bị áp dụng các chế tài do pháp luật quy định.
- Đặc điểm thứ 3: Được thực hiện bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi pháp luật cho phép.
Đây là một đặc điểm mang tính hướng dẫn của pháp luật dân sự đối với các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật dân sự. Sẽ chỉ có các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thụ lý và giải quyết các tranh chấp dân sự cũng như đưa ra phán quyết về việc chủ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán. Đặc điểm này có thể được hiểu là việc bắt buộc một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng mua bán phải chịu trách nhiệm dân sự và việc phán quyết sẽ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đảm trách.
Trong một vụ án dân sự, việc thụ lý quy kết trách nhiệm dân sự cho các bên tham gia vào giao dịch dân sự sẽ do Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định (Tòa án nhân dân cấp quận, huyện; Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Sau khi có quyết định cuối cùng của tòa án, việc yêu cầu các bên đương sự thực hiện đúng trách nhiệm dân sự của mình sẽ do cơ quan thi hành án cấp tương đương thực hiện theo quy định. Khác với các quyết định hình sự do cơ quan công an thực hiện hình phạt, các quyết định dân sự thường phụ thuộc nhiều vào các cơ quan thi hành án và thường không mang tính cưỡng chế cao. Việc quy định chỉ có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới có thẩm quyền phán quyết và đưa ra các biện pháp áp dụng có liên quan đối với trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán cho thấy tính chất tối cao và nghiêm khắc của các quy định pháp luật dân
sự về trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán.
- Đặc điểm thứ 4: Sử dụng một số biện pháp chế tài nhất định do luật định để buộc người vi phạm phải chịu hậu quả bất lợi.
Bản chất của pháp luật là mọi chủ thể khi thực hiện các hành vi mà pháp luật nghiêm cấm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật và sẽ bị pháp luật áp dụng một số chế tài nhất định buộc chủ thể có hành vi vi phạm phải chịu hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nguyên tắc của pháp luật là chỉ có những người chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán mới bị pháp luật áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật. Tùy theo đối tượng và giá trị của từng hợp đồng mua bán mà các hình thức chế tài áp dụng sẽ khác nhau. Chế tài theo quy định của pháp luật dân sự có thể là việc buộc chủ thể vi phạm hợp đồng mua bán phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã cam kết trong hợp đồng; hoặc là việc chủ thể vi phạm phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ giá trị hợp đồng cho chủ thể bị vi phạm; hoặc là việc chủ thể vi phạm phải thực hiện một nghĩa vụ dân sự bắt buộc nào đó với bên thứ ba có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hợp đồng.
Áp dụng các biện pháp chế tài dân sự là một đặc điểm cần thiết và quan trọng trong pháp luật dân sự. Nếu không có các biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật dân sự nói chung và hợp đồng mua bán nói riêng thì trách nhiệm dân sự của một chủ thể chỉ mang tính hình thức mà không có tác dụng răn đe. Đồng thời, các quy định của pháp luật dân sự cũng thiếu tính cưỡng chế cần thiết để đảm bảo trật tự của các quan hệ pháp luật dân sự. Việc đưa ra các chế tài phù hợp và có tính cưỡng chế đủ mạnh đối với từng hành vi vi phạm pháp luật dân sự sẽ giúp cho pháp luật dân sự được thực thi một cách nghiêm minh hơn do mọi cá nhân, pháp nhân đều có trách nhiệm
phải tuân thủ các biện pháp chế tài đủ mạnh.
Các biện pháp chế tài không minh bạch hoặc thiếu tính răn đe dễ làm cho các chủ thể của các quan hệ pháp luật dân sự không tuân thủ pháp luật, từ đó làm cho pháp luật thiếu tính cưỡng chế, lỏng lẻo, giảm đi vai trò là công cụ của Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội tương ứng, từ đó làm cho các cá nhân, tổ chức thiếu lòng tin vào pháp luật. Ngược lại, nếu các biện pháp chế tài quá cứng nhắc hoặc quá nghiêm khắc so với các hành vi vi phạm pháp luật tương ứng sẽ lại gây ra các hậu quả tiêu cực đối với đời sống kinh tế, xã hội. Từ việc cố gắng tránh thực hiện các hành vi được coi là vi phạm pháp luật dân sự, phải chịu trách nhiệm dân sự, các chủ thể pháp luật dân sự sẽ ít tham gia hơn hoặc tham gia hạn chế hơn các hợp đồng mua bán.
- Đặc điểm thứ 5: Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán mang tính chất tài sản.
Về bản chất, các quan hệ pháp luật dân sự chủ yếu là các quan hệ mang tính tài sản. Tính chất tài sản trong trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán thể hiện ở việc khi chủ thể vi phạm pháp luật gây hậu quả xấu cho người khác thì Tòa án buộc bên vi phạm phải bồi thường bằng chính tài sản của mình cho bên bị vi phạm. Nguyên tắc của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán là nguyên tắc chịu trách nhiệm bằng tài sản mà không có hình thức thay thế.
Tính chất tài sản trong trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán thể hiện qua việc các chủ thể, bằng tài sản của mình, bồi thường tương ứng về giá trị thiệt hại do hành vi của chủ thể đó gây ra. Trách nhiệm bồi thường bằng tài sản (tiền, động sản, bất động sản) hoặc giá trị vật chất là bắt buộc và là một đặc điểm của pháp luật dân sự. Đặc điểm này bảo đảm trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán luôn luôn được giải quyết bằng tài sản và giúp phân biệt với các trách nhiệm pháp lý khác mà đặc điểm thực
hiện hoặc áp dụng chế tài không mang tính chất tài sản.
- Đặc điểm thứ 6: Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong Hợp đồng mua bán tương ứng với nhau.
Trong quan hệ pháp luật dân sự, giữa các chủ thể tồn tại mối liên hệ quyền của chủ thể này tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể kia. Khi xác định trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán, hành vi vi phạm gây thiệt hại phải tương xứng với tính chất của sự vi phạm. Nếu không có sự tương xứng giữa hành vi vi phạm với tính chất vi phạm của một chủ thể thì pháp luật sẽ không thể xác định trách nhiệm dân sự của chủ thể có liên quan. Qua đó, trách nhiệm dân sự quy định đặc điểm mang tính chất đền bù tương đương buộc bên vi phạm hợp đồng mua bán phải đền bù cho bên bị vi phạm nhằm khôi phục tình trạng tài sản và xác lập lại các quyền, lợi ích bị xâm phạm của người bị thiệt hại. Quyền của chủ thể này luôn tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể kia.
Trong hợp đồng mua bán, một chủ thể không chỉ có riêng quyền hoặc riêng nghĩa vụ. Đặc điểm qua lại giữa quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia một quan hệ pháp luật dân sự quy định sự tồn tại của một hợp đồng mua bán. Vì thế, trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng mua bán của một chủ thể chính là việc chủ thể đó không thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã cam kết của mình để đổi lại các quyền mà chủ thể đó được hưởng từ hợp đồng mua bán. Trách nhiệm dân sự buộc chủ thể vi phạm phải bồi thường giá trị tương ứng với lợi ích mà họ được hưởng từ quyền dân sự trong hợp đồng mua bán. Qua đặc điểm này, có thể thấy trách nhiệm dân sự đồng nhất với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự trong trật tự cưỡng chế.