Nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam với các nước về tương trợ tư pháp trong đó có dẫn độ bắt đầu được đặt ra từ sau những năm 1970 và chủ yếu là với Liên Xô và các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, dẫn độ ở thời kỳ này không nhiều và nếu có thì quan hệ chính trị giữa các quốc gia XHCN can thiệp vào quá trình dẫn độ khá rõ nét, sự điều chỉnh của pháp luật do đó cũng hạn chế. Việc dẫn độ người phạm tội từ Việt Nam ra nước ngoài hay từ nước ngoài trở về Việt Nam được thực hiện chủ yếu trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại và đặt trong mối quan hệ chung của các quốc gia trong hệ thống XHCN đối với từng trường hợp cụ thể. Sau này, do nhu cầu phát triển, đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước Việt Nam mới ký với các nước XHCN Đông Âu các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp
trong đó có dẫn độ.
Các hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết vào đầu những năm 80, khi quan hệ hợp tác về kinh tế, lao động, văn hóa… giữa nước ta với các nước XHCN phát triển ở mức độ tương đối cao. Các hiệp định này được ký kết giữa các nước có cùng chế độ chính trị, kinh tế, xã hội thuộc hệ thống XHCN. Các hoạt động tương trợ tư pháp nói chung, tương trợ pháp lý về hình sự nói riêng đều được thực hiện trên nguyên
tắc quốc tế XHCN [18, tr.568].
Các hiệp định này đã đề cập đến nội dung chủ yếu của dẫn độ như: Mục đích, đối tượng, phạm vi điều kiện, nguyên tắc, thủ tục dẫn độ…làm cơ sở cho hoạt động dẫn độ giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác.
Đồng thời với việc ký kết các hiệp định tư pháp, hệ thống pháp luật trong nước về dẫn độ cũng được xây dựng, hoàn thiện. Trước hết phải kể đến Bộ Luật hình sự 1985 và sau này là Bộ luật hình sự năm 1999. Các Bộ luật này đã có các quy định
về hiệu lực áp dụng của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên và ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó chỉ rõ Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam, người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam. Bên cạnh đó, đối tượng, phạm vi và những vấn đề khác liên quan đến dẫn độ cũng chủ yếu được xác định ở các quy định về các tội phạm (phần các tội phạm) của các Bộ luật hình sự nêu trên, như: Tội phạm gì, quy định tại điều, khoản nào đối tượng (chủ thể tội phạm) nào.... Mặc dù những quy định này được coi là cơ sở pháp lý quan trọng, làm tiền đề cho việc xác định những hành vi phạm tội trong các vụ án có liên quan đến dẫn độ giữa Việt Nam với các nước nhưng đây không phải là những nội dung trực tiếp của dẫn độ. Chúng ta có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, nhưng tiếc rằng không có qui phạm nào điều chỉnh trực tiếp các vấn đề về trình tự, thủ tục dẫn độ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Thực trạng này phản ánh sự hạn chế và đang trong quá trình hoàn thiện pháp luật đối với lĩnh vực dẫn độ được coi là một trong những nội dung chính, chủ yếu của tương trợ tư pháp hình sự ở nước ta.
Như vậy, có thể thấy, ở thời kỳ này, các quy định của pháp luật về dẫn độ ở Việt Nam hầu như chưa được nội luật hóa, mà mới chỉ được quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Theo thống kê của Bộ Tư pháp thì trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến trước năm 2003, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự có nội dung dẫn độ với các nước bao gồm: Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết ký năm 1981 (gồm 75 điều, đã được Liên Bang Nga kế thừa từ năm 1992 – sau khi Liên Xô tan rã), Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ký ngày 12/10/1982, Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cộng hòa Cu Ba ký ngày
30/10/1984, Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Bungari ký ngày 30/10/1986, Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ba Lan ký ngày 23/3/1993, Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 06/07/1998, Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cộng hòa Liên Bang nga ký ngày 25/08/1998, Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cộng hòa Ucraina ký ngày 06/04/2000, Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Mông Cổ ký ngày 17/4/2000, Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bêlarut, Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ký ngày 03/05/2002.
Vấn đề dẫn độ được ghi nhận trong các hiệp định trên như một trong những nội dung của tương trợ tư pháp về hình sự. Hầu hết các hiệp định đều quy định các nguyên tắc cơ bản về dẫn độ như không dẫn độ công dân, không dẫn độ người được phép lánh nạn ở nước kia, đối tượng bị dẫn độ đã thực hiện hành vi được coi là tội phạm theo pháp luật của cả nước yêu cầu và nước được yêu cầu. Các quy định về dẫn độ được thể hiện tương đối đầy đủ và cụ thể, bao hàm các nội dung cơ bản về dẫn độ như: mục đích của dẫn độ; các trường hợp từ chối dẫn độ; thủ tục dẫn độ; hoãn dẫn độ; dẫn độ tạm thời; dẫn độ lại; giải quyết xung đột yêu cầu dẫn độ; giới hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ; quá cảnh và chi phí dẫn độ. Các quy định này đã ấn định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào quá trình dẫn độ.
Các quy định về dẫn độ trong các hiệp định tương trợ tư pháp nêu trên nhìn chung đã khá phù hợp với các quy định của Hiệp định dẫn độ mẫu của Liên Hợp
Quốc. Tuy nhiên, dẫn độ là một vấn đề pháp lý phức tạp, việc thực hiện dẫn độ không chỉ cần đảm bảo về mặt nội dung mà còn tuân theo các trình tự thủ tục pháp lý chặt chẽ, trong khi đó một số nội dung quan trọng khác của dẫn độ chưa được đề cập đến trong các hiệp định này như dẫn độ đơn giản, chuyển giao vật chứng liên quan đến tội phạm, thông báo về bản án và án tích, sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền giữa hai nước trong việc thực hiện dẫn độ…. đã thể hiện những hạn chế nhất định.
Về thẩm quyền dẫn độ, các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước đều quy định các cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm và là đầu mối thực hiện các hoạt động về tương trợ tư pháp. Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan đầu mối trung ương trong việc tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, quyết định việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự trong đó có vấn đề dẫn độ (Điều 3 Hiệp định TTTP Việt Nam – Nga năm 2003, Điều 4 Hiệp định TTTP Việt Nam – Lào năm 1998; Điều 3 hiệp định TTTP Việt Nam – Mông Cổ năm 2000; Điều 4 Hiệp định TTTP Việt Nam – Ucraina năm 2000…). Về mặt nội dung, các hiệp định này đã quy khá chi tiết các cơ sở pháp lý để xác định các Bên có thực hiện việc dẫn độ hay không nhưng các vấn đề thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp nhận, xem xét, giải quyết các yêu cầu về dẫn độ thuộc pháp luật quốc gia và không được quy định trong các điều ước quốc tế nên đã gây ra những khó khăn, lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền của các Bên trong việc xử lý các yêu cầu về dẫn độ.
Ngày 12 tháng 3 năm 1984, Việt Nam ban hành thông tư liên Bộ số 139/TT – LN của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao về việc thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Thông tư này đã đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ về tương trợ tư pháp nói chung. Trong đó, vấn đề dẫn độ thuộc nhiệm vụ của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Điểm III.1 của Thông tư số 39/TTLB quy định Bộ Nội vụ thực hiện uỷ thác về điều tra hình sự theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, như lập hồ sơ về bắt giữ, thu giữ các tang chứng, vật chứng, khám xét, tạm giữ, tạm giam, dẫn độ bị can..., trừ trường hợp
khẩn cấp, phạm pháp quả tang. Tuy nhiên, các quy định về hình thức, phương pháp và hệ thống các cơ quan chức năng trong nước về dẫn độ cũng như sự phối hợp giữa Bộ Công an với các ngành chức năng khác chưa được thể hiện rõ trong thông tư này nên việc thực hiện dẫn độ nhìn chung chưa hiệu quả… Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng những đạo luật riêng về dẫn độ như Nhật Bản (Luật dẫn độ năm 1953, được bổ sung bằng Luật số 163 năm 1954, Luật số 86 năm 1964, Luật số 70 năm 1978); Trung Quốc (Luật dẫn độ năm 2000); Malaysia (Luật dẫn độ năm 1992); Angieri (Luật dẫn độ năm 1991),... Trong các đạo luật này, ngoài các quy định về nội dung cơ bản của dẫn độ, còn có thêm các quy định về thẩm quyền của các cơ quan có trách nhiệm trong hoạt động dẫn độ của quốc gia cũng như trình tự thủ tục dẫn độ người phạm tội của quốc gia đó. Luật quốc gia cũng được coi là một trong những cơ sở để quốc gia đó tiếp tục ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Trong các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam ký kết với các nước thời kỳ này, các nội dung về dẫn độ được quy định không thống nhất về bố cục, số lượng, cách sử dụng thuật ngữ. Chẳng hạn, trong việc quy định về nghĩa vụ dẫn độ
của các Bên ký kết, có Hiệp định sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm dẫn độ”, có Hiệp định lại sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ dẫn độ”, có Hiệp định lại sử dụng thuật ngữ “các trường hợp dẫn độ”... Hoặc trường hợp có nhiều nước cùng yêu cầu dẫn độ đối với cùng một đối tượng, có Hiệp định dùng thuật ngữ “nhiều nước yêu cầu dẫn độ”, có Hiệp định dùng thuật ngữ “xung đột yêu cầu dẫn độ”...Bên cạnh đó, bố cục của
các quy định về dẫn độ trong các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam và các nước cũng còn nhiều điểm không thống nhất.
Vấn đề dẫn độ được quy định một cách bó hẹp trong các hiệp định tương trợ tư pháp là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thiếu sót về luật áp dụng trong quan hệ dẫn độ giữa nước ta với các nước. Một số hiệp định quy định các nội dung về dẫn độ một cách cơ bản và khá sơ sài. Thêm vào đó, sự thiếu hụt của các quy định trong nước về dẫn độ gây ra những khó khăn và đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong nước khi giải quyết các yêu cầu dẫn độ đặc biệt là các quy định về trình tự thủ tục dẫn độ. Có thể thấy thời kỳ trước năm 2003, nước ta đang phục
hồi nền kinh tế sau chiến tranh, trong khoảng thời gian khá dài Nhà nước ta hầu như không quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, cho nên mặc dù đã ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, trong nước các Bộ ngành đã ban hành Thông tư liên Bộ số 139/TT – LN của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao về việc thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, song trên thực tế các hoạt động tương trợ tư pháp theo những nội dung quy định trong các Hiệp định này hầu như không được thực hiện một cách đầy đủ. Nói cách khác, các cơ quan nhà nước chưa quan tâm đúng mức đối với việc thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, chưa có sự phối hợp một cách thường xuyên và chặt chẽ trong các hoạt động tương trợ tư pháp phát sinh trên cơ sở Hiệp định. Do đó việc thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự nói chung, tương trợ trong lĩnh vực dẫn độ nói riêng thời kỳ này chưa hiệu quả.