Kế toán doanh nghiệp Việt Nam
Việc hoàn thiện các qui định về sử dụng giá trị hợp lý trong Chế độ Kế toán doanh nghiệp Việt Nam là tất yếu khách quan. Tuy nhiên, để quá trình hoàn thiện đạt được hiệu quả mong muốn thì phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định, cụ thể như sau:
Một là, dù hoàn thiện theo phương hướng và cách thức nào thì cũng phải dựa
trên các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và các hướng dẫn kèm theo, Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS), Chuẩn mực Lập và trình bày Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Chuẩn mực kế toán tài chính (FAS) và các nguyên tắc kế toán đã được chấp nhận rộng rãi. Trong quá trình hoàn thiện, phải kế thừa và phát huy những ưu điểm của các qui định về phương pháp xác định giá trị trước đây nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian, đảm bảo hiệu quả ngày càng được nâng cao.
Hai là, các đề xuất hoàn thiện phải đảm bảo phản ánh đầy đủ, toàn diện các vấn
đề liên quan đến sử dụng giá trị hợp lý. Đặc biệt, các đề xuất này phải đảm bảo các thông tin tài chính được cung cấp khi áp dụng nguyên tắc tính giá này mang tính hữu ích, giúp cho đối tượng sử dụng thông tin tài chính ra các quyết định kịp thời.
Ba là, việc hoàn thiện phải mang tính chặt chẽ, không phức tạp, dễ vận dụng.
Nguyên tắc này đòi hỏi việc đề xuất áp dụng phải đơn giản. Đạt được điều này là cực kỳ khó khăn vì các nghiệp vụ kinh tế mới phát sinh ngày càng nhiều và với quy mô lớn, nếu các qui định cụ thể, đơn chiếc quá thì lại rất khó vận dụng và phải thường xuyên sửa đổi. Khi đó, việc áp dụng kế toán theo nguyên tắc này trở nên không còn ý nghĩa. Vì vậy nguyên tắc hoàn thiện này sẽ mang tính định hướng cho cả quá trình lâu dài.
Bốn là, những người làm công tác kế toán phải không ngừng nâng cao trình
độ chuyên môn, kinh nghiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của mình. Những người làm công tác kế toán chính là một nhân tố hạt nhân và cũng là chủ thể thực hiện nguyên tắc kế toán này để lập báo cáo tài chính. Do vậy, chất lượng báo cáo tài chính phụ thuộc rất nhiều vào những người làm công tác kế toán. Để đạt được hiệu quả cao nhất, những người làm công tác kế toán phải đáp đảm bảo các yêu cầu sau:
- Người làm công tác kế toán phải có trình độ chuyên môn cao và không ngừng hoàn thiện kiến thức của mình. Đồng thời, người làm công tác kế toán cũng cần có nhiều kinh nghiệm trong việc hiểu biết tính hữu dụng của các thông tin kế toán đối với từng đối tượng sử dụng thông tin.
- Người làm công tác kế toán phải nắm vững những Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như các văn bản, quy định pháp lý về kế toán liên quan đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
- Người làm công tác kế toán, phải có độ nhạy bén cao. Khi sử dụng nguyên
tắc kế toán theo giá trị hợp lý, có thể có nhiều trường hợp phát sinh khác nhau mà đôi khi người làm công tác kế toán chưa cập nhật được. Khi đó người làm công tác kế toán phải linh hoạt vận dụng nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nhất định.
- Trong quá trình thực hiện sử dụng nguyên tắc kế toán này, người làm công
tác kế toán phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Năm là, do những hạn chế của nguyên tắc kế toán theo giá trị hợp lý đã phân
tích trên đây, cùng với đặc thù của nền kinh tế nước ta, nên khi đề xuất sử dụng giá trị hợp lý trong Chế độ Kế toán Doanh nghiệp Việt Nam, NCS dựa trên nguyên tắc, không sử dụng giá trị hợp lý là một cơ sở định giá duy nhất cho mọi tài sản và nợ phải trả mà duy trì mô hình kết hợp các cơ sở định giá khác nhau. Trong đó, giá trị hợp lý được khuyến khích áp dụng trong những điều kiện tồn tại thị trường hoạt động cho tài sản hoặc nợ phải trả hoàn toàn giống về bản chất hoặc tương tự có thể so sánh. Đó là những trường hợp mà giá trị hợp lý được xác định một cách đáng tin cậy, đảm bảo được sự cân bằng hợp lý giữa yêu cầu (đáng tin cậy) và (thích hợp) của thông tin tài chính. Việc tiến tới sử dụng giá trị hợp lý như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán cần phải có lộ trình hợp lý.