Thẩm định giá nói chung và thẩm định giá máy móc thiết bị nói riêng được thực hiện cho những mục tiêu cụ thể. Mục tiêu của thẩm định giá quyết định việc lựa chọn cơ sở thẩm định giá thích hợp, đó là thẩm định giá dựa trên cơ sở giá trị thị trường hay giá trị phi thị trường. Từ đó, giúp thẩm định viên lựa chọn đúng phương pháp thẩm định giá. Do vậy thẩm định viên cần nắm vững về mục tiêu thẩm định giá thông qua việc trao đổi với khách hàng về loại tài sản cần thẩm định nhằm đáp ứng yêu cầu về thẩm định giá.
Giá trị thị trường: số tiền ước tính mà một tài sản có thể trao đổi được vào ngày thẩm định giá giữa một người mua tự nguyện (muốn mua) với một người bán tự nguyện (muốn bán) trong khoảng thời gian giao dịch đủ dài, và trong các giao dịch khách quan sau khi có hoạt động marketing xác thực, trong đó các bên đã hành động một cách hiểu biết lẫu nhau, thận trọng và không bị áp đặt (Đoàn văn Trường, 2009).
Giá trị phi thị trường của tài sản là mức giá ước tính được xác định theo những căn cứ khác với giá trị thị trường hoặc có thể được mua bán, trao đổi theo các mức giá không phản ánh giá trị thị trường như: giá trị tài sản đang trong quá trình sử dụng, giá trị đầu tư, giá trị bảo hiểm, giá trị đặc biệt, giá trị thanh lý, giá trị tài sản bắt buộc phải bán, giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản chuyên dùng, giá trị tài sản có thị trường hạn chế, giá trị để tính thuế...
Thuật ngữ “mục đích tài chính” bao trùm một loạt các yêu cầu lớn cho hàng hoạt mục đích như: bảng cân đối tài sản của công ty, các chức năng kế toán và kiểm toán, các tiến trình chuyển giao và sát nhập, thế chấp đi vay, quản lý và thanh lý tài sản, mua hoặc bán, thẩm tra chi phí mua có đúng với thực tế thị trường được chấp nhận cả ở trong nước và quốc tế không, góp vốn của mỗi bên trong liên doanh, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Những hoạt động thẩm định giá này được thực hiện sau khi nhận được chỉ dẫn từ những người như chủ ngân hàng, chủ đầu tư, nhà quản lý và thanh lý tài sản, luật sư, kế toán viên và các bên liên doanh. Bất kỳ một thẩm định giá máy móc thiết bị nào được thực hiện cho các mục đích tài chính sẽ phản ánh giá trị thị trường của máy móc thiết bị đó tại ngày thẩm định, dù mục đích của thẩm định là gì. Do đó, cơ sở để thẩm định giá cho mục đích tài chính là giá trị thị trường.
b. Thẩm định giá cho mục đích bảo hiểm:
Các công ty kinh doanh muốn chắc chắn rằng số vốn đầu tư to lớn của họ được bảo vệ trong trường hợp có sự cố, do vậy các tài sản như tàu bè, hàng hóa, máy móc... cần phải được đánh giá cho mục đích bảo hiểm. Thẩm định giá trị tài sản nhằm mục đích bảo hiểm sẽ phải phù hợp với các chính sách và điều kiện bảo hiểm và phụ thuộc vào: giá trị khôi phục tài sản hoặc giá trị bồi thường.
Giá trị khôi phục tài sản là chi phí cần thiết để thay thế, sửa chữa hoặc tái xây dựng lại, nhằm đưa tài sản trở lại những điều kiện tương tự như tình trạng trước đó của tài sản, nhưng không được tốt hơn hay rộng hơn những điều kiện của tài sản khi còn mới.
Giá trị bồi thường của tài sản là chi phí cần thiết để thay thế, sửa chữa hoặc tái xây dựng lại tài sản, nhằm đưa tài sản trở lại những điều kiện tương tự như tình trạng trước đó của tài sản, nhưng không được tốt hơn hay rộng hơn những điều kiện của tài sản tại thời điểm mà tổn thất xảy ra, có xem xét đến tuổi đời, điều kiện bảo trì và thời gian hữu ích của tài sản đó.
Do đó, cơ sở để thẩm định giá cho mục đích bảo hiểm là giá trị phi thị trường.
c. Thẩm định giá cho mục đích thế chấp:
Một cầm cố của tài sản là giao dịch giữa một bên là người phải cầm cố - giao quyền lợi của mình cho một bên khác - người nhận đồ thế chấp, như là một vật đảm bảo cho món vay nợ. Giao dịch bị tác động bởi các điều khoản ghi trong văn bản cầm cố, trong đó người phải cầm cố thường thỏa thuận trả lãi trên món vay nợ ở tỷ lệ phần trăm đã cho. Trong một số trường hợp văn bản cầm cố quy định cho thanh toán theo định kỳ vốn và lãi.
Người phải cầm cố giữ quyền thu hồi lại tài sản của mình, xóa nợ tạo ra bởi văn bản cầm cố bằng cách trả lại số tiền vay nợ cho người nhận đồ thế chấp, gọi là “tài sản ròng sau khi trả nợ”.
Trong việc thẩm định giá cho các mục đích cầm cố, ngoài các nguyên tắc thông thường của thẩm định giá được áp dụng, nhà thẩm định giá còn phải chú ý tới vị trí của người nhận cầm cố trong mối liên hệ đối với tài sản, và các biện pháp có khả năng áp dụng đối với người nhận cầm cố trong trường hợp người phải cầm cố thất bại.
Cơ sở để thẩm định giá cho mục đích cầm cố là giá trị thị trường. Nhà thẩm định giá phải xem xét không chỉ là giá trị thị trường hiện tại, mà còn phải xem xét liệu giá trị đó có khả năng được duy trì trong tương lai, và tài sản có sẵn sàng bán trong cuộc bán tài sản bắt buộc hay không.
d. Thẩm định giá cho mục đích tính thuế:
Cơ sở kinh tế để tính thuế phải mang tính khách quan ở cả hai khía cạnh về chất lượng và số lượng. Thẩm định giá để tính thuế có nghĩa là đồng thời tiến hành quản lý thuế quan và thẩm định giá tài sản. Ý nghĩa quan trọng của hệ thống thẩm định giá để tính thuế được minh chứng và công nhận ở nhiều quốc gia vì những nguyên nhân sau:
- Hệ thống này sẽ thúc đẩy chính sách quản lý bằng pháp luật trên toàn quốc.
- Việc xây dựng một hệ thống thẩm định giá làm cơ sở tính thuế là việc làm cần thiết và hữu ích, nó góp phần mở rộng phạm vi thẩm định giá tài sản và tăng cường việc quản lý thẩm định giá tài sản.
Cơ sở để thẩm định giá cho mục đích tính thuế là giá trị phi thị trường. e. Thẩm định giá cho mục đích đầu tư:
Sự tăng trưởng lợi nhuận và tính cạnh tranh của một doanh nghiệp tùy thuộc phần lớn vào tính hữu hiệu và sự lựa chọn có hiệu quả các phương án đầu tư. Lựa chọn các phương án đầu tư có một vị trí quan trọng trong công tác tài chính, vì nó là một nhân tố chủ yếu trong quá trình sinh lợi lâu dài của doanh nghiệp, đặc biệt trong nguồn vốn đầu tư hữu hạn nhưng lại có rất nhiều cơ hội để lựa chọn. Quá trình lựa chọn này rất phức tạp bởi vì đa số các cơ hội đầu tư đều có bản chất dài hạn, còn kết quả của nó nằm trong tương lai xa và khó dự đoán. Vì vậy để có một quyết định đầu tư khôn ngoan, những người ra quyết định đầu tư còn phải dùng đến công cụ để giúp họ trong việc so sánh các điều lợi và bất lợi của các phương án đầu tư khác nhau.
Cơ sở thẩm định giá cho mục đích đầu tư là giá trị thị trường.