Bên cạnh những thành công đã đạt được như trên, hoạt động XTĐT trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
2.5.2.1. Những hạn chế còn tồn tại
Thứ nhất, hoạt động xúc tiến đầu tư còn thiếu mục tiêu dài hạn, hoạt động
Hoạt động XTĐT hiện nay thường được đề ra mục tiêu trong vòng 5 năm. Đây là một mục tiêu trung hạn.Với mục tiêu này, hoạt động XTĐT sẽ có hiệu quả không cao vì hầu hết các dự án FDI đầu tư vào ngành công nghiệp đều có thời hạn trên 5 năm. Vì vậy, bên cạnh những mục tiêu trung hạn, mục tiêu dài hạn khoảng 10 năm là rất cần thiết để các hoạt động XTĐT đem lại sự phát triển công nghiệp bền vững trong tương lai.
Hoạt động XTĐT của các địa phương cũng thường trùng lặp về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, nên có tình trạng hàng chục đoàn cùng đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản ở cùng một thời điểm. Vấn đề quan trọng trong hoạt động xúc tiến là các địa phương cần chọn lựa dự án nào có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lí nguồn lực của địa phương… Vì vậy, cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động XTĐT, chuyển sang hình thức vận động, thu hút đầu tư theo dự án có trọng điểm và đối tác có năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm đầu tư. Chương trình xúc tiến chỉ nên được thực hiện khi có tính khả thi về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, kinh phí và tiến độ triển khai.
Số lượng dự án có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án FDI sử dụng công nghệ nguồn có vai trò dịch chuyển căn bản cơ cấu ngành, còn ở mức khiêm tốn. Đây là một mục tiêu mà hoạt động XTĐT chưa đạt được, dẫn đến chất lượng của các dự án đầu tư không cao. Số dự án đến từ các nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ, EU… đầu tư vào ngành công hiện hiện vẫn ở mức rất thấp (chiếm khoảng 10%). Bởi hoạt động XTĐT chưa có biện pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn chất lượng này.
Hạn chế trên cần phải khắc phục sớm trong thời gian tới để hoạt động XTĐT đem lại sự hiệu quả cao.
Thứ hai, hoạt động XTĐT còn xảy ra tình trạng trùng lặp, thiếu sự hợp tác
giữa các cơ quan XTĐT của các ngành và các vùng, địa phương.
Hiện nay, hoạt động XTĐT diễn ra rất nhiều, bằng nhiều biện pháp, nhiều cơ quan tổ chức, tại nhiều địa phương, quốc gia khác nhau cũng như trên mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tuy nhiên điều này đã dẫn đến một hạn chế đó là sự trùng lặp gây lãng phí thời gian, tiền của và con người.
Trong hoạt động XTĐT vào ngành công nghiệp, rất nhiều đoàn công tác tổ chức ra nước ngoài thực hiện hoạt động xúc tiến đến các cơ quan quản lý đầu tư cũng như các doanh nghiệp nước bạn. Hạn chế ở đây là nội dung của các hoạt động xúc tiến này hầu hết là không có sự khác biệt nhiều giữa các đoàn, các thông tin về dự án cũng không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư muốn tìm hiểu. Tại những buổi hội nghị, diễn đàn XTĐT, vấn đề này luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra khi họ bối rối vì phải tiếp quá nhiều đoàn công tác XTĐT, thậm chí là trong một khoảng thời gian ngắn chừng 1 tháng mà có đến hơn 10 đoàn sang xin giới thiệu dự án. Sự quá tải về số lượng như vậy, đi kèm với chất lượng không đáp ứng được yêu cầu đã khiến hiệu quả của hoạt động XTĐT giảm sút đáng kể, trong khi chi phí ngày càng tăng lên.
Ngoài ra, các cơ quan XTĐT của các ngành và các địa phương hiện nay chưa gắn kết với nhau chặt chẽ. Tính liên ngành, liên vùng tuy đã được đưa vào chiến lược XTĐT chung nhưng chưa được thực hiện tốt. Các địa phương thường tổ chức các hoạt động xúc tiến riêng rẽ, điều này không chỉ đem lại hiệu quả không cao, chất lượng vốn đầu tư không cao mà còn gây tốn kém nhiều nguồn lực.
Thứ ba, hệ thống thông tin trong các website, tài liệu, ấn phẩm về đầu tư mà
hoạt động XTĐT đưa ra chưa đầy đủ, cụ thể và mang tính cập nhật.
Trước hết là về các Website XTĐT. Những trang thông tin điện tử này tuy đã được xây dựng rất nhiều nhưng việc phát triển và duy trì còn chưa được đảm bảo. Nhìn chung, số lượng thông tin chưa đầy đủ, chất lượng còn yếu kém vì thiếu cập nhật và chưa đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu của nhà đầu tư. Ví dụ như: Danh sách những nhà cung cấp dịch vụ như các công ty tư vấn, kỹ thuật, luật sư, tài chính, nghiên cứu thị trường còn rất hạn chế; chương trình khuyến khích đầu tư và các quy định khác về đầu tư chỉ mới dừng lại ở những thông tin tối thiểu… Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động của website cũng rất quan trọng. Các nhà đầu tư có thể nản lòng khi không thể truy cập được vào website. Ngoài ra, trình bày giao diện chưa được đẹp mắt để có thể thu hút người xem, các chuyên mục được liệt kê chưa rõ ràng để thuận lợi theo dõi hay tìm kiếm thông tin. Các website hiện nay cũng chưa được quảng bá rộng rãi, điều này cũng làm hiệu quả của hoạt động XTĐT chưa cao.
Các tài liệu, ấn phẩm chưa mang tính chuyên nghiệp, hấp dẫn nhà đầu tư. Hầu hết các thông tin được đưa ra qua tài liệu chỉ là thông tin khái quát, cơ bản, những thông tin cụ thể hoặc những vấn đề sát thực mà nhà đầu tư thắc mắc hay quan tâm còn rất ít. Bên cạnh những tranh ảnh thể hiện địa điểm đầu tư, các sơ đồ, bản đồ quy hoạch, bảng các số liệu kĩ thuật cụ thể… còn chưa được đưa ra nhiều. Các thông tin về dịch vụ hỗ trợ trước, trong và sau đầu tư cũng cần được thể hiện rõ ràng hơn bởi đây là một trong các yếu tố mà nhà đầu tư còn e ngại khi đầu tư vào Việt Nam như các thủ tục hành chính còn chưa gọn nhẹ, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế…
Website và các ấn phẩm, tài liệu được đánh giá là công cụ XTĐT kinh tế và hiệu quả nhưng Việt Nam chưa tận dụng khai thác để xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư. Vì vậy, hạn chế này trong hoạt động XTĐT cần khắc phục sớm trong thời gian tới.
Thứ tư, công tác nghiên cứu tình hình đầu tư thực tế của các đối tác đầu tư
nước ngoài chưa nhận được nhiều sự quan tâm
Công tác nghiên cứu tình hình đầu tư thực tế của các đối tác đầu tư nước ngoài chưa được quan tâm thích đáng cũng là một hạn chế khiến hiệu quả của hoạt động XTĐT chưa cao. Trong từng giai đoạn, từng năm cụ thể, các nhà đầu tư của mỗi nước và trong mỗi ngành nghề đều có sự thay đổi linh hoạt phù hợp với mục tiêu của họ và tình hình kinh tế chung. Các Trung tâm XTĐT hiện nay vẫn chưa chú trọng công tác nghiên cứu xu hướng đầu tư này để tìm ra nhà đầu tư thích hợp cho từng ngành, từng địa phương cũng như từng giai đoạn.
Công tác nghiên cứu này thường đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao bởi các phương pháp nghiên cứu hầu hết yêu cầu kĩ năng tổng hợp thông tin, số liệu phức tạp, kĩ năng phân tích, nhận định chuyên môn, kĩ năng tổng hợp, kĩ năng đưa ra dự đoán hoặc các phương án khả thi… Phương pháp thu thập thông tin chưa có quy mô rộng khắp, cách thức xử lí còn thủ công dẫn đến sai số lớn, tổng hợp thông tin chưa nhanh chóng… Điều này khiến các cơ quan XTĐT gặp khó khăn trong việc đưa ra những báo cáo trước đầu tư trong quá trình lựa chọn đối tác.
Nếu công tác nghiên cứu này cho ra được những kết quả chính xác, chúng ta nắm bắt được nhu cầu của các nhà đầu tư, sau đó kết hợp với định hướng đầu tư của Nhà nước thì cả hai bên sẽ cùng đạt được mục tiêu và lợi ích mong muốn.
2.5.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Hệ thống chính sách – pháp luật về XTĐT chưa đầy đủ và thiếu sự đồng bộ. Hệ thống chính sách tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đủ cụ thể để có thể áp dụng được ngay khi vấn đề phát sinh. Nhiều văn bản pháp luật đã ban hành nhưng thiếu các thông tư hướng dẫn đi kèm nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Số lượng các văn bản pháp luật về hoạt động XTĐT hiện nay còn khá ít, điều này cũng làm hoạt động thiếu sự định hướng chung. Hệ thống chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên còn trải qua nhiều lần thay đổi, bổ sung, sửa chữa đã gây ra sự không ổn định, khiến các nhà đầu tư bối rối trong khi tìm hiểu để đưa ra quyết định đầu tư.
Sự phối hợp trong quản lý hoạt động XTĐT từ Trung ương đến địa phương chưa chặt chẽ. Các cơ quan quản lý hoạt động XTĐT tuy đã được thành lập thành một hệ thống khá hoàn chỉnh nhưng chất lượng công việc chưa được đảm bảo.Điều này thể hiện ở điểm còn xảy ra tình trạng XTĐT trùng lặp, dàn trải giữa các địa phương. Bởi các chương trình XTĐT của mỗi địa phương được xây dựng và triển khai mà không có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Trung ương. Ngoài ra, những biện pháp kiểm soát hoạt động XTĐT cũng chưa phù hợp nên chưa đem lại nhiều hiệu quả.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động XTĐT chưa cao. Tuy hiện nay hoạt động XTĐT đã có được nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các Trung tâm XTĐT cũng đã được xây dựng với đội ngũ cán bộ chính thức nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Về số lượng, do hoạt động này mới được triển khai mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây nên số lượng cán bộ chuyên phụ trách hoạt động này còn ít. Đặc biệt là Trung tâm XTĐT ở một số tỉnh còn nhiều khó khăn thì bộ phận này chỉ có 1-2 cán bộ, cơ cấu tổ chức còn đơn giản. Hoạt động XTĐT không chỉ thực hiện trong giai đoạn trước cấp phép đầu tư – khi các nhà đầu tư cân nhắc dự án, mà hiện nay còn thực hiện trong cả giai đoạn sau cấp phép đầu tư, như giải quyết các vấn đề phát sinh trong lúc dự án được thực hiện, những
khó khăn mà nhà đầu tư gặp phải, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ… Vì vậy mà số lượng nhân lực trong hoạt động XTĐT hiện nay là chưa đủ.
Về chất lượng, tuy những đợt đào tạo, tập huấn đã được tổ chức định kì, thường xuyên hơn trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung chất lượng của nguồn nhân lực hoạt động trong công tác XTĐT còn yếu kém. Trong công tác chuyên môn, những kĩ năng như về thu thập, phân tích, xử lí thông tin, số liệu về đầu tư còn nhiều hạn chế, các cán bộ chưa chủ động cập nhật tình hình đầu tư tại các nước đối tác, khả năng ngoại ngữ chưa thông thạo… Trong phần kĩ năng mềm, kĩ năng thuyết trình, thuyết phục, đàm phán… cũng chưa được đa số các cán bộ thực hiện tốt.
Kinh phí dành cho hoạt động XTĐT còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động XTĐT được trích từ Ngân sách Nhà nước nhưng nguồn này rất ít ỏi. Hầu hết các hoạt động XTĐT được tổ chức bằng tiền tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, hoặc phối hợp với các hoạt động khác chứ chưa có một nguồn kinh phí nào dành riêng cho hoạt động này. Vì vậy mà nguồn kinh phí chính không ổn định, tính chủ động cũng bị giảm đi đáng kể.
CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020