Qua phân tích cho thấy nợ xấu của Ngân hàng ngày càng tăng, một phần là do cán bộ thu thập thông tin của khách hàng còn sơ xài, và thực tế tại Ngân hàng cho thấy cán bộ tín dụng rất bị động trong việc thu thập thông tin của khách hàng, chủ yếu là cán bộ hỏi hỏi và khách hàng trả lời, nhất là đối với các món vay nhỏ, mà hộ sản xuất thì thường vay nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến việc nắm bắt thông tin của khách hàng chưa đầy đủ, chính xác, từ đó làm gia tăng rủi ro cho Ngân hàng. Do đó Ngân hàng cần thu thập thông tin của khách hàng một cách chủ động hơn.
Đối với những hộ đang vay vốn, ngoài việc đã nắm bắt các thông tin đã có trong hồ sơ vay vốn, Ngân hàng cần phải thu thập thêm các thông tin khác về khách hàng như thu nhập bình quân, các nguồn thu nhập chính, trình độ văn hóa, tình trạng hôn nhân gia đình…Các thông tin này có thể được thu thập từ chính khách hàng và từ những hộ lân cận, chính quyền địa phương…
Đối với những hộ khách hàng tiềm năng, Ngân hàng cũng cần cử cán bộ tín dụng thu thập những thông tin cần thiết trước, tìm hiểu trước về họ, từ đó có thể đưa ra quyết định có nên “đầu tư” vào hay không, nếu có sẽ tiết kiệm được thời gian sau này khi giao dịch với họ, qua đó khai thác tốt hơn nhóm khách hàng này.
Sau khi thu thập thông tin thì Ngân hàng cần phân tích và xử lý thông tin để có được quyết định cho vay đúng đắn. Bên cạnh đó, thông qua các thông tin thu thập được Ngân hàng có thể tư vấn cho khách hàng các thị trường tiềm năng tương ứng với năng lực của họ, qua đó giúp cho khách hàng sản xuất kinh doanh đạt kết quả cao, giúp Ngân hàng giảm được rủi ro, nâng cao uy tín và thu hút được nhiều khách hàng hơn.