Mục tiêu của Chương trình XTĐT quốc gia được Chính phủ xác định cho từng thời kì, giai đoạn phát triển của đất nước. Mục tiêu trong giai đoạn hiện nay 2012-2015 được đưa ra cụ thể trong Điều 2 – Chương I thuộc Quy chế “ Xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia” ban hành kèm theo Quyết định số 26/2012/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Quy chế được xây dựng dựa trên việc tiếp thu những nội dung phù hợp đã được thực thi tốt trong giai đoạn vừa qua đồng thời sửa đổi những nội dung không còn phù hợp với
thực tiễn; nghiên cứu, tham khảo quy định và nội dung XTĐT của các nước, đề ra nội dung, giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế, áp dụng phương thức hỗ trợ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Một là, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động XTĐT.
Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia được ban hành theo Quyết định của Chính phủ, đi kèm Quy chế xây dựng và thực hiện cụ thể. Hoạt động XTĐT ngày càng đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nên Chương trình được xây dựng và thực hiện thường là 5 năm chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi một lần để phù hợp với từng thời kì. Nhìn chung, Chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở định hướng thu hút và khuyến khích đầu tư thống nhất cả nước, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước và quy hoạch phát triển các ngành kinh tế kĩ thuật. Vì vậy, công tác quản lý cần được nêu rõ, từ các Bộ, ngành Trung ương đến Ủy ban nhân dân các cấp để tránh sự trùng lặp và đạt được sự thống nhất toàn diện. Hiện nay, Cục Đầu tư nước ngoài, trực thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư là cơ quan chuyên trách của Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện XTĐT ở cấp quốc gia. Tiếp theo là đến ba Trung tâm xúc tiến ở ba miền Bắc, Trung, Nam và các trung tâm xúc tiến cấp tỉnh. Không chỉ có vậy, hoạt động quản lý XTĐT còn cần thực hiện tốt ở mọi công đoạn, từ xây dựng đề án, thẩm tra và phê duyệt, triển khai thực hiện cho đến điều chỉnh đề án, chấm dứt đề án và báo cáo kết quả thực hiện.
Tính hiệu quả của hoạt động XTĐT được nâng cao cũng là một mục tiêu quan trọng của Chương trình. Sự hiệu quả này cần đến từ từng nội dung của Chương trình, từng kĩ thuật xúc tiến, từng cán bộ làm việc trong công tác này… Với sự nỗ lực không ngừng của các lãnh đạo cấp cao, các trung tâm xúc tiến đến các doanh nghiệp, Chương trình XTĐT quốc gia sẽ ngày càng thể hiện vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Hai là, tạo sự gắn kết hợp lý các hoạt động XTĐT trong nước, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ở mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế.
Các hoạt động đầu tư dù là đầu tư ra nước ngoài hay thu hút đầu tư nước ngoài, là thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp hay dịch vụ, là thuộc thành phần
kinh tế Nhà nước, ngoài Nhà nước hay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì chúng đều có quan hệ với nhau. Hoạt động này làm nền tảng hay hỗ trợ cho hoạt động kia, tất cả vì mục tiêu chung: phát triển kinh tế xã hội đất nước một cách toàn diện. Vì vậy, hoạt động XTĐT cần gắn kết, thống nhất với nhau để tạo thành một lợi ích, hiệu quả tổng thể.
Ba là, kết nối hoạt động XTĐT với xúc tiến thương mại, du lịch và các lĩnh vực liên quan khác.
Hoạt động XTĐT hiện nay thường đi kèm với xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch.Đây là một xu hướng tốt bởi nguồn lực về nhân lực, thời gian hay tài chính sẽ được sử dụng hợp lý. Điển hình như một đoàn công tác dẫn đầu bởi một lãnh đạo cấp cao của Chính phủ sang thăm và làm việc với nước bạn, đi cùng đoàn không chỉ có các doanh nghiệp đầu tư mà còn có các doanh nghiệp về thương mại, về du lịch, văn hóa, về giáo dục đào tạo… Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước bạn có một nơi tập trung để tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội phù hợp cho mình.
Tóm lại, với những mục tiêu cụ thể đã đặt ra, Chương trình XTĐT quốc gia cần có những hoạt động thực hiện nhắm đúng mục tiêu để đạt được những thành công như mong đợi.