Từ việc đánh giá các quy định của pháp luật về dẫn độ tội phạm cho thấy, dẫn độ thể hiện sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm mà cụ thể là sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền thông qua các trình tự, thủ tục tiến hành chuyển giao người phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt. Do đó, hoạt động dẫn độ sẽ gắn bó mật thiết với các quy định của tố tụng
hình sự và cần thiết được hoàn thiện trong bộ luật tố tụng hình sự. Để góp phần xây dựng, hoàn thiện phần hợp tác quốc tế trong Bộ luật TTHS (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ hợp thứ 10 (tháng 10 năm 2015) đặc biệt là các quy định về dẫn độ, tác giả luận văn xin đưa ra một vài kiến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất, xác định phạm vi điều chỉnh của Luật TTHS về dẫn độ
Chế định dẫn độ là tổng hợp các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong hoạt động dẫn độ, nên một số quốc gia đưa tất cả các qui phạm này vào trong một văn bản được gọi tên là “Luật dẫn độ” như Nhật Bản, Trung quốc, Hoa Kỳ, Canada… Tuy nhiên, ở nước ta trên cơ sở những điều ước quốc tế về dẫn độ đã ký kết, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật qui định về nguyên tắc, điều kiện, thủ tục làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện dẫn độ. Trong số các văn bản đã được ban hành, đáng chú ý là Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và Phần thứ tám BLTTHS 2003: Hợp tác quốc tế trong đó có nội dung dẫn độ….Bộ luật TTHS và Luật tương trợ tư pháp cùng điều chỉnh vấn đề dẫn độ như một nội dung của việc hợp tác quốc tế về hình sự. Tuy nhiên, việc quy định cùng một vấn đề trong hai văn bản luật sẽ dễ dẫn đến những trùng lặp, thiếu đồng nhất, gây khó khăn khi áp dụng pháp luật. Cụ thể, cả BLTTHS và Luật tương trợ tư pháp cùng quy định nội dung của dẫn độ là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ người có hành vi phạm tội để thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt hoặc thực hiện yêu cầu dẫn độ người phạm tội của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Quy định này được ghi nhận tại Điều 343 BLTTHS và khoản 2 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp. Hay việc cả BLTTHS và Luật tương trợ tư pháp cùng quy định về các trường hợp từ chối dẫn độ là không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tính khoa học và thống nhất của văn bản pháp luật. Vì vậy, trong điều kiện chưa thể có luật chung, cần phải phân định rạch ròi phạm vi điều chỉnh của các văn bản về dẫn độ để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót những nội dung cần thiết. Theo tác giả luận văn, việc hoàn thiện BLTTHS được tiến hành theo hướng xác định phạm vi điều chỉnh của BLTTHS để tránh trùng lặp với
Luật tương trợ tư pháp, trong đó phần Hợp tác quốc tế chỉ điều chỉnh: (1) Những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, cơ bản về dẫn độ trong tố tụng hình sự; (2) Những vấn đề về trình tự, thủ tục tố tụng có liên quan đến dẫn độ để giải quyết vụ án hình sự mà Luật tương trợ tư pháp năm 2007 chưa quy định. Cụ thể là: (1) Quy định phạm vi dẫn độ; (2) Xác định nguyên tắc dẫn độ; (3)Vấn đề áp dụng pháp luật; (4) Cơ quan trung ương trong hoạt động dẫn độ; (5) Việc tiến hành tố tụng của người có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài và ngược lại; (6) Trình tự, thủ tục xử lý trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam; (7) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ của nước ngoài hoặc thi hành quyết định dẫn độ.
Thứ hai, Pháp luật hiện hành về dẫn độ chưa có quy định về việc xử lý trường
hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam. Các quy định pháp luật dẫn độ trong nước cũng như các văn bản pháp lý quốc tế Việt Nam đã ký kết về dẫn độ đều ghi nhận nguyên tắc không dẫn độ công dân của nước mình [35, điểm a, khoản 1, Điều 35]; [35, Điều 343, khoản 1, điểm a]. Điều này được hiểu là, khi một quốc gia có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền dẫn độ công dân Việt Nam thì nước ta có quyền từ chối dẫn độ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu thực sự công dân Việt Nam đã thực hiện một tội phạm ở nước ngoài và hành vi này thỏa mãn cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam thì việc xử lý công dân này được thực hiện như thế nào nếu Việt Nam không dẫn độ công dân đó cho nước yêu cầu? Hầu hết pháp luật quốc tế đều thừa nhận nguyên tắc trong trường hợp nước được yêu cầu dẫn độ từ chối dẫn độ công dân của mình thì quốc gia đó phải giao người bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử theo thủ tục tố tụng của quốc gia mình. Việc không quy định việc xử lý công dân Việt Nam trong trường hợp từ chối dẫn độ đã gây ra sự lúng túng cho các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam, dễ dẫn tới bỏ lọt tội phạm hoặc gây tổn hại trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ. Vì vậy, cần bổ sung quy định xử lý công dân Việt Nam trong trường hợp bị các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam từ chối dẫn độ. Cụ thể như sau:
“Điều... Xử lý trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam
Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài”.
Thứ ba, Luật hiện hành chưa có quy định về thủ tục chuyển yêu cầu dẫn độ
của Việt Nam cho phía nước ngoài. Mặc dù việc dẫn độ được đảm bảo thực hiện theo hai chiều, tức là Việt Nam có thể là nước yêu cầu quốc gia khác dẫn độ người phạm tội hoặc thực hiện yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác. Nội dung này đã được thể hiện tại các điểm a khoản 2 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, tuy nhiên, các quy định hiện hành mới chỉ có các quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, xem xét giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ngoài đối với Việt Nam mà chưa có các quy định về thủ tục chuyển yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cho phía nước ngoài. Sự thiếu hụt các quy định này có thể gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi có nhu cầu dẫn độ người phạm tội về Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt. Thực tế, có nhiều trường hợp, hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã bị trả lại do cơ quan gửi đi không đúng thẩm quyền. Các nội dung thông tin, tài liệu, hay ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ không đảm bảo yêu cầu cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc
giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ta. Vì vậy, cần có điều luật qui định trình tự,
thủ tục chuyển yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cho nước ngoài, theo hướng làm rõ trách nhiệm của cơ quan Việt Nam chuyển yêu cầu cho nước ngoài, thời hạn và thủ tục chuyển yêu cầu dẫn độ, cũng như việc theo dõi và xử lý vụ việc khi có phúc đáp của bên được yêu cầu.
Thứ tư, Về vấn đề thời hạn giải quyết yêu cầu dẫn độ, BLTTHS 20013 chưa
có quy định về vấn đề này. Luật tương trợ tư pháp không có quy định tổng thời hạn cho toàn bộ quá trình tiếp nhận, xem xét, giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ngoài đối với Việt Nam mà chỉ quy định về thời hạn giải quyết yêu cầu dẫn độ theo phạm
vi thẩm quyền của từng cơ quan. Thời hạn giải quyết yêu cầu về dẫn độ do đó có thể kéo dài hàng năm, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án của phía nước ngoài cũng như ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong quan hệ với các nước khác. Từ phân tích trên, tác giả luận văn chia sẻ ý tưởng và tán đồng với Dự thảo BLTTHS tháng 5 năm 2015 được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII qui định thời hạn cho từng hoạt động dẫn độ cụ thể, đối với những trừng hợp Luật tương trợ tư pháp chưa quy định [36, Điều 474]. Tuy nhiên, cả Luật tương trợ tư pháp 2007 và Dự thảo BLTTHS đều chưa qui định tổng thể thời hạn dẫn độ nên cần có qui định về thời hạn cho toàn bộ quá trình dẫn độ.
Thứ năm, về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong dẫn độ người
phạm tội. Điều 41 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 quy định cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể tiến áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người bị yêu cầu dẫn độ để đảm bảo cho việc xem xét dẫn độ. Việc quy định áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người bị yêu cầu dẫn độ là cần thiết bởi trong một số trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ có thể tìm cách trốn tránh hoạt động xem xét dẫn độ của cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam. Tuy nhiên, quy định của luật hiện hành chưa chỉ rõ những biện pháp ngăn chặn nào có thể được áp dụng với người bị yêu cầu dẫn độ? Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định các biện pháp ngăn chặn gồm bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Nhưng người bị yêu cầu dẫn độ là một chủ thể đặc biệt vì thường có liên quan đến yếu tố nước ngoài, do đó, các biện pháp ngăn chặn được áp dụng cũng cần phù hợp tránh sự tùy nghi gây ra những vi phạm về quyền con người. Tác giả đồng ý và chia sẻ quan điểm với dự thảo BLTTHS về vấn đề này, cụ thể như sau [36, Điều 475, 476, 477, 478]:
“Điều 475. Các biện pháp ngăn chặn, căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn (mới)
1. Các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ bao gồm: bắt, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh
2. Biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng đối với người bị xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc bị dẫn độ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ đối với người đó hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã có hiệu lực pháp luật;
b) Có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ.
3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao quyết định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn quy định tại khoản 1 Điều này. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ có quyền quyết định việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp đặt tiền để bảo đảm sự có mặt của người bị yêu cầu dẫn độ tại phiên họp.
Điều 476. Bắt, tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ (mới)
1. Trình tự, thủ tục bắt người bị yêu cầu dẫn độ để tạm giam nhằm bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ thực hiện theo quy định tại Điều 87 của Bộ luật này.
2. Thời hạn tạm giam để xem xét yêu cầu dẫn độ không được vượt quá thời hạn giam giữ trong lệnh bắt, giam giữ của cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ hoặc thời hạn phải thi hành hoặc còn phải thi hành hình phạt tù trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước yêu cầu dẫn độ.
Trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao có thể gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ ra lệnh tạm giam (hoặc gia hạn tạm giam) người bị yêu cầu dẫn độ để bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu được gửi thông qua Bộ Công an.
Điều 477. Cấm đi khỏi nơi cư trú (mới)
1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Toà án
2. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được thực hiện theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật này.
3. Thời hạn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú không được vượt quá thời hạn bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ và thời hạn xem xét quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ bị kháng cáo, kháng nghị quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 40 Luật tương trợ tư pháp.
Điều 478. Đặt tiền để bảo đảm (mới)
1. Biện pháp đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ căn cứ vào tình trạng tài sản của người đó nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Tòa án.
2. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thực hiện theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật này”.