Trên ruộng trồng lạc tại địa điểm nghiên cứu, tiến hành điều tra sơ bộ để khái quát chung tình hình trong khu vực. Sau khi điều tra sơ bộ tiến hành xác định và chọn lựa các điểm có vị trí ngẫu nhiên, có tính chất đại diện cho toàn bộ vùng nghiên cứu. Mỗi yếu tố điều tra 10 điểm ngẫu nhiên nằm trên đường chéo của khu vực điều tra, điểm điều tra cách bờ ít nhất 2m, mỗi điểm điều tra 1m2 theo Viện Bảo vệ thực vật (2000) [23]. Điều tra thành phần loài được thực hiện 1 tuần/1 lần, sử dụng vợt côn trùng, vợt đập, hoặc bắt bằng tay để thu mẫu. Tiến hành thu bắt toàn bộ các loài sâu hại, côn trùng ký sinh và bắt mồi xuất hiện trên ruộng lạc tại các điểm đã lựa chọn và khu vực lân cận (bờ mương, bụi cây, xung quanh khu vực trồng lạc). Tại các ruộng đã chọn điều tra và quan sát trên từng cây tại các điểm trong các ruộng đã chọn, ghi chép số liệu vào sổ điều tra các loài sâu hại, côn trùng bắt mồi, bắt mồi đang ăn thịt trên cánh đồng. Tiến hành thu các pha sâu hại như trứng, sâu non và nhộng trên ruộng lạc để tiến hành theo dõi ký sinh vũ hóa cũng như vật chủ của chúng.
Các loài sâu hại, côn trùng ký sinh và bắt mồi thu được, một phần xử lý chết bằng lọ độc (chứa Xyanuakaly) hoặc ngâm trong cồn 70% để định loại, lưu mẫu. Các mẫu thu được tiến hành ghi nhãn theo tiêu chuẩn chung của phân loại học và giám định tên theo tài liệu liên quan hoặc nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia côn trùng.