Khi xác định giá trị của máy móc thiết bị, người mua và bán hoặc người thuê và người cho thuê phải chú ý đến quan hệ cung cầu thị trường, quyền sở hữu tài sản, lợi ích của máy móc thiết bị có thể mang lại trong tương lai và nhiều yếu tố khác…Trong lĩnh vực truyền hình, máy móc thiết bị cũng khá đa dạng về chủng loại, và cũng là nơi diễn ra khá nhiều các hoạt động mua bán. Do đó, giá trị thị trường của một tài sản máy móc thiết bị được xác định dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:
Nguyên tắc 1: Sự thay thế.
Giới hạn trên của giá trị tài sản có xu hướng được tạo ra bởi chi phí mua một tài sản thay thế cần thiết tương đương, với điều kiện là không có sự chậm trễ quá mức làm ảnh hưởng đến sự thay thế. Khi đó một người mua thận trọng sẽ không trả nhiều tiền hơn để mua một tài sản thay thế như vậy trong thị trường mở.
Nguyên tắc 2: Sự đóng góp.
Giá trị của một tác nhân sản xuất hay một bộ phận cấu thành một tài sản phụ thuộc vào sự thiếu vắng của nó sẽ làm giảm đi bao nhiêu giá trị của toàn bộ tài sản, có nghĩa là lượng giá trị mà nó đóng góp vào toàn bộ giá trị của tài sản là bao nhiêu (xét trên cả giá trị và năng suất tạo ra).
Khi đánh giá một tài sản là bộ phận cấu thành của một tài sản, hay là sự bổ sung vào giá trị chung của toàn bộ tài sản, thì cần phân tích đánh giá sự tăng lên của mức lãi thực trên mức vốn đầu tư bổ sung. Từ kết quả tính toán này mà đánh giá giá trị hợp lý của tài sản đầu tư bổ sung.
Nguyên tắc 3: Quan hệ cung và cầu.
Giá trị thị trường được xác định bởi sự tác động qua lại của các lực lượng cung cầu trên thị trường vào ngày thẩm định giá. Trên thị trường giá cả có xu hướng thay đổi tỷ lệ thuận với cầu và tỷ lệ nghịch với cung.
Khi thẩm định giá thì các lực lượng thị trường phải được phân tích và đánh giá cẩn thận về sự tác động của nó đến giá trị tài sản. Khi phân tích các thông tin thị trường thu thập được, cần thiết phải cân nhắc đến tình trạng thị trường khi thực hiện các điều chỉnh.
Giá trị thị trường của máy móc thiết bị được lắp đặt trên dây truyền sản xuất hay mua bán trên thị trường phụ thuộc rất nhiều vào lượng cung và cầu trên thị trường tại ngày thẩm định giá.
Nguyên tắc 4: Dự kiến các lợi ích tương lai.
Khi ước tính giá trị nên luôn luôn dựa trên các triển vọng tương lai hơn là sự thực hiện quá khứ.
Thẩm định giá trị là nhiệm vụ dự kiến lợi ích nhận được từ quyền sở hữu tài sản.
Khi thẩm định giá máy móc thiết bị, ngoài các yếu tố thực tại cần phân tích giá trị tài sản trong dự kiến lợi ích của người chủ sở hữu thu được từ tài sản đó trong tương lai. Những dự tính của người mua hay người chủ sở hữu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thị trường của tài sản.
Nguyên tắc 5: Những thay đổi trong mô hình kinh tế xã hội.
Nhận ra các chiều hướng ảnh hưởng đến tài sản cần thẩm định giá, và những hậu quả có thể nhìn thấy được như mức độ lạc hậu của chức năng, giai đoạn hiện tại trong chu kỳ sống của khu vực; dự đoán các điều kiện thị trường và phản ứng của người mua để dự kiến về thị trường tương lai là rất cần thiết đối với công tác thẩm định.