VỊ TRÍ, ĐẶC ĐIỂM MÔN CÔNG NGHỆ 1 Vị trí

Một phần của tài liệu Tài liệu tập huấn mô hình trường học mới VNEN lớp 6 môn Công nghệ (Trang 99)

1. Vị trí

- Môn học thuộc lĩnh vực Công nghệ, một trong các lĩnh vực học tập chủ chốt của chương trình giáo dục phổ thông giúp chuẩn bị cho học sinh sống và làm việc trong thế giới công nghệ;

- Môn học được dạy ở cả ba cấp học. Ở Tiểu học là môn thủ công, kỹ thuật; ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là môn Công nghệ, đề cập tới các lĩnh vực về nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, kinh tế gia đình và giáo dục kinh doanh;

- Môn Công nghệ giúp học sinh có cơ hội kiểm nghiệm các tri thức và kinh nghiệm học tập để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn đời sống và sản xuất, làm cho các tri thức học tập được trong nhà trường phổ thông gắn liền với thực tiễn và trở nên hữu ích với cuộc sống.

- Môn Công nghệ giúp học sinh tiếp cận, làm quen với một số quy trình công nghệ chủ yếu, một số ngành nghề phổ biến của đất nước; nhận thức được giá trị của công nghệ và kĩ thuật, trau dồi tri thức, khả năng nghiên cứu công nghệ và tìm ra được định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp với hứng thú, năng lực của bản thân, đồng thời phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội

- Môn Công nghệ góp phần hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết của người lao động mới cho học sinh và chuẩn bị cho các em tiếp tục học lên hoặc bước vào cuộc sống lao động.

- Môn Công nghệ góp phần quan trọng vào việc rèn luyện phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề, phát triển tư duy kĩ thuật, cách suy nghĩ độc lập, sáng tạo cho học sinh

2. Đặc điểm

- Công nghệ là môn học mang tính thực tiễn và tính ứng dụng cao. Vì vậy, mục tiêu, nội dung môn học phải xuất phát từ thực tiễn, phản ánh thực tiễn và được vận dụng, thực hành, kiểm nghiệm trong thực tiễn, đồng thời phải đảm bảo đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn sản xuất và đời sống. Trong quá trình dạy học, phải luôn gắn lí thuyết với thực hành, gắn hoạt động học tập ở lớp với hoạt động trải nghiệm, vận dụng ở gia đình và cộng đồng, thường xuyên cập nhật những thành tựu mới của khoa học công nghệ.

- Công nghệ là môn học mang tính tổng hợp và tích hợp. Vì vậy, nội dung môn học phải được xây dựng theo nguyên tắc kĩ thuật tổng hợp và hàm chứa, liên kết được với kiến thức của các môn học khác như Toán, Khoa học tự nhiên, Kinh tế…

- Công nghệ là môn học vừa mang tính cụ thể, vừa mang tính trừu tượng được thể hiện thông qua việc đề cập tới các đối tượng, hệ thống kỹ thuật cụ thể cũng như các nguyên lý hoạt động trừu tượng của chúng.

3. Định hướng phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá

- Dạy học môn Công nghệ cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh thông qua các hoạt động học tập, các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực và các hình thức tổ chức dạy học thích hợp như: dạy học giải quyết vấn đề; dạy học theo dự án; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kỹ thuật mảnh ghép, khăn trải bàn, ổ bi…Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể mà sử dụng các hình thức tổ chức dạy học thích hợp như học cá nhân, học nhóm, học trong lớp, học ngoài lớp.

- Phương tiện và đồ dùng dạy học là công cụ không thể thiếu để tiến hành các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học môn Công nghệ. Do vậy, khi tổ chức dạy học, cần chuẩn bị đầy đủ và sử dụng, khai thác hợp lí các phương tiện, đồ dùng dạy học nhằm giúp HS lĩnh hội các kiến thức một cách hứng thú, thuận lợi và hiệu quả.

- Tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức công nghệ vào thực tiễn ở gia đình, địa phương. Quan tâm tới các chủ đề dạy học tích hợp thông qua giáo dục STEM và hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm khơi dậy tính sáng tạo của học sinh khi giải quyết các vấn đề thực tiễn

- Chú trọng đánh giá năng lực người học. Điều này có nghĩa là không tập trung vào đánh giá kiến thức, kĩ năng đơn lẻ như trước đây mà chuyển sang đánh giá năng lực

vận dụng, năng lực giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống thực tế từ những kiến thức, kĩ năng đã thu nhận được. Kết quảđánh giá phản ánh đúng chuẩn đầu ra của môn Công nghệở từng cấp, lớp.

- Coi trọng đánh giá thường xuyên, đánh giá theo quá trình giúp học sinh tiến bộ trong quá trình học tập, đánh giá bằng quan sát, nhận xét, đánh giá thông qua sản phẩm học tập của HS.

- Kết hợp sử dụng nhiều phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá như trắc nghiệm khách quan, tự luận, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì, đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của HS, đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng.

Một phần của tài liệu Tài liệu tập huấn mô hình trường học mới VNEN lớp 6 môn Công nghệ (Trang 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)