Danh từ trong tiếng Việt và trong tiếng Hán là phần lớn là danh từ chỉ chất liệu, không kết hợp trực tiếp với số từ và không biến đổi hình thái để diễn tả phạm trù số. Vì vậy, loại từ và lượng từ là một bộ phận cực kì quan trọng trong hệ thống từ loại có khả năng kết hợp trực tiếp với số từ để tính lượng các sự vật hay các động tác (đối với lượng từ). Tuy nhiên, từ thực tế khảo sát trên các văn bản, lượng từ tỏ ra có mối quan hệ rất chặt với số từ (chỉ tính từ số học, tức không tính từ ước số vàiđể khỏi lẫn lộn với lượng từ trong tiếng Việt) so với loại từ. Trong 30 văn bản được khảo sát có 83% lượng từ kết hợp với số từ trong khi tỷ lệ này của loại từ trong 30 văn bản tiếng Việt chỉ có 16.6%.Thực tế này cho thấy nếu so sánh hai từ loại với nhau trong mối quan hệ với số từ thì loại từ có tính chất thiên về định tính còn lượng từ có tính thiên về định lượng. Lượng từ phân lập sự vật là để đếm, loại từ phân lập sự vật là để đếm và để phân loại sự vật. Trong phần định nghĩa từ loại, đặc trưng định lượng của lượng từ được xác định rất minh xác: “Từ biểu thị số lượng đơn vị sự vật hay động tác gọi là lượng từ”. Tuy không được định nghĩa một cách rõ ràng nhưng loại từ cũng được xác định những đặc trưng từ loại, trong các đặc trưng đó có điểm tương đồng nhưng cũng có điểm dị biệt về bản chất từ loại so với lượng từ : gọi là loại từ vì bên cạnh chức năng chỉ đơn vị tự nhiên, chúng còn có chức năng phụ thêm là góp phần mô tả, phân định sự vật thành từng loại, căn cứ theo một đặc trưng nào đó của sự vật.[2.221].
Mặc dù được xác định là thực từ trong hệ thống từ loại nhưng loại từ và lượng từ ít khi đơn độc làm thành phần câu, cả hai từ loại này thường phải kết hợp với số từ, đại từ để tạo thành một đoản ngữ mới có thể làm chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ. Lượng từ muốn làm chủ ngữ hoặc vị ngữ phải thay đổi hình thức ngữ pháp. Loại từ trong tiếng Việt rất khó tồn tại một mình trong danh ngữ vắng danh từ thường trừ khi phải có sự hỗ trợ của ngữ cảnh.
Loại từ là danh từ chỉ đơn vị tự nhiên, giữ vị trí trung tâm danh ngữ. Thậm chí trong tổ hợp loại từ + vị từ, loại từ còn có khả năng tạo thành một tổ hợp để chỉ sự vật, và để thay thế danh từ [2.213]. Lượng từ trong đoản ngữ số - lượng - danh được xem là từ phụ, có chức năng bổ nghĩa cho danh từ, chức năng ngữ pháp cơ bản của lượng từ là làm định ngữ hạn định cho danh từ. Động lượng từ chuyên dùng chiếm số lượng rất ít so với danh lượng từ chuyên dùng. Phần lớn động lượng từ vốn là danh từ, chỉ khi chúng đứng sau số từ mới tạm thời mang ý nghĩa lượng từ.
Do có vị trí trung tâm trong đoản ngữ, loại từ khả năng phân loại danh từ thành các tiểu loại: danh từ trực tiếp đếm được/danh từ không trực tiếp đếm được, danh từ có biệt loại/ danh từ không có biệt loại, danh từ chỉ xuất được/ danh từ không chỉ xuất được, danh từ đủ nghĩa/ danh từ trống nghĩa. Trong tiếng Hán hiện đại, danh từ, động từ lại có khả năng phân loại lượng từ căn cứ vào chức năng ngữ pháp của lượng từ: lượng từ có chức năng bổ nghĩa cho danh từ gọi là danh lượng từ, bổ nghĩa cho động từ gọi là động lượng từ, cùng một tình huống sử dụng vừa bổ ngữ cho danh từ và động từ gọi là phức hợp lượng từ, lượng từ vừa có khả năng làm danh lượng từ vừa có khả năng làm động lượng từ gọi là lượng từ kiêm nhiệm. Cũng do dựa vào tiêu chí chức năng ngữ pháp của lượng từ, tức lượng từ có chức năng bổ nghĩa cho loại từ nào trong đoản ngữ mà Lê Cẩm Hy và Lưu Thế Nho (trích từ Hà Kiệt, 2000) phân loại lượng từ thành 03 tiểu loại: danh lượng từ, động lượng từ, hình lượng từ.
Trong tiếng Hán, sự thay đổi hình thức ngữ pháp ở lượng từ trùng điệp dẫn đến sự biến đổi về nghĩa. Ý nghĩa mới khiến lượng từ có thể đơn độc đảm đương vai trò làm thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, nếu kết hợp với số từ (一) thì đoản ngữ này có thể làm trạng ngữ. Đây là những thuộc tính ngữ pháp không thấy trong loại từ tiếng Việt. Loại từ trong tiếng Việt phải kết hợp với số từ, đại từ mới có thể làm chủ ngữ, định ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, nhưng cũng không thể làm trạng ngữ. Muốn làm trạng ngữ danh từ phải kết hợp với giới từ tạo thành một giới ngữ. Hình thức trùng điệp có thể tác động đến ý nghĩa ngữ pháp đối với danh từ. Chẳng hạn khi lượng từ trùng điệp làm chủ ngữ có thể diễn tả ý nghĩa mỗi đơn vị trong toàn số,
hình thức ngữ pháp của một lượng từ trùng điệp như thế sẽ tương đương với kết cấu
lượng từ + danh từ trong danh ngữ tiếng Việt, đoản ngữ số lượng từ trùng điệp khi làm vị ngữ, trạng ngữ sẽ mang ý nghĩa số nhiều.