Tài nguyên rừng

Một phần của tài liệu Đặc điểm tái sinh tự nhiên của thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới tại vườn quốc gia bạch mã thừa thiên huế (Trang 46)

* Hiện trạng tài nguyên rừng:

- Rừng giàu (IIIA3 - IV):

Loại rừng này phân bố xung quanh các đỉnh núi, khu vực động Nôm, động Bạch Mã, động Kijao, động Truồi, khu vực núi Mang,... Rừng ở đây chia làm 3-5 tầng. Tầng vượt tán cao 25 - 30 m, tầng ưu thế sinh thái có tán liên tục, cao 18 - 25 m do nhiều loài cây hình thành như Chò chai, Dầu, Ươi, Trâm, Kiền, Huỷnh,... Ở

độ cao trên 900 m ưu thế các loài cây lá kim như Kim giao, Hoàng đàn giả, Thông tre,...

- Rừng trung bình (IIIA2): Trạng thái rừng này được hình thành do rừng chiến tranh tác động, hoặc bị nhân dân khai thác chọn các cây gỗ quý và gỗ lớn, về thành phần loài và kết cấu tầng tán gần giống như rừng trạng thái rừng giàu. Các loài cây như Hoàng đàn, Kha thụ chẻ, Dẻ, Chò nhai vẫn chiếm ưu thế ở độ cao dưới 900 m.Tầng cây gỗ ưu thế sinh thái không liên tục.

- Rừng nghèo (IIIA1): Trạng thái rừng này phân bố ở vùng thấp gần khu dân cư và một số đỉnh núi, nơi bị chiến tranh tàn phá trước đây. Đây là kết quả của việc bị rải chất độc hóa học nhiều lần và việc khai thác gỗ từ ngày giải phóng miền Nam tới khi thành lập vườn tới nay. Tùy mức độ bị tác động mà tổ thành loài và kết cấu tầng tán có khác nhau gồm các loài cây của họ dầu và một số họ khác. Tuy nhiên cây gỗ lớn còn lại là những cây bị sâu bệnh hoặc phẩm chất gỗ kém.

- Rừng phục hồi (IIA, IIB): Gồm rừng phục hồi sau nương rẫy (IIA) và Rừng phục hồi sau khai thác kiệt (IIB). Thực vật tạo rừng chủ yếu là các loài cây ưa sáng mọc nhanh như Thôi chanh, Thôi ba, Ba soi, Ba bét, Ngát... và một số loài cây của kiểu rừng cũ như Chò chai, Re, Mò, Bời lời, Trâm,... với số lượng ít.

* Hiện trạng thảm thực vật rừng:

- Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới: Kiểu rừng này phân bố ở những nơi có độ cao trên 900 m, rừng ở đây còn tồn tại chủ yếu rừng giàu và trung bình. Đối với tầng cây gỗ, kết quả điều tra đã xác định thành phần các loài ưu thế ở kiểu rừng này như sau: Hoàng đàn giả, Dẻ, Dẻ cau, Giổi, Sồi, Sổ đá, Thông nàng, Hồi hoa nhỏ, Gò đồng,...

- Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới: Kiểu rừng này phân bố ở những nơi có độ cao dưới 900 m. Kiểu rừng này gồm đầy đủ các trạng thái rừng giàu, trung bình, nghèo và phục hồi. Đối với rừng gỗ, kết quả điều tra đã xác định các loài ưu thế ở kiểu rừng này là: Hoàng đàn, gò đồng, Dầu, Chò, Dẻ, Ươi, Sâng, Huỷnh, Kiền kiền, Chân chim, Mít nài, các loài Trâm, Màng tang,...

* Đa dạng tài nguyên động thực vật rừng:

- Đa dạng về thành phần loài: Kết quả điều tra đã phát hiện trong Vườn Quốc Gia Bạch Mã có 1.728 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 765 chi và 193 họ đã được định loại. Hệ nấm lớn có 332 loài thuộc 132 chi và 55 họ, 28 bộ, 4 lớp trong 3 ngành. Hệ rêu gồm 87 loài của 54 chi thuộc 25 họ trong 2 lớp. Về động vật kết quả điều tra cho thấy có 599 loài động vât có xương sống, trong đó có 132 loài thú, 358 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 57 loài cá. Trong tổng số các loài động vật có xương sống hiện thống kê được, đã có đến 65 loài được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam là những loài cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra còn ghi nhận thêm 894 loài côn trùng thuộc hệ động vật không xương sống, đưa tổng số loài động vật toàn Vườn lên tới 1.493 loài [37].

- Đa dạng về giá trị sử dụng: Mỗi loài động thực vật có những giá trị sử dụng riêng như làm thuốc, cây cảnh, thực phẩm, tinh dầu,... có những loài có thể đáp ứng nhiều mục đích khác nhau của con người như cho gỗ, cho quả, cho nhựa,...

Một phần của tài liệu Đặc điểm tái sinh tự nhiên của thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới tại vườn quốc gia bạch mã thừa thiên huế (Trang 46)