Hoạt động XTĐT trong thời gian qua đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy thu hút các dự án FDI vào ngành công nghiệp. Từ đó đã tạo ra nhiều tác động tích
cực khác về cả mặt kinh tế và xã hội.Sau đây là một vài đánh giá về thành công của hoạt động XTĐT trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, hoạt động XTĐT có vai trò quan trọng trong những thành công
của việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp
Thành công lớn nhất và dễ nhận thấy nhất của hoạt động XTĐT vào ngành công nghiệp là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành này tăng lên nhanh chóng qua các năm, không chỉ về số dự án, số vốn đầu tư đăng kí mà còn về quy mô dự án cũng như chất lượng của các dự án ngày càng cao hơn.
Số dự án FDI thu hút vào ngành công nghiệp đã tăng hơn 2,3 lần, tổng số vốn đầu tư đăng kí mới và tăng thêm cũng tăng hơn 5 lần trong giai đoạn 2009 – 2013. Năm 2013 có một sự đột phá trong thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng là hơn 100% so với năm trước. Quy mô dự án cũng tăng lên đáng kể.
Để có được những sự phát triển tột bậc như trên, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của hoạt động XTĐT. Năm 2013 cũng đánh dấu một bước tiến mới của hoạt động XTĐT khi Chính phủ đưa ra Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động XTĐT – đây là một văn bản pháp lý hoàn chỉnh, đi kèm quy chế hướng dẫn thực hiện rõ ràng, cụ thể. Điều này thể hiện sự hoàn thiện trong hệ thống pháp luật, chính sách. Không chỉ có vậy, rất nhiều biện pháp XTĐT được thực hiện rầm rộ, mạnh mẽ tại hầu hết các tỉnh ( thành phố) cũng như tại nước ngoài, đặc biệt là ở các địa phương trọng điểm, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế và ở các quốc gia là đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Giai đoạn nhà đầu tư tìm hiểu, thăm dò, lựa chọn địa điểm đầu tư có thể nói là giai đoạn quan trọng nhất và hoạt động XTĐT chính là nhân tố quyết định. Hoạt động XTĐT đã đem đến cái nhìn tổng quan về đất nước cũng như chi tiết những thông tin mà nhà đầu tư quan tâm về các chuyên ngành công nghiệp, từ đó, họ có cơ sở để xem xét, cân nhắc và đi đến quyết định lựa chọn dự án nào. Vì vậy, những dự án thu hút FDI vào công nghiệp được đẩy tiến độ nhanh hơn, tìm được nhà đầu tư phù hợp hơn, có dây chuyền sản xuất với công nghệ cao, đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai bên.
Thứ hai, các biện pháp XTĐT trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp
ngày càng được đa dạng hóa
Hiện nay, các biện pháp XTĐT nói chung và XTĐT vào ngành công nghiệp nói riêng vô cùng đa dạng và phong phú.
Khởi đầu là những hoạt động XTĐT được tổ chức cùng những đoàn công tác ra nước ngoài theo chân các nhà lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc thu hút vốn đầu tư, hoạt động XTĐT đã được tách ra thành những đoàn riêng, chuyên đi vận động đầu tư tại một số lĩnh vực cụ thể và đối tác cụ thể. Những trang thông tin điện tử về hoạt động XTĐT cũng lần lượt ra đời nhằm rút ngắn khoảng cách địa lí với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tận dụng những ưu điểm của Internet để truyền tải thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất và thu hút nhất.
Bên cạnh đó, những phương tiện thông tin đại chúng cũng được sử dụng để phục vụ hoạt động XTĐT vào ngành công nghiệp.Nhiều chương trình quảng bá đất nước, địa phương cũng như các ngành công nghiệp được xây dựng và phát sóng trên các kênh truyền hình cả trong và ngoài nước.Những bài viết, phóng sự trên báo chí cũng được thực hiện thường xuyên không chỉ đưa ra những phân tích về cơ hội đầu tư mà còn có những thành công, bài học kinh nghiệm của các nhà đầu tư đi trước. Đây là một phần mà các nhà đầu tư tương lai rất quan tâm bởi nó phản ánh hiện thực môi trường đầu tư cũng như rất sát với những thông tin thắc mắc mà họ đang tìm kiếm.
Với hàng chục website chuyên về hoạt động XTĐT của các cơ quan quản lý cấp Trung ương cũng như địa phương, cùng với rất nhiều ấn phẩm, tài liệu thường xuyên được phát hành trên mọi kênh thông tin đại chúng ở cả trong nước và quốc tế, hoạt động XTĐT đã ngày càng phát huy được thể mạnh của mình trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung và vào ngành công nghiệp nói riêng.
Thứ ba, các cơ quan chuyên trách về hoạt động XTĐT được mở rộng về cả
Hoạt động XTĐT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, điều này tất yếu dẫn đến sự hình thành của các cơ quan chuyên trách quản lý hoạt động XTĐT sao cho thống nhất và hiệu quả. Hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động XTĐT cơ bản đã được xây dựng hoàn tất với một hệ thống đầy đủ từ Trung ương đến địa phương. Số lượng các cơ quan nhìn chung là rất hợp lý, không thiếu và cũng không thừa với 4 cơ quan cấp Trung ương và địa phương nào cũng có bộ phận chuyên trách XTĐT cho riêng địa bàn mình.
Chất lượng quản lý hoạt động XTĐT của các cơ quan này cũng được nâng lên theo thời gian. Nhờ những buổi đào tạo, tập huấn định kì, những đợt đánh giá, kiểm tra, chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc trong hoạt động XTĐT cũng được cải thiện về cả trình độ chuyên môn cũng như các kĩ năng mềm như khả năng thuyết phục đối tác, phỏng vấn nhà đầu tư, thuyết trình bài báo cáo…
Ngoài ra, tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng có bộ phận XTĐT. Họ phối hợp với các cơ quan tại Việt Nam để tìm hiểu nhà đầu tư ở nước sở tại, đồng thời tham gia các hội thảo, hội nghị, diễn đàn hợp tác đầu tư ở nước sở tại và các cuộc đàm phán, thương lượng khi kí kết dự án. Bộ phận này tuy mới được phát triển nhưng những hiệu quả mà nó đem lại là rất to lớn. Nó góp phần tìm hiểu được những xu hướng đầu tư của nước ngoài cũng như những thông tin chính xác về nhà đầu tư, phong tục văn hóa nước bạn để chúng ta có thể gây ấn tượng và đón tiếp họ chu đáo. Điều này tuy không liên quan đến vấn đề chuyên môn nhưng cũng là một yếu tố góp nên sự thành công của các dự án.
Hệ thống các cơ quan chuyên trách hoạt động XTĐT như trên đã giúp hoạt động này được chuyên sâu hơn, thực hiện hiệu quả hơn.
Thứ tư, chiến lược XTĐT được xây dựng đúng đắn, góp phần to lớn trong
định hướng cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp
Chiến lược XTĐT như “kim chỉ nam” cho các hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và vào ngành công nghiệp nói riêng.
Chiến lược XTĐT được xây dựng bởi các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động XTĐT.Việc xây dựng này được dựa trên rất nhiều sự nghiên cứu, báo cáo của từng địa phương, từng vùng, từng ngành kinh tế và từng chuyên ngành trong ngành công nghiệp.Từ đây, những ưu điểm, thế mạnh và hạn chế của từng địa phương, từng ngành được đưa ra, phân tích để tìm hướng phát triển thích hợp.
Trước hết là chiến lược XTĐT chung cho cả nước, tại đây, những ngành nào chủ yếu được trọng tâm phát triển, vùng và địa phương nào được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, đối tác nào được hoạt động xúc tiến hướng đến… sẽ được nêu ra. Chiến lược này được Chính phủ ban hành theo Quyết định cấp Nhà nước, có Quy chế thực hiện đi kèm. Dựa vào chiến lược chung này mà mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng cho địa bàn của mình, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, nguồn nhân lực trong địa bàn cũng như mục tiêu mà địa phương đó đặt ra trong giai đoạn tới. Những chiến lược cụ thể này cũng sẽ được các cơ quan quản lý hoạt động XTĐT Trung ương xét duyệt để có sự thống nhất trong cả nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020, chiến lược XTĐT chung mà Chính phủ đưa ra được đánh giá là hoàn toàn hợp lý với chiến lược xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, mang tính liên ngành, liên vùng và đem lại sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho đất nước. Dựa vào chiến lược đúng đắn này mà ngay trong giai đoạn đầu thực hiện, rất nhiều thành công trong thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp đã đạt được một cách xuất sắc, vượt qua kế hoạch đã đề ra. Điều này hứa hẹn trong những năm kế tiếp, kết quả này sẽ tiếp tục được duy trì và tốt đẹp hơn nữa.