Các nguyên tắc của dẫn độ

Một phần của tài liệu Chế định dẫn độ trong hợp tác quốc tế theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 29)

1.2.2.1. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia

Chủ quyền quốc gia là tối cao và bất khả xâm phạm thể hiện qua quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế cũng như hoạt động dẫn độ tội phạm. Nội dung của nguyên tắc này được thể hiện trong tuyên bố của Liên Hợp Quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế năm 1970 với các yếu tố sau: 1) Về mặt pháp lí các quốc gia đều bình đẳng; 2) Mỗi nước đều sử dụng các quyền thuộc chủ quyền đầy đủ; 3) Mỗi nước có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các nước khác; 4) Tính toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của nhà nước là bất khả xâm phạm; 5) Mỗi nước có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, xã hội, kinh tế và văn hoá của mình; 6) Mỗi nước có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ quốc tế của mình và sống trong hoà bình với các nước khác. Trong hoạt động dẫn độ nguyên tắc này được thể hiện như sau: khi một quốc gia nhận được một yêu cầu dẫn độ thì quốc gia đó có quyền từ chối hay chấp nhận tùy vào pháp luật dẫn độ của nước mình hay các điều ước quốc tế mà mình đã ký kết hoặc tham gia. Quốc gia yêu cầu chỉ được tiếp nhận đối tượng sau khi quốc gia được yêu cầu thực hiện xong các hoạt động liên quan đến dẫn độ. Do dẫn độ tội phạm là vấn đề trực tiếp có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, nó không tồn tại dưới dạng nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ với các quốc gia khác nên quốc gia được yêu cầu sẽ không buộc phải dẫn độ người phạm tội nếu quốc gia này không muốn làm việc đó.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, mỗi quốc gia không thể tồn tại riêng lẻ mà không có sự hợp tác, chia sẻ với các quốc gia khác. Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đang phát triển ở phạm vi toàn cầu thì nhu cầu về sự hợp tác giữa các quốc gia để dẫn độ những người phạm tội càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, bởi mỗi quốc gia không thể đảm bảo trong mọi trường hợp đều có thể tiến hành xử lý hình sự đối với người phạm tội khi người đó có thể tự do di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trong trường hợp này, yếu tố chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực dẫn độ tội phạm thường được thể hiện một cách linh hoạt thông qua việc các quốc gia sử dụng nguyên tắc có đi có lại hoặc đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế về dẫn độ để thực hiện dẫn độ người phạm tội cho một bên phù hợp để bên đó tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người phạm tội.

1.2.2.2. Nguyên tắc có đi có lại

Đây là nguyên tắc pháp lý cần thiết để đảm bảo việc dẫn độ tội phạm có hiệu quả. Nội dung của nguyên tắc này quy định: nước được yêu cầu dẫn độ sẽ chấp nhận dẫn độ với sự đảm bảo rằng nước có yêu cầu giúp đỡ cũng sẽ chấp nhận và thực hiện một yêu cầu như vậy của nước được yêu cầu trong tương lai. Cơ sở của sự có đi có lại trong hoạt động dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia chính là nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng và chủ quyền giữa các quốc gia. Bởi thực chất vấn đề dẫn độ không tạo ra sự bắt buộc phải thực hiện yêu cầu dẫn độ giữa quốc gia yêu cầu với quốc gia được yêu cầu mà thể hiện sự thiện ý, thỏa thuận và thống nhất giữa các quốc gia. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đồng nghĩa với sự trao đổi ngang bằng và ngay lập tức, mà tùy từng trường hợp để quyết định có thực hiện yêu cầu hợp tác của bên đối tác hay không. Nguyên tắc có đi có lại thường được ghi nhận trong các đạo luật quốc gia của các nước như: Luật về dẫn độ tội phạm năm 1958 của Tây Ban Nha, đạo luật năm 1870 của đại công quốc Luxembua, đạo luật năm 1954 của Ixraen, Bộ luật tố tụng hình sự của Tây Ban Nha, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 của Việt Nam.…

Nguyên tắc có đi có lại là nguyên tắc bao trùm, định hướng cho các quốc gia trong việc ký kết các điều ước cũng như xây dựng các quy định liên quan đến dẫn độ đồng thời xác định các trường hợp có thể dẫn độ khi một quốc gia nhận được yêu cầu dẫn độ, nhất là khi giữa các quốc gia chưa ký kết các điều ước quốc tế quy định các nội dung về dẫn độ. Thực tế cho thấy, khi hai quốc gia chưa có các điều ước về dẫn độ thì nguyên tắc có đi có lại được coi là cơ sở quan trọng để các quốc gia thực hiện dẫn độ người phạm tội. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này cũng có thể đưa đến rủi ro nhất định như việc nước yêu cầu không thực hiện đúng cam kết của mình (dẫn độ trong trường hợp tương tự) có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của hai nước hoặc khi hai nước chưa có hiệp định về dẫn độ mà luật một nước quy định chỉ áp dụng việc dẫn độ theo điều ước quốc tế thì việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại để dẫn độ người phạm tội trong trường hợp này rất khó thực hiện. Do đó, các nước theo hệ thống pháp luật Common law chỉ dẫn độ khi nước yêu cầu và nước được yêu cầu đã ký kết các hiệp ước song phương về dẫn độ, trong khi các nước theo hệ thống pháp luật Civil law lại coi nguyên tắc có đi có lại là cơ sở để giải quyết các trường hợp dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia khi các nước này chưa có hiệp ước về dẫn độ.

1.2.2.3. Nguyên tắc định tội danh kép

Đây là nguyên tắc đặc thù trong dẫn độ tội phạm được hầu hết các nước áp dụng. Nội dung của nguyên tắc này là đối tượng bị yêu cầu dẫn độ chỉ có thể được dẫn độ khi hành vi của họ được định danh là hành vi tội phạm theo luật quốc gia của cả nước yêu cầu và nước nhận được yêu cầu dẫn độ. Nếu pháp luật của hai nước không thỏa mãn điều kiện này thì quốc gia được yêu cầu có quyền từ chối dẫn độ. Như vậy, quốc gia yêu cầu không thể yêu cầu dẫn độ người phạm tội nếu như hành vi của người đó không cấu thành tội phạm theo pháp luật nước mình, ngược lại, quốc gia được yêu cầu cũng có quyền từ chối dẫn độ nếu hành vi của người bị yêu cầu không cấu thành tội phạm theo pháp luật của quốc gia đó. Thêm vào đó, tội phạm mà người bị dẫn độ thực hiện phải được định mức hình phạt cụ thể phù hợp pháp luật của cả hai nước được thể hiện trong luật quốc gia của mỗi nước hoặc theo thỏa thuận giữa các quốc gia trong điều ước quốc tế đã được ký kết.

Quy định về định tội danh kép được các quốc gia sử dụng khá phổ biến trong các hiệp ước song phương và đa phương về dẫn độ. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này cũng có những khó khăn nhất định khi hệ thống pháp luật của các quốc gia không có sự tương đồng. Trên thực tế, luật pháp của các quốc gia khác nhau thường sẽ có sự khác nhau trong việc định nghĩa và phân loại hành vi phạm tội, hoặc cùng hành vi sẽ bị trừng phạt bằng hình luật thì lại được gọi bằng tên tội phạm khác nhau. Trong khi đó vì nguyên tắc độc lập chủ quyền, các quốc gia không thể điều tra hệ thống pháp luật của nhau để xác định sự phù hợp của tội phạm bị dẫn độ. Ngoài ra, nếu thời hiệu tố tụng hình sự đã chấm dứt hoặc có các đao luật ân xá theo pháp luật của một trong hai nước thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng không thể thực hiện được. Điểm c khoản 1 Điều 3 hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và

Hàn Quốc cũng đã quy định rõ về vấn đề này: “Khi việc truy cứu trách nhiệm hình

sự hay áp dụng hình phạt đối với tội phạm được yêu cầu dẫn độ bị cản trở do quy định về thời hiệu pháp luật của bên được yêu cầu quy định đối với tội phạm như vậy nếu tội đó cũng được thực hiện tại Bên được yêu cầu”.

Để khắc phục tình trạng này, các quốc gia thường tiến hành so sánh hệ thống pháp luật của nhau để tìm ra điểm tương đồng trong các tội phạm được yêu cầu dẫn độ. Theo đó, không nhất thiết các tội phạm được định danh hay có cấu thành tội phạm phải giống nhau tuyệt đối mà chỉ cần có một số điểm tương đồng thì các quốc gia có thể tiến hành dẫn độ. Quan điểm này được nhiều quốc gia ủng hộ bởi bản chất của nguyên tắc tội phạm kép là sự thống nhất về nội dung hành vi của tội phạm chứ không phải là sự trùng hợp về tên gọi của tội phạm.

Nguyên tắc dẫn độ tội phạm kép được mở rộng trong cả trường hợp v́ một số lư do khách quan như vị trí tự nhiên hay các điều kiện kinh tế xã hội mà trong hệ thống pháp luật của nước được yêu cầu không quy định tội phạm được yêu cầu dẫn độ. Ví dụ, Lào là quốc gia không có biển nên BLHS của Lào không quy định tội cướp biển, trong trường hợp này nếu vận dụng nguyên tắc tội phạm kép thì sẽ không thực hiện được việc dẫn độ nếu một quốc gia khác yêu cầu Lào dẫn độ người phạm tội cướp biển. Tuy nhiên, các quốc gia cần linh hoạt để đảm bảo tội phạm không có cơ hội được trốn thoát.

1.2.2.4. Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình

Việc điều chỉnh vấn đề dẫn độ luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với quốc tịch cá nhân bị yêu cầu dẫn độ. Nội dung của nguyên tắc không dẫn độ công dân của quốc gia được yêu cầu là: nếu người được yêu cầu dẫn độ là công dân của quốc gia được yêu cầu thì nước này có quyền từ chối dẫn độ người đó cho nước yêu cầu. Nguyên tắc này thường được đặt ra khi đối tượng bị dẫn độ là các cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội và bị xét xử hoặc người bị tình nghi thực hiện hành vi tội phạm đang lẩn trốn ở ngoài lãnh thổ của quốc gia yêu cầu dẫn độ và cư trú tại quốc gia anh ta là công dân.

Nguyên tắc không dẫn độ công dân được ghi nhận trong rất nhiều các văn bản pháp lý quốc tế cũng như trong pháp luật của các quốc gia về dẫn độ.

Điều 6 (1), công ước Châu Âu năm 1957 về dẫn độ tội phạm quy định: “mỗi

bên ký kết có quyền từ chối dẫn độ công dân của mình”.

Điểm a, Điều 4 – Hiệp định dẫn độ mẫu của Liên Hiệp Quốc quy định: “việc

dẫn độ có thể bị từ chối: a) Nếu người bị yêu cầu dẫn độ là người người của nước được yêu cầu.

Các văn bản khác như Tuyên bố chung của hội nghị quốc tế lần thứ III về thống nhất hóa luật quốc tế, Công ước năm 1948 về tội phạm diệt chủng, Quy chế của các tòa án quân sự quốc tế Nurumberg và Tokyo, công ước năm 1968 về việc không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với các tội phạm chiến tranh và tội phạm chống loài người; công ước của các quốc gia thuộc SNG năm 1993 về tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự [21, tr.333]… đều có các điều khoản quy định về việc không dẫn độ công dân của nước mình.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 của Việt Nam và tất cả hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, hiệp định dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết với các nước đều quy định nguyên tắc không dẫn độ công dân là

trường hợp bắt buộc để từ chối dẫn độ.

Nguyên tắc không dẫn độ công dân được áp dụng khá phổ biến ở các quốc gia theo hệ thống pháp luật Civil – Law. Những quan điểm bảo vệ nguyên tắc này

cho rằng, việc tiến hành các thủ tục tố tụng sẽ được đảm bảo và hiệu quả hơn nếu người phạm tội được truy tố, xét xử và thi hành án tại quốc gia nơi anh ta là công dân, đây cũng được coi là môi trường tốt nhất để người phạm tội phục hồi nhân phẩm. Thêm vào đó xét xử công dân là quyền và trách nhiệm thuộc về chủ quyền của mỗi quốc gia mà họ không thể từ chối khi công dân của mình thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, để đảm bảo không có một sự nhân nhượng mang tính chủ quan nào đối với người phạm tội cũng như bỏ lọt tội phạm từ quốc gia mà anh ta là công dân, các nước đều thống nhất rằng, khi nước được yêu cầu không thực hiện dẫn độ công dân của mình thì có nghĩa vụ chuyển giao vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền của nước mình để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự cần thiết xét xử người bị yêu cầu dẫn độ, đồng thời, thông báo cho các quốc gia yêu cầu dẫn độ được biết.

Điều 6 (2) công ước Châu Âu 1957 quy định: “Nếu bên được yêu cầu dẫn độ

không dẫn độ công dân của mình thì theo đề nghị của bên yêu cầu, bên được yêu cầu phải giao người phạm tội cho các cơ quan có thẩm quyền của mình độ thực hiện những thủ tục mà họ cho là phù hợp”.

Trên thực tế, nguyên tắc không dẫn độ công dân sẽ rất dễ ràng thực hiện nếu như tư cách (quốc tịch) của công dân đó được xác định hay nói cách khác anh ta chỉ có một quốc tịch nhưng sẽ rất khó khăn để áp dụng nguyên tắc này nếu như người bị yêu cầu dẫn độ có từ hai quốc tịch trở lên. Bên cạnh đó, khái niệm “công dân” cũng được hiểu khác nhau ở nhiều nước, ví dụ như Đan Mạch và Thụy Điển coi công dân của Na Uy là công dân của mình. Điều này dẫn đến tình huống, khi có yêu cầu dẫn độ thì xung đột quốc tịch sẽ làm cho việc dẫn độ khó thực hiện. Mặt khác, nguyên tắc này có thể dẫn đến việc miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với một số người phạm tội ẩn náu trên đất nước của anh ta nếu quốc gia được yêu cầu không có thẩm quyền xét xử hành vi phạm tội đó. Chính vì lý do này mà luật nhiều nước đã cho phép thực hiện dẫn độ ngay cả khi người bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước mình, điển hình như Áo, Anh, Ixraen, Ấn độ, Canada… [21, tr. 333]. Ngoài ra, nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình không được áp dụng khi các cá nhân thực hiện các tội ác quốc tế như: tội phạm chống hòa bình, tội chống nhân loại, tội

phạm chiến tranh, tội diệt chủng, tội phân biệt chủng tộc… Bởi đây là những tội phạm đặc biệt nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh nhân loại. Do đó, các nước có nghĩa vụ dẫn độ công dân của nước mình cho nước ngoài xét xử nếu công dân của họ thực hiện một trong các tội phạm này.

1.2.2.5. Nguyên tắc không dẫn độ người phạm tội về chính trị

Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX tại Pháp, khi quốc gia này quy định những người vì động cơ chính trị chống lại chế độ phong kiến trong thời kỳ cách mạng tư sản không được coi là đối tượng bị dẫn độ trong các điều ước quốc tế. Hiện nay, nguyên tắc này đã được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế và được ghi nhận trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương về dẫn độ giữa các quốc gia. Nội dung của nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị được hiểu là nước được yêu cầu có

Một phần của tài liệu Chế định dẫn độ trong hợp tác quốc tế theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)