Tình hình nghiên cứu thiên địch của sâu hại lạc

Một phần của tài liệu Thành phần sâu hại và thiên địch trên cây lạc; đặc điểm sinh học, sinh thái và biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá đầu đen (Archips asiaticus Walsinhham) hại lạc vụ xuân 2014 ở hu (Trang 27)

Thiên địch cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm giảm mật độ sâu hại trên đồng ruộng. Chúng điều hòa số lượng chủng quần dịch hại, giữ dịch hại ở dưới ngưỡng và duy trì như những mắt xích trong mạng lưới dinh dưỡng. Sự thiếu vắng kẻ thù tự nhiên là một trong những yếu tố làm cho sâu hại gia tăng nhanh về mặt số lượng và dễ phát sinh thành dịch.

Ở Ấn Độ, loài sâu xanh (Helicoverpa armigera) bị 37 loài ký sinh, trong đó 8 loài có vai trò quan trọng trong việc hạn chế số lượng sâu xanh. Ở Châu Phi, sâu xanh bị 23 loài ký sinh, trong đó có 20 loài thuộc bộ cánh màng, 3 loài

thuộc bộ hai cánh; sâu khoang bị 46 loài ký sinh, gồm 36 loài thuộc bộ cánh màng và 10 loài thuộc bộ hai cánh (Waterhouse and Norris, 1987) [51].

Ranga Rao and Shanower (1988) [44] đã xác định được 67 loài thiên địch của sâu hại lạc tại vùng Andhra Pradesh (Ấn Độ), trong đó có 44 loài côn trùng và nhện lớn bắt mồi, 23 loài côn trùng ký sinh. Trên sâu khoang tìm thấy 6 loài ký sinh, 7 loài ký sinh trên sâu xanh, 3 loài ký sinh sâu đo, 4 loài ký sinh sâu cuốn lá.

Trong giai đoạn 1984-1993, trung tâm ICRISAT đã nghiên cứu về ký sinh sâu non của sâu vẽ bùa và sâu khoang hại lạc cho thấy tỷ lệ sâu bị ký sinh trung bình trong mùa mưa là 34% và sau mùa mưa là 40%, nhờ đó đã làm giảm đáng kể mật độ sâu vẽ bùa. Đối với sâu khoang, khi điều tra đã bắt gặp ong ký sinh trứng

Trichogramma spp., tuy nhiên tỷ lệ ký sinh thấp. Kết quả điều tra qua 17 vụ cho thấy sâu khoang bị ký sinh chủ yếu ở giai đoạn sâu non, tỷ lệ chết do ký sinh biến động từ 10-36%, trung bình là 15%. Tuy nhiên sự xuất hiện và hiệu quả của ký sinh phụ thuộc vào thời vụ (ICRISAT, 1993)[39].

Ở Ấn Độ, từ lâu người nông dân đã biết áp dụng biện pháp canh tác trong phòng trừ sâu hại lạc, chẳng hạn như trồng cây thầu dầu để thu hút trưởng thành sâu khoang đến đẻ trứng, sau đó gom lại và tiêu diệt trứng trước khi sâu nở. Ngoài ra, trồng cây hướng dương trên ruộng lạc có tác dụng dẫn dụ trưởng thành sâu khoang và sâu xanh đến đẻ trứng rồi tiêu diệt trứng, đây cũng là nơi đậu của những loài chim đến bắt sâu (Ranga Rao and Wightman, 1994) [46].

Khi nghiên cứu về mật độ và thời vụ trồng lạc, Lynch (1986) [40] cho rằng khoảng cách trồng lạc dày, trồng sớm giúp cho lạc tránh được sự gây hại của bọ trĩ và bệnh chết chồi. Mặt khác, việc thu hoạch lạc sớm hoặc đúng thời vụ có tác dụng hạn chế sự tấn công của mối và một số loài sâu đục quả.

Để góp phần nâng cao năng suất lạc, trong những năm qua các nhà chọn tạo giống đã nghiên cứu và đưa ra các giống lạc có năng suất cao, ổn định qua các vụ. Trung tâm ICRISAT tại Ấn Độ đã lai tạo ra trên 6000 giống và dòng lạc nhằm tìm ra các giống có tính chống chịu sâu như rầy xanh, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, sâu khoang, rệp…; đã tìm ra khoảng 100 giống lạc có biểu hiện kháng sâu, một số

dòng, giống có khả năng kháng đồng thời nhiều loại sâu như ICG5420, NCAC343… Trong bộ giống khảo nghiệm thì giống lạc hoang dại Arachis có khả năng kháng cao đối với sâu khoang, sâu vẽ bùa, rệp và sâu đục rễ (ICRISAT, 1993) [39]. Những thí nghiệm gần đây về đánh giá tác hại nhân tạo và tự nhiên cũng cho thấy dòng lạc ICGV86301 có mức kháng cao với sâu vẽ bùa và sâu khoang.

Mức độ thiệt hại kinh tế do sâu hại gây ra cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, điều kiện môi trường, mật độ dịch hại… Trong hơn 90 loài côn trùng gây hại trên lạc thì chỉ có ít loài gây hại có ý nghĩa kinh tế trên diện rộng. Một số loài trước đây chỉ là loài gây hại thứ yếu như rệp muội, bọ trĩ, nhện thì nay chúng đã và đang trở thành những loài quan trọng.

Một phần của tài liệu Thành phần sâu hại và thiên địch trên cây lạc; đặc điểm sinh học, sinh thái và biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá đầu đen (Archips asiaticus Walsinhham) hại lạc vụ xuân 2014 ở hu (Trang 27)