0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (89 trang)

Bình diện từ vựng – ngữ nghĩa

Một phần của tài liệu NHÓM LOẠI TỪ CHỈ BẤT ĐỘNG VẬT TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁC TỪ TƯƠNG ĐƯƠNG TRONG TIẾNG HÁN HIỆN ĐẠI (Trang 79 -79 )

Loại từ và lượng từ đều được đánh giá là một hiện tượng ngôn ngữ phức tạp gây nhiều tranh cãi trong một thời gian dài, đầu tiên là ở việc xác định danh xưng. Do nhận thấy nhóm từ này có khả năng phối hợp trực tiếp với số từ nên trong những thập niên đầu thế kỷ XX Lê Cẩm Hy (1924) gọi lượng từ là danh từ chỉ số lượng, Lã Thúc Tương (1982) trong những năm 30 gọi đây là từ đơn vịrồi sau đó đổi thành phó danh từ, Cao Danh Khải (1948) gọi lượng từ là số vị từ. Nhận thấy vị trí phổ biến nhất của lượng từ là đứng trước danh từ để hạn định số lượng cho danh từ, Lục Chí Vĩ (1951, trích từ Hà Kiệt, 2000) gọi lượng từ là trợ danh từ và sau đó là phụ danh từ, Đàm Chính Bích (1995) đã gọi lượng từ là phụ danh từ hay bổ danh từ. Loại từ trong tiếng Việt từ trước đến nay cũng được gọi với nhiều cái tên khác nhau: loại từ (Trần Trọng Kim, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Hiến Lê, Trương Văn Chình), danh từ chỉ đơn vị (Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo), phó danh từ, danh từ phụ thuộc (Nguyễn Kim Thản). Lưu Văn Lăng trong những năm 67-70 đặt loại từ vào một nhóm nhỏ gọi là từ chỉ loại nằm trong phạm trù lớn danh từ nhưng sau đó không công nhận tư cách danh từ của loại từ và xếp các từ này vào một nhóm có tên là hạn từ.

Nhìn chung, các nhà ngữ pháp Trung Quốc sớm loại bỏ lượng từ ra khỏi phạm trù danh từ do nhận thấy nhóm từ này luôn có khả năng kết hợp trực tiếp với số từ và phần lớn trống nghĩa. Trải qua một quá trình tranh luận, nghiên cứu kéo dài với rất nhiều nỗ lực , cuối cùng lượng từ cũng được định danh, trở thành một từ loại đặc thù của ngữ hệ Hán Tạng.

Loại từ trong tiếng Việt có xu hướng được xếp vào nhóm danh từ chỉ đơn vị, tuy vẫn được Nguyễn Tài Cẩn đưa ra các đặc trưng ngữ pháp và ngữ nghĩa giống lượng từ “có ái lực rất mạnh trong việc kết hợp với số từ”. [2.209] và là những từ

chỉ những từ thuộc nhóm danh từ chỉ đơn vị thuộc phạm trù danh từ, được gọi thêm một cái tên khác là loại từ vì “bên cạnh chức năng chỉ đơn vị tự nhiên, chúng còn có chức năng phụ thêm là mô tả, phân định sự vật thành từng loại, căn cứ theo một đặc trưng nào đó của sự vật…” [2. 221].

Trong lúc lượng từ đã xác định được vị trí thực từ của mình trong hệ thống từ loại từ tiếng Hán, chấm dứt các cuộc tranh luận chung quanh việc xác định danh xưng thì hiện nay loại từ vẫn chưa được chính thức xác định tên gọi, vị trí trong hệ thống từ loại do các nhà Việt ngữ học chưa tìm được tiếng nói chung. Trong Từ điển tiếng Việt – NXB Từ điển bách khoa do Hoàng Phê chủ biên và cuốn Từ điển tiếng Việt phổ thông – NXB Phương đông, có 08 từ loại được xác định là danh từ, động từ, tính từ, đại từ, phụ từ, kết từ, trợ từ, cảm từ, không có từ loại loại từ. Các từ được gọi là loại từ trong luận văn này trong hai cuốn từ điển trên đều được gọi là danh từ.

So với loại từ, lượng từ tiếng Hán có số lượng lớn hơn rất nhiều. Tuy chưa tuyệt đối thống nhất nhưng con số lượng từ luôn trong khoảng 300 từ trong các bảng thống kê khác nhau.

Theo Nguyễn Tài Cẩn, loại từ có khoảng 40 từ nhưng không thấy liệt kê ra tuy tác giả cho rằng “có thể”. Trong khi đó, Cao Xuân Hạo đưa ra hai danh sách liệt kê các danh từ một âm tiết được gọi chung là danh từ chỉ đơn vị gồm 390 từ. Sự chênh lệch quá lớn cho thấy các nhà Việt ngữ học chưa thống nhất được với nhau về nội hàm và ngoại diên của một từ loại.

Việc sử dụng danh từ, trong đó có các danh từ chỉ bộ phận cơ thể người để tính lượng đơn vị tạo nên các tiểu loại danh lượng từ tạm dùng, danh lượng từ lâm thời, động lượng từ tạm dùng khiến lượng từ có tiềm năng phát triển theo thời gian về số lượng lẫn chất lượng. Có thể nói đây là một từ loại “mở”.

Ở bình diện ngữ nghĩa, loại từ trong tiếng Việt và lượng từ trong tiếng Hán đều là những từ trống nghĩa. Lý thuyết hai trung tâm khẳng định loại từ (T1) chỉ giữ vị trí trung tâm ngữ pháp, trung tâm ngữ nghĩa thuộc về những danh từ thường (T2). Loại từ là những từ có nội hàm nghèo và ngoại diên quá rộng, rất khó xác định

nghĩa của chúng nếu không dựa vào nghĩa của danh từ trong ngữ danh hoặc trong tổ hợp. Trong Từ điển tiếng Việt phổ thông (2010. 95) loại từ con được giải thích như sau: dt. 1 Từ dùng để chỉ từng đơn vị cá thể động vật. 2 Từ dùng để chỉ đơn vị một

số vật, thường có đặc điểm hoạt động hoặc hình thể giống động vật. 3 Từ dùng để

chỉ từng cá nhân người đàn bà, con gái với ý không coi trọng hoặc thân mật. Loại từ cây cũng được giải thích: cây dt. 2. Từ dùng để chỉ từng đơn vị riêng lẻ thuộc loại vật có hình như thân cây. (117)

Lượng từ 个 (cá)được từ điển Thiều Chữu giải nghĩa như sau: 1. cái, từng cái một gọi là cá. Cũng từ điển này giải thích lượng từ 只 (chích): Một tiếng dùng để đếm xem số đồ có bao nhiêu. Từ 条 (điều) được giải thích là Vật gì hẹp mà dài cũng gọi là điều.

Như vậy, có trường hợp nội dung ngữ nghĩa của lượng từ rất khái quát như nghĩa của từ 个 (cá) (chích), có trường hợp nội dung ngữ nghĩa của loại từ được giải thích dựa vào nghĩa của danh từ như trường hợp từ cây nhưng nói chung thì loại từ và lượng từ đều trống nghĩa. Lượng từ 个 có nội hàm nghèo hơn so với loại từ cái do không tạo ra thế đối lập động vật/ bất động vật nên có tần số xuất hiện cao hơn loại từ cái rất nhiều: 48.6% (chỉ tính các trường hợp kết hợp với các danh từ chỉ bất động vật mà chưa tính đến các trường hợp phối hợp với các dnh từ chỉ động vật) so với 44.1%.Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa loại từ và danh từ là loại từ

phân định danh từ dựa theo một đặc trưng nào đó. Chẳng hạn mối quan hệ giữa loại từ con và danh từ kết hợp với nó là: Từ con nói chung đứng trước danh từ chỉ động vật. Trong khi đó, mối quan hệ ngữ nghĩa giữa lượng từ và danh từ có tính ước định, do tập quán xã hội lâu ngày mà thành. Vì sao cũng chỉ động vật nhưng ngựa thì dùng 匹 (thất), trâu bò thì 头 (đầu), người thì 个 (cá) là do xã hội quy ước. Nhưng đó là đối với các lượng từ chuyên dùng, các lượng từ mượn dùng và lâm thời do bản chất danh từ của nó vẫn giữ nguyên ngay cả khi có ý nghĩa lượng từ, mối quan hệ ngữ nghĩa giữa lượng từ và lượng từ trong các trường hợp này là mối

quan hệ lý tính, là mối quan hệ dựa vào ý nghĩa từ vựng: các lượng từ là các công cụ để chứa vật do danh từ biểu thị, hoặc là các phương tiện để thực hiện động tác.

Mặc dù chưa thống nhất triệt để về cách phân loại nhưng trong các tài liệu lý luận về lượng từ đều xác định vị trí của tiểu loại lượng từ đo lường như cân,thước, mẫu… trong hệ thống phân loại lượng từ. Các đơn vị đo lường phải có tính chuẩn xác được pháp luật công nhận. Tiểu loại này trong loại từ tiếng Việt lại được Nguyễn Tài Cẩn xếp vào nhóm từ chỉ đơn vị quy ước chính xác (như cân, thước, mẫu…) để đối lập với nhóm từ chỉ đơn vị quy ước không chính xác (miếng, cục, đoạn, bầy, dãy, loại…). Như vậy, những từ không được tác giả thừa nhận là loại từ lại có những từ tương ứng trong lượng từ như 斤 (cân), 尺 (thước), 亩 (mẫu), 块

(miếng), 颗 (cục), 段 (đoạn), 群 (bầy), 排 (dãy), 类 (loại) và trong thực tế sử dụng các từ này đều phản ánh một đặc trưng nào đó của sự vật do danh từ biểu thị, tức đều có ý nghĩa phân loại.

Bên cạnh một nhóm từ riêng biệt mang đặc trưng từ loại, loại từ và lượng từ đều có thể dùng những từ vốn là danh từ để tính lượng cho sự vật hoặc cho động tác. Loại từ thì có ổ, gốc, ngọn, khúc, cây, bụi, sợi, tiếng. Lượng từ thì có những từ vốn là những danh từ chỉ vật đựng, vật chuyên chở như 座, 杯, 张, 床 ( tòa, ly, chén, giường) hoặc các danh từ chỉ bộ phận cơ thể người như 口, 面, 眼, 张, 尾 (miệng, mặt, mắt, đầu, đuôi) tạm thời chuyển sang đảm nhận ý nghĩa tính lượng. Loại từ và lượng từ đều có phương ngữ.

Do liên quan đến nghĩa của danh từ, hay nói rộng hơn là cách con người chia cắt thế giới mà việc tìm lượng từ tương đương với loại từ chỉ mang lại hiệu quả tương đối. Chẳng hạn như tương đương với loại từ cái có rất nhiều lượng từ khác nhau. Lượng từ tương đương thường gặp nhất là 个 nhưng ngoài 个 còn có rất nhiều từ khác: tính lượng cho vật có có hình dáng thẳng, dài thì dùng 根, có hình dáng vuông thì dùng 匚, vật có mặt phẳng hoặc có thể mở ra được thì dùng 张, vật có miệng thì dùng 口. Loại từ sợi tính lượng cho vật thể nhỏ, dài, mềm: sợi dây (Thầy thông ngôn), sợi tơ (Một kiểu anh hùng), sợi khói (Tình nghĩa giáo khoa thư), sợi

chỉ (Mảnh trăng cuối rừng), sợi nhợ (Con khướu sổ lồng), sợi lông (Con chim vàng anh), sợi tóc (Tiệm may Sài Gòn). Lượng từ tương đương là 根 nhưng 根 ngoài khả năng tính lượng cho các vật thể nhỏ, dài, mềm còn có thể tính lượng cho cả thể rắn, ánh sáng, thực vật nhưng không tính lượng cho thể khí: 一根细绳子 - một sợi dây nhỏ (Đại phong), 一根毛 - một sợi lông (Đàn hương hình), 几根黄发 - mấy sợi tóc vàng ( Mộng), 一根筷子 – một cây đũa (Thiên Cẩu), 根金色的光柱 - một vệt sáng (Đêm xuân), 一根草 – một cọng cỏ (Đại phong), nhưng chỉ có thể nói

一道白气 - Một làn khói trắng (Thuốc) mà không thể nói *一根白气.

Lượng từ 个 còn có thể là động lượng từ tính lượng cho động tác và khi đó cần phải xét đến phương tiện, công cụ thực hiện hành vi, động tác đó. Nếu là động tác nhìn thì dùng lượng từ 眼 như 看父母一眼 – nhìn bố mẹ một cái - (Bối ảnh), nếu là động tác cắn thì dùng 咬 như 蚊子咬了一口 - muỗi chích một cái (Cao lương đỏ). Trong tiếng việt từ cái có thể tính lượng chung cho các động tác và không bao giờ có ý nghĩa bổ sung.

Một phần của tài liệu NHÓM LOẠI TỪ CHỈ BẤT ĐỘNG VẬT TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁC TỪ TƯƠNG ĐƯƠNG TRONG TIẾNG HÁN HIỆN ĐẠI (Trang 79 -79 )

×