1.2.2.1. Tình hình nghiên cứu sâu hại lạc
Cây lạc được du nhập vào trồng ở nước ta từ lâu đời và được trồng phổ biến ở mọi miền đất nước. Do có giá trị kinh tế cao nên diện tích trồng lạc ngày càng được mở rộng, trình độ sản xuất và thâm canh ngày càng được nâng cao.
Cùng với việc đưa các giống lạc mới năng suất cao, áp dụng công nghệ phủ nilon, trong nhiều năm qua các cơ quan khoa học nông nghiệp đầu ngành như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ và các Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm cấp tỉnh đã dày công nghiên cứu xây dựng nhiều quy trình sản xuất lạc khoa học đồng thời đầu tư kinh phí, thời gian, công sức triển khai hàng trăm mô hình trình diễn tại hầu khắp các tỉnh có diện tích lạc lớn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân nên năng suất, sản lượng lạc của nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể. Một số tỉnh như Nam Định đạt năng suất bình quân 37,7 tạ/ha, Nghệ An 29 tạ/ha, Hưng Yên 27,7 tạ/ha, TP Hồ Chí Minh 28,7 tạ/ha, Trà Vinh 28,8 tạ/ha, Khánh Hoà 26 tạ/ha (Võ Thanh Mai, 2008) [31].
Bên cạnh đó cũng đã có rất nhiều nghiên cứu về cây lạc nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và phẩm chất lạc. Trong các công trình nghiên cứu, các tác giả đã tập trung vào các lĩnh vực như lai và chọn tạo giống lạc, ảnh hưởng của các biện
pháp canh tác đến năng suất và phẩm chất lạc, các nghiên cứu về sâu hại và các biện pháp phòng chống sâu hại để tăng hiệu quả kinh tế, ít gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn gây trở ngại cho việc sản xuất lạc ở nước ta như kiến thức canh tác của nông dân còn hạn chế, chưa xác định rõ được vị trí của cây lạc trong cơ cấu cây trồng, giá thành trên thị trường còn thấp, chưa có hệ thống tiêu thụ và chế biến ổn định. Đồng thời những khó khăn về điều kiện thời tiết, khí hậu và sâu bệnh phá hại cũng là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển sản xuất lạc ở nước ta, làm cho diện tích trồng lạc của cả nước trong những năm qua tăng chậm; năng suất, sản lượng lạc thường không ổn định và chênh lệch giữa các vùng, miền. Một số tác giả đã đi sâu nghiên cứu về thành phần sâu hại lạc, mô tả đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của từng loài côn trùng, đi sâu vào tìm hiểu đặc điểm phát sinh gây hại của sâu hại lạc để có cơ sở đề xuất biện pháp phòng trừ.
Kết quản ghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật (1968) [22] đã ghi nhận 57 loài sâu hại lạc, 5 loài gây hại quan trọng là dế mèn lớn, rệp muội đen, bọ xít dài, sâu cuốn lá, sâu đục lá; 9 loài gây hại tương đối nghiêm trọng, 11 loài ít quan trọng. Ở mỗi thời kỳ phát triển của cây lạc đều có những loài sâu hại nghiêm trọng như: Thời kỳ hạt mới nảy mầm, cây còn nhỏ thường bị hại bởi các loài kiến nâu nhạt, kiến vàng, mối, dế mèn lớn, bọ hung cánh cam đậm, sâu thép. Đến thời kỳ phân cành thì chủ yếu là các loài cào cào, rệp muội, sâu khoang, sâu xanh, ban miêu đen, ban miêu đen sọc trắng, ban miêu khoang vàng nhỏ, sâu cuốn lá, sâu róm, bọ phấn, bọ trĩ…
Theo Lương Minh Khôi (1990, 1991) [12], [13] trên ruộng lạc vùng Hà Nội có 21 loài sâu hại thường xuyên xuất hiện gây hại, 10 loài gây hại ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả kinh tế là: sâu xám, bọ trĩ, rệp muội đen, sâu cuốn lá đầu đen, sâu khoang, sâu xanh, ban miêu đen sọc trắng, rầy xanh, câu cấu, sâu róm chỉ đỏ. Trong vụ lạc xuân, chủng loại sâu nhiều hơn và thường xảy ra dịch. Các loài thường gây thành dịch là sâu khoang (ở thời kỳ lạc đâm tia và phát triển củ), sâu cuốn lá, câu cấu, sâu róm. Vụ xuân 1989 sâu khoang đã phát triển thành dịch khi lạc bắt đầu đâm tia, vào vụ xuân 1990 sâu cuốn lá có mật độ cao 1,2 con/cây; sâu xám 0,06 con/cây; gây hại chủ yếu từ khi cây mọc đến 5 lá thật. Ngược lại, trong vụ hè thu
các loài rầy xanh, bọ trĩ, rệp muội đen thường phát sinh mạnh ở đầu vụ, vào trung tuần tháng 4-5 mật độ sâu hại đạt đỉnh cao nhất. Bọ trĩ thường có cao điểm vào tháng 4, mật độ đạt 1,1-1,7 con/cây; rệp muội đen thường có mật độ cao vào giai đoạn trước khi lạc ra hoa; mật độ sâu xanh đạt đỉnh cao vào cuối tháng 3 - cuối tháng 4 và cuối tháng 5 - đầu tháng 6. Vào cuối vụ thì sâu róm thường phát triển mạnh. Thời vụ muộn thường bị sâu hại nặng hơn vụ sớm.
Tại Nghệ An, Hà Bắc, Hà Tây đã ghi nhận được 46 loài sâu hại trên ruộng lạc và 4 loài gây hại trong kho, bổ sung thêm 14 loài mới so với kết quả điều tra cơ bản của Viện Bảo vệ Thực vật (1967-1968), đó là các loài sâu non bổ củi, bọ hung, bọ trĩ (Caliothrips inducus Bagnall), ruồi đục lá (Lyriomyza sativae Blanchard), mối (Odontotermes sp.). Trong đó 5 loài mới ghi nhận thuộc nhóm chích hút, gồm 1 loài rầy xanh (Empoasca motti Pruthi), 3 loài bọ trĩ hại lá lạc (Scirtothrip dorsalis Hood, Frankliniella schultizei Trybom, Thrips palmi Karny) và 1 loài bọ trĩ hại hoa (Megalurothrips usitatus Bagrall). Các loài sâu ăn lá phổ biến nhất là sâu khoang, sâu xanh, sâu đục quả đậu đỗ và sâu cuốn lá (Phạm Thị Vượng và ctv, 1995) [25]. Kết quả điều tra theo dõi biến động và tác hại của chúng trong một số năm cho thấy chúng thường phát sinh cao vào lúc lạc 4 lá tới ra hoa và vào chắc (từ trung tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 5). Điều này cũng phù hợp với đặc điểm của các loài sâu hại lá khác. Kết quả bẫy sâu khoang bằng pheromone tại 2 vùng Hà Tây và Hà Nội cho thấy có 2 đỉnh cao vào đầu tháng 4 và đầu tháng 5.
Riêng tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), trên nền luân canh lúa - lạc đã xác định được 23 loài sâu hại lạc (Phạm Thị Vượng, 2000) [28]. Trong đó nổi bật lên một số loài sâu hại chính như rệp muội đen, sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá đầu đen, bọ trĩ, rầy xanh lá mạ, sâu róm chỉ đỏ. Đặc biệt là loài rệp muội đen đã trở thành mối lo ngại lớn cho người nông dân trồng lạc tại Nghệ An.
Nguyễn Văn Cảm (1993) [4] đã ghi nhận được 43 loài côn trùng hại lạc ở một số tỉnh trồng lạc của miền Nam. Nguyễn Thị Chắt (1996) [5] cũng cho biết, tại một số vùng chuyên canh lạc như Tràng Bảng, Gò Dầu - Tây Ninh, Đức Hoài - Long An, Củ Chi - TP Hồ Chí Minh, trong vụ xuân (1995-1996) diện tích lạc bị hại tới 81% và năng suất bị giảm 18% do sâu khoang gây nên. Nông dân ở đây thường
phun 10-15 lần thuốc hóa học trừ sâu cho một vụ, bằng các loại thuốc có độ độc cao mà nhà nước cấm sử dụng.
Cũng ở một số tỉnh miền Nam, Nguyễn Thị Chắt (1998) [6] đã xác định thành phần sâu hại lạc bao gồm khoảng 55 loài. Trong đó có 21 loài thường xuyên xuất hiện từ mức trung bình cho đến nhiều. Các loài xuất hiện nhiều nhất là sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá, rầy xanh, rệp muội đen, bọ trĩ. Đặc biệt, sâu khoang xuất hiện gây hại ngay từ khi cây mọc mầm và kéo dài cho đến khi thu hoạch. Trong điều kiện thời tiết và môi trường thay đổi như hiện nay thì những loài xuất hiện ở mức trung bình nếu gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát sinh thành dịch.
Ngô Thế Dân (2000) [7] cũng đã ghi nhận trên cây lạc ở miền Nam có 30 loài sâu hại khác nhau; các loài quan trọng nhất là sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá và sâu đục quả đậu đỗ.
Theo đánh giá của Bùi Công Hiển và Trần Huy Thọ (2003) [9] thì nhóm sâu hại trong đất như ấu trùng bọ dừa nâu, bọ cánh cam có thể gây thiệt hại 40% năng suất, đặc biệt là ở những vùng đất cát ven sông. Phạm Thị Vượng và ctv (2003) [29] cũng cho rằng đất trồng lạc có thành phần cơ giới nhẹ thì nhóm sâu hại trong đất như mối, dế, đặc biệt là bọ hung là những đối tượng làm giảm năng suất đáng kể. Thiệt hại do chúng gây ra nhiều khi còn cao hơn nhiều so với nhóm gây hại trên mặt đất .
Trong các năm 1995-1996, các chuyên gia trung tâm ICRISAT đã phối hợp với cán bộ nghiên cứu của nước ta tiến hành điều tra, giám định thành phần sâu hại lạc và nghiên cứu các biện pháp phòng trừ. Kết quản ghiên cứu cho thấy ở miền Bắc có tới 51 loài sâu hại, trong đó 47 loài gây hại trên đồng ruộng và 4 loài gây hại trong kho. Các loài gây hại đáng kể là sâu khoang, sâu đục quả đậu đỗ, sâu xanh, bọ phấn, bọ trĩ, rệp muội đen, sâu cuốn lá. Còn ở miền Nam thu được 30 loài sâu hại lạc trong đó có 28 loài gây hại trên đồng ruộng và 2 loài gây hại trong kho, những loài gây hại chủ yếu là sâu khoang, sâu xanh, sâu róm, sâu keo da láng, sâu đục quả đậu (Viện Khoa học KTNN Việt Nam, 2000) [24].
Trên cây lạc, sự phát sinh gây hại của từng loại sâu cũng rất khác nhau, tùy thuộc điều kiện sinh thái từng vùng, từng giống và giai đoạn sinh trưởng của cây. Nhóm sâu miệng chích hút trong những năm gần đây đã gây hại nghiêm trọng ở một số vùng trồng lạc phía Bắc. Kết quả điều tra sự gây hại của chúng trên đồng ruộng theo giai đoạn sinh trưởng của cây lạc cho thấy: tỷ lệ cây bị hại ở giai đoạn cây con là 23-39%, giai đoạn ra hoa 56-75%, giai đoạn vào chắc 45-77%. Đáng lo ngại là khi chúng gây hại ở giai đoạn cây lạc còn nhỏ, sau khi mọc khoảng 30-35 ngày (Phạm Thị Vượng và ctv., 1995) [25]. Khi mật độ nhóm sâu này cao thường làm cho cây còi cọc, không phát triển chiều cao, không đủ số cành, lá. Tuy nhiên, trên thế giới cũng ít có những tài liệu công bố về thiệt hại năng suất do từng đối tượng gây ra.
Kết quả nghiên cứu sinh học bọ trĩ (Scirtothrip dorsalis Hood) và rầy xanh (Empoasca motti Pruthi) hại lạc trong điều kiện phòng thí nghiệm ở nhiệt độ18- 30oC cho thấy: ấu trùng bọ trĩ (Scirtothrip dorsalis Hood) có 2 tuổi, rầy xanh
(mpoasca motti Pruthi) có 5 tuổi. Thời gian của các tuổi đều giảm theo chiều tăng nhiệt độ qua các lần nuôi. Quan hệ giữa thời gian các tuổi và nhiệt độ nuôi là quan hệ tuyến tính nghịch khá chặt (Phạm Thị Vượng và ctv., 1995) [25].
Cũng trong khoảng nhiệt độ nuôi 18-300C cho thấy: thời gian sống, thời gian trứng, thời gian đẻ trứng của trưởng thành rầy xanh và bọ trĩ hại lạc đều giảm theo chiều tăng của nhiệt độ. Khả năng đẻ trứng của bọ trĩ cao nhất ở nhiệt độ nuôi 26º C (31,5 con/cặp); của rầy xanh cao nhất tại nhiệt độ 300 C (21,2 con/cặp). Nhóm sâu hại trong đất cũng hầu như ít được chú ý, bởi thiệt hại do chúng gây ra không phải phổ biến khắp mọi nơi như sâu hại lá; song ở những vùng lạc bãi ven sông, vùng đất xốp có phân chuồng thì thiệt hại do chúng gây ra lại vô cùng nghiêm trọng. Chúng cắn cây làm khuyết mật độ cây, cắn củ đôi khi không được thu hoạch. Đặc biệt nguy hiểm là loài sùng trắng (Lepidiota signata, Amomala sp.), mật độ sâu non 0,5-35 con/m2; tỷ lệ cây bị hại 1,0-27,3%; năng suất có nơi bị hại tới 40,8% như vùng đất bãi ven sông đáy (Hà Tây) và một số nơi của Hà Bắc (Phạm Thị Vượng và ctv.,1995) [25].
Kết quả theo dõi của Lê Văn Ninh (2000) [20] trong điều kiện sản xuất lạc vụ xuân hè 2002 tại Thanh Hoá đã thu được 24 loài sâu hại thuộc 17 họ của 7 bộ côn trùng. Tại đây các loài gây hại trên mặt đất chiếm ưu thế. Ở thời kỳ cây con, các loài gây hại chính gồm sâu xám và dế dũi; ở giai đoạn sau thì sâu cuốn lá, sâu khoang, sâu xanh là những loài gây hại nặng hơn.
Nguyễn Đức Khánh (2002) [10] khi nghiên cứu về sâu hại trên lạc vụ xuân 2002 tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã thu được 36 loài sâu hại tập trung ở 5 bộ, 18 họ côn trùng. Có 4 loài sâu hại chính xuất hiện với mức độ phổ biến từ trung bình đến cao, đó là sâu đục quả đậu đỗ, sâu cuốn lá đầu đen, sâu khoang, sâu xanh. Phần lớn các loài sâu hại có mức độ phổ biến cao vào tháng 4 và tháng 5. Trong tháng 3 khi cây lạc còn nhỏ, số lượng các loài côn trùng gây hại chưa nhiều, mức độ phổ biến thấp. Đến tháng 4 khi cây lạc bắt đầu ra hoa và có củ non thì số loài sâu hại nhiều hơn, mức độ phổ biến cao hơn, đặc biệt loài sâu đục quả đậu đỗ (Maruca vitrata Fabr) xuất hiện nhiều. Tháng 5 là tháng củ phát triển đến thu hoạch, lúc này cây lạc đạt đỉnh cao về khối lượng thân lá, số lượng loài sâu hại không tăng, 3 loài có mức độ phổ biến cao nhất là châu chấu lúa, sâu đục quả đậu, sâu khoang. Có những loài chỉ xuất hiện như những mắt xích trong dây chuyền dinh dưỡng như: bọ xít nâu vai nhọn, bọ xít gai, bọ xít nâu đùi to và một số loài sâu róm. Hoàng Xuân Nghĩa (2006) [18] ghi nhận trong vụ lạc xuân 2006 tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có 27 loài sâu hại tập trung ở 9 bộ, 19 họ côn trùng. Các loài sâu hại chủ yếu là: sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá đầu nâu, sâu cuốn lá đầu đen; các loài chích hút như: bọ trĩ, rầy xanh, rệp muội đen. Sâu khoang (Spodoptera litura) có 3 cao điểm trong vụ, đó là khi lạc 3-4 lá, lạc ra hoa rộ và khi lạc vào chắc; mật độ sâu cao nhất khi lạc ra hoa rộ. Sâu xanh (Helicoverpa armigera) xuất hiện từ khi lạc 3-4 lá cho đến thu hoạch, mật độ sâu đạt đỉnh cao vào giai đoạn hoa bắt đầu héo và đâm tia - phát triển quả. Sâu cuốn lá đầu nâu (Hedylepta indicata Fabr) và sâu cuốn lá đầu đen (Archips asiaticus Walsingham) xuất hiện muộn hơn sâu xanh và sâu khoang nhưng mật độ và tỷ lệ lá bị hại cao hơn, mật độ sâu tăng dần từ cuối tháng 2 cho tới cuối tháng 4.
Trong số các loài chích hút thì bọ trĩ gây hại có ý nghĩa ở giai đoạn cây con; rệp muội đen gây hại nặng trên hoa và búp, làm giảm năng suất một cách nghiêm trọng. Cũng theo tác giả thì trong mô hình IPM, xử lý hạt giống bằng thuốc Rovral 50WP và Gaucho 70WS có tác dụng làm giảm tỷ lệ chết cây con và giảm mật độ các loài chích hút giai đoạn mọc đến 3 lá. Sử dụng biện pháp xử lý mầm và che phủ nilon có tác dụng rút ngắn thời gian mọc, tăng tỷ lệ mọc, tạo cho cây lạc khỏe ngay từ giai đoạn cây con, từ đó đảm bảo được mật độ cây/m2 và tỷ lệ quả chắc trên cây. Sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp đã làm tăng thêm thu nhập cho nông dân 1.804.000 đồng/ha (Hoàng Xuân Nghĩa, 2006) [18].
Kết quả nghiên cứu của Trịnh Thạch Lam trong vụ lạc xuân 2006 tại Nghi Lộc - Nghệ An trên các giống lạc L14, Sen lai đã thu được 35 loài sâu hại lạc thuộc 6 bộ 15 họ côn trùng. Phổ biến là các loài rầy xanh, bọ trĩ vàng, sâu khoang, sâu xanh, sâu đục quả đậu, sâu róm, câu cấu xanh nhỏ (Trịnh Thạch Lam, 2006)[15].
Kết quả điều tra của Lê Anh Ngọc (2008) đã ghi nhận được 37 loài sâu hại lạc thuộc 6 bộ, 16 họ côn trùng tại Lộc Hà, Hà Tĩnh. Các loài xuất hiện nhiều nhất là cào cào xanh, ban miêu đen đầu đỏ, sâu cuốn lá đầu đen, sâu xanh, sâu khoang; một số loài xuất hiện ở mức trung bình như châu chấu xanh, châu chấu nâu, rệp muội đen, rầy xanh, bọ lá 4 chấm trắng, sâu đo xanh, sâu róm.
Từ những kết quả nghiên cứu trên có thể thấy rằng thành phần sâu hại trên lạc rất phong phú, tuy nhiên ở mỗi vùng địa lý khác nhau thì thành phần sâu hại cũng như số loài gây hại chính cũng có sự khác nhau. Các loài thường xuyên xuất hiện và gây hại có ý nghĩa kinh tế gồm có sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá, sâu đục quả đậu đỗ, bọ trĩ, rệp, ban miêu… đa số các loài sâu là