V. CÁC THÀNH TỰU VÀ NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CỦA VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG PHƯƠNG ĐÔNG
b) Hai nền triết học nổi tiếng
Phương Đông đã đóng góp cho kho tàng văn hoá thế giới hai nền triết học nổi tiếng: triết học Ấn Độ và triết học Trung Quốc6.
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định triết học Ấn độ phát triển rực rỡ và có bản sắc riêng, rất độc đáo. Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lí tưởng hoà bình, bác ái. Theo J. Nehru, nền tảng thế giới quan, vũ trụ quan của Hinđu giáo nói riêng, văn hoá Ấn Độ nói chung, là học thuyết về mối quan hệ giữa Brahman và Atman. Brahman là
thực thể, là tinh thần của vũ trụ, là linh hồn của thế giới, là cái tuyệt đối, là Đại ngã. Đối với thế giới quan Ấn Độ, vạn vật của thế giới đều nằm trong thể đồng nhất, và cái thể này chính là Brahman. Còn Atman, theo triết học Ấn Độ, là linh hồn cá nhân, linh hồn cá thể. Đó là cái ngã, cái tôi, cái ta hay Tiểu ngã. Brahman và Atman tuy phân biệt thành hai nhưng là một, chúng như sóng với nước, sóng từ nước mà ra rồi sóng lại trở về với nước. Sóng là nước và ở góc độ nào đó, nước cũng là sóng. Brahman và Atman giống như không khí ngoài trời và không khí trong bình. Cái bình như cơ thể con người còn tam độc (tham, sân, si) giống như chiếc nắp đậy bình lại. Không khí trong bình lúc đầu cũng trong sạch, tươi mát như không khí ngoài trời nhưng sau bị nhiễm bẩn do bị bịt lâu ngày giống như ao tù. Đi trên đường Đạo là thanh lọc, làm cho không khí trong bình đỡ ô uế, và đến một lúc nào đó thì nắp bình bị bật tung ra, tức tham, sân, si không còn nữa, khi đó không khí trong bình cũng như không khí ngoài trời. Lúc đó Tiểu ngã hoà đồng với Đại ngã, ta với vũ trụ là một. Cái xảy ra trong vũ trụ cũng xảy ra trong ta, tức giác ngộ. Chính vì thế mà lưng của đạo sĩ Ramakrishna cũng bị lằn những vết roi khi ông nhìn thấy đứa trẻ bị đánh, vì ông và đứa trẻ là một. Đây chính là cơ sở, là nền tảng triết lí sâu xa của lòng nhân từ, thương yêu hết thảy mọi chúng sinh [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 21]. Có thể nói mối quan hệ giữa Brahman và Atman là nền tảng của thế giới quan, vũ trụ quan của người Ấn Độ, nó quyết định, chi phối toàn bộ các hệ tư tưởng Ấn Độ cổđại.
Cũng theo J. Nehru, nếu như Brahman - Atman là nền tảng thế giới quan thì Karma - Samsara là nền tảng nhân sinh quan của triết học Ấn Độ. Karma là nghiệp, Samsara là luân hồi. Theo thuyết Samsara, con người không chết thật mà chuyển sang kiếp khác, tức là tái sinh trong vòng luân hồi. Sự luân hồi giống như côn trùng - nhộng - ngài. Nhìn bề ngoài chúng là những con vật khác nhau nhưng thực chất chỉ là sự biến hoá của một côn trùng mà thôi. Samsara gắn liền với Karma. Theo Karma, mọi hành động, việc làm, hành vi, cử chỉ, suy nghĩ, v.v. của con người đều có giá của nó. Mọi niềm vui, nỗi buồn, sự sung sướng hay đau khổ ở cõi đời này đều là kết quả của những hành động, việc làm từ kiếp trước. Và những việc làm, hành động ở kiếp này sẽ “gặt” kết quả ở kiếp sau. Nguyên tắc chung là nhân nào thì quả ấy: nhân tốt quả tốt, và ngược lại. Karma là toàn năng và ngoài ý muốn của con người, tức là mang tính khách quan.
Như vậy, xuất phát điểm của tư tưởng triết học Ấn Độ là vạn vật đồng nhất thể, do đó trong mỗi con người đều có bản thể vũ trụ. Bản thể vũ trụ của con người nằm ở trong TÂM. Tâm con người chứa rất nhiều điều bí ẩn, nhiều năng lượng, tiềm năng. Và
nhiệm vụ của tư tưởng triết học là phải giải phóng những tiềm năng to lớn ấy.
Triết học Trung Quốc, nhìn tổng thể, có 4 vấn đề lớn, đó là: 1) Vấn đề cơ bản của triết học, 2) Vấn đề con người, 3) Vấn đề biện chứng, và 4) Vấn đề luân lí, đạo đức [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 123 – 138].
Về vấn đề thứ nhất, trả lời câu hỏi thế giới do đâu mà có?, triết học Trung Quốc cũng có hai trường phái. Trường phái duy tâm cho thế giới vạn vật do trời, do thượng đế sinh ra (Khổng Tử đề cao thiên mệnh còn Mặc Tử thì đề cao thiên chí). Trường phái duy