(1) Sự cần thiết xuất phát từ hội nhập kinh tế quốc tế
Ngày nay, hội nhập quốc tế về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính đang diễn ra sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới và từng quốc gia. Vì vậy, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế hội nhập này, hơn nữa Việt Nam cần phải hội nhập một cách chủ động, năng động. Chính vì thế mà việc cải cách, đổi mới và hoàn thiện công tác kế toán cho phù hợp với thông lệ quốc tế là một đòi hỏi khách quan và cấp bách trong tình hình hiện nay.
Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ đã có hiệu lực và Việt Nam đã gia nhập AFTA và WTO. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập năng động, thị trường chứng khoán, thị trường vốn đang đòi hỏi phải có những nguyên tắc gần sát với các nước trên thế giới. Có như vậy, các nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam, một thị trường mới nổi và có nhiều tiềm năng.
Ngày nay, việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều. Nhiều công ty đã niêm yết tại các thị trường chứng khoán Mỹ, Singapore,... và dù muốn hay không thì báo cáo tài chính của các công ty này bắt buộc phải tuân thủ theo yêu cầu của các thị trường đó.
Đứng trước yêu cầu hội nhập, đòi hỏi các qui định về kế toán cũng phải thay đổi theo nhu cầu hội nhập. Và vì vậy, Việt Nam không thể tránh khỏi việc áp dụng nguyên tắc kế toán theo giá trị hợp lý.
(2) Sự cần thiết xuất phát từ nội tại của Việt Nam
Hiện nay, so với các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam chưa được gọi là nền kinh tế thị trường. Việt Nam đang từng bước phát triển để tiến tới nền kinh tế thị trường. Có nhiều vùng, nhiều bộ phận vẫn còn trong nền kinh tế tự cung tự cấp. Mặc dù chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được thực hiện hơn chục năm nay, rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước
đã được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ nhiều doanh nghiệp lớn, với những ngành nghề độc quyền như: điện, dầu khí, viễn thông, than… Do việc sở hữu độc quyền những ngành chính nên việc mua bán doanh nghiệp này không thể diễn ra. Người quản lý thường xuyên không có nhu cầu đánh giá giá trị thật của các doanh nghệp Nhà nước đang sở hữu vì nhu cầu để biết về vấn đề này của người quan tâm rất thấp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cổ phần, vốn nhà nước chiếm trên 51% hoặc ít hơn, một số doanh nghiệp do sở hữu tư nhân đã bắt đầu hội nhập nền kinh tế thị trường. Một số doanh nghiệp này đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đã bắt đầu được quan tâm nhưng nó vẫn chưa thành thói quen của các nhà đầu tư. Một phần là do tập quán kinh doanh của người Việt, một phần cũng là do chưa có một hệ thống các thông tin đầy đủ và đáng tin cậy sẵn có để các nhà đầu tư có thể đánh giá và đưa quyết định mua bán doanh nghiệp với giá trị hợp lý đúng với thực tế của thị trường. Hiện nay, để biết giá trị thật của doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian và nhiều chi phí thuê chuyên gia định giá, vì vậy, tiến trình này rất chậm. Nhiều khi định giá xong, nhà đầu tư không khỏi ngạc nhiên, cũng không ngờ rằng giá trị thực tế của doanh nghiệp đó khác xa với nhận thức từ trước đến nay của chính bản thân nhà đầu tư. Nhà đầu tư cảm thấy mù mờ về việc hiểu biết giá trị hiện tại của doanh nghiệp.
Trên thực tế, các mối quan hệ ràng buộc trong nền kinh tế ngày càng chằng chịt, việc mua bán doanh nghiệp ngày càng diễn ra sôi động hơn, người sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định ngày càng nhiều hơn. Chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính ngày càng yêu cầu rõ ràng và minh bạch hơn. Do vậy, kế toán theo giá trị hợp lý là yêu cầu cần thiết
(3) Sự cần thiết xuất phát từ đặc điểm cung cấp thông tin của kế toán theo giá trị hợp lý
Để đánh giá một cách xác đáng việc sử dụng giá trị hợp lý có thực sự hợp lý hay không, ta đi xem xét xem các thông tin tài chính được cung cấp từ việc sử dụng phương pháp này có đáp ứng yêu cầu cơ bản hay không. Cụ thể:
- Sử dụng giá trị hợp lý đáp ứng mục tiêu cung cấp thông tin tài chính:
của nhà đầu tư, người cho vay và chủ nợ hiện tại cũng như trong tương lai của doanh nghiệp. Mục tiêu cung cấp thông tin tài chính được cụ thể hoá theo các khía cạnh sau:
+ Thông tin tài chính phải phản ánh được rõ nét các hoạt động của doanh
nghiệp;
+ Thông tin tài chính phải thực sự hữu ích trong đánh giá quy mô, thời gian
và mức độ chắc chắn của các dòng tiền trong tương lai;
+ Thông tin tài chính phải phản ánh tính thanh khoản và khả năng linh hoạt về
tài chính của doanh nghiệp để khai thác cơ hội và đối phó với khủng hoảng.
Giá trị hợp lý là cơ sở tính giá phản ánh mức giá kỳ vọng của thị trường hiện tại và tương lai đối với một tài sản hoặc một khoản nợ phải trả. Do vậy, trong mối quan hệ với các cơ sở định giá khác thay thế, giá trị hợp lý được coi là cơ sở định giá giúp thông tin tài chính phản ánh tốt nhất dòng tiền tương lai của doanh nghiệp cũng như khả năng thanh khoản và linh hoạt tài chính của doanh nghiệp. Có thể khẳng định, sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá sẽ đáp ứng tốt các mục tiêu cung cấp thông tin tài chính mà các báo cáo tài chính hướng tới.
- Sử dụng giá trị hợp lý đảm bảo thông tin tài chính là thích hợp: Thông tin
tài chính được coi là thích hợp nếu thông tin đó giúp người sử dụng ra các quyết định kinh tế bằng cách đánh giá các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Một cách cụ thể hơn, thông tin tài chính là thích hợp nếu nó đáp ứng được các mục tiêu đã đề cập. Như đã phân tích ở trên, xem xét yêu cầu thích hợp, thông tin tài chính được xác định theo giá trị hợp lý có ưu thế hơn so với thông tin được xác định
theo giá gốc hoặc các cơ sở tính giá khác có thể sử dụng.
Tuy nhiên, đối với những người sử dụng thông tin tài chính mà quyết định của họ phụ thuộc vào các khoản thu nhập đã thực hiện từ hoạt động của doanh nghiệp thì thông tin về giá trị tăng thêm hoặc giảm đi do sự biến động giá trị hợp lý của tài sản hoặc nợ phải trả (được ghi nhận vào thu nhập hoặc chi phí) là những thông tin không có nhiều ý nghĩa.
Mặc dù vẫn có những quan điểm khác nhau về tính thích hợp của thông tin tài chính trên cơ sở giá trị hợp lý, song, nhìn chung các chuyên gia kế toán đều cho rằng giá trị hợp lý vẫn là cơ sở tính giá đáp ứng tốt nhất các yêu cầu. Đây cũng là lý
do giải thích tại sao giá trị hợp lý ngày càng được sử dụng rộng rãi và được đánh giá là một cơ sở tính giá thích hợp nhất.
- Sử dụng giá trị hợp lý có đưa ra nguồn thông tin đáng tin cậy?
Để xác định giá trị hợp lý, doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp
theo trình tự ưu tiên sau: (1) Sử dụng giá thị trường của tài sản và nợ phải trả hoàn toàn giống với tài sản và khoản nợ cần tính giá; (2) Sử dụng giá cả thị trường của tài sản và nợ phải trả tương tự và thực hiện điều chỉnh để tính; (3) Sử dụng các giả định
và áp dụng các mô hình tính toán để xác định giá cả hợp lý.
Như vậy, trong trường hợp có thị trường hoạt động cho tài sản và nợ phải trả cần tính giá, việc sử dụng giá cả quan sát được của thị trường một cách trực tiếp hoặc giá thị trường được điều chỉnh làm giá trị hợp lý có thể đảm bảo được mức độ tin cậy thoả đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp không có thị trường hoạt động thì việc sử dụng các giả định và mô hình tính toán sẽ khó đạt được độ tin cậy cho dù các mô hình được áp dụng một cách khách quan. Chính vì mối lo ngại này mà nhiều chuyên gia kế toán khuyến nghị không nên quá lạm dụng giá trị hợp lý đặc biệt là không nên áp dụng cơ sở tính giá này khi không có thị trường hoạt động cho tài sản và nợ phải trả tương tự.
- Sử dụng giá trị hợp lý có làm giảm bớt sự phức tạp và đảm bảo sự dễ hiểu của thông tin tài chính?
Trong điều kiện tồn tại thị trường hoạt động của tài sản và nợ phải trả hoàn toàn giống với tài sản và nợ phải trả cần tính giá, việc xác định giá trị hợp lý là không quá phức tạp. Khi đó, giá trị hợp lý chính là mức giá quan sát được từ các giao dịch thực tế trên thị trường trong điều kiện tương tự. Những người sử dụng thông tin có thể hiểu được ý nghĩa kinh tế của các thông tin tài chính được xác định theo giá trị hợp lý trong trường hợp này.
Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp có tính cá biệt hoặc thị trường giao dịch là thị trường không hiệu quả (đặc biệt đối với các nước đang phát triển, chậm phát triển) việc xác định giá trị hợp lý là khá phức tạp. Sự phức tạp này chủ yếu là do việc thu thập thông tin và xác định mức độ điều chỉnh giá thị trường, xác định các giả định, số liệu đầu vào của các mô
hình tính toán giá trị hợp lý và những thông tin giải trình cần thiết trình bày trong thuyết minh Báo cáo tài chính.
Ngoài ra, Báo cáo tài chính lập theo cách tiếp cận giá trị hợp lý luôn tồn tại những mâu thuẫn về lôgic kinh tế nếu giá trị hợp lý được sử dụng triệt để đối với mọi khoản mục. Chẳng hạn, người sử dụng thông tin tài chính sẽ khó có thể hiểu ý nghĩa kinh tế của các khoản thu nhập phát sinh do biến động tăng giá trị hợp lý của một số tài sản trong khi mục đích nắm giữ tài sản này của doanh nghiệp là để có doanh thu trong dài hạn, chứ không phải bán tài sản trong ngắn hạn.
- Sử dụng giá trị hợp lý có nâng cao tính so sánh của thông tin tài chính?
Về hình thức, việc sử dụng rộng rãi và nhất quán giá trị hợp lý trong đánh giá và ghi nhận tài sản, nợ phải trả sẽ nâng cao khả năng so sánh của thông tin tài chính giữa các kỳ kế toán của một đơn vị và giữa các đơn vị kế toán với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có nhiều điểm bất cập Chẳng hạn, để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của đơn vị và theo thời gian, người sử dụng thông tin cần thông tin về thu nhập, chi phí và kết quả theo thời gian. Nếu kết quả hoạt động kinh doanh được ghi nhận trên cơ sở biến động về giá trị hợp lý thì thông tin kết quả hoạt động sẽ có ít ý nghĩa trong đánh giá hiệu quả hoạt động hiện tại và xu hướng biến động trong tương lai của kết quả kinh doanh vì sự biến động giá trị hợp lý hoàn toàn do các yếu tố của thị trường.
Ngoài ra, khi so sánh tình hình tài chính và tình hình kinh doanh giữa các đơn vị, việc áp dụng giá trị hợp lý như một cơ sở định giá phổ biến cũng có thể giảm đi ý nghĩa của kết quả phân tích do mục đích nắm giữ cùng một tài sản ở các đơn vị là khác nhau.
Qua phân tích ở trên, thấy rằng giá trị hợp lý là một cơ sở định giá có những ưu điểm khá rõ ràng với các cơ sở định giá khác (giá gốc, giá gốc được phân bổ…). Gắn với các mục đích và yêu cầu của thông tin tài chính, có thể nhận thấy giá trị hợp lý sẽ góp phần làm cho thông tin tài chính thích hợp hơn với nhu cầu sử dụng thông tin trong điều kiện nền kinh tế thị trường phát triển. Tuy nhiên, khi xét đến tính tin cậy, tính dễ hiểu và tính có thể so sánh, cơ sở tính giá này có những hạn chế nhất định. Hạn chế của cơ sở tính giá này càng thể hiện rõ khi nó được áp dụng để đánh giá các tài sản mà doanh nghiệp không có ý định bán, thanh toán trong ngắn
hạn hoặc trong điều kiện không có thị trường hoạt động hiệu quả cho tài sản và nợ phải trả.
Với những kết luận này, cho thấy rằng, việc sử dụng giá trị hợp lý trong các chuẩn mực kế toán tài chính là một bước đi cần thiết trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, sự phức tạp của các quan hệ đầu tư, tài chính và nhu cầu sử dụng thông tin tài chính.