1.5.3.1. XQ bụng đứng không sửa soạn:
Chụp bụng đứng không sửa soạn là phương pháp rẻ tiền, dễ thực hiện, có kết quả nhanh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tắc ruột non thường là: + Ruột non dãn, đường kính >2,5cm
+ Hình ảnh mực nước hơi ruột non chênh nhau.
+ Không có hơi trong đại tràng. Tuy nhiên trong tắc ruột do bã thức ăn, thường vẫn còn thấy ít hơi trong đại tràng.
Vào khoảng 79,4% [2] trường hợp tắc ruột do bã thức ăn có dấu hiệu tắc ruột điển hình trên X-quang. Hiếm khi thấy hình ảnh khối bã thức ăn trên phim. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Hải chỉ khoảng 8% [2].
1.5.3.2. Siêu âm bụng:
Siêu âm bụng là phương pháp rẻ tiền, dễ thực hiện, có kết quả nhanh. Tuy nhiên, siêu âm gặp khó khăn do có nhiều hơi trong lòng ruột cản trở sóng âm. Trên siêu âm, bã thức ăn trong lòng ruột cho hình ảnh một hình cung echo dày (hyperechoic arc-like surface) có bóng lưng phía sau. Siêu âm bụng có độ nhạy 88% và độ đặc hiệu 96% trong chẩn đoán tắc ruột [32]. Tuy nhiên kết quả siêu âm phụ thuộc rất nhiều vào người thực hiện. Chỉ một vài trường hợp có thể thấy hình ảnh khối bã thức ăn. Trong nghiên cứu của Ko [24], khi tác giả dùng siêu âm khảo sát nguyên nhân tắc ruột của 54 bệnh nhân, chỉ có 3 trường hợp thấy được bã thức ăn và được chẩn đoán xác định sau mổ.
Hình 1.6: Hình ảnh tắc ruột do bã thức ăn trên siêu âm [22]
1.5.3.3. Xquang ruột non và đại tràng cản quang:
Chụp ruột non hay chụp đại tràng cản quang (cho trường hợp khối bã ở đoạn cuối hồi tràng) có thể thấy hình ảnh khuyết thuốc trong lòng ruột, có các kẽ ngấm cản quang. Theo Verstandig [38], chụp ruột non có thể thấy được khối bã thức ăn ở 76,9% trường hợp. Còn theo Erzurumlu [18], trong 13 trường hợp khảo sát, có 11 trường hợp có hình khuyết thuốc ở dạ dày hoặc ruột non. Tuy nhiên chỉ có 1 trường hợp dám khẳng định chắc chắn là bã thức ăn. Cần lưu ý là chống chỉ định chụp cản quang đường uống (dù là với cản quang tan trong nước) trong trường hợp tắc ruột hoàn toàn.
Hình 1.7: Hình ảnh khối bã thức ăn trong ruột non trên phim chụp ruột non
(nguồn : European Society of Radiology- http://www.eurorad.org )
1.5.3.4. CT scan :
CT scan là phương pháp hình ảnh đắt tiền, đòi hỏi phương tiện. Tuy vậy, đây là phương pháp được xem là có giá trị nhất trong chẩn đoán nguyên nhân tắc ruột. Đã có khá nhiều nghiên cứu về giá trị của CT scan trong chẩn đoán nguyên nhân tắc ruột. Đối với tắc ruột do bã thức ăn, một số nghiên cứu như của Billaud [42] trên 12 trường hợp, Ying[41] trên 8 trường hợp đều cho kết quả chẩn đoán rất cao, gần như 100% .
Hình ảnh điển hình của bã thức ăn trên CT scan là khối có hình bầu dục hoặc tròn, bờ rõ, nằm trong lòng ruột, ngay ranh giới giữa đoạn ruột dãn và đoạn ruột xẹp. Mật độ hỗn hợp khí và mô mềm, không bắt thuốc cản quang.
Hình 1.8: Hình ảnh tắc ruột do khối bã thức ăn (mũi tên) trên CT scan [42] Trong một vài trường hợp, CT scan cho hình ảnh không điển hình. Ví dụ như khi bị vôi hoá, khối bã sẽ có đậm độ vôi, mất khí bên trong, cho hình ảnh giống một quả bóng đánh gôn [41]. Khi CT scan có hình ảnh này, ta cần phải phân biệt với trường hợp tắc ruột do sỏi mật bằng cách khảo sát hình ảnh của túi mật trên CT [41] .
Hình 1.9: Hình ảnh quả bóng đánh gôn (mũi tên) của bã thức ăn bị vôi hóa [41]
Gần đây, một số nghiên cứu về CT scan mô tả một dấu hiệu mới có thể gặp trong tắc ruột do bã thức ăn. Đó là dấu hiệu “mảnh vụn trôi nổi có đậm độ mỡ” (floating fat-density debris). Dấu hiệu này thường thấy ở đoạn ruột dãn gần chỗ tắc. Để nhận ra dấu hiệu này, ta cần chỉnh lại cửa sổ quan sát trên máy CT scan để có thể phân biệt được đậm độ mỡ và khí rõ nhất (level -50 HU, width 500 HU) [16]
Hình 1.10:Hình ảnh khối bã thức ăn (mũi tên bên trái) và hình ảnh mảnh vụn trôi nổi (đầu mũi tên bên phải) [16]
Hình 1.11:Hình ảnh khối bã thức ăn (đầu mũi tên ở dưới) và hình ảnh mảnh vụn trôi nổi (mũi tên ở trên) [16]
Có thể chụp CT scan kèm theo uống chất cản quang (trong trường hợp không tắc ruột hoàn toàn). Khi đó ta sẽ thấy hình ảnh các kẽ ngấm thuốc cản quang.
Tuy nhiên, trong tắc ruột do bã thức ăn, khó khăn không phải ở việc tìm thấy các hình ảnh bất thường giống như bã thức ăn, mà chính là ở chỗ phân biệt hình ảnh đó với dấu hiệu phân trong ruột non (feces sign). Đây là dấu hiệu CT scan rất thường gặp trong các trường hợp tắc ruột non. “Feces sign” được mô tả đầu tiên bởi Mayo-Smith và cộng sự năm 1995 [31], là hình ảnh hỗn hợp giữa dịch và bọt khí, nằm ở đoạn ruột non dãn phía trên chỗ tắc. Dấu hiệu này gặp trong khoảng 56% bệnh nhân tắc ruột non [26].
Theo Catalano [12], dấu hiệu này thường xuất hiện ở những trường hợp tắc ruột diễn tiến từ từ, khi đó trong lòng ruột có đủ thời gian diễn ra quá trình giảm hấp thu, tăng bài tiết. Dấu hiệu này không liên quan đến độ nặng của tắc ruột, mà liên quan đến diễn tiến của tắc ruột.
Một số tác giả [16],[23] đã đưa ra những điểm gợi ý khác nhau giữa dấu hiệu phân trong ruột non và hình ảnh khối bã thức ăn:
Dấu hiệu phân trong ruột non thường không có hình dạng nhất định, trong khi khối bã thường có hình bầu dục hoặc tròn.
Dấu hiệu phân trong ruột non thường xuất hiện trên một đoạn ruột dài, và ở phía trên chỗ tắc, còn bã thức ăn có kích thước không quá dài, nằm ngay ở nơi tiếp giáp ruột xẹp-ruột dãn.
Bã thức ăn thường có vỏ bao giới hạn rõ, và hay kèm dấu hiệu các mảnh vụn trôi nổi.
Hình 1.13:Hình ảnh khối bã thức ăn có vỏ bao rõ (đầu mũi tên bên trái) và hình ảnh các mảnh vụn trôi nổi kèm theo (mũi tên bên phải) [16] Hiện tại, có rất ít các nghiên cứu trong nước tìm hiểu về giá trị của CT scan trong chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn. Vì vậy chúng tôi muốn khảo sát và đưa vấn đề này trở thành một mục tiêu nghiên cứu.
1.5.3.5. MRI:
Chụp cộng hưởng từ là phương tiện đắt tiền, tuy nhiên, có lợi điểm hơn CT và XQ là không sử dụng tia X (có thể dùng cho phụ nữ có thai).
Đã có một vài báo cáo về ứng dụng MRI trong chẩn đoán tắc ruột. Tuy nhiên số lượng không nhiều như CT scan. Một số tác giả cho rằng MRI có giá trị tương đương hoặc thậm chí cao hơn CT scan trong chẩn đoán vị trí và nguyên nhân tắc ruột [21].
Hình ảnh điển hình trên MRI của bã thức ăn là khối có hình bầu dục, bờ rõ, nằm ở ranh giới đoạn ruột dãn và xẹp, tín hiệu không đồng nhất, có những vết chấm lốm đốm (khí) giảm tín hiệu trên cả T1 và T2, có một vòng tăng tín hiệu bao ở ngoài, đồng nhất, thấy trên T1(rim sign), biến mất trên T2.
Hình 1.14: Hình ảnh MRI khối bã thức ăn trên phim T1 (trái) và T2 (phải) [27]